Tỏi là một trong những cây gia vị quen thuộc, hầu như không thể thiếu trong mọi bữa ăn hàng ngày. Không những thế, tỏi còn có tác dụng điều trị một số bệnh như cảm cúm, thấp khớp, giảm huyết áp, phòng chống ung thư,… Vậy trồng tỏi có dễ dàng không? Cách trồng tỏi tại nhà như thế nào để năng suất cao nhất? Hãy cùng Đặng Gia Trang tìm hiểu kỹ thuật trồng tỏi đầy đủ từ chuyên gia qua bài viết sau.
1/ Đặc điểm cây tỏi và thời vụ trồng
1.1 Đặc điểm cây tỏi
Tỏi là loài thực vật thân cỏ, thuộc họ Hành và có danh pháp khoa học là Allium Sativum.
Cây tỏi có đặc điểm lá mọc thẳng, dẹp và dài khoảng 15 – 30cm. Củ tỏi nằm phía dưới mặt đất, bao gồm nhiều tép nhỏ, màu trắng đục và có mùi hăng. Từ củ tỏi mọc ra cuống hoa dài, hoa tỏi nhỏ, màu trắng xếp thành dạng hình cầu.
Tỏi là loại cây chịu lạnh tốt, nhiệt độ để cây tỏi sinh trưởng và phát triển tốt là khoảng 18 – 20 độ C, để cây tạo củ thì từ 20 – 22 độ C. Cây tỏi rất ưa ánh sáng, nên nếu trồng ở nơi có đủ nắng 12 giờ/ngày thì sẽ nhanh ra củ.
1.2 Thời vụ trồng tỏi
Căn cứ vào đặc điểm giống tỏi và cơ cấu mùa vụ của từng vùng để xác định thời vụ trồng tỏi. Ở khu vực Đồng bằng sông Hồng, tỏi thường được trồng xen canh giữa 2 vụ lúa, tức là khoảng cuối tháng 9 và đầu tháng 10, thu hoạch đầu tháng 2 năm sau. Tại khu vực miền Trung, thời điểm trồng tỏi thích hợp là vào tháng 9 – 10, đến tháng 1 – 2 năm sau có thể thu hoạch.
2/ Chuẩn bị vật tư trồng tỏi
2.1 Dụng cụ trồng
Thông thường, người ta hay tận dụng khoảng đất trống trong vườn để trồng tỏi. Nhưng với những gia đình thành thị hay những nhà hạn chế về đất trồng, có thể tận dụng thùng xốp, khay, chậu, bao xi măng,… có sẵn để trồng ở ban công hay sân thượng. Lưu ý với chậu, thùng hay khay đều phải được đục lỗ dưới đáy để thoát nước, đảm bảo cây tỏi không bị ngập úng.
2.2 Đất trồng tỏi
Một trong những bước quan trọng để tỏi sinh trưởng và phát triển tốt đó là phải chuẩn bị đất trồng phù hợp. Đất trồng tỏi tốt là loại đất thịt nhẹ, tơi xốp và dễ thoát nước.
Nếu bạn trồng tỏi ngoài vườn hay ngoài ruộng, thì cần làm đất thật kỹ và lên luống cao, rộng khoảng 1 – 1,5m. Giữa các luống phải làm rãnh rộng khoảng 25 – 30cm để thoát nước. Mỗi luống trồng khoảng 5 – 6 hàng, mỗi hàng cách nhau 20cm.
Đối với trồng chậu hay thùng xốp, bạn hãy trộn hỗn hợp đất với giá thể (vỏ trấu, xơ dừa, mùn cưa) và phân gà, phân bò, phân trùn quế,… lần lượt theo đúng tỉ lệ 5:3:2.
Thuận tiện hơn, bạn có thể mua đất sẵn trên thị trường mà vẫn đầy đủ dinh dưỡng và thành phần đất được phối trộn theo tỉ lệ phù hợp với từng loại cây như đất sạch hữu cơ HLV,…
2.3 Chọn giống tỏi
Trong kỹ thuật trồng tỏi, chọn giống rất quan trọng, ảnh hưởng đến chất lượng tỏi thu hoạch sau này. Tỏi giống cần phải sạch, không dính hóa chất, khỏe mạnh và không sâu bệnh.
