Lan hoàng lạp với sắc vàng tươi sáng sẽ là một sự lựa chọn cây cảnh tuyệt vời nếu bạn muốn có thêm sự tươi mới trong khu vườn của mình.
Hoa lan Dendro – đặc điểm, cách trồng và chăm sóc
Vậy trồng và chăm sóc lan hoàng lạp có khó không?
Hãy cùng tìm hiểu một vài thông tin cơ bản về hoa lan hoàng lạp qua bài viết dưới đây nhé.
Sơ qua về lan hoàng lạp
Hoàng lạp có tên khoa học là Dendrobium chrysotoxum, là một loài thực vật có hoa thuộc chi Lan hoàng thảo (Dendrobium), họ Lan (Orchidaceae), trong họ này còn có lan cẩm báo, lan trúc phật bà, lan mokara và nhiều loài phong lan khác.
Tại Việt Nam, cây được gọi với nhiều cái tên khác nhau như kim điệp,kim điệp thân phình, hoàng thảo kim điệp, thạch hộc dùi trống, cổ chùy thạch hộc…
Lan hoàng lạp
Lan hoàng lạp là loài phụ sinh sống bám trên các cây lớn, thân cây có hình thoi, cao từ 20 – 40cm, đường kính 2 – 3cm, phần gốc và ngọn nhỏ, phình to ở giữa, giả hành cứng với các rãnh ở dọc thân, khi cây hấp thu nhiều nước thì các rãnh này sẽ mờ đi.
Lá có hình thuôn dài, màu xanh thẫm, mọc tập trung từ 2 – 7 lá ở đầu giả hành, chiều dài tầm 7 – 15cm, rộng 2 – 3cm.
Hoàng lạp thường nở hoa vào khoảng tháng 2 – 3, hoa nở theo chùm trên các phát hoa mọc từ nách lá, đầu cành. Mỗi chùm có từ 8 – 20 bông tùy kích thước phát hoa, tập trung chủ yếu ở ngọn.
Hoa hoàng lạp có màu vàng óng mắt mắt, đường kính từ 3 – 4cm, các cánh hoa hình trứng, môi gần tròn, mép uốn lượn gấp nếp nhẹ. Mỗi lần nở, hoa tồn tại khoảng 7 – 10 ngày.
Hoa lan hoàng lạp
Cây còn có một loại đột biến với họng hoa màu nâu đen hoặc sọc đỏ nổi bật, thường được gọi là lan sơn thủy tiên.
Về đặc tính, lan hoàng lạp có tốc độ sinh trưởng trung bình, ưa ẩm, ưa sáng nhẹ, chịu úng kém, sống tốt trên nhiều loại giá thể, nhìn chung là khá dễ sống.
Các bước trồng lan hoàng lạp
Quá trình trồng lan hoàng lạp không quá phức tạp, chỉ cần đảm bảo các bước chuẩn bị như giá thể, giống là ai cũng có thể thực hiện được.
Chuẩn bị giá thể
Giá thể để trồng lan hoàng lạp khá đa dạng, hiện nay người ta sử dụng chủ yếu là vỏ thông, dớn, xơ dừa, than củi, trùn quế… hoặc bó vào dớn, các khúc gỗ như môi trường tự nhiên.
Giá thể sau khi trộn đều bạn nên mang ủ từ 10 – 12 ngày để tăng thêm dưỡng chất, giúp cây con dễ sinh trưởng hơn.
Nếu trồng trong chậu, bạn có thể sử dụng chậu đất nung, chậu nhựa hay gỗ đều được, chỉ cần đảm bảo thông thoáng, có lỗ thoát nước để tránh ngập úng.
Chuẩn bị giá thể trồng lan
Chọn giống
Để đảm bảo cây con có tỉ lệ sống cao, nhanh ra hoa thì khâu lựa chọn giống rất quan trọng.
Giống phải mập mạp, lá xanh, không có dấu hiệu sâu bệnh hay còi cọc. Sau khi mua về, bạn cắt bỏ phần lớn chiều dài rễ, chỉ để lại khoảng 2cm, rễ nào non thì cắt sát gốc, loại bỏ luôn các lá dập nát. Thực hiện xong thì bôi keo liền sẹo và để khô.
