Cây cau tiểu trâm không chỉ có dáng vẻ độc đáo, khả năng thanh lọc không khí tuyệt vời mà còn mang tới nhiều ý nghĩa tốt đẹp cho người trồng.
Cây cau cảnh và cách trồng, chăm sóc đơn giản ít tốn công
Cũng bởi vậy mà cây rất được ưa chuộng để trồng cảnh trong nhà hay những nơi công cộng.
Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu kỹ hơn về cây cau tiêu trâm cũng như cách trồng, chăm sóc sao cho hiệu quả.
Tổng quan về cây cau tiểu trâm
Cau tiểu trâm hay còn gọi là dừa tụ thân, có tên khoa học là Chamaedorea elegans. Đây là một loài cây thân gỗ thuộc họ Cau (Arecaceae), họ này có nhiều cây cảnh đẹp như trúc mây, cau vua hay dừa cảnh, mọc tập trung nhiều ở khu vực Đông Nam Á.
Cây cau tiểu trâm
Là cây thân gỗ, nhưng cau tiểu trâm thường phát triển thành bụi. Thân cây có màu xanh vàng, mọc thẳng đứng với các bẹ lá mọc dọc thân, cao từ 40cm – 2m, có thể cao hơn nếu mọc ngoài tự nhiên.
Lá cây mọc từ thân, cuống dài, phía trên là các cặp lá nhỏ mọc đối xứng, màu xanh thẫm đẹp mắt. Lá cau tiểu trâm khá mỏng và mềm, bề mặt nhẵn không có lông, các được gân dọc nổi rõ.
Hoa cau tiểu trâm có dạng chùm với từng cụm nhỏ và có màu vàng nhạt khá cuốn hút. Quả cau tiểu trâm cũng nhỏ và có dạng trứng.
Về đặc tính sống, cau tiểu trâm là loài ưa sáng nhưng vẫn chịu bóng tốt, phù hợp với nhiều loại đất, ưa ẩm, chịu úng kém nhưng lại sống được trong môi trường thủy sinh.
Cây được nhân giống bằng cách gieo hay hoặc tách bẹ lá để trồng.
Ý nghĩa cây cau tiểu trâm trong phong thủy
Không chỉ đẹp, cau tiểu trâm còn mang nhiều ý nghĩa tích cực. Với dáng mọc thẳng đứng, vươn cao, cây cau tiểu trâm đại diện cho ý chí vươn lên, vượt qua trở ngại để đạt được thành công.
Không chỉ vậy, trồng cau tiểu trâm trong nhà còn có thể giúp loại trừ tà khí, mang đến cho gia chủ nhiều tài lộc, may mắn trong cuộc sống và công việc.
Cây cau tiểu trâm có ý nghĩa mang lại may mắn, tài lộc
Ngoài ra, cau từ lâu đã là loài cây đại diện cho tình cảm vợ chồng, chung thủy khăng khít. Các cặp đôi mới cưới cũng nên trưng cau tiểu trâm như một biểu tượng cho lòng chung thủy.
Công dụng của cây cau tiểu trâm
Nhờ dáng vẻ xanh mát, khỏe khoắn, cau tiểu trâm được yêu thích để trồng cảnh trong nhà, đôi khi là ở các khu vực công cộng.
Bạn có thể trồng trong chậu đặt ở phòng khách, phòng ăn, ban công, giếng trời. Hoặc cũng có thể đặt cây ở ngoài sân vườn, trang trí tiểu cảnh, bể nước. Những chậu nhỏ như cây để bàn còn có thể đặt ở bàn tiếp khách, bàn học hay bàn làm việc.
Chậu cau tiểu trâm trang trí bàn làm việc
Nhiều nhà hàng, khách sạn hay các khu nghỉ dưỡng cũng trồng cau tiểu trâm để làm đẹp không gian của khách.
Không chỉ vậy, nhờ khả năng sống thủy sinh mà nhiều người còn trồng cây trong chậu thủy tinh để khoe bộ rễ độc đáo của cây.
Ngoài làm đẹp, cau tiểu trâm còn được biết đến là loài cây có khả năng thanh lọc không khí, loại bỏ bụi bẩn hiệu quả, mang tới môi trường sống trong lành, rất tốt cho những ai đang gặp vấn đề về hô hấp như viêm xoang, hen suyễn.
Với những ý nghĩa tích cực mà loài cây này mang lại, nhiều người cũng chọn những chậu cau tiểu trâm nhỏ như một món quà thay cho những lời chúc tốt đẹp.
Cách trồng chăm sóc cây cau tiểu trâm
Nhờ khả năng sinh trưởng nhanh, phù hợp với nhiều điều kiện sống mà quá trình trồng và chăm sóc cây cau tiểu trâm không quá phức tạp. Dưới đây là một vài kinh nghiệm dành cho bạn.
Chuẩn bị đất trồng: bạn có thể trồng cau tiểu trâm trên nhiều loại đất khác nhau, nhưng tốt nhất là chọn đất thịt, thêm xơ dừa, mùn, phân chuồng, ít sỏi nhỏ để tăng độ tơi xốp, dinh dưỡng và khả năng thoát nước.
Nhân giống: từ bụi cây lớn, bạn chỉ việc chọn ra một bẹ lá to khỏe, có 3 – 5 cặp lá con sau đó cắt sát thân. Nhúng bẹ lá vào dung dịch kích rễ và cắm vào chậu đất đã chuẩn bị từ trước, tưới nước để duy trì độ ẩm. Chỉ sau 2 – 3 tuần là lá sẽ bén rễ và phát triển thành một bụi mới.
Tưới nước: cau tiểu trâm là loài ưa ẩm nhưng chịu úng kém. Mỗi tuần bạn nên tưới cho cây khoảng 2 – 3 lần nếu trồng ngoài trời, 1 – 2 lần nếu trồng trong nhà. Ngoài ra khi tưới cũng cần chú ý lượng nước, tránh để ngập úng. Ngoài ra, nếu trồng thủy sinh thì không để nước ngập hết bộ rễ, mỗi tuần nên thay nước một lần.
Ánh sáng: cây ưa ánh sáng nhẹ, có thể chịu bóng nên vị trí tốt nhất là những nơi có ánh sáng gián tiếp như gần cửa sổ, giếng trời. Nếu trồng ngoài trời, nên có biện pháp che chắn khi cây còn nhỏ, tránh khô héo khi nắng gắt.
Đảm bảo đủ nước tưới và ánh sáng cho cây
Dinh dưỡng: khoảng 4 tháng một lần, bạn bón thêm cho cây một ít phân NPK, vậy là đủ để cây phát triển và có màu xanh đẹp mắt.
Phòng trừ sâu bệnh: cau tiểu trâm ít khi bị sâu bệnh, bạn chỉ cần thường xuyên quan sát, nếu thấy lá héo úa hoặc rễ hư thì cắt bỏ. Phát hiện sâu rệp thì chỉ cần lau sạch, tình trạng nặng hơn có thể mua thuốc về phun là xong.
Trên đây là những thông tin cơ bản về cây cau tiểu trâm cũng như một chút kinh nghiệm trong quá trình trồng và chăm sóc. Hy vọng qua đó bạn có thể tự tay chăm sóc một chậu để trang trí cho ngồi nhà của mình
Chúc bạn thành công.