Home Kỹ thuật trang trại Sâu bệnh hại ở dưa lưới – cách nhận biết và phòng trừ

Sâu bệnh hại ở dưa lưới – cách nhận biết và phòng trừ

by Học Làm Vườn

Dưa lưới – loại cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao và nhận được nhu cầu lớn từ người sử dụng. Để đáp ứng cho thị trường dưa lưới tiềm năng này, nhiều mô hình canh tác dưa lưới trong nhà màng đã được hình thành và cho kết quả khả quan. Tuy nhiên, đây cũng là loại cây có khá nhiều loại sâu bệnh hại, có khả năng gây ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất. Vì vậy, hôm nay HLV xin mời các bạn cùng tham khảo một số loại sâu bệnh hại phổ biến trên dưa lưới để có biện pháp phòng trừ hợp lý.

1/ Bọ trĩ (bù lạch)

Bọ trĩ có tên khoa học là Thrips palmi, loại côn trùng này thường xuất hiện ngay từ khi cây còn nhỏ, sau đó phát triển mạnh dần khi cây lớn lên và làm cho thân, cành, lá dần dần bị xoăn lại, cứng và giòn hơn. Bọ trĩ là có màu đen, dài từ 1 – 2 mm, còn trứng bọ trĩ lại có màu trắng sữa, đến khi nở trứng thì có màu vàng nhạt.

Khi quan sát sẽ thấy bọ trĩ nằm rải rác trong các mô lá, chúng hút dịch và làm cho lá cây xoăn lại. Bọ trĩ có khả năng lẩn tránh rất nhanh bằng cách giả chết rơi xuống đất hoặc trú trong chiếc lá khác. Loài sâu bệnh hại trên dưa lưới này hoạt động cả ngày lẫn đêm, tuy nhiên chúng không ưa ánh sáng trực tiếp nên thường trốn trong búp lá và bò ra khi trời râm.

Biện pháp phòng trừ: Trước khi trồng cây dưa lưới, bạn nên làm thông thoáng đất, loại trừ sâu bệnh, nhộng và trứng còn tồn tại trong đất trồng. Ngoài ra, cây bệnh, cỏ dại hoặc rơm rạ nên được loại bỏ để bọ trĩ không còn nơi cư trú.

Dùng bẫy dính dẫn dụ hoặc sử dụng các loại thiên địch như: nhện nhỏ Amblyseius cucumber, các loại bọ xít bắt mồi Orius sauteri Orius strigicolly. Trong mùa khô nóng, tưới đều đặn bằng cách phun sương để cho vườn dưa ẩm và mát, hạn chế bọ trĩ phát triển. Ngắt bỏ những lá, hoa có mật độ bọ trĩ cao.

2/ Rệp muội (rầy mềm)

Rệp muội có tên gọi là Aphis gossypii, là loại sâu bệnh rất thường gặp ở cây dưa lưới. Rệp muội có hình dạng rất nhỏ, có màu xanh đen hoặc vàng nhạt, thường xuất hiện mặt dưới lá như những đốm nhỏ li ti và tạo thành đốm lớn ở chồi.

Loại sâu bệnh này thường xuất hiện khi thời tiết nắng nóng, độ ẩm thấp, trời khô và ít mưa, chúng hút nhựa khiến cho lá vàng nhuộm, héo rũ, khô lại, cây bắt đầu sinh trưởng kém dần. Chúng có thể phát triển từ khi cây còn non đến khi cây trưởng thành, đẻ ra nhiều con và lây bệnh nấm bồ hóng cho cây.

Biện pháp phòng trừ: Rệp muội dễ dàng xuất hiện ở cây trồng nên bạn cần bảo vệ những thiên địch như bọ rùa, kiến, nhện nấm, dòi,… để chúng tiêu diệt loài sâu bệnh hại dưa lưới này.

3/ Nhện đỏ

Thành trùng hình bầu dục, thành trùng đực có kích thước nhỏ, toàn thân phủ lông lưa thưa và thường có màu xanh, trắng hay đỏ với đốm đen ở 2 bên thân mình. Nhện có 8 chân, thành trùng cái màu vàng nhạt hay hơi ngả sang màu xanh lá cây, mỗi nhện cái đẻ khoảng 70 trứng. Cả ấu trùng và thành trùng nhện đỏ đều chích hút mô của lá cây làm cây bị mất màu xanh và có màu vàng, sau cùng lá sẽ bị khô đi. Màu vàng của lá dễ nhìn thấy nhất là ở mặt dưới lá, làm giảm phẩm chất và năng suất trái.

Biện pháp phòng trừ: Kiểm tra thường xuyên, nếu mật số nhện ít không cần phun thuốc vì có rất nhiều loài thiên địch ngoài tự nhiên có thể tiêu diệt nhện đỏ như: bù lạch 6 chấm Scolothrips sexmaculatus, bọ rùa Stethorus sp., bọ xít nhỏ Orius tristicolorChysoperla carnea.

4/ Héo cây con

Cây dưa lưới ở giai đoạn cây con thường gặp phải bệnh Rhizoctonia solani này, với các triệu chứng như cây dễ ngã, bộ rễ nhanh bị thối nhưng lá vẫn xanh non. Đó là do nấm gây hại khiến cho cây còn non đã bị tóp thân và chết. Nấm có thể xuất hiện trên đất canh tác sau các vụ thu hoạch.

Biện pháp phòng trừ: Trước khi trồng, nên làm sạch đất thông thoáng, nhổ sạch cây cỏ có mầm bệnh, đảm bảo bệnh dưa lưới không xuất hiện trên cây con. Vì đây là loại bệnh do nấm, nên có thể sử dụng các loại nấm đối kháng như Trichoderma để hạn chế nấm bệnh hoặc sử dụng một số loại thuốc trừ sâu sinh học để hạn chế bệnh phát triển.

5/ Chạy dây, héo rũ

Nấm Fusarium sp. gây nên bệnh chạy dây, héo rũ trên cây dưa lưới ở cả cây con và cây trưởng thành, khiến cho cây bị mất nước và dần dần chết khô. Khi bị bệnh, thân cây bị nứt khô ra, héo mòn từ lá cho đến thân cây như bị thiếu nước lâu ngày rồi chết.

Ở cây con, nấm Fusarium sp. sẽ làm cho cây con chết rạp thành từng đám, còn trên cây dưa lưới đã bắt đầu đâm hoa kết trái, nấm sẽ làm cây bị mất nước, khô héo dần và chết.

Loại nấm này tồn tại rất lâu trong đất canh tác, chính vì vậy mà khả năng gây bệnh trên cây dưa lưới là khá lớn. Thường thì độ ẩm đất và tuyến trùng là các nguyên nhân để nấm bùng phát và gây bệnh.

Biện pháp phòng trừ: vì loại nấm này tồn tại trong đất nhiều năm nên bạn cần làm đất thông thoáng, sạch sẽ, nhổ bỏ cây dưa lưới bị bệnh, cỏ dại, rơm rạ trên đất để loại trừ mầm bệnh. Ngoài ra, bạn có thể bổ sung một số loại phân bón hữu cơ để bổ sung dinh dưỡng cho cây, cụ thể như phân trùn quế.

6/ Bệnh nứt thân, chảy nhựa

Bệnh gây hại chủ yếu trên thân, đôi khi trên lá và cuống quả. Trên thân vết bệnh lúc đầu là đốm hình bầu dục, màu xám trắng, kích thước 1-2 cm, vết bệnh hơi lõm, làm khuyết một bên thân hay nhánh. Trên vùng bệnh, nhựa màu nâu đỏ ứa ra thành giọt, sau đổi thành màu nâu sẫm và khô cứng lại. Bệnh nặng làm thân cây bị nứt thành vệt dài và chảy nhựa nhiều hơn, trên đó có những hạt nhỏ màu đen (các ổ bào tử nấm) làm cả cây có thể bị khô chết.

Trên lá, đốm bệnh không đều đặn và lan rộng dần, có màu nâu xám nhạt. Bệnh thường xuất hiện từ bìa lá lan vào theo những mảng hình vòng cung, trên đó có các ổ bào tử màu đen, lá bị cháy, khô rụng. Trên cuống quả, triệu chứng bệnh giống như trên thân, có thể nứt và chảy nhựa, quả nhỏ hoặc bị rụng sớm. Thời tiết nóng và mưa nhiều thích hợp cho bệnh phát triển.

Biện pháp phòng trừ: Thu dọn tàn dư cây trồng, bón phân đạm vừa đủ. Sử dụng một số loại thuốc trừ sâu sinh học để tránh gây độc hại.

7/ Bệnh sương mai, đốm phấn

Bệnh sương mai là loại bệnh trên cây dưa lưới khá thường gặp, bạn có thể dễ dàng nhận ra bệnh khi thấy các vết hình đa giác góc cạnh dưới mặt lá, có màu vàng nhạt hoặc màu nâu, về sau vết bệnh sẽ vỡ vụn ra ở các lá già. Bệnh này thường lan từ các lá già ở gốc, sau đó lan dần lên lá non, xuất hiện nhiều khi thời tiết thay đổi, mưa nhiều, độ ẩm lớn.

Biện pháp phòng trừ: nên thường xuyên quan sát cây để nhanh chóng phát hiện bệnh và tránh lan rộng. Khi cây mới chớm bệnh, bạn nên sử dụng một số loại thuốc sinh học để chặn bệnh lan rộng.

sau-benh-hai-tren-dua-luoi-va-cach-phong-tru-2

Bệnh héo rũ và bệnh đốm phấn trên dưa lưới

Để phòng trừ các loại sâu bệnh hại trên dưa lưới, ngay từ ban đầu nên cung cấp cho cây nguồn dinh dưỡng tự nhiên và giúp cây tăng cường sức đề kháng với sâu bệnh hại. Phân trùn quế sẽ là sự lựa chọn tối ưu khi mang lại năng suất ổn định, chất lượng trái thơm ngon đặc trưng, đặc biệt, phân trùn quế vô cùng an toàn cho người sử dụng.

Trên đây là những loại bệnh tương đối phổ biến trên dưa lưới, người trồng nên nghiên cứu kỹ thời gian hoạt động của các loài để có biện pháp phòng tránh kịp thời. Hi vọng, đây sẽ là nguồn thông tin hữu ích giúp vườn dưa lưới của bạn đảm bảo chất lượng và năng suất một cách tốt nhất.

HLV.vn

*Xem thêm:

  • Cách bón phân trùn quế cho dưa lưới
  • Bón phân trùn quế cho dưa lưới có tốt không?
  • Các trang trại dưa lưới thu quả ngọt khi sử dụng phân trùn quế
  • Kỹ thuật trồng dưa lưới cho trang trại chuẩn nhất

You may also like