Home Kiến thức cơ bảnGieo trồng Hoa lan cẩm cù – Cách trồng và chăm sóc cực đơn giản

Hoa lan cẩm cù – Cách trồng và chăm sóc cực đơn giản

by Học Làm Vườn

Lan cẩm cù sở hữu một nét đẹp riêng biệt bởi hình dáng lá và hoa cực độc đáo. Vì vậy, không khó hiểu khi lan cẩm cù được đánh giá là một trong những loài lan tuyệt đẹp ở Việt Nam. Cách trồng và chăm sóc lan cẩm cù lại vô cùng đơn giản, hãy cùng Đặng Gia Trang tìm hiểu trong bài viết này nhé!

1/ Ý nghĩa của lan cẩm cù

Lan cẩm cù mang ý nghĩa yêu thương, tượng trưng cho sự sum vầy, tròn đầy viên mãn, nên rất phù hợp để tặng cho những người thân yêu.

Ngoài ra hoa còn là biểu tượng cho sự may mắn về mặt phong thủy giúp thu hút tài lộc và đem lại vượng khí cho gia chủ, nên rất thích hợp để trang trí trong nhà.

Lan Cam Cu

2/ Ứng dụng của hoa lan cẩm cù

Hoa lan cẩm cù thường được mọi người dùng để trang trí vì nó có hình dáng, màu sắc hoa đa dạng.

Ngoài ra, cây cẩm cù còn được sử dụng để chữa các loại bệnh như viêm phổi nhẹ, viêm phế quản, viêm kết mạc… vì các bộ phận của cây đều phủ sáp, thân và lá chứa một lượng sterol glucoside là hoyin (0.76 – 0.832%)

Lan Cam Cu Xinh Dep (2)

3/ Đặc điểm của lan cẩm cù

Lan cẩm cù hay lan sao, lan cầu lông có tên khoa học là Hoya carnosa thuộc họ Thiên lý Asclepiadaceae. Cẩm cù là loại cây dây leo mềm dẻo, sống lâu năm có chiều cao trung bình từ 3 – 7m. Thân mềm màu nâu nhạt hoặc xanh, gồm các đốt nhỏ, tại những đốt này sẽ có rễ mọc ra. Lá cẩm cù mọc đối xứng nhau, hình bầu dục hoặc trái tim, lá dày và mọng nước. Hoa mọc ở nách lá, nở theo chùm, hình ngôi sao 5 cánh nhỏ, phần nhụy hoa có màu sắc nổi bật hơn. Hoa có mùi thơm dễ chịu và lâu tàn từ 1 – 2 tuần.

4/ Phân loại hoa cẩm cù

Trên thế giới, lan cẩm cù có tới khoảng 400 loài khác nhau dựa vào đặc điểm nguồn gốc và màu sắc hoa. Ở Việt Nam thì có những loại phổ biến sau đây:

– Hoa cẩm cù lá trái tim

Đây là dòng lan cẩm cù được yêu thích nhất hiện nay. Lá cây có hình trái tim, màu xanh đậm, bản to, dày và bóng hơn so với các loại thông thường. Hoa có 5 cánh màu trắng phần nhụy nâu đỏ và ra hoa quanh năm.

Lan Cam Cu Xinh Dep (4)

– Lan cẩm cù Hoya Kerrii

Còn được gọi là lan cẩm cù cẩm thạch, là loại thân leo, viền mép lá có màu trắng và phần còn lại là màu xanh. Hoa màu đỏ nhuộm nâu, kết thành chùm và không có mùi. Loại lan này có thể chịu khô hạn tốt nhưng rất dễ bị ngập úng.

– Lan cẩm cù rừng

Dòng này sinh trưởng chủ yếu ở trong rừng, có sức sống khỏe khoắn và ít bị sâu bệnh hại. Tuy nhiên, hoa cẩm cù rừng không đa dạng màu sắc bằng các loại khác.

Hoa Lan Cam Cu Dep

5/ Lan cẩm cù nở hoa vào tháng mấy?

