Home Kiến thức cơ bảnGiốngHoa Lan trúc phật bà – đặc điểm, cách trồng và chăm sóc

Lan trúc phật bà – đặc điểm, cách trồng và chăm sóc

by Học Làm Vườn

Lan trúc phật bà là một loài phong lan cực kỳ được yêu thích tại Việt Nam bởi vẻ ngoài độc đáo, vô cùng bắt mắt.

Hoa lan cẩm báo – đặc điểm và cách chăm sóc lan cẩm báo

Không chỉ vậy, loài hoa này còn rất dễ trồng và chăm sóc.

Nếu bạn đang tìm hiểu cách trồng và chăm sóc hoa lan trúc phật bà thì những thông tin dưới đây sẽ giúp ích cho bạn.

Tổng quan về lan trúc phật bà

Lan trúc phật bà có tên khoa học là Dendrobium pendulum, đây là loài thực vật có hoa thuộc chi Lan hoàng thảo (Dendrobium), họ Lan (Orchidaceae), cùng họ với lan mokara, lan vanda hay lan cattleya, sống chủ yếu ở khu vực châu Á.

Lan trúc phật bàLan trúc phật bà

Đặc điểm, lan trúc phật bà có chiều cao trung bình từ 35 – 40cm, trong điều kiện thích hợp có thể dài hơn. Thân cây được chia làm nhiều đốt màu xanh, mỗi đốt ngắn và phình to như đùi ếch, khi về già, các đốt này chuyển màu xanh vàng, có phấn phủ phía ngoài.

Lá cây mọc so le từ các đốt, lá có màu xanh, hình mũi mác, mặt trên nhẵn còn mặt dưới thì có lông. Các lá xòe đều như phật bà nghìn tay, do đó cây mới có tên là lan trúc phật bà.

Hoa lan trúc phật bà nở theo chùm với các phát hoa mọc ra từ các đốt thân, số lượng hoa phụ thuộc vào chiều dài phát hoa. Hoa là sự kết hợp giữa 3 màu trắng, tím và vàng, mang lại vẻ đẹp độc đáo và cuốn hút.

Hoa lan trúc phật bàHoa lan trúc phật bà

Loài này thường nở hoa vào cuối Đông đầu Xuân, mỗi lần nở kéo dài khoảng 2 – 3 tuần, tỏa hương thơm thoang thoảng, dễ chịu.

Ngoài lan trúc phật bà thường, hiện nay còn có lan trúc phật bà đột biến với hình dáng tương tự nhưng màu hoa hơi khác. Cụ thể là các hoa đột biến này không có màu tím ở đuôi cánh mà chỉ còn màu trắng hoặc vàng.

Về sinh trưởng, lan trúc phật bà có tốc độ sinh trưởng trung bình, ưa sáng nhẹ, ưa ẩm, chịu úng kém, nhân giống bằng rễ.

Ý nghĩa và công dụng lan trúc phật bà

Giống như tên gọi, lan trúc phật bà gắn liền với những tư tưởng tốt đẹp của đạo Phật, nó tượng trưng cho tấm lòng khoan dung độ lượng, đại diện cho những ý niệm lương thiện, trung thực.

Về công dụng, nhờ vẻ đẹp độc đáo và mùi hương dễ chịu, lan trúc phật bà được ưa chuộng để làm cây cảnh sân vườn, các vị trí thích hợp nhất là ban công, giàn leo sân vườn, cửa sổ…

Vào mỗi mùa ra hoa, người ta thường trang trí chậu lan trúc Phật bà trong nhà như một cây nội thất để chưng Tết.

Lan trúc phật bà được treo làm cảnh ở sân vườnLan trúc phật bà được treo làm cảnh ở sân vườn

Cách trồng hoa lan trúc phật bà

Nhìn chung, quá trình trồng lan trúc phật bà không có gì quá phức tạp, chỉ cần chọn được giống tốt, chuẩn bị giá thể phù hợp là ai cũng có thể thực hiện được.

Chuẩn bị giống

Bạn có thể tự nhân giống bằng rễ của cây lan trúc phật bà mẹ, nhưng nếu không có cây mẹ, tốt nhất bạn nên chọn mua giống từ các đại lý, nhà vườn.

Hiện nay giống lan trúc phật bà khá đa dạng, giá thành cũng không quá đắt, lại ít nguy cơ sâu bệnh. Bạn nhớ chọn mua tại các đại lý uy tín nhé.

Chuẩn bị giá thể

Giá thể phù hợp nhất để trồng lan trúc phật bà là dớn miếng và vỏ cây lim sam. Tuy vậy nếu không có điều kiện thì bạn có thể sử dụng những giá thể có sẵn như than củi, xơ dừa, mùn trấu, rêu giữ ẩm.

