Home Kỹ thuật trang trại Nguyên nhân dẫn đến phân trùn bị sống

Nguyên nhân dẫn đến phân trùn bị sống

by Học Làm Vườn

Phân trùn quế là loại phân hữu cơ vi sinh tự nhiên tốt nhất hiện nay. Nhưng trên thị trường hiện nay chất lượng rất không đồng đều. Một trong những yếu tố quyết định chất lượng phân trùn quế là phân trùn bị sống.

Vậy phân trùn sống là gì? Nguyên nhân nào dẫn đến phân trùn bị sống?

Cách gọi phân trùn sống là chỉ những loại phân trùn có lẫn phân bò. Phân bò bị lẫn này là do con trùn không có ăn hết phân bò nên phân bò còn lẫn lại. Phân trùn bị sống làm giảm hiệu quả sử dụng rất lớn. Trong phân trùn bị sống có lẫn phân bò nên có thể chưa sạch mầm bệnh, bón nhiều có thể bị nóng cây, gây mùi khó chịu cho vườn cây.

Cách nhận biết phân trùn sống bằng mắt thường rất dễ. Phân trùn sống không mịn, có lẫn màu vàng của phân bò, nặng mùi phân bò, đóng bao kín sẽ sinh khí gây phình bao. Còn phân trùn tốt mịn, có màu nâu sậm, không có mùi phân bò.

Xem thêm: Phân biệt phân trùn quế sống và phân trùn quế chín

Phân trùn bị sống khi phân bò không được con trùn quế ăn hết. Nguyên nhân phân bò không được con trùn quế tiêu hóa hết xuất phát từ kỹ thuật của người nuôi trùn, từ khâu làm trại chọn giống đến cho ăn và chăm sóc khác. Cụ thể là do:

1/ Trại nuôi quá ướt

Trùn quế sống ở muôi trường ẩm, độ ẩm trong luống phân trùn từ 75 – 80%. Nếu độ ẩm quá cao, luống phân trùn đọng nước nhiều thì trùn sẽ bỏ đi. Những trại như vậy thì tỉ lệ phân trùn sống rất cao (trên 50%). Thường là do nền trại có nhiều chỗ lõm đọng nước, không rút nước tốt, làm ở những nơi thấp hoặc bị nước mưa vào. Vì vậy, ở miền Nam thì yếu tố mùa cũng ảnh hưởng tới chất lượng. Về mùa mưa thì phân thường bị sống nhiều hơn so với mùa khô.

2/ Cho ăn thức ăn quá khô

Thức ăn cho trùn tốt nhất là pha loãng với nước. Tùy theo, độ ẩm trong trại mà pha loãng khác nhau. Nếu độ ẩm luống phân thấp thì chúng ta pha loãng hơn. Nếu chúng ta cho ăn thức ăn khô, vón cục thì trùn ăn chậm, hoặc không ăn hết dẫn đến thức ăn còn thừa lại (phân bò) dù thời gian nuôi có lâu chăng nữa.

3/ Mật độ trùn quá ít

Mật độ trùn quá ít sẽ dẫn đến làm chậm khả năng cho phân trùn thu hoạch. Quan trọng hơn là mật độ trùn ít nhưng người nuôi không biết điều chỉnh lượng thức ăn và thời gian cho ăn sẽ dẫn đến tình trạng là thức ăn trùn chưa ăn hết mà đã cho lớp thức ăn mới vào. Con trùn sẽ theo lên lớp trên ăn lớp thức ăn mới còn lớp dưới thừa lại gây ra phân trùn sống. Mật độ trùn quá ít thường do khu đó có những con chuột, dế trũi, con sùng đất….

4/ Nhiệt độ không khí

Nhiệt độ không khí xuống thấp hay cao quá cũng làm giảm hoạt động của trùn, dẫn tới lượng phân bò được xử lý chậm, và còn tồn dư nhiều phân bò cho dù thời gian nuôi có lâu chăng nữa.

Để có thể thu hoạch phân trùn quế đạt chất lượng, yêu cầu người nuôi phải có được hiểu biết nhất định về con trùn, kỹ thuật làm chuồng trại, chăm sóc và theo dõi thường xuyên, kịp thời xử lý những khu vực có thể bị sống phân.

HLV.vn

https://www.youtube.com/watch?v=6RO8E–ERWc&feature=youtu.be

You may also like