Hoa mai là một trong những loại hoa không thể thiếu vào mỗi dịp Tết đến Xuân về. Đâu đó trong suy nghĩ của nhiều người, hình ảnh hoa mai vàng với màu sắc quyến rũ, cánh hoa thanh mảnh, hương thơm dịu ngọt là những gì bạn có thể cảm nhận đầu tiên. Tuy nhiên, trên thực tế còn rất nhiều loại mai khác nhau, mỗi loại mai lại thể hiện một sức lôi cuốn riêng biệt. Vậy, đó là những loại mai nào? Hãy cùng Đặng Gia Trang tìm hiểu các loại mai trong bài viết ngay sau đây.
1/ Mai vàng
Hoa mai vàng là loại cây thân gỗ, xù xì, mọc tự nhiên và có đặc điểm rụng lá vào mùa đông trước khi ra hoa. Đây là loại hoa không thể thiếu trong không khí tưng bừng ngày Tết. Hiện nay, có hơn 30 giống mai vàng các loại đặc trưng cho mỗi vùng khí hậu, trong đó Việt Nam chiếm gần ⅔ tổng số giống.
Mai núi (mai rừng)
Là loại mai mọc tự nhiên trên những ngọn núi đá khô cằn vùng Tây Nguyên và Campuchia. Bộ rễ của mai núi ăn sâu vào các vách đá giúp cây hút nước một cách dễ dàng, do đó cây vẫn phát triển và cho hoa tốt. Số lượng cánh hoa từ 12-18 cánh, thậm chí nhiều hơn khi phát triển lâu năm.
Mai sẻ
Mai sẻ xuất hiện nhiều ở các tỉnh từ Quảng Bình, Quảng Trị đến duyên hải miền Trung, một số tỉnh như Tây Ninh, Đồng Nai, Biên hòa, nơi có nhiều đồi cát trắng cũng có thể trồng loại mai này. Mai sẻ có 5 cánh, nếu số lượng cánh hoa nhiều hơn 5 thì gọi là mai động. Đặc biệt, mai sẻ rất sai hoa, đây là loại mai được nhiều người chọn mua ngày Tết.
Mai chủy
Chủy có nghĩa là quần thể-chùm, ý nói loại mai này có hoa mọc thành chùm. Mai chủy thuộc loại mai rừng, màu vàng đậm, lá rộng, có hình răng cưa.
Mai vàng đem lại may mắn, bình an
Mai châu
Mai châu hay mai trâu, là loại mai mọc khắp các vùng Nam Bộ, được dùng để chưng những ngày Tết. Hoa có 5 cánh, đường kính hoa lên đến 5cm nhưng không sai hoa.
Mai liễu
Là loại mai có cành mềm, rủ xuống như cây liễu, lá dài và nhọn, hoa có 5 cánh thường, trổ hoa ít.
Mai chùm gửi
Mai chùm gửi là loại mai sống một phần dựa vào dinh dưỡng trên gốc cây khác mà chúng bám vào, một phần hút dinh dưỡng từ đất nhờ vào bộ rễ. Trên thân xuất hiện những khối u kỳ dị, hoa và tược non cũng từ đó mọc ra chi chít. Nhiều người gọi mai này là mai vương hay mai tỳ bà.
Mai thơm, mai hương, mai ngư
Điểm khác biệt của mai thơm là cây có lá non màu xanh không phải màu nâu đỏ như những loại mai khác. Mùi thơm của loại mai này rất nhẹ, phảng phất, mang lại cảm giác thư thái. Đặc biệt mai thơm Huế có mắt nhặt, cánh dày, sai hoa và lâu tàn.
Mai giảo
Mai giảo là loại mai nhân tạo với gốc chủ đạo là mai vàng, sau đó ghép rất nhiều nhánh của những giống mai khác nhau tạo thành. Mai giảo được bày bán phổ biến trên thị trường ngày Tết.
Hoa mai vàng – tuyệt tác của tạo hóa
Mai vàng cánh nhọn
Mai cánh nhọn có lá dài và nhọn, hoa cũng có hình dạng tương tự nên khi nở cánh hoa giống hình ngôi sao. Cây rất sai hoa nhưng ít được ưa chuộng.
