Home Kỹ thuật trang trại Quy trình kỹ thuật trồng rau mồng tơi chuẩn hữu cơ

Quy trình kỹ thuật trồng rau mồng tơi chuẩn hữu cơ

by Học Làm Vườn

Mồng tơi là loại rau ăn lá mọng nước, ngắn ngày chứa nhiều dinh dưỡng nên rất được ưa chuộng để nấu nhiều món ngon trong gia đình. Các bạn có từng thắc mắc làm như thế nào để có được những bó rau mồng tơi tươi ngon như vậy. Hãy cùng Đặng Gia Trang tìm hiểu kỹ thuật trồng rau mồng tơi như thế nào nhé.

1/ Thời vụ trồng rau mồng tơi

Cây mồng tơi được gieo trồng được quanh năm. Để đạt được năng suất cao thì nên trồng từ tháng 1 – tháng 5 dương lịch, tuy nhiên vào thời gian này cây sẽ dễ bị nấm bệnh nếu tưới quá ẩm. Nếu trồng vào mùa mưa từ tháng 7 – tháng 9 thì nên có lưới hay bạt để che chắn.

2/ Chuẩn bị đất

2.1 Chọn vị trí đất

Phù hợp nhất là loại đất tơi xốp nhiều cát có khả năng thoát nước cao, không bị phèn và có độ pH thích hợp từ 5.5-6.5. Đất phải được làm sạch cỏ dại cùng các tàn dư cây trồng vụ trước, bón vôi, cày đất và phơi ải từ 7-10 ngày để diệt trừ sâu hại và nấm bệnh.

2.2 Làm đất và lên luống

Làm đất: Dùng bừa, máy phay, cào cuốc… làm đất nhỏ, vụn, tơi xốp. Nên làm đất nhỏ 1-5 cm ở trên mặt luống (nếu lớp đất trên quá nhỏ sẽ làm váng mặc trên làm trôi nước và ngược lại đất lớp dưới quá to sẽ ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của bộ rễ).

Lên luống trồng: nên chia đất thành các luống nhỏ tùy vào địa hình để dễ chăm sóc và thu hoạch.

Mùa mưa nên làm luống cao 25-30cm, mặt luống rộng 1-1,2m và đặt rãnh 35-50cm

Mùa khô nên làm luống vừa phải 15-20cm, mặt luống rộng 1-1,2m và đặt rãnh 30-40cm

2.3 Bón lót phân cho cây mồng tơi

Để cung cấp thêm dinh dưỡng cho cây con, chúng ta có thể bổ sung thêm phân chuồng và tro. Trước khi gieo hạt nên trộn phân vi sinh với đất trồng rồi phủ một lớp đất mỏng theo công thức:

– 0,1 kg vôi bột/m2

– 10 – 15 kg/ 36m2 phân chuồng ủ

– 3 – 7 kg /36 m2 phân NPK

– 5 – 7 kg/36 m2 phân vi sinh

– 7 kg/36 m2 tro bếp

kỹ thuật trồng rau mồng tơi

Kỹ thuật trồng rau mồng tơi

3/ Hạt giống mồng tơi

3.1 Tiêu chuẩn chọn hạt giống mồng tơi

Mồng tơi có 3 loại, mồng tơi trắng có thân mảnh, lá có màu xanh nhạt. Mồng tơi tía có gân lá màu tím. Mồng tơi thân mập có lá to màu xanh đậm, ít nhớt.

Việc chọn hạt giống đóng vai trò quan trọng, quyết định độ nảy mầm. Bạn cần lựa chọn giống có xuất xứ rõ ràng từ các cửa hàng, công ty uy tín và có hạn sử dụng lâu dài. Cần loại bỏ các hạt bị lép, bị sâu bệnh hoặc bị nấm mốc.

3.2 Xử lý hạt giống trước khi gieo

Đầu tiên cần thúc mầm hạt bằng cách ngâm hạt vào nước ấm ở nhiệt độ 30-35oC trong thời gian 3-4 giờ sau đó vớt hạt rau, rửa sạch, loại bỏ hạt lép rồi để ráo nước thì mới đem gieo.

