Như đã biết, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học thường có nhược điểm là phổ tác dụng rộng và để lại sự mức độ lưu tồn trong thực phẩm. Vì thể để khắc phục tình trạng này, người sản xuất cần áp dụng nhiều biện pháp sinh học khác để tránh ảnh hưởng cho môi trường và sức khỏe. Trong đó việc áp dụng chế phẩm từ cây neem được cho là phương pháp thay thế chính của thuốc hóa học.
Vậy vì sao chế phẩm từ cây neem lại hiệu quả đến vậy, hãy cùng ĐGT tìm hiểu “sức mạnh” của cây neem trong bài viết này nhé!
1/ Nguồn gốc cây neem
Cây neem hay cây xoan chịu hạn có tên khoa học là Azadirachta indica A., xuất xứ từ Ấn Độ. Nhờ khả năng chịu hạn, cây neem được trồng giữ đất tại những nơi cằm cỗi như rìa sa mạc Sahara, cực nam vùng Hymalya,…
Cây Neem ở Việt Nam (giống từ Ấn Độ, du nhập vào Việt Nam từ năm 1993) được trồng nhiều ở khu vực tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận. Hiện nay diện tích cây Neem ở 2 tỉnh này vào khoảng 3.000 ha. Dự kiến sẽ mở rộng lên 10.000 ha vào năm 2010. Từ lâu người Ấn Độ đã dùng cây Neem chiết xuất ra một số hoạt chất dùng làm thuốc bảo vệ thực vật.
2/ Đặc điểm
– Neem là cây ưa sáng, mọc thẳng cao từ 10-15 m, tán mọc rủ xuống. lá thường xanh quanh năm, gỗ cứng.
– Cây có vỏ dầy, cứng, rễ ăn sâu vào lòng đất.
– Khả năng chịu úng hay thời tiết lạnh quá dài kém nhưng có thể trồng ở nơi cao hơn mực nước biển khoảng 1000 m.
– Từ 3-5 năm cây cho trái, đây là nguồn dầu neem quan trọng để sản xuất chế phẩm trừ sâu hại.
3/ Đặc tính trừ sâu từ cây neem
Từ năm 1960, các nhà khoa học đã trích xuất được một số hóa chất có tác dụng gây ngán ăn và xua đuổi côn trùng hiệu quả. Hiện nay, việc nghiên cứu, phát triển các sản phẩm bảo vệ thực vật từ cây neem đang được các quốc gia tích cực nghiên cứu trong đó đứng đầu là Ấn Độ, Mỹ, Đức…
Hoạt chất chính để diệt trừ sâu hại của cây neem là Azadiractin, là một trong những chất chính được chiết xuất từ hạt neem (0,25 %) và lá neem (0,05%). Theo đó, hoạt chất này có phổ tác dụng rất rộng, có thể tác dụng lên nấm, vi khuẩn, bướm, sâu, rầy, nhện, bọ trĩ, tuyến trùng với liều sử dụng rất thấp (12,5-40 g a.i/h).
Theo các báo cáo nghiên cứu khoa học thì hoạt chất Azadiractin có tác dụng phòng trừ đứng đầu trên tổng số 2400 cây được tiến hành thí nghiệm và được chứng minh là ít có khả năng tạo ra tính kháng thuốc và thân thiện với môi trường hơn.
Và các chế phẩm của cây neem cũng được ghi nhận có thể diệt đến khoảng 350 loài côn trùng chân đốt, 12 loài tuyến trùng, 15 loài nấm, 3 loài virus,….
Ngoài ra, cây neem còn là nguồn nguyên liệu chính của các chế phẩm phục vụ ngành công nghiệp gia dụng như kem đánh răng, thuốc khử trùng, mỹ phẩm, thuốc trị gàu, xà phòng,…
4/ Cơ chế tác động
– Azadiractin có hoạt tính mạnh, vị độc tiếp xúc khi côn trùng đụng phải. Hơi của hoạt chất có tác dụng gây chán ăn, ngăn chặn quá trình sinh sản và lột xác, ức chế sinh trưởng của nhiều loài côn trùng.
– Đối với tuyến trùng, Azadiractin giúp kiểm soát hoạt động của tuyến trùng bằng cơ chế sau:
+ Ngăn sự nở của trứng
+ Con non khi tiếp xúc dẫn đến chán ăn, ức chế sinh trưởng.
+ Con trưởng thành, mất khả năng giao phối và ức chế khả năng đẻ trứng.
Độ độc đối với người được ghi nhận là rất thấp LC50= 5000 mg/kg trọng lượng đối với động vật có vú, vô hại với thiên địch và côn trùng thụ phấn.
5/ Ứng dụng thực tế của chế phẩm cây neem
Lúa: Hỗn hợp bánh neem-ure với tỉ lệ 2:10, khi sử dụng ở mức 120 kg/ha có tác dụng giảm bệnh vàng lùn, vàng xoắn lá, đạo ôn,… Nếu sử dụng hỗn hợp dầu hạt cải-dầu neem để phun định kỳ trong suốt vụ thì theo quan sát mật số rầy nâu, sâu đục thân, muỗi hành,… đã giảm xuống dưới ngưỡng kinh tế, từ đó nâng cao hiệu quả kih tế cho người sản xuất.
Chuối: đối tượng gây hại chính ở rễ, thân cây, gây thối gốc và đặc biệt khó phát hiện là loài mọt chuối và tuyến trùng.
Người sản xuất thường sử dụng thuốc rải Furdan 5G với liều lượng 40 gr/cây để phòng trừ 2 đối tượng trên. Tuy việc này không mang lại hiệu quả kinh tế khả quan do thuốc có thể bị rửa trôi và cần 1 lượng lớn để mang lại tác dụng.
Nếu so sánh với việc dùng 100 g/cây bánh neem hoặc chế phẩm hạt neem, người sản xuất có thể mang lại hiệu quả tương tự nhưng giá thành sản xuất chỉ bằng khoảng 50% đã cho thấy hiệu quả rõ ràng của chế phẩm cây neem đối với khống chế 2 đối tượng này.
Rau củ quả và cây họ đậu: Theo nghiên cứu, phun chế phẩm chiết xuất hạt neem tỉ lệ 2-3% cho 200 l/ha vào thời gian cây tăng trưởng sinh khối hay dự trữ ở củ, giúp giảm đáng kể sâu hại chính như bọ trĩ hoa, nhện đỏ, sùng củ. Hiệu quả này tương đương với việc sử dụng hoạt chất Cypermethrin với liều lượng gấp 3 lần bình thường.
HLV.vn
*Xem thêm:
- Thiết lập sự cân bằng giữa côn trùng gây hại và thiên địch
- Bọ rùa và những lợi ích trong bảo vệ cây trồng
- Bảo vệ đất trồng hiệu quả với các nguyên liệu thực vật
- Bẫy Pheromone – liệu pháp vàng trong phòng trị côn trùng gây hại
- [ Nấm Trichoderma]: Thành phần, Tác dụng, Cách sử dụng hiệu quả