Mai vàng cánh tròn
Khác với mai cánh nhọn, mai cánh tròn có cánh to, tròn và mọc kín nên rất đẹp. Mai vàng cánh tròn được nhiều người lựa chọn để chưng Tết, đặc biệt là người Trung Hoa Đại Lục.
Mai vàng cánh dún
Hoa mai cánh dún thuộc loại mai 5 cánh, to, đẹp, phần cánh hoa hơi dún lại như cánh bướm rất lạ mắt. Cây rất sai hoa, đây cũng là lựa chọn của nhiều người yêu thích sự mới lạ.
Mai lá quắn
Gọi là mai lá quắn vì cánh hoa to, quắn lại với nhau. Hoa có từ 5-7 cánh, phía ngoài đầu cánh phảng phất đỏ, nhụy hoa to và dài.
Hoa mai lá quắn
Mai rừng Cà Ná, mai rừng Bình Châu
Đây là loại mai mọc hoang dại ở khu rừng Cà Ná – Ninh Thuận và Bình Châu – Vũng Tàu, ít được nhiều người ưa chuộng vì thân nhỏ, giòn, dễ gãy. Hoa màu vàng nhạt, cuống hoa có màu hơi tím, lá hình bầu dục có răng cưa.
Mai tứ quý
Cây mai tứ quý là loại mai đặc trưng cho vùng Nam Bộ. Thân có màu nâu đen, sần sùi, nhiều cây phát triển rất to và cao, trở thành những cây cổ thụ tạo nét cổ kính. Hoa mai tứ quý nở hoa lác đác quanh năm. Sau khi rụng cánh, còn lại 5 cánh màu đỏ và hạt đen như hạt đậu nên chúng còn được gọi là nhị độ mai (có nghĩa là nở hoa hai lần).
Mai vàng Yên Tử
Mai vàng yên tử sống trên vùng núi Yên Tử, có xuất xứ từ loại mai vàng. Cây chịu lạnh tốt, hoa có mùi thơm. Truyền thuyết kể rằng đây là giống mai được đem lên vùng núi Yên Tử trồng khi vua Trần Nhân Tông đi tu.
Mai vàng Yên Tử
Mai Vĩnh Hảo
Mai Vĩnh Hảo hay còn gọi là mai đá, vì chúng có thể nặng gấp rưỡi các loại mai thường khác. Mai đá mọc hoang dại trên vùng núi Vĩnh Hảo – Bình Thuận, được ông Kha Linh Vũ (Qui Nhơn) giới thiệu. Ngày Tết, nhiều người chặt mai này về bán ở bãi cát sông Dinh, Phan Rang. Cây mai có thân cứng, cành nhỏ nhưng giòn và dễ gãy, hoa to, nhiều cánh và lâu tàn.
2/ Mai chiếu thủy
Mai chiếu thủy rất phổ biến trong giới cây cảnh, bonsai. Thân cây sần sùi, nở hoa quanh năm, mùi thơm nhẹ nhàng và dễ dàng uốn nắn tạo dáng, thế đẹp mắt…
Mai chiếu thủy còn được chia làm nhiều loại khác nhau: mai chiếu thủy lá lớn, mai chiếu thủy lá nhỏ, mai chiếu thủy siêu bông,… Trong đó, mai chiếu thủy lá nhỏ và siêu bông được ưa chuộng hơn cả.
Mai chiếu thủy
3/ Hoa mai đỏ
Đặc điểm của hoa mai đỏ là thân tương đối nhỏ nhưng có hoa to và sai hoa. Đây là loại mai được nhập khẩu từ Trung Quốc những năm gần đây, kích thước cây nhỏ thích hợp cho trang trí văn phòng. Với đặc tính dễ chăm sóc nên nhiều người nhập về bán Tết mang lại hiệu quả kinh tế.
Hoa mai đỏ
4/ Hoa mai trắng (bạch mai)
Bạch mai chỉ sống được ở những vùng lạnh giá và loại đất đặc trưng nên loại mai này không được nhiều người biết đến. Tương truyền rằng chúng chỉ có tại Trung Quốc, ở một ngôi chùa nổi tiếng Phụng Sơn. Hoa mai trắng khi nở có 6-8 cánh, to và dày đặc.
Hoa mai trắng (bạch mai)
5/ Nhất chi mai
Nhất chi mai có tên là mai nhưng là loại hoa thuộc họ đào, mơ. Đây là loại hoa chỉ thích hợp ở vùng lạnh như miền Bắc hoặc một số vùng thuộc Bắc Trung Bộ nước ta. Nụ hoa có màu hồng nhạt, khi nở có màu trắng và chuyển lại hồng khi gần tàn, hoa có từ 12-18 cánh. Hoa nở hai lần trong năm, đầu xuân và đầu mùa hè.
Nhất chi mai
6/ Hồng mai
Hồng mai hay còn gọi là nhất chi mai đỏ, thuộc họ Đại kích. Là cây thân gỗ cao 1-3m, được du nhập từ Bắc Mỹ vào các nước nhiệt đới, trong đó có Việt Nam. Hồng mai có hoa màu hồng thẫm, mọc thành từng chùm ở đầu cành, hoa hình bầu dục, được sử dụng để trồng làm hàng rào hoặc trang trí đô thị.
Hồng mai
7/ Thanh mai
Đây là giống mai đột biến từ giống mai vàng truyền thống, rất khó phân biệt khi hoa chưa nở. Cánh hoa có màu xanh nhạt, cánh to tròn, có từ 5-12 cánh. Thanh mai được tạo thành nhờ phương pháp ghép cành, cực kì hiếm trên thị trường.
Thanh mai
8/ Mai mơ
Là loại cây ưa khí hậu lạnh, mọc nhiều ở miền Bắc nước ta. Mai mơ thuộc cây thân gỗ, cao 5-7m, hoa nhỏ màu trắng hồng. Cứ mỗi độ Xuân về, hoa nở trắng xóa khắp các ngọn đồi, thu hút du khách về tham quan.
Mai mơ
9/ Mai anh đào
Mai anh đào là loại hoa đặc trưng cho miền Bắc mỗi độ Tết đến. Hoa có màu hồng quyến rũ, cánh dày, từ 5-24 cánh, đường kính nhỏ chỉ 3-4cm. Với đặc tính ưa lạnh, mai anh đào cũng được trồng nhiều ở khu vực Đà Lạt, Lâm Đồng để thu hút khách du lịch.
Mai anh đào
10/ Lạp hoàng mai (Hoàng mai)
Cây hoàng mai có nguồn gốc từ Trung Quốc, mọc ở vùng cao và có khả năng chịu lạnh tốt. Hoàng mai thuộc loại thân gỗ, cao 2-3m. Hoa nở vào cuối mùa đông, có mùi thơm nhẹ, phải mất 9-10 năm tuổi cây mới cho hoa. Khi nở, hoa mọc trút xuống ôm lấy đài hoa màu đỏ thẫm.
Lạp hoàng mai (Hoàng mai)
11/ Hoa mai xanh
Hoa mai xanh thuộc họ cỏ, là cây dây leo thân gỗ, có nguồn gốc từ Trung Mỹ. Hoa có màu tím đặc trưng, một số giống có màu xanh tím hoặc xanh trắng, hoa mọc thành dải dài 20-40cm, rất giống hoa tử đằng. Hoa mai xanh rất ưa nắng, được nhiều người chọn trồng làm hàng rào trước nhà.
Hoa mai xanh
Tết này sẽ không chỉ mai vàng, mà nhiều loài mai khác cũng đua nhau khoe sắc, đón chào một năm mới bình an, hạnh phúc. Hy vọng qua bài viết nêu trên sẽ giúp bạn bổ sung vào bộ sưu tập các loại mai cho riêng mình. Đặc biệt nếu bạn muốn tậu phân trùn quế về chăm mai thì liên hệ Hotline 0902.652.099!
HLV.vn
Xem thêm:
- Hoa mai vàng ngày Tết: Ý nghĩa, cách trồng và chăm sóc hoa mai
- Mai vàng lá: triệu chứng – cách phòng, trị bệnh (P1)
- Cách làm đất trồng mai vàng sau Tết chuẩn nhất năm 2022
- Top 11 loại hoa tết dễ trồng bung nở lung linh