Home Kiến thức cơ bảnGieo trồng Lan hài mốc hồng là gì? Cách trồng và chăm sóc

Lan hài mốc hồng là gì? Cách trồng và chăm sóc

by Học Làm Vườn

Lan hài mốc hồng là một trong những loài lan có nét độc đáo về hình dạng, màu sắc hoa cực kỳ bắt mắt nên được nhiều người ưa thích. Giá thành trên thị trường khá hợp lý nên rất đáng có mặt trong bộ sưu tập lan vườn nhà bạn. Hãy cùng Đặng Gia Trang tìm hiểu ngay về loài lan này cũng như cách trồng và chăm sóc nhé!

1/ Lan hài mốc hồng là gì?

Hoa Lan Hai Moc Hong (2)

Hài mốc hồng có tên Latin là Paphiopedilum micranthum là loại lan lâu năm, còn được biết đến với những cái tên như: lan hài mạng đỏ tía, hài ngọc nữ… Lan thuộc họ phong lan Orchidaceae và bộ phong lan Orchidales. Hài mốc hồng là loài nguy cấp đang cần được bảo tồn trong sách đỏ Việt Nam. Lan hài mốc hồng phân bố chủ yếu ở miền Bắc nước ta (Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang) và vùng Quảng Tây, Quý Châu, Vân Nam (Trung Quốc).

2/ Giá trị của lan hài mốc hồng mang lại

Lan hài mốc hồng được trồng để làm cảnh vì hoa có hình dạng độc đáo, màu sắc đẹp hài hòa so với kích thước của cây. Ngoài ra, cây có hoa màu trắng rất hiếm gặp trong tự nhiên, có giá trị đặc biệt dùng để lai tạo các dạng hài mới.

3/ Đặc điểm của lan hài mốc hồng

Lan hài mốc hồng có thân thuộc dạng thân cỏ kích thước trung bình, thân mang từ 3 – 5 lá mọc 2 hàng xếp thành hình quạt, dài khoảng 25cm, rộng 3 cm. Dò hoa dài từ 9 – 25cm, hoa như một chiếc muôi lớn dài 10cm, rộng 5 – 6 cm, thường nở vào khoảng tháng 3 – tháng 5. Hoa rất giống với hoa một số loài Đỗ quyên có mật và thường thu hút côn trùng tới thụ phấn.

4/ Cách nhận biết lan hài mốc hồng

4.1 Qua thân lá

Lan hài mốc hồng có thân mang 3 – 5 lá trên 1 cây xếp thành 2 dãy, thân có đường kính 2 – 3 mm và có thể dài đến 25 cm. Lá dạng dài, hình trứng ngược hay bầu dục thuôn và mở rộng, dày và mọng nước. Mỗi lá có đốt ở gốc, dưới đó là bẹ lá hình chữ V xếp lợp xít lên thân. Mặt trên màu lục với các mảng đậm nhạt không đều, mặt dưới có các đốm tím dày đặc.

4.2 Qua mặt hoa

Cây thường mang 1 hoa trên cây, màu hồng nhạt, không có mùi, cuống hoa dài 9 – 25 cm. Hoa gồm hai lá đài ở vòng ngoài, một lá đài lưng, một lá đài hợp và ba cánh hoa ở vòng trong. Hoa có đường kính 6 – 8cm, cánh hoa hình trứng ngược, chóp tròn, có lông mép và nhiều lông dài màu trắng ở mặt trong, nhị lồi.

hài mốc hồngHoa Lan hài mốc hồng

5/ Điều kiện ngoại cảnh

Lan hài mốc hồng thường mọc ở nơi có ít ánh sáng của tán cây rừng, ở sườn dốc, các nền đất có nhiều lá rơi bị phân hủy mạnh và giàu mùn ở độ cao 900 – 1600m. Cây mọc thành từng đám nhỏ ở chân các vách đá bên dưới các đường đỉnh, dưới bóng cây của kiểu rừng ít khép tán, nơi có nhiều rong rêu và ẩm độ cao.