4/ Kỹ thuật gieo trồng rau mồng tơi

Chúng ta có hai cách thức thực hiện:

Bạn có thể rải hạt đều tay trên mặt đất, tuy nhiên nếu gieo quá dày thì khi cây non sẽ chen chúc nhau dẫn đến cây bị nhỏ, còi và phải thêm công để tỉa bỏ.

Bạn cũng có thể gieo hạt theo hàng, bằng cách kẻ thẳng các hàng trên đất (khoảng cách 10-15cm) thì khi các cây non lên sẽ có chỗ trống để phát triển. Phương pháp này không làm hao tốn hạt giống và đạt tỉ lệ cây non lên tốt hơn.

Nên rắc thêm một lớp đất mỏng (0,5cm) che phủ lên hạt vừa gieo và tưới ẩm 2 lần/ngày nếu trời khô nóng giúp hạt nhanh nảy mầm.

5/ Chăm sóc

5.1 Tưới nước

Rau mồng tơi ưa đất ẩm nên cần tưới đều trên mặt luống mỗi ngày. Khi trời nắng nóng cần tưới 2 lần/ngày vào lúc sáng và chiều, còn khi trời rét thì có thể dựa vào độ ẩm của đất tưới 1-2 lần/ngày vào 7-8 giờ sáng hoặc 4-5 giờ chiều.

5.2 Làm cỏ

Thường xuyên dọn sạch vườn cũng là một cách giúp giảm bệnh hại và tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng. Nên sử dụng các dụng cụ hỗ trợ (cuốc, dằm, dao làm cỏ,…) để loại bỏ các loại cỏ khó trị như cỏ gấu, cỏ mần trầu,… 1 tuần/lần.

5.3 Bón phân

– Cách loại phân

Phân hữu cơ: Phân chuồng đã được ủ xử lý như phân bò, trâu, gà,… phân trùng quế,…

Phân hóa học: Phân đạm Urê có hàm lượng đạm nguyên chất 46 %

Phân hữu cơ vi sinh: Gồm 2 loại:

Phân bón qua rễ: Có khả năng thay thế ít nhất 50% phân đạm và lân hóa học làm tăng khả năng chống chịu sâu bệnh giúp cây khỏe và làm giảm lượng nitrat (chất gây ung thư) tồn tại trong rau và cải tạo đất.

Phân bón qua lá (được chiết rút từ sản phẩm do vi sinh vật tạo ra): Không gây độc hại, hiệu quả nhanh hơn bón qua rễ (5-7 ngày) và cung cấp vitamin, các chất kích thích sinh trưởng mà rễ không hấp thụ,

– Liều lượng phân

Sau khi gieo hạt khoảng 10 ngày bón phân đạm 0,3 kg/100m2

Bón thúc lần 1 (cây có 2-3 lá thật): Sử dụng phân vi sinh pha với nước (5ml +1,5l nước) phun đều trên mặt lá.

Bón thúc lần 2 (nếu cây sinh trưởng kém): Sử dụng phân đạm ure (0,05kg) pha với nước rồi tưới vào gốc cây.

Theo dõi sự phát triển của cây để bón phân cân đối và hợp lý. Ví dụ như, sau khi thu hoạch nên bổ sung khoảng 0,3 kg/100m2 NPK hoặc thu hoạch 3 lần thì bón thêm tro và 5kg lân và phải tưới thúc được 10-15 ngày rồi mới thu hoạch.

– Chăm sóc: Tiến hành làm cỏ, nhổ tỉa cây bị bệnh, cây xấu kết hợp tưới thúc 2 lần bằng phân chuồng ngâm ủ hoai mục pha loãng với nước theo tỷ lệ 1:1 và NPK pha loãng với lượng 3 – 4kg/sào Bắc Bộ.

– Sử dụng phân bón cân đối, hợp lý, ưu tiên phân hữu cơ đã ủ hoai mục, tuyệt đối không dùng phân tươi, nước phân tươi, nước giải tươi để bón và tưới. Bón bổ sung phân hữu cơ vi sinh, hữu cơ sinh học.