– Trồng tỏi từ củ
Củ tỏi giống phải đảm bảo không bị sâu bệnh, không bị lép hay bị dập. Củ giống tốt nhất thường có từ 10 – 12 nhánh, mỗi nhánh đều to và chắc.
– Trồng tỏi từ gieo hạt
Hạt giống tỏi bạn nên mua từ những cửa hàng chuyên dụng có sẵn để đảm bảo chất lượng. Hạt giống mua về đem ngâm trong nước khoảng 3 – 4 giờ rồi để ráo nước. Sau đó, dùng miếng vải ẩm để bọc hạt giống lại, để trong tủ mát. Khoảng 4 – 5 ngày ủ hạt và tưới ẩm, nếu thấy hạt nứt nanh thì có thể đem gieo.
– Trồng tỏi từ cây tỏi con
Chọn cây giống khỏe mạnh, có khoảng 3 – 4 nhánh lá con. Tiến hành nhổ cây con, tỉa bớt rễ và phần ngọn lá đi rồi đem trồng thành cây mới.
3/ Tiến hành trồng
Sau khi chuẩn bị đầy đủ, bạn tiến hành trồng tỏi theo 3 cách chọn giống như sau:
3.1 Cách trồng tỏi từ củ
Trước khi trồng, củ tỏi giống phải được ngâm khoảng 3 giờ trong nước sạch. Sau khi vớt ra để ráo thì đem cắm xuống đất trồng đã chuẩn bị.
Lưu ý kỹ thuật trồng tỏi đúng là chỉ cắm 2/3 nhánh xuống đất, theo khoảng cách giữa các nhánh là từ 8 – 10cm. Sau đó, phủ một lớp đất vụn mỏng khoảng 4 – 5cm lên bề mặt, rồi tưới nước làm đất ẩm.
Kỹ thuật trồng tỏi từ củ
3.2 Cách trồng tỏi từ gieo hạt
Hạt giống đã nứt nanh đem gieo xuống đất, sau đó rắc một lớp đất vụn dày khoảng 1,5cm. Để tránh bị xói mòn khi tưới, giữ độ ẩm tốt và hạn chế cỏ mọc thì phủ thêm vụn nhỏ rơm rạ lên trên bề mặt đất. Thường xuyên tưới nước 1 – 2 lần/ngày tạo điều kiện tốt cho hạt nảy mầm.
Sau khi gieo hạt khoảng 25 – 30 ngày, sẽ thấy hạt giống đã mọc từ 2 – 3 lá. Lúc đó, bạn cần tỉa bớt những cây kém phát triển, sau đó đem cây đạt tiêu chuẩn ra trồng.
3.3 Cách trồng tỏi từ cây tỏi con
Trước khi trồng cây tỏi con, bạn cần đào những hố nhỏ với độ sâu 3 – 4cm, rộng 4 – 5cm theo khoảng cách đã định trước và bón phân lót vào từng hố. Cây tỏi con đủ điều kiện thì nhẹ nhàng đặt cây vào hố, giữ thẳng đứng. Nén nhẹ đất xung quanh hố để giữ chặt gốc cây con. Cuối cùng phủ một lớp trấu hoặc rơm rạ lên bề mặt để giữ ẩm tốt hơn. Tưới nước hàng ngày cho cây tỏi con nhanh chóng thích nghi với môi trường mới và phát triển thuận lợi.
4/ Chăm sóc tỏi
4.1 Cách bón phân cho cây tỏi
Trong giai đoạn cây nhỏ, cần thường xuyên làm cỏ, vun xới kết hợp với bón thúc để cây tỏi phát triển tốt. Khi mới trồng cần tưới nước hàng ngày, nhưng đến khi cây đã mọc mầm thì giảm lượng nước lại, tưới 2 – 3 lần/tuần nếu không có mưa.
Cây tỏi không yêu cầu cao về phân bón, nên không cần bón quá nhiều. Có thể sử dụng phân hữu cơ, phân trùn quế, phân chim, phân gà,… để bón lót cho cây khi chúng cao khoảng 10cm. Đợt bón tiếp theo phải cách đợt trước khoảng 1 tháng.