Pha dung dịch Physan 20 nồng độ 1ml với 1 lít nước rồi cho lan vào ngâm khoảng 10 phút, ngâm xong vớt ra để ráo nước.
Tiếp tục pha B1+Atonik theo nồng độ trên bao bì rồi cho lan vào ngâm khoảng 30 phút, lại vớt ra để ráo.
Trồng lan hoàng lạp
Nếu bạn trồng lan hoàng lạp trên dớn hay bảng gỗ thì chỉ cần xếp cây ngay ngắn trên bảng, các phần mắt ngủ hướng ra ngoài,sau đó dùng ghim cố định thật chắc chắn để cây không xê dịch, ra rễ tốt.
Nếu trồng trong chậu, bạn lót ở đáy chậu một miếng xốp, tiếp đó xếp giá thể vào khoảng 70 – 80% diện tích chậu.
Đặt lan lên trên, dùng dây cố định hướng chắc chắn rồi phủ lên trên cùng một lớp giá thể nhỏ, chú ý không phủ kín gốc nhé.
Trồng lan hoàng lạp trên dớn
Sau khi hoàn thành, tưới nước cho ẩm giá thể rồi treo chậu ở nơi thoáng mát, có ánh sáng nhẹ, nếu trời nắng thì nên chuẩn bị thêm lưới che để đảm bảo cây không tiếp xúc nhiều với ánh nắng.
Cách chăm sóc lan hoàng lạp
Sau khi trồng, bạn cũng cần chú ý trong quá trình chăm sóc để lan hoàng lạp có thể sinh trưởng nhanh, ra hoa đẹp.
Tưới nước
Tuy là loài ưa ẩm nhưng bạn cũng không nhất thiết phải tưới nước thường xuyên cho lan hoàng lạp. Nếu được thì chỉ cần tưới khoảng 4 lần mỗi tuần, tưới bằng cách phun sương cho tới khi giá thể ẩm, thời điểm vào sáng sớm.
Vào mùa thu và đông, khi tốc độ sinh trưởng chậm, nhu cầu thấp thì bạn giảm xuống 2 – 3 lần tưới mỗi tuần là đủ. Dừng hẳn tưới khi lan sắp ra hoa.
Ánh sáng
Là loài sống phụ sinh trên các thân cây cổ thụ, lan hoàng lạp thường tiếp xúc với ánh nắng nhẹ, những ánh sáng xuyên qua kẽ lá.
Do đó, bạn nên đặt cây ở những nơi tương tự như dưới cây lớn, ban công, cửa sổ… nếu vị trí quá thoáng thì nên thiết kế thêm lưới che để duy trì mức ánh sáng khoảng 60 – 70%.
Thời điểm lan sắp ra hoa thì nên tăng sáng một chút để hoa có màu sắc tươi sáng hơn.
Nên có lưới che hạn chế ánh nắng
Bón phân
Bạn có thể sử dụng đa dạng các loại phân như phân chuồng hoại mục, phân hữu cơ hay phân tan chậm để bón cho hoàng lạp.
Vào giai đoạn cây con đang phát triển thì nên ưu tiên các loại phân giàu đạm, khi cây tới tuổi hoa thì giảm lượng đạm khi bón, khi phát nụ thì ngưng hẳn bón phân và tưới nước. Sau khi hoa tàn thì bón bổ sung trở lại.
Cách bón hiệu quả nhất là hòa chung với nước và tưới cho lan.
Phòng trừ sâu bệnh
Hoàng lạp đôi khi cũng gặp phải tình trạng bệnh, các bệnh thường gặp có thể kể tới như rầy, rệp non, bệnh phấn trắng… bạn có thể dễ dàng loại bỏ bằng tay.
Nếu phát hiện rễ hư thối thì cần cắt bỏ và bôi keo liền sẹo ngay, đồng thời căn chỉnh lại lượng nước tưới, tránh ngập úng.
Trên đây là những thông tin về hoa lan hoàng lạp, một loài hoa đẹp và rực rỡ, rất phù hợp để xuất hiện trong khu vườn của bạn.