Home Kỹ thuật trang trại Yêu cầu về chỗ nuôi trùn quế

Yêu cầu về chỗ nuôi trùn quế

by Học Làm Vườn

Yêu cầu của một chỗ nuôi trùn quế cần đảm bảo 2 điều kiện:

  • Một là, có một nền cứng hoặc một nền ngăn cách với mặt đất.
  • Hai là, có mái che. Hai điều kiện này cần được vận dụng linh hoạt tùy từng nơi.

1/ Đồng bằng Bắc Bộ

Ở đồng bằng Bắc bộ, bà con thường bố trí nơi nuôi giun ở sân gạch. Nền xi măng cứng sẽ ngăn cách với mặt đất. Ta chỉ việc lợp cho chúng một cái mái. Có thể lợp bằng lá mía hoặc giấy dầu đều được.

Ở những vùng cao, điều kiện có nhiều khó khăn, nhân dân còn ở nhà đất là chủ yếu. Vì vậy, không thể kiếm được nền cứng. Bà con đã làm chỗ nuôi giun theo cách sau: chọn một chỗ đất cao, nện chặt nền đất, quây thành luống, lợp cho nó một cái mái như kiểu lều chợ, xung quanh đào một rãnh sâu để nếu mưa thì nước sẽ thoát đi. Như vậy, cũng có thể nuôi giun vào đó được.

nuoi-trun-que1
Chỗ nuôi trùn quế điển hình

2/ Đồng bằng Sông Cửu Long

Ở đồng bằng sông Cửu Long hoặc các vùng cát duyên hải miền Trung, bà con ta lại quây bồn ni-lon làm chỗ nuôi giun. Ta làm như bồn chứa nước, chiều cao chỉ cần 45 – 50 cm. Bồn có thể rộng 2 mét vuông hoặc vài chục mét vuông. Xung quanh ta dùng hệ thống cọc, kèo bằng tre để lợp tấm che bồn. Bên trên bồn phải căng ni-lon để che mưa.

3/ Thành phố, thị trấn

Ở các thành phố, thị trấn, nhiều người nuôi gà, nuôi cá, nuôi chim cảnh, nuôi nhím,… cũng tổ chức nuôi giun. Tốt nhất, nên dùng một gian nhà kho bỏ không để làm chỗ nuôi giun. Cũng có nơi do hoàn cảnh hẹp, họ có thể nuôi giun trong thùng gỗ, bồn tắm hỏng, trong chậu vại,…

4/ Theo mục đích sử dụng

Có những người chuyên đi câu, họ chỉ cần một lượng giun rất ít. Vì vậy, họ có thể nuôi trong những diện tích nhỏ như trong chậu trồng cây, nồi đất, chậu thau, thùng gỗ hoặc hộp gỗ,… Đa số bà con nông dân nuôi giun để làm thức ăn cho cá, cho gà, vịt ngan và cả cho heo nữa.

Gần đây, nhiều nhà lại nuôi giun để cung cấp cho các loài thủy sản như tôm, cua, ba ba, ếch, lươn,… vì vậy, diện tích nuôi phải lớn, bà con nên thu xếp để có được một diện tích nuôi hợp lý. Thông dụng nhất là nuôi bằng luống. Luống nuôi giun được bố trí ở nơi có nền cứng. Ta có thể dùng gạch, dùng ván bìa, dùng thân cây chuối quây lại thành luống.

5/ Quy cách chỗ nuôi trùn quế

Có người cho rằng phải xây kín, vững chắc. Suy nghĩ như vậy có không đúng. Vật liệu quây thành luống chỉ có nhiệm vụ để giữ cho phân khỏi tràn ra ngoài. Thậm chí, khi tưới quá nhiều nước. Nước có thể thoát ra ngoài dễ dàng chứ không bị ứ đọng trong luống. Vậy, giun có thể theo các kẽ hở đó bỏ đi không?

Không, giun là loài hạ đẳng. Chỗ nào nhiều phân là chúng ở lì tại đó. Vì vậy, giun không rời khỏi đống phân đã đổ dày trong luống. Luống nên cao từ 25 – 30cm, rộng 1m và dài tùy ý (kinh nghiệm nhiều người nuôi cho rằng luống chỉ nên dài 3 – 5m là vừa và tiện chăm sóc). Trên luống phải lợp mái che. Tuyệt đối không để mưa xối vào luống nuôi. Giun có thể sống với độ ẩm cao nhưng không chịu được điều kiện mưa xối xả. Bản năng của chúng là nếu mưa to tạt vào nơi ở, chúng sẽ bỏ chạy.

Do đó, cần phải có mái che cho luống nuôi. Mái che có thể bằng rơm rạ, bằng tranh lá mía hay bằng giấy dầu, bằng ni-lon đều được. Mái che nên cách mặt luống từ 1m trở nên. Nếu thấp quá, khó thao tác khi chăm sóc, thu hoạch, nếu cao quá mưa có thể hắt vào.

Luống nuôi được quây ở trong nhà là tốt nhất. Nếu bố trí nuôi ở giữa vườn hoặc cạnh ao, hồ thì phải quây ni-lon hoặc lưới xung quanh để bảo vệ. Cóc, nhái, ngóe, chẫu chàng… rất thích ăn giun. Phải luôn để mắt tới bọn này. Chúng thường ẩn lấp gần luống giun hoặc chui ngay vào trong luống giun và ăn giun rất dữ. Vì vậy, phải thường xuyên kiểm tra và đề phòng sự phá hoại của chúng.

Ta nuôi giun để cung cấp thức ăn cho gà, vịt, ngan, ngỗng. Thế nhưng, cũng không để chúng xông vào luống nuôi và bới tung lên. Chúng sẽ ăn hết cả giống. Vì vậy, cần đan một phên tre để đậy lên trên, tránh gà, vịt, chim vào ăn giun.

Theo chuyên gia Nguyễn Lân Hùng (Sách “Kỹ thuật nuôi trùn đất”) được HLV.vn tổng hợp

You may also like