– Trường hợp không có phân chuồng hoai mục, có thể dùng phân hữu cơ TRÙN QUẾ để thay thế với lượng dùng theo khuyến cáo, bảo đảm cây sinh trưởng, phát triển tốt.

phan_trun_que_sfarm

Phân trùn quế hữu cơ

– Về phòng trừ sâu bệnh: Nên trồng luân canh với cây trồng khác họ; đối với các vùng không chuyên rau nên luân canh với cây lúa nước nhằm hạn chế nguồn sâu bệnh chuyển tiếp. Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để phát hiện kịp thời các đối tượng sâu bệnh hại. Diệt sâu có thể dùng biện pháp thủ công: Ngắt ổ trứng, bắt giết sâu non khi mật độ sâu thấp (áp dụng với sâu xám, sâu xanh, sâu khoang); phát hiện và nhổ bỏ những cây bị bệnh thối gốc đem tiêu hủy.

– Trong trường hợp đặc biệt như: Mật độ sâu rất cao, thuốc sinh học không có khả năng khống chế thì lựa chọn sử dụng thuốc hóa học ít độc, nhanh phân giải và bảo đảm đủ thời gian cách ly đối với từng loại thuốc theo hướng dẫn trên nhãn thuốc. Mồng tơi cho thu hoạch nhiều lứa, khi đúng lứa nên thu hoạch ngay, không để rau già, giảm phẩm chất. Dụng cụ thu hoạch phải bảo đảm vệ sinh, khi thu hoạch cần loại bỏ các lá già, lá bị sâu bệnh, để nơi khô mát, sau đó bao gói vận chuyển đến nơi tiêu thụ.

5.4 Phòng trừ sâu bệnh

Cây mồng tươi ít bị sâu hại nhưng lại bị nấm bệnh gây ảnh hưởng nhiều. Phổ biến là bệnh đốm lá do nấm Cercospora.sp. Nếu không được che chắn thì khi mưa kéo dài thì rau mồng tơi sẽ bị dập lá, thối nhũn, bị đốm vàng,…. Cây dễ bị úng vậy nên cần vun cao gốc. Bệnh lở cổ rễ trên mồng tơi do nấm Rhizoctonia solani làm cho gốc bị teo tóp lại, chuyển màu nâu đỏ đến đen và cuối cùng gây chết cây con mặc dù lá vẫn xanh tươi.

Kiểm tra vườn thường xuyên để kịp thời phát hiện sâu bệnh hại. Mật độ thấp có thể dùng biện pháp thủ công: Ngắt ổ trứng, bắt giết sâu non hay sử dụng thiên địch,… Nhưng khi mật độ sâu hại tăng thì bạn có thể sử dụng thuốc sinh học – hóa học theo phương châm đúng lúc, đúng loại và đúng liều lượng.

6/ Thu hoạch đúng cách

Sau 1 tháng, khi cây đạt 30-40 cm thì bạn có thể thu hoạch. Sử dụng dao sắt hoặc kéo cắt ngang thân ở gần gốc và chừa 1-2 lá. Sản phẩm khi thu hoạch cần loại bỏ lá già, lá bị sâu bệnh, để nơi khô mát, sau đó bao gói vận chuyển đến nơi tiêu thụ. Sau khoảng 12-15 ngày có thể thu hoạch tiếp. Thu hoạch được 3 lần thì thôi thu hái, để cho ra quả chọn làm giống cho vụ mùa tiếp theo.

Vậy là Đặng Gia Trang đã chia sẻ chi tiết kỹ thuật trồng rau mồng tơi cho các bạn. Hy vọng qua bài viết này các bạn sẽ biết cách trồng mồng tơi cho vụ mùa bội thu nhé! Hotline 0902.652.099 bạn nhé!

HLV.vn

*Xem thêm

  • Kỹ thuật trồng và chăm sóc mía đạt năng suất cao
  • Kỹ thuật trồng mít Thái sớm thu hoạch năng suất cao
  • Kỹ thuật trồng xà lách cho trang trại đạt năng suất cao
  • Kỹ thuật trồng & chăm sóc bưởi da xanh chuẩn chuyên gia

You may also like