Cây lưỡi mèo với hình dáng nhỏ xinh nhưng sức sống vô cùng mạnh mẽ, hiện đang là cây cảnh được nhiều người yêu thích, lựa chọn để làm đẹp cho ngôi nhà của mình.
Cây trúc mây và ý nghĩa tốt đẹp không phải ai cũng biết
Không chỉ đẹp, cây lưỡi mèo còn mang theo nhiều thông điệp ý nghĩa.
Cùng tìm hiểu về đặc điểm, cách trồng và chăm sóc cây lưỡi mèo qua bài viết dưới đây nhé.
Đặc điểm của cây lưỡi mèo
Cây lưỡi mèo có tên khoa học là Sansevieria trifasciata var. hahnii, thuộc họ Măng tây (Asparagaceae). Trong họ này còn có nhiều loài khác như cây lưỡi hổ, lưỡi cọp (Sansevieria trifasciata var. trifasciata), cây đuôi chồn hay sen đá kim cương…
Cây lưỡi mèo
Lưỡi mèo có nguồn gốc từ nhiều quốc gia, cả châu Á và châu Âu, kích thước nhỏ, sinh trưởng chậm, chiều cao của cây chỉ từ 15 – 40cm tùy điều kiện sống.
Cây không có thân rõ ràng mà là sự kết hợp của nhiều bẹ lá mọng nước hình thành. Các lá này có bẹ dày, dạng thuôn dài, nhọn ở đầu. Bề mặt và cạnh lá trơn, cùng với đó là các đường hoa văn cắt nang mặt lá.
Lá cây lưỡi mèo mọc xếp vào nhau, hướng lên trên thành hình ống, các lá non sẽ mọc từ bên trong như búp và xòe ra khi lớn, tạo nên hình dáng cây tròn đều, đẹp mắt.
Hoa lưỡi mèo có dạng chùm, màu trắng khá đẹp mắt. Không những vậy hoa còn tỏa mùi hương rất dễ chịu. Đáng tiếc là khi trồng cảnh thì cây rất ít khi ra hoa. Ngoài ra, cây còn có thể sống trong môi trường thủy sinh.
Cây có khả năng sống trong môi trường thủy sinh
Về đặc sinh sống, cây lưỡi mèo sinh trưởng chậm, có nhu cầu nước trung bình, ưa sáng gián tiếp, thích hợp với nhiều loại đất, nhìn chung là khá dễ chăm sóc.
Công dụng cây lưỡi mèo
Với ưu điểm là nhỏ gọn, dáng đẹp, lại sinh trưởng chậm, cây lưỡi mèo là lựa chọn hàng đầu để trồng trong chậu, làm cây để bàn trang trí.
Bạn có thể đặt cây ở cửa sổ, ban công, bàn học, bàn làm việc, bàn tiếp khách, quầy lễ tân… Nhà hàng, quán cà phê cũng thường đặt các chậu lưỡi mèo nhỏ xinh ở bàn dành cho khách.
Lưỡi mèo là cây cảnh rất được ưa chuộng
Ngắm nhìn cây lưỡi mèo cũng là cách để giải tỏa căng thẳng rất tốt. Cây còn rất được lòng giới văn phòng vì có khả năng thanh lọc không khí, loại bỏ những tia có hại từ máy tính.
Nhiều người còn dùng cây lưỡi mèo làm quà tặng trong các dịp lễ quan trọng, thay cho những lời chúc ý nghĩa.
Ý nghĩa phong thủy cây lưỡi mèo
Theo quan niệm dân gian, cây lưỡi mèo có khả năng xua đuổi tà khí, ma quỷ, được xem như tấm bùa hộ mệnh.
Trồng cây lưỡi mèo trong nhà hay văn phòng có thể giúp gia chủ mang lại may mắn, tài lộc, cuộc sống và công việc thuận lợi, thăng tiến.
Là món quà đầy ý nghĩa
Trong phong thủy, cây lưỡi mèo phù hợp với tất cả các tuổi, trong đó những người tuổi Hợi là phù hợp nhất. Những người tuổi này khi trồng cây sẽ phát huy tất cả tài vận mà cây lưỡi mèo mang lại.
Cách trồng cây lưỡi mèo
Vì cây lưỡi mèo rất hiếm khi ra hoa, nên bạn chỉ có thể nhân giống cây bằng phương pháp tách bụi. Hoặc tiện hơn thì mua một chậu con từ đại lý là được, giá cũng khá rẻ.