Trước khi trồng cần xử lý giá thể sạch sẽ để tránh sót mầm bệnh, nấm gây hại, ảnh hưởng đến sự phát triển của cây con.

Về chậu trồng, bạn có thể sử dụng chậu đất nung, chậu nhựa hay sứ đều được, chỉ cần đảm bảo kích thước phù hợp, dọc chậu có lỗ thoát nước đầy đủ để tránh gây ngập úng, thối rễ.

Trồng lan trúc phật bà

Sau khi chuẩn bị đầy đủ cây giống và giá thể, chậu, bạn tiến hành cho giá thể vào chậu sao cho đầy hơn 2/3 diện tích chậu.

Tiếp đó bạn đặt cây vào chính giữa chậu, cắm 1 cọc nhỏ ở bên và dùng dây cố định thân cây thật chắc để cây không bị nghiêng đổ.

Phủ lên một lớn dớn hoặc rêu mỏng để giữ ẩm cho rễ, sau đó tưới nước kiểu phun sương cho thật đẫm ở lần đầu tiên.

Đặt chậu ở nơi thoáng mát, có ánh sáng nhẹ, duy trì việc tưới nước mỗi khi thấy giá thể khô, sau một thời gian là rễ mới sẽ mọc đều. Khi cây lan đạt chiều cao tầm 15 – 20cm là có thể chuyển ra nơi có nhiều ánh sáng hơn.

Trồng lan trúc phật bàTrồng lan trúc phật bà

Cách chăm sóc lan trúc phật bà

Cây lan trúc phật bà nhìn chung khá phù hợp với khí hậu Việt Nam, nên quá trình chăm sóc không có gì quá phức tạp. Dưới đây là một vài lưu ý cho bạn.

Ánh sáng

Là loài sông phụ sinh trên thân cây cổ thụ, lan trúc phật bà ưa điều kiện ánh sáng nghẹ, giống như ánh nắng xuyên qua kẽ lá, cường độ sáng tầm 60%. Các vị trí đặt cây phù hợp có thể kể đến như dưới ban công, dưới tán cây lớn, nếu đặt cây ở sân vườn thì nên có lưới che phía trên.

Vào thời điểm lan trúc phật bà sắp ra hoa thì bạn có thể tăng ánh sáng lên một chút để màu sắc hoa tươi sáng hơn.

Tưới nước

Lượng nước và tần suất tưới cho hoa lan trúc phật bà không cố định mà tùy thuộc vào tình trạng giá thể và thời tiết. Do đó bạn cần thường xuyên quan sát, nếu thấy giá thể khô thì tưới để bổ sung độ ẩm ngay.

Vào mùa đông trước khi ra hoa thì cây thường rụng lá, giai đoạn này bạn không cần phải tưới nước.

Lượng nước tưới mỗi lần cũng là một yếu tố quan trọng bởi cây không chịu được ngập úng, chỉ tưới đến khi thấy giá thể đủ ẩm là ngừng, không để có nước đọng.

Chăm sóc lan trúc phật bàChăm sóc lan trúc phật bà

Bón phân

Khi mới trồng, bạn không nên bón phân vì khi đó rễ chưa phát triển đủ. Khi nào rễ mới xuất hiện và dài khoảng 5 – 7cm, bạn tiến hành bón phân đợt đầu tiên.

Nếu sử dụng các loại phân bón chuyên dùng cho lan hay phân NPK. Mùa đông thì tăng hàm lượng photpho, sau khi cây rụng hoa thì bón phân có hàm lượng đạm cao để thúc đẩy phát triển thân lá.

Nếu dùng phân hữu cơ, phải chọn những loại phân đã hoai mục và qua xử lý mầm bệnh. Sử dụng một túi lưới nhỏ bọc phân bón lại và treo vào gốc cây, phân sẽ tan ra và ngấm từ từ vào cây cùng với quá trình tưới nước.

Phòng trừ sâu bệnh

Dù có sức sống mãnh liệt và khả năng kháng sâu bệnh tốt, nhưng đôi khi lan trúc phật bà cũng gặp phải nấm rệp phá hoại và bệnh thối rễ. Đối với nấm rệp, bạn có thể lau sạch bằng tay, tình trạng nặng thì mua thuốc về phun.

Nếu cây bị thối rễ, đầu tiên cần cắt bỏ các rễ thối để tránh lây lan, sau đó dọn sạch gốc, cơi nới thông thoáng để rễ có không gian phát triển.

Trên đây là những thông tin cơ bản về cây lan trúc phật bà, hy vọng qua đó bạn đã có đủ kinh nghiệm để tự mình trồng và chăm sóc một vài giò lan tuyệt đẹp trong vườn nhà.

You may also like