Chè thích hợp nhiệt độ mát mẻ, có mùa khô xen kẽ mùa mưa, đất dễ thoát nước có dộ pH từ 4,5 – 5. Những chất dinh dưỡng sống còn với cây chè
Ngoài N-P-K, cây chè còn cần rất nhiều chất dinh dưỡng trung, vi lượng thiết yếu khác
Chè là cây thứ uống được trồng từ lâu ở những vùng núi phía Bắc và Lâm Đồng, thích hợp trên đất phiến thạch sét ở độ cao trên 1.000m so với mặt nước biển.
Cây chè được trồng chủ yếu bằng cành ghép, các giống chè mới được canh tác tốt có thể cho năng suất trên 3 tấn búp khô/ha/năm. Với sinh khối lớn như vậy, cây chè cũng đồng thời đòi hỏi một lương dinh dưỡng lớn.
1/ Nhu cầu dinh dưỡng
Các kết quả nghiên cứu về dinh dưỡng của cây chè cho thấy: Để có được 2 tấn búp chè khô/ha, cây chè cần lượng chất dinh dưỡng như sau: 144kg N; 71kg P2O5; 42kg K2O; 24kg MgO; 40kg CaO; 4.828g Fe; 9.557g Mn; 760g Zn; 760g Cu và 520g B. Khi năng suất đạt 3 tấn búp khô/ha thì nhu cầu dinh dưỡng của cây chè tăng gấp 2 lần lượng dinh dưỡng trên.
Như vậy, cây chè cần các chất đa lượng gồm đạm (N) cao gấp 2 lần lân (P2O5) và gấp 4 lần kali (K2O), đồng thời còn cần các chất dinh dưỡng trung lượng như Mg, Ca, vi lượng Fe, Mn, Zn, Cu, B…
2/ Nhu cầu về đạm
Đạm là yếu tố dinh dưỡng hàng đầu để nâng cao năng suất chè. Cung cấp đầy đủ đạm, chè phát triển nhanh thân, cành, lá, búp, đâm chồi, nảy mầm ở các nách lá. Nếu thiếu đạm chè còi cọc, cành, lá phát triển kém, chồi, búp ít, tuổi thọ của chè rút ngắn, năng suất thấp.
Song, cung cấp quá thừa đạm thì chè xanh mướt, cành nhỏ, lá mỏng, búp bé, dự trữ dinh dưỡng ở trong búp và lá thấp, sức chống chịu kém, dễ nhiễm các loại sâu bệnh gây hại, năng suất thấp, chất lượng giảm.
3/ Nhu cầu lân
Tuy lân cây chè cần không nhiều bằng đạm, song lại có vai trò quan trọng đối với sinh trưởng phát triển của cây chè. Lân xúc tiến phát triển bộ rễ của cây chè từ lúc mới trồng đến khi chè bước vào giai đoạn sản xuất đồng thời lân cũng tham gia vào quá trình tổng hợp các chất dinh dưỡng để chè sinh trưởng phát triển và cho sản phẩm búp và lá.
Lân còn tham gia vào các quá trình tích lũy chất khoáng hòa tan trong nước. Thiếu lân, chè chậm lớn, khả năng phân cành kém, lâu khép tán. Quá trình tái tạo rễ non (rễ tơ) bị chậm dẫn đến khả năng hấp thụ dinh dưỡng kém làm cho năng suất chè không ổn định.
4/ Nhu cầu kali
So với đạm và lân thì kali chiếm lượng ít hơn cả, song kali lại có vai trò rất quan trọng giúp cho sự vận chuyển nhanh các chất dinh dưỡng từ đất để quang hợp và tổng hợp các chất dinh dưỡng, đặc biệt ở búp và lá non, kali còn điều tiết sự cân bằng của đạm trong cây chè. Nếu thiếu kali chè mềm yếu, sự phát triển chậm lại, đạm bốc nhiều lên lá, sức đề kháng sâu bệnh kém, chè dễ nhiễm các loại sâu bệnh gây hại. Các kết quả nghiên cứu về phân bón vô cơ cho thấy tỉ lệ N:P:K phù hợp là 2,0:1,0:0,5 tùy theo điều kiện thổ nhưỡng ở từng vùng.
5/ Nhu cầu về canxi
Tuy cây chè thích hợp ở điều kiện pH từ 4,5 – 5 nhưng thực tế đất trồng chè hiện nay ở các tỉnh miền núi phía Bắc lại hầu hết là đất rất chua, có độ pH < 4 cho nên canxi có một vai trò quan trọng là khử chua tạo môi trường đất phù hợp với yêu cầu của cây chè đồng thời canxi còn tham gia tổng hợp các chất dinh dưỡng để cây chè phát triển.
6/ Nhu cầu magie
Mg có một vai trò đặc biệt quan trọng để nâng cao hiệu suất quang hợp, chè là cây cho sinh khối lớn chủ yếu là búp và lá cho nên việc tái tạo diệp lục sẽ quyết định năng suất và chất lượng chè. Nếu thiếu Mg, chè phát triển ít lá, ít búp, lá mỏng và bé, thường màu lá xanh thẫm, búp nhỏ dẫn tới năng suất, chất lượng kém. Bón đủ Mg cho chè sẽ làm cho việc tái tạo các chất diệp lục gia tăng từ đó cây chè phát triển nhiều mầm, nhiều búp, lá dày, sáng bóng, tích lũy các chất dinh dưỡng cao ở búp làm tăng năng suất và chất lượng chè.
7/ Nhu cầu các chất vi lượng gồm kẽm, sắt, mangan, đồng và bo…
Có tác dụng tham gia cấu tạo các men để xúc tác hình thành các hợp chất khoáng, các hợp chất vitamin, các hợp chất ta nanh trong búp và lá quyết định hương vị và chất lượng của chè. Nếu thiếu hụt các chất vi lượng sẽ làm cho cây chè giảm sút về chất lượng.
KS NGUYỄN XUÂN THỰ (HLV.vn tổng hợp)
*Xem thêm
- Biện pháp cải tạo độ phì cho đất
- Triển khai thành cong mô hình vườn rau hữu cơ sinh thái tại Hội An
- Hiệu quả bất ngờ khi áp dụng chế phẩm EM vào sản xuất nông nghiệp