Xương rồng tai thỏ với dáng vẻ độc đáo, hiện đang được nhiều người yêu thích và chọn làm cây cảnh trang trí trong không gian sống.
Cây mai tứ quý – cách trồng và chăm sóc cho hoa nở đẹp
Không chỉ vậy, cây xương rồng tai thỏ còn mang tới nhiều công dụng khác đầy bất ngờ.
Để tìm hiểu rõ hơn, chúng ta cùng điểm qua những thông tin trong bài viết này nhé.
Đặc điểm của xương rồng tai thỏ
Xương rồng tai thỏ có tên khoa học là Opuntia microdasys, đây là một loài thực vật có hoa thuộc chi Xương rồng (Opuntia), họ Xương rồng (Cactaceae), có thể bạn bất ngờ nhưng loài này cùng họ với hoa quỳnh, hoa lan càng cua.
Cây có nguồn gốc từ Mexico, thường sinh sống tại các khu vực hoang mạc, bán hoang mạc. Tại Việt Nam, cây còn có tên gọi khác là Lê gai tai thỏ.
Cây xương rồng tai thỏ
Về đặc điểm, cây thường chỉ mọc trên 1 thân chính có dạng phiến hình bầu dục, màu xanh thẫm, bên trong mọng nước. Chiều cao của cây trong tự nhiên dao động từ 1 – 3m, nhưng khi trồng cảnh trong chậu, cây thường chỉ giới hạn khoảng 30cm.
Từ thân chính sẽ chia làm 2 nhánh con, hướng chéo lên phía trên như tai con thỏ, sau đó tiếp tục phân chia. Đối với những cây có kích thước lớn, có thể chia làm nhiều nhánh con hơn.
Các lá trên bề mặt phiến đã bị tiêu biến thành các gai nhỏ, phủ khắp cây. Trong điều kiện thích hợp, các gai này có thể phát triển lại thành lá.
Hoa xương rồng tai thỏ có màu vàng hoặc đỏ, thường lớn khoảng 5 – 8cm. Hoa gồm nhiều cánh xếp chồng và tỏa đều xung quanh, các cánh hoa mỏng, mép hơi nhăn.
Về đặc tính, xương rồng tai thỏ có tốc độ sinh trưởng trung bình, là loài ưa sáng, chịu úng kém, vì sống trong môi trường hoang mạc nên cây có khả năng chịu hạn, sống tốt trong môi trường khô cằn.
Cây có thể nhân giống bằng hạt hoặc giâm cành.
Ý nghĩa của xương rồng tai thỏ
Không chỉ mang vẻ đẹp độc đáo, cây xương rồng tai thỏ còn ẩn chứa nhiều ý nghĩa tốt đẹp. Giống như bao loài xương rồng khác, cây là biểu tượng cho sự kiên định, vươn lên mạnh mẽ, tinh thần bất khuất không ngại khó khăn.
Ở châu Âu, cây xương rồng còn là biểu tượng của tình yêu nồng nàn, mãnh liệt.
Công dụng của xương rồng tai thỏ
Nhờ vẻ ngoài xanh mướt lại độc đáo, cây xương rồng tai thỏ rất được yêu thích tại Việt Nam, chủ yếu sử dụng để trồng trong chậu nhỏ, làm cây để bàn.
Các vị trí thích hợp để đặt cây có thể kể tới như bàn học, bàn làm việc, bàn ăn, giếng trời. Bạn cũng có thể trồng cây với kích thước lớn hơn, trang trí tiểu cảnh sân vườn, đặt ở tiền sảnh.
Nhiều nhà hàng, khách sạn, quán cà phê cũng chọn cây xương rồng tai thỏ để trang trí không gian cho khách.
Xương rồng tai thỏ được trồng trong chậu làm cảnh
Ngoài tác dụng làm cảnh, cây xương rồng tai thỏ còn được tận dụng trong chế biến ẩm thực. Nhiều tỉnh thành như Bình Định, Khánh Hòa, Quảng Nam thường kết hợp xương rồng để nấu canh, làm lẩu hay xào, không chỉ ngon mà còn rất bổ dưỡng.
Không chỉ vậy, theo nhiều nghiên cứu, trong xương rồng tai thỏ có chứa nhiều chất xơ, chất chống oxy-hóa (antioxidants), vitamin, khoáng, vi lượng, còn được dùng điều chế một số thuốc biệt dược, thực phẩm hỗ trợ điều trị bệnh đái tháo đường, bệnh rối loạn chất mỡ trong máu, ngộ độc rượu, tiêu chảy, nhiễm virut, thuốc nhuận tràng, u xơ tiền liệt tuyến…
Cây còn được tận dụng, chiết xuất để sử dụng trong ngành mỹ phẩm, làm đẹp.
