Lan mokara nổi bật với vẻ ngoài cuốn hút, nhiều màu sắc, được những người yêu phong lan mê đắm và mong muốn sở hữu.
Hoa lan cẩm cù – ý nghĩa và cách chăm sóc siêu đơn giản
Vậy cách trồng và chăm sóc lan mokara có khó không?
Nếu bạn đang tìm câu trả lời thì đừng bỏ qua những thông tin về cây hoa lan mokara dưới đây nhé.
Tổng quan về lan mokara
Lan mokara thuộc họ Lan (Orchidaceae), không phải là một loài tự nhiên mà là sản phẩm lai tạo từ ba giống lan khác nhau là Arachnis, Ascoentrum và Vanda.
Cũng nhờ sự kết hợp độc đáo này mà lan mokara mang trong mình nhiều ưu điểm như vẻ đẹp đa dạng, sức sống mạnh mẽ, khả năng thích nghi tốt.
Lan Mokara
Về đặc điểm, lan mokara là loài đơn thân, thân không có giả hành mà mọc theo hình trụ dài, vươn cao lên phía đỉnh, chiều cao trung bình khoảng 60cm.
Lá mokara khá dài, hình trụ hay lòng máng, không có cuống mà thay vào đó là các bẹ lá ôm sát thân. Lá mọc đối xứng và xòe đều ra 2 bên, màu xanh non, bề mặt láng.
Rễ của lan mokara không chỉ mọc ở gốc mà còn phát triển dọc thân, chui ra từ các bẹ lá, vươn dài rất độc đáo.
Lan mokara có thể ra hoa quanh năm, khi tới thời điểm, các phát hoa sẽ mọc ra từ nách lá, vươn thẳng lên trên. Hoa sẽ nở thành chùm trên đỉnh phát hoa, mỗi hoa có 5 cánh xòe đều, màu sắc đa dạng như tím, đỏ, hồng, cam, vàng… mỗi cây mokara trưởng thành có thể nở 6 – 8 phát hoa, tỏa sắc rực rỡ.
Hoa lan mokara nổi bật nhiều màu sắc
Về đặc tính, lan mokara sinh trưởng nhanh, ưa nắng, ưa ẩm, chịu úng kém, nhân giống bằng cách cắt cành hay tách cây.
Trong họ Orchidaceae không thể bỏ qua các loại lan khác cũng rất đẹp mắt như lan cattleya, lan vũ nữ hay hoàng thảo tam bảo sắc…
Cách nhân giống và trồng lan mokara
Nhìn chung, quá trình nhân giống lan mokara không quá phức tạp, bạn chỉ cần chuẩn bị một chút về cây giống cũng như môi trường nuôi trồng là có thể thực hiện được.
Chuẩn bị giá thể
Về cơ bản, lan mokara rất khó để trồng trên giá thể ván gỗ, do đó tốt nhất bạn nên trồng cây ra đất hoặc trồng trong chậu, có thể là chậu treo hay chậu để mặt đất đều được.
Về giá thể, bạn nên kết hợp giữa than củi, xơ dừa và trấu, như vậy sẽ đảm bảo được khả năng thoát nước.
Chậu trồng không nên quá lớn so với kích thước của cây, có lỗ thoát nước đầy đủ dọc thân chậu, có gắn cọc để cố định hướng thân cây.
Nhân giống
Là loài đơn thân, bạn có thể nhân giống lan mokara tương tự như lan vanda. Đó là chờ khi cây lớn, bạn cắt rời phần ngọn khỏi thân mẹ, cắt sao cho phần cành đó có 3 – 4 mắt rễ.
Phần gốc bạn có thể để riêng ở nơi thoáng mát, cấp nước đều đặn để ra mầm mới. Phần ngọn bạn có thể mang ra trồng riêng thành một cây mới.
Nhân giống bằng cách cắt cành
Cách trồng hoa lan mokara
Sau khi chuẩn bị chậu trồng, bạn lần lượt xếp than củi vào trước, đến xơ dừa và trên cùng là mùn trấu. Cắm cọc ở giữa để cố định cây con.
Sau khi chuẩn bị xong, bạn đặt cây lan mokara con vào chậu, chỉnh hướng rồi dùng dây cố định lại vào cọc mới dựng.
Cuối cùng, bạn tưới đẫm nước ở lần đầu tiên, đặt cây ở nơi thoáng mát, có ánh nắng nhẹ, sau khi cây lớn có thể mang ra chỗ nhiều ánh sáng hơn.
Trồng lan mokara
Cách chăm sóc lan mokara
Là loài lai tạo nên lan mokara có khả năng thích nghi cao, sức sống mạnh mẽ, do đó quá trình chăm sóc không có gì quá phức tạp.
Tưới nước
Nếu thời tiết bình thường, bạn có thể tưới cho hoa lan mokara 2 ngày 1 lần, trời nắng nóng thì tăng lên mỗi ngày 1 lần, trời mưa mát mẻ thì giãn cách ra.
Khi tưới, nên tưới dàn đều ra xung quanh, phun sương trên lá. Khi thấy đủ ẩm thì dừng, tưới nhiều có thể gây ngập úng, thối rễ. Ngoài ra, thời điểm tưới nước tốt nhất là vào sáng sớm hoặc chiều muộn.
Dinh dưỡng
Lan mokara có nhu cầu dinh dưỡng khá cao để có thể ra hoa nhiều, do đó bạn nên thường xuyên bón phân để bổ sung cho cây. Cứ định kỳ 2 tuần 1 lân, bạn có thể sử dụng các dạng phân chuồng hoặc NPK phối trộn và hòa chung với nước sao cho nồng độ loãng thích hợp tưới cho cây.
Ánh sáng
Là một loài ưa sáng, bạn nên treo hoặc trồng lan mokara ở những nơi nhiều ánh sáng, thoáng đãng như sân vườn, ban công. Khi cây còn nhỏ, bạn nên hạn chế đặt cây ở nơi có ánh nắng gắt, nhưng khi cây đã lớn thì không vấn đề gì.
Đảm bảo cả dinh dưỡng và ánh sáng cho hoa
Phòng trừ sâu bệnh
Dù có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, nhưng thi thoảng lan mokara vẫn gặp phải tình trạng rầy nâu, rệp hay bồ hóng. Rất may là cách phòng ngừa và trị rất đơn giản, bạn chỉ cần lau sạch một cách thủ công là được.
Trên đây là những thông tin về cây hoa lan mokara, hy vọng bạn đã có đủ kinh nghiệm để tự tay nhân giống và trồng một vài bụi tuyệt đẹp cho riêng mình.