Hoa lan cẩm báo gây ấn tượng với vẻ đẹp hoang dại, không những vậy còn có khả năng thích nghi cực kỳ tốt, dễ trồng và chăm sóc.
Hoa lan Mokara – cách trồng và chăm sóc lan mokara
Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu đặc điểm, cách nhân giống và chăm sóc lan cẩm báo sao cho đạt hiệu quả tốt nhất.
Cùng bắt đầu nào.
Tổng quan về lan cẩm báo
Lan cẩm báo có tên khoa học là Vandopsis parishii, Vanda parishii, Hygrochilus parishii… là một loài thực vật có hoa thuộc họ Lan (Orchidaceae), một họ nổi bật với các loài như hoàng thảo tam bảo sắc hay lan vũ nữ.
Loài này có nguôn gốc từ Myanmar, phân bổ chủ yếu ở khu vực châu Á. Tại Việt Nam, cây được tìm thấy nhiều ở các khu vực như Lâm Đồng, Hà Giang, Phú Thọ…
Lan cẩm báo
Về đặc điểm, lan cẩm báo là loài sống phụ sinh trên các cây cổ thụ, thân cây mọc đơn, hơi dẹt và thẳng, chiều cao khoảng 20 – 30cm.
Lá cây có hình trái xoan, dài khoảng 15 – 20cm, rộng 3 – 5cm, màu xanh thẫm, không có cuống mà có bẹ ôm sát vào thân, phần đỉnh lá không nhọn mà có rãnh nông chia làm 2 thùy không đều.
Rễ của lan cẩm báo mọc khắp thân, chủ yếu ở gốc và phần nách lá, rễ có màu trắng ngà, đầu rễ màu tím hoặc xanh trắng.
Hoa lan cẩm báo nở thành chùm, phát hoa cũng mọc ra từ nách lá, chiều dài có thể lên tới 40cm, mỗi chùm thường có 5 – 8 bông. Đường kính hoa khá lớn với nhiều cánh hoa uốn lượn, cánh hoa dày, mặt cánh có điểm các đốm tương tự như da của loài báo khá bắt mắt.
Môi hoa nhỏ và thùy giữa có màu đỏ ở mép trắng với các vạch màu vàng cam. Ngoài màu vàng thì lan cẩm báo còn có các màu khác như màu đỏ thẫm hoặc nâu đỏ pha tím.
Hoa lan cẩm báo rất đẹp mắt
Không chỉ đẹp, hoa của lan cẩm báo còn có mùi hương ngọt ngào, cuốn hút. Hoa thường nở vào mùa xuân, mỗi lần nở kéo dài từ 1 – 2 tuần.
Kỹ thuật nhân giống và trồng lan cẩm báo
Nhờ khả năng thích nghi với nhiều môi trường sống khác nhau, chống chọi sâu bệnh tốt nên quá trình nhân giống lan cẩm báo không có gì quá phức tạp. Quy trình cũng giống như cách nhân giống lan cattleya hay lan vanda…
Chuẩn bị giá thể
Đối với lan cẩm báo, bạn có thể trồng trên gốc gỗ hoặc trong chậu đều được.
Nếu trông trên ván gỗ thì bạn nên chọn gỗ vú sữa hoặc nhãn, giá thể gỗ đảm bảo không có mối mọt hay sâu bệnh. Để chắc chắn thì bạn nên rửa sạch rồi ngâm nước vôi qua đêm.
Nếu trồng trong chậu, bạn nên ưu tiên chậu đất nung hoặc chậu gỗ, dọc chậu cần có lỗ thoát nước đầy đủ, đảm bảo thông thoáng.
Giá thể trồng cần có đủ dinh dưỡng và khả năng thoát nước, chủ yếu là than củi, xơ dừa, dớn, trấu…
Nhân giống lan cẩm báo
Để có thể nhân giống, cây lan cẩm báo mẹ phải đủ khỏe mạnh, thường phải đạt hơn 8 tháng tuổi, khỏe mạnh, không sâu bệnh, có nhiều tầng rễ.
Đầu tiên, bạn khử trùng kéo và dao sắc rồi cắt ngang phần gốc sao cho nửa gốc dưới giữ lại 1 – 2 cặp lá, phần ngọn phải có 2 – 3 mắt rễ.
Nhúng phần ngọn vừa cắt vào dung dịch thuốc trừ nấm Benlat C 1/2000 và dung dịch kích thích ra rễ NAA (Naphtalen Acetic Acid) 0,5ppm.
Mang phần ngọn đã được xử lý trên trồng vào giá thể đã chuẩn bị từ trước. Đặt chậu ở nơi có độ ẩm cao, râm mát, có ánh sáng nhẹ, tưới nước đều đặn để duy trì độ ẩm cho tới khi cây ra rễ và lá non thì có thể mang ra vị trí thích hợp hơn.
Phần gốc cây sau khi cắt thì bôi vôi vào vết thương, đặt ở nơi thoáng mát, sau một thời gian thì phần gốc này sẽ ra chồi và phát triển thành cây mới.
Tách cây lan cẩm báo để nhân giống
Cách trồng lan cẩm báo
Trồng vào ván gỗ: chuẩn bị ván gỗ rồi phủ lên một lớp dớn mỏng. Tiếp đó ghép phần ngọn vừa cắt vào ván, dùng dây cố định vị trí lan sao cho phần rễ được quấn vào lớp dớn. Phủ tiếp một lớp dớn khác lên rễ, tưới nước đều đặn, đặt lan ở nơi thoáng mát, có ánh nắng nhẹ để hoa tiếp tục phát triển.
Trồng vào