Cách trồng và chăm sóc xương rồng tai thỏ
Với khả năng thích nghi tốt ngay cả trong điều kiện khô cằn, không quá khó để bạn có thể trồng và chăm sóc cây xương rồng tai thỏ. Dưới đây là một vài kinh nghiệm bạn có thể tham khảo qua.
Chuẩn bị đất trồng
Đất trồng xương rồng tai thỏ không cần quá giàu dinh dưỡng, nhưng phải đảm bảo được xứ thoáng khí, thoát nước. Tốt nhất là bạn trộn đất với ít phân chuồng, thêm sỏi đá nhỏ là được.
Chậu trồng cũng cần đảm bảo có lỗ thoát nước đầy đủ. Bạn cũng nên chú ý kích thước chậu, tốt nhất là ước chừng kích thước cây mình muốn giới hạn, sau đó chọn chậu to gấp 2 lần đường kính là được.
Nhân giống
Bạn có thể nhân giống xương rồng tai thỏ bằng cách gieo hạt hoặc giâm nhánh.
Đối với gieo hạt, bạn cần chọn hạt giống chắc khỏe. Sau khi chuẩn bị đất và chậu trồng, bạn chỉ việc rắc hạt giống lên đất, phủ một lớp đất mỏng lên trên.
Tưới nước theo kiểu phun sương để duy trì độ ẩm cho đất, cứ 2 – 3 ngày tưới 1 lần. Chỉ sau khoảng 2 tuần là cây sẽ nảy mầm, sinh trưởng tốt.
Nhân giống cây bằng gieo hạt hoặc giâm nhánh
Nếu có cây mẹ, bạn có thể chọn phương pháp giâm nhánh. Từ cây mẹ, bạn chọn một nhánh mới mọc, to khỏe mập mạp sau đó dùng dao sắc cắt gần sát gốc nhánh.
Khi vết cắt khô thì bạn cắm xuống đất, nén chặt rồi duy trì tưới nước, 2 – 3 ngày một lần, đặt cây ở nơi thoáng mát cho tới khi nhánh bén rễ và sinh trưởng như một cây mới.
Chăm sóc xương rồng tai thỏ
Như đã nói ở trên, xương rồng tai thỏ có sức sống rất mãnh liệt, do đó quá trình chăm sóc không có gì quá phức tạp.
Tưới nước: cây có thể sống tốt trong điều kiện khô cằn, vì vậy bạn không cần tưới quá nhiều. Thậm chí tưới nhiều có thể làm chết cây vì ngập úng. Tần suất tốt nhất là tưới 1 lần mỗi tuần vào mùa nắng và 2 tuần 1 lần vào mùa mưa, lượng nước khi tưới không quá nhiều, chỉ cần đủ làm ẩm đất.
Ánh sáng: là loài ưa sáng, bạn nên đặt xương rồng ở nơi có nhiều ánh sáng, thoáng mát. Tốt nhất là đặt cây ngoài trời, nếu trong nhà thì đặt gần cửa sổ, giếng trời. Nếu không được, thì mỗi tuần nên mang cây ra ngoài trời khoảng 1 – 2 tiếng để kích thích cây quang hợp.
Nhiệt độ: xương rồng tai thỏ có thể sinh sống ở nhiệt độ từ 10 – 50 độ C, trong đó nhiệt độ phù hợp, giúp cây sinh trưởng tốt nhất là từ 18 – 30 độ C. Nếu đặt trong văn phòng điều hòa thì bạn nhớ chú ý nhiệt độ nhé.
Dinh dưỡng: tương tự như nước tưới, xương rồng tai thỏ cũng không cần quá nhiều dinh dưỡng, thậm chí bạn không cần phải bón phân cho cây, chỉ cần định kỳ 1 năm thay đất cho cây 1 lần là đủ.
Cây vẫn sinh trưởng tốt dù không được chăm sóc nhiều
Phòng trừ sâu bệnh: cây thường gặp một số bệnh như thối gốc, rệp sáp hay đốm than. Trong đó bệnh thối gốc thường là do quá trình chiết, ghép bị lỗi, khiến cây nhiễm bệnh. Riêng rệp sáp thì bạn chỉ cần thường xuyên quan sát, lau chùi cành nhánh là có thể trị được, tình trạng nặng thì có thể mua thuốc về phun.
Trên đây là những thông tin về cây xương rồng tai thỏ, một cây cảnh nhỏ xinh và mang nhiều ý nghĩa. Còn chờ gì nữa mà không tự tay chăm sóc một cây để trang trí khuôn viên nhà.
Chúc bạn thành công.