Chuẩn bị đất trồng
Cây lưỡi mèo có thể sống tốt trên nhiều loại đất, nhưng phù hợp nhất vẫn là đất pha cát. Bạn nên trộn thêm phân chuồng và xơ dừa để đảm bảo dinh dưỡng cho cây con cũng như khả năng thoát nước.
Chậu cây cũng rất quan trọng, không nên chọn chậu quá to so với cây, dưới đáy phải có lỗ thoát nước để tránh ngập úng.
Trồng cây
Khi cây mẹ đã lớn, bụi cây sẽ liên tục sinh thêm những chồi non, bạn chọn một chồi có từ 2 – 3 lá, rễ dài vừa đủ. Sau đó dùng dao sắc tách phần chồi này ra khỏi cây mẹ. Bạn nên tách chồi kết hợp với thay đất để ảnh hưởng tới cây mẹ ít nhất.
Sau khi tách chồi, bạn mang trồng ra chậu mới, nén đất nhẹ, đặt cây ở nơi thoáng mát, có biện pháp che chắn cẩn thẩn khi trời nắng gắt, tưới nước đều đặn để cây phát triển.
Trồng cây bằng phương pháp tách bụi
Nếu trồng thủy sinh: bạn không cần phải chuẩn bị đất, thay và đó chuẩn bị chậu thủy tinh, thêm nước hòa chút dung dịch dinh dưỡng. Sau khi đặt cây vào chậu, để phần rễ dưới nước, có biện pháp neo giữ để cây thẳng đứng và phần thân cây nằm phía trên mặt nước.
Chăm sóc cây lưỡi mèo
Cây lưỡi mèo có sức sống khá tốt, do đó quá trình chăm sóc cũng rất đơn giản, bạn chỉ cần chú ý một chút khi tưới nước là được.
Tưới nước
Lưỡi mèo không cần quá nhiều nước, đặc biệt khi trồng trong nhà lại cần ít hơn nữa. Thông thường bạn chỉ cần tưới cho cây 1 tuần 1 lần. Nếu thời tiết quá nắng nóng thì bạn có thể tăng lên 2 lần mỗi tuần.
Lượng nước tưới đủ để ẩm đất, tránh bị ngập úng. Nếu trồng thủy sinh thì tất nhiên là không cần tưới, thay vào đó hãy thay nước 2 – 3 tuần một lần.
Ánh sáng
Là loài ưa sáng, bạn nên đặt cây ở nơi nhiều ánh sáng có thể. Tuy nhiên khi cây còn nhỏ thì tiếp xúc với ánh nắng gắt từ mặt trời cũng không tốt, bạn nên có biện pháp che chắn vào thời điểm này.
Nếu đặt cây trong nhà, mỗi tuần bạn nên mang chậu cây ra ngoài trời khoảng 1 – 2 tiếng để kích thích cây quang hợp.
Đảm bảo đủ ánh sáng cho cây lưỡi mèo
Nhiệt độ
Lưỡi mèo sinh sống tốt trong khoảng nhiệt độ từ 18 – 30 độ C. Không những vậy cây còn chịu được biên độ nhiệt lớn, dưới 7 độ C cây mới dừng phát triển.
Dinh dưỡng
Cây lưỡi mèo có thể sinh trưởng tốt trên cả đất khô cằn, do đó nhu cầu dinh dưỡng không quá khắt khe. Tốt nhất là khoảng 4 tháng bạn bón cho cây một ít phân NPK, sau một năm thì thay đất một lần.
Nếu trồng thủy sinh thì mỗi tháng thêm cho cây ít phân tan trong nước là được.
Phòng trừ sâu bệnh
Bạn không cần quá lo lắng về vấn đề sâu bệnh, bởi cây lưỡi mèo tự phòng chống khá tốt. Bạn chỉ cần quan sát, nếu thấy lá vàng úa thì cắt bỏ. Thi thoảng nếu phát hiện sâu rầy thì mua thuốc về phun là được.
Với những thông tin trên, chắc hẳn bạn đã có thể tự tay trồng và chăm sóc một vài cây lưỡi mèo cho riêng mình rồi.
Một chậu lưỡi mèo vừa đẹp vừa ý nghĩa đặt trên bàn thì còn gì tuyệt hơn nữa phải không nào.
Chúc bạn thành công.