Lan cẩm cù nở hoa quanh năm và có thể cho hoa nhiều lần trong một năm. Bất kể thời tiết mưa hay nắng, chỉ cần chế độ chăm sóc phù hợp, ánh sáng và lượng nước đầy đủ là cây có thể ra hoa.

Nếu trồng lan cẩm cù bằng hạt thì khoảng một năm cây sẽ bắt đầu cho hoa, trong khi đó, nếu nhân giống bằng thân, lá thì chỉ mất khoảng 6 – 10 tháng. Nên phương pháp nhân giống vô tính được áp dụng phổ biến hơn vì cây nhanh cho hoa hơn.

Lan Cam Cu Xinh Dep (3)

6/ Chuẩn bị trồng lan cẩm cù

6.1 Chậu trồng

Để cho cây sinh trưởng và phát triển tốt nên sử dụng chậu đất nung có kích thước vừa để trồng cẩm cù vì có khả năng thoát nước tốt. Ngoài ra, bạn có thể trồng lan vào bất kỳ loại chậu nào chỉ cần có lỗ thoát nước là được.

6.2 Đất trồng

Đất trồng lan cẩm cù thì nên chọn những loại đất tơi xốp, nhiều dinh dưỡng và có khả năng thoát nước tốt. Có thể mua đất trồng ở các cửa hàng vật tư nông nghiệp hoặc trộn đất theo tỷ lệ: 50% mùn, 30% xơ dừa, 20% đất thịt, 10% phân chuồng hoai mục.

6.3 Vị trí trồng

Nhiệt độ thích hợp cho hoa cẩm cù sinh trưởng và phát triển là từ 18 – 25 độ C. Lan cẩm cù là loại cây ưa sáng nên cần đặt cây nơi có ánh nắng nhiều để cây quang hợp tốt.

Nếu trồng lan cẩm cù trong nhà thì có thể mang cây ra tắm nắng 2 – 3 tiếng vào buổi sáng. Không nên đặt ở nơi có ánh nắng gay gắt sẽ khiến cho cây dễ bị cháy lá.

Bài viết hay về loại nấm có nhiều công dụng cho cây trichoderma tham khảo tại đây: [ Nấm Trichoderma]: Thành phần, Tác dụng, Cách sử dụng hiệu quả

7/ Cách trồng lan cẩm cù

7.1 Hai phương pháp nhân giống lan cẩm cù

Lan cẩm cù có thể nhân giống theo hai cách: nhân giống hữu tính (gieo hạt) hay nhân giống vô tính (bằng thân, lá). Mỗi phương pháp đều có những ưu điểm riêng:

Nhân giống bằng hạt

Phương pháp này là phương pháp truyền thống, tuy dễ thực hiện, không yêu cầu kỹ thuật nhiều nhưng lại lâu cho hoa nên được áp dụng khá ít.

– Lựa chọn hạt giống: Thu hoạch quả đã chín già của cây để gieo vào mùa tiếp theo hoặc mua tại các cửa hàng bán hạt giống. Lưu ý chọn hạt to, đều, không bị côn trùng cắn phá.

– Xử lý hạt giống: Hạt giống sau khi chuẩn bị xong thì tiến hành đem đi ngâm nước để hạt dễ nảy mầm.

– Gieo trồng: Tiến hành gieo hạt giống lên luống hoặc vào khay chuyên dụng. Sau đó rải thêm lớp đất mỏng lên trên rồi tưới nước giữ ẩm hàng ngày để cho cây nảy mầm. Sau khoảng từ 2 – 4 tuần hạt nảy mầm, khi cây đạt từ 20 – 30cm thì có thể tách ra trồng vào chậu.

Nhân giống bằng thân lá

Nhân giống bằng phương pháp này cây sẽ giữ được những ưu điểm tốt của cây mẹ và thời gian ra hoa nhanh nên được áp dụng phổ biến hơn so với phương pháp truyền thống.