6/ Cách trồng lan hài mốc hồng

– Xử lý cây giống: Cây giống sau khi mua về tiến hành cắt tỉa rễ già, lá hỏng rồi để ở nơi thoáng mát trong 1 – 2 giờ cho khô vết cắt. Phun dung dịch B12 nồng độ 2ml/ 1 lít nước rồi để trong mát khoảng 1 – 2 ngày mới đem trồng.

– Chậu trồng: Theo kinh nghiệm từ các nhà vườn tại Thái Lan và Đài Loan, nên trồng 1 – 2 cây lan hài mốc hồng vào cùng một chậu, việc này giúp đảm bảo độ ẩm đồng đều. Có thể dùng bất kỳ loại chậu nào tuy nhiên cần phải thoát nước tốt và thoáng khí, lựa chọn tối ưu nhất là sử dụng chậu đất nung.

– Giá thể trồng: Lan hài mốc hồng ưa khí hậu ẩm, mát mẻ, đặc biệt loại lan này có lá giáp, có lông nên thường hơi khó tính. Hài mốc hồng ưa thoáng nên thích hợp trồng với những loại giá thể có kích thước nhỏ như: viên đất nung, đá núi lửa, đá thấm thủy loại nhỏ… được trộn theo tỉ lệ bằng nhau.

– Cách trồng: Cho giá thể đã trộn vào khoảng nửa chậu, đặt cây thẳng đứng rồi tiếp tục đổ giá thể vừa đến miệng chậu. Sau đó rải thêm một lớp mỏng xơ dừa cắt miếng nhỏ, rêu rừng, vỏ thông lên trên bề mặt chậu.

Hoa Lan Hai Moc Hong

7/ Cách chăm sóc lan hài mốc hồng

Cần có một chế độ chăm sóc phù hợp để lan hài mốc hồng phát triển khỏe mạnh đồng thời giúp chống chịu sâu bệnh tốt hơn:

– Khi mới trồng, ánh nắng hợp lý cho cây khoảng 20% nếu nhiệt độ trên 30 độ C và 30% nếu nhiệt độ dưới 30 độ C. Khi cây bám rễ khỏe mạnh chỉ cần đặt chậu dưới tán cây hoặc giàn có lưới che đón được ánh nắng sớm 1 – 2 tiếng/ ngày càng tốt.

– Tùy vào điều kiện thời tiết, tưới 1 – 2 lần/ngày đảm bảo giá thể đủ ẩm để cây phát triển tốt. Tránh làm đọng nước trên lá, thân vì dễ khiến cây bị thối.

– Chỉ bón phân khi cây đã và đang phát triển bộ rễ, có thể dùng phân tan chậm, phân trùn quế viên, phân Rynan… để bón cho cây.

– Thường xuyên theo dõi, cắt bỏ những cành lá khô, sâu bệnh để tạo dáng đẹp đồng thời giúp cây phát triển tốt hơn. Đồng thời phun phòng thuốc trị nấm bệnh (Neem Chito, Radiant…) định kỳ vào những giai đoạn mưa dài ngày hoặc sắp mưa để bảo vệ cây một cách tốt nhất.

Hy vọng những thông tin mà bài viết này chia sẻ là hữu ích đối với bạn. Mọi chi tiết thắc mắc vui lòng liên hệ Hotline 0902.652.099 nhé!

HLV.vn

*Xem thêm

  • Liệu bạn đã biết cách trồng lan thanh đạm đúng chuẩn?
  • Cách nhân giống lan phi điệp và kỹ thuật ươm keiki đơn giản
  • Hướng dẫn cách trồng và chăm sóc hoàng thảo tam bảo sắc
  • Hướng dẫn cách trồng và chăm sóc lan báo hỷ đúng chuẩn

You may also like