4.2 Cách phòng trừ sâu bệnh cho cây tỏi
Trong quá trình chăm sóc cây tỏi, bạn cần quan sát thường xuyên, chú ý những dấu hiệu sâu bệnh hại để kịp thời phát hiện và có biện pháp phòng chống hiệu quả. Nếu cây bị sâu bệnh hại, bạn phải sử dụng những loại thuốc được chỉ định với từng bệnh cho phù hợp.
Ngoài ra, để phòng sâu bệnh hại, khi trồng chú ý khoảng cách và mật độ không nên quá dày. Tưới nước hợp lý tránh để cây bị ngập úng và chú ý tỷ lệ bón phân cân đối để tránh tại điều kiện cho vi khuẩn, nấm gây bệnh.
Dưới đây là một số sâu bệnh hại thường gặp ở cây tỏi:
– Các loại sâu hại
+ Sâu đục thân: Sâu non thường tấn công bẹ lá, một thời gian hóa nhộng trong đất. Khi trưởng thành, chúng đục vào thân củ trước khi thu hoạch. Điều này dẫn đến vi khuẩn dễ xâm nhập gây thối rễ, lá úa, thậm chí là chết cây.
+ Sâu xanh da láng: Sâu non thường để lại mảng trắng trên lá khi chúng cắn phá lớp biểu bì của lá. Khi trưởng thành, chúng dài khoảng 10 – 15mm, màu xanh lục bóng, có 2 sọc vàng nâu bên thân. Lúc này, sâu xanh da láng sẽ cắn phá hết phiến lá và ăn trụi mầm lá non.
– Các loại bệnh hại
+ Bệnh thối nhũn: Củ bệnh thường có dấu hiệu thâm đen, có vòng đồng tâm, có dịch trắng, thậm chí là thối rữa, mùi khó chịu. Rễ cây cũng bị thối và lá héo dần khiến cây chết.
+ Bệnh sương mai: Bệnh biểu hiện ở lá già có màu xanh nhạt và lớp nấm màu trắng. Khi lá chuyển sang màu hơi đỏ tức là bệnh nghiêm trọng, lan rộng và gây ảnh hưởng tới củ.
+ Bệnh khô đầu lá: Dấu hiệu của bệnh là trên thân và lá tỏi có vết bệnh hình bầu dục màu xám trắng, sau đó chuyển sang màu nâu vàng. Sau một thời gian, cây tỏi bị khô héo và chết dần.
5/ Thu hoạch và bảo quản tỏi
Thời điểm thu hoạch tỏi là quan sát thấy lá gốc tàn và lá ngọn bắt đầu khô héo. Theo các chuyên gia ước tính, sau khi trồng khoảng 125 – 130 ngày là có thể thu hoạch tỏi. Cách thu hoạch là nhổ cả củ, giũ sạch đất và bó thành từng bó nhỏ.
Nếu bạn muốn có tỏi giống cho vụ sau thì thu hoạch sau khoảng 140 ngày. Sau đó, chọn những củ có từ 10 – 12 nhánh, mỗi nhánh đều to, chắc và không có sâu bệnh.
Tỏi sau khi thu hoạch cần được bảo quản cẩn thận thì mới sử dụng được lâu dài. Cách bảo quản tỏi khá đơn giản, chỉ cần đem treo ở những nơi thoáng mát, không ẩm ướt là được.
Trên đây là những chia sẻ về kỹ thuật trồng tỏi từ chuyên gia của Đặng Gia Trang, bao gồm đặc điểm, cách trồng tỏi, chăm sóc và thu hoạch, bảo quản tỏi,… một cách hiệu quả nhất. Hy vọng bạn có thể áp dụng những kiến thức trên để tự trồng cho gia đình những củ tỏi thật chất lượng. Nếu bạn có bất cứ thắc mắc nào, vui lòng liên hệ Hotline 0902.652.099 nhé!
HLV.vn
*Xem thêm
- Cách trồng bầu tại nhà cho quả to, sai lúc lỉu
- Kỹ thuật trồng đậu bắp tại nhà sai trĩu quả
- Kỹ thuật trồng nho trên sân thượng cho quả to ngon ngọt
- Cách trồng đậu cove tại nhà cực sai quả chuẩn chuyên gia