– Lựa chọn thân, lá giống: Nên chọn những lá khỏe, to, bản dày và không bị sâu bệnh hại, không nên chọn lá quá già hoặc quá non sẽ khó mọc rễ. Chọn những cành bánh tẻ, cứng cáp rồi cắt một đoạn khoảng 3 – 4 đốt sau đó ngắt bớt lá ở phần đốt cuối.

– Xử lý thân, lá giống: Thân và lá được nhúng qua dung dịch kích thích mọc rễ rồi mới cắm xuống chậu đất. Sau khoảng 2 – 3 tuần cây mọc rễ, phát triển thì có thể chăm sóc bình thường.

Lan Cam Cu Xinh Dep

7.2 Kỹ thuật trồng cây cẩm cù

Thời gian lý tưởng để gieo trồng cẩm cù là vào tháng 2 – tháng 4 hoặc tháng 8 – tháng 10. Lúc này thời tiết khá thuận lợi để cho cây sinh trưởng và phát triển tốt.

Cây con đủ tiêu chuẩn thì tiến hành tách ra trồng vào từng chậu riêng biệt. Cho đất trồng vào ½ chậu, đặt cây con, cho phần đất còn lại vào cách miệng chậu 2 – 3 cm rồi ấn để cố định cây. Sau đó tưới nước thật đẫm để cây hồi xanh.

8/ Cách chăm sóc lan cẩm cù

8.1 Tưới nước

Cẩm cù là loại lan ưa ẩm trung bình, có khả năng chịu hạn tốt và không chịu được ngập úng. Vì thế chỉ cần tưới nước cho cây khoảng 2 lần/tuần và luôn đảm bảo cây thông thoáng, không đọng nước trên bề mặt thì cây sẽ sinh trưởng phát triển tốt.

8.2 Cắt tỉa

Nên thường xuyên cắt tỉa các lá già, cành già để cây phát triển khỏe mạnh, phân nhánh tốt đồng thời hạn chế sâu bệnh ẩn nấp. Vì là dạng cây thân leo nên cần cắt tỉa hoặc uốn cành khoảng 1 tháng/lần để tán cây đẹp đảm bảo tính thẩm mỹ.

8.3 Bón phân

Trong suốt thời kỳ lan cẩm cù sinh trưởng và phát triển nên bón thêm phân có hàm lượng nitơ cao cho cây định kỳ 1 – 2 tháng/lần.

Khi cây trưởng thành bước vào giai đoạn ra hoa có thể chuyển sang loại phân bón có hàm lượng photpho cao. Lưu ý khi bón thì bạn nên hòa tan dung dịch với nước để tưới để giúp cho cây dễ dàng hấp thụ hơn.

Lan Cam Cu Xinh Dep (5)

9/ Cách phòng trừ sâu bệnh hại

Nếu như không biết cách chăm sóc thì cẩm cù rất dễ bị các loại sâu bệnh hại tấn công như: rệp sáp, nhện phấn trắng, bệnh nứt gốc,… Vì thế, để phòng bệnh cần phải lưu ý độ ẩm, ánh sáng cho cây, vệ sinh vườn để tạo sự thông thoáng. Ngoài ra, nên sử dụng vôi để rắc xung quanh giúp hạn chế các loại nấm bệnh trong đất. Có thể sử dụng thuốc bảo vệ thực vật với nồng độ trên bao bì để phun thẳng lên lá hoặc cắt bỏ phần bị hư hại .

Hy vọng với những gì mà bài viết này mang lại thì bạn có thể trồng cho vườn nhà một chậu lan cẩm cù ưng ý nhất. Mọi chi tiết thắc mắc vui lòng liên hệ Hotline 0902.652.099 nhé!

HLV.vn

*Xem thêm

  • Kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa lan đầy đủ nhất
  • Kỹ thuật bón phân cho lan Dendro chuẩn nhà vườn
  • Kỹ thuật bón phân cho lan hồ điệp hiệu quả nhất
  • Hướng dẫn cách trồng và chăm sóc lan báo hỷ đúng chuẩn

You may also like