Hoa tử la lan mang vẻ đẹp rực rỡ và đa dạng, lại nhiều ý nghĩa và công dụng, là lựa chọn tuyệt vời để bạn tô điểm không gian sống.
Lan hoàng lạp – đặc điểm, cách trồng và chăm sóc
Vậy cách trồng và chăm sóc tử la lan có khó không?
Hãy cùng tìm hiểu chi tiết về loài hoa này qua những thông tin dưới đây nhé.
Tổng quan về hoa tử la lan
Tử la lan có tên khoa học là Sinningia speciosa hay Gloxinia speciosa, là một loài thực vật có hoa trong họ Tai voi (Gesneriaceae), cùng họ với hoa son môi.
Hoa có nguồn gốc từ Brazil, tại Việt Nam, cây còn được gọi với nhiều cái tên như hoa chuông tình yêu (valentine), hoa hồng xiêm, hoa mõm chó biển, hoa thánh…
Hoa tử la lan
Về đặc điểm, tử la lan có kích thước khá nhỏ gọn, thân thấp chỉ tầm 15 – 25cm, dạng thân củ, cành nhánh vừa phải, màu xanh thẫm.
Lá cây ít nhưng khá to, hình bầu dục với phần đầu không nhọn, mép lá có các rãnh răng cưa nông. Mặt lá dày, màu xanh thẫm, mặt trên đậm màu hơn mặt dưới, các đường gân nổi rõ.
Hoa tử la lan có dạng hình chuông, cánh đơn hoặc cánh kép, màu sắc rực rỡ, các cánh hoa dày và mềm như nhung, uốn lượn đẹp mắt. Màu sắc hoa đa dạng như đỏ, hồng, trắng, tím…
Mỗi giai đoạn nở hoa của tử la lan kéo dài từ 6 – 8 tuần, sau khi hoa tàn thì cây sẽ ngưng sinh trưởng 1 thời gian, sau đó sẽ tiếp tục phát triển và ra hoa.
Hoa tử la lan mang màu sắc đa dạng và tươi sáng
Về đặc tính, tử la lan có tốc độ sinh trưởng nhanh, ưa ẩm, ưa sáng nhẹ, nhu cầu dinh dưỡng trung bình, cây chịu hạn tốt và chịu úng kém, nhân giống bằng hạt, giâm cành hoặc giâm lá.
Ý nghĩa của hoa tử la lan
Được mệnh danh là hoa chuông tình yêu, tử la lan đại diện cho tình yêu đôi lứa, tượng trưng cho thứ tình cảm nồng nàn, lâu bền, cùng nhau vượt qua sóng gió, đi đến hạnh phúc.
Ngoài ra, mỗi màu sắc của tử la lan cũng mang trong mình một ý nghĩa riêng, ví dụ như màu trắng tượng trưng cho tình cảm trong sáng, màu tím tượng trưng cho tình yêu thủy chung, màu hồng thể hiện sự tin tưởng vào đối phương, màu đỏ là tình yêu nồng cháy của tuổi trẻ…
Hoa gắn liền với những ý nghĩa về tình yêu
Công dụng của tử la lan
Không chỉ là một loài hoa mang nhiều ý nghĩa, tử la lan còn có nhiều công dụng tuyệt vời, phổ biến nhất là trồng làm hoa cảnh.
Với lợi thể là dáng vẻ nhỏ nhắn, người ta thường trồng hoa tử la lan trong chậu làm cây để bàn, trang trí trên bàn làm việc, bàn học, bệ cửa sổ, kệ tivi…
Ngoài ra, bạn còn có thể trồng cây theo luống dọc hiên nhà, tường rào, lối đi, trồng trong bồn để tô điểm cảnh quan sân vườn, công viên…
Hoa được trồng trong chậu để bàn
Những bụi tử la lan um tùm còn giúp bạn thanh lọc không khí, làm sạch môi trường sống và giúp thư giãn mỗi khi căng thẳng rất hiệu quả.
Cách trồng và chăm sóc tử la lan
Bạn có thể nhân giống tử la lan bằng nhiều cách, tuy nhiên cách được lựa chọn nhiều nhất là giâm lá bởi ưu điểm là cây con dễ sống, phát triển nhanh, ra hoa sớm.
Chuẩn bị đất trồng
Đất trồng tử la lan không cần phải quá giàu dinh dưỡng, nhưng cần đảm bảo thoáng khí, tơi xốp, thoát nước tốt. Bạn nên trộn đất vườn với xơ dừa, mùn trấu và phân chuồng hoại mục, phơi vài ngày để loại bỏ sâu bệnh là có thể sử dụng.
Chậu trồng cần phù hợp với kích thước hoa, không quá lớn và phải có lỗ thoát nước đầy đủ.
Nhân giống bằng lá
Để đạt hiệu quả cao và không lãng phí, bạn nên cắt giá giâm vào thời điểm hoa tử la lan vừa hết ra hoa. Khi đó bạn có thể cắt luôn cả thân để cây ra chồi mới.
Lá giâm nên chọn lớp lá thứ 2 tính từ gốc lên, chọn lá không quá già hay non, không sâu bệnh.
Sau khi chọn được lá thì tiến hành dùng dao sắc cắt chéo cuống lá ở sát phần thân. Cắt xong thì ngâm vào nước có pha B1 loãng, tỉ lệ khoảng 1 -2 giọt cho 100ml nước là phù hợp.
Sau khi ngâm, bạn cắm lá vào chậu đất đã chuẩn bị từ trước, tưới nước để giữ đất trồng luôn ẩm, tưới xung quanh để không làm ướt lá. Sau khoảng 1 – 2 tuần lá sẽ hình thành lên củ rồi nảy lên mầm cây mới.
Trồng hoa bằng lá
Tiếp tục chăm sóc tới khi hoa cao tầm 15cm thì có thể chuyển chậu hoặc trồng ra đất để tiếp tục chăm sóc.
Ánh sáng
Tử la lan là loài ưa sáng, thích hợp với ánh sáng nhẹ, do đó bạn nên trồng hoa ở những nơi tiếp xúc với nắng sớm như cửa sổ, dưới ban công. Nếu vị trí quá thoáng, bạn có thể thiết kế thêm lưới che mỗi khi nắng gắt.
Vào thời điểm cây sắp ra hoa cần tăng tỉ lệ chiếu sáng lên một chút, như vậy hoa sẽ nở to và màu sắc cũng tươi tắn hơn.
Tưới nước
Là loài ưa ẩm, bạn nên thường xuyên cấm ẩm cho đất bằng cách tưới nước. Tốt nhất là tưới hàng ngày vào sáng sớm, không nên tưới vào buổi trưa hay chiều sẽ dễ khiến cây bị bệnh.
Bạn có thể tưới bằng cách phun sương hoặc nhỏ giọt nhưng nên tránh tưới trực tiếp lên hoa và lá.
Lượng nước cũng rất quan trọng, không tưới quá nhiều, nếu chậu không thoát nước tốt có thể khiến hoa bị úng rễ.
Tưới nước đầy đủ cho hoa
Bón phân
Vào giai đoạn phát triển, ngoài chuẩn bị đất tốt thì bạn cũng nên bổ sung phân bón cho hoa, khoảng 2 – 3 tuần bón một lần, bổ sung các loại phân vi lượng bằng cách hòa vào nước rồi tưới.
Khi cây hình thành nụ và chuẩn bị nở hoa, bạn bổ sung thêm Muti – K (13 – 0 – 46) và Nitrat canxi (11 – 0 – 0 – 20 CaO), tưới 1 tuần 1 lần để hoa bền đẹp.
Phòng trừ sâu bệnh
Nếu tử la lan có hiện tượng lá bị héo và xuất hiện nhiều đốm nâu thì có thể cây đã bị virus héo lá trên cà chua, bạn cần nhổ bỏ để tránh lây lan ra cây khác vì bệnh này rất khó trị.
Trong quá trình chăm sóc nên thường xuyên cắt tỉa, loại bỏ lá sâu bệnh, già úa, đồng thời phát hiện sâu rầy, có biện pháp loại bỏ.
Nếu tình trạng nặng thì có thể tham khảo tư vấn từ đại lý để mua thuốc phù hợp về phun.
Trên đây là những thông tin cơ bản về hoa tử la lan, một loài hoa đẹp và nhiều ý nghĩa. Nếu có cơ hội, đừng bỏ qua việc trồng một vài bụi nho nhỏ để trang trí khu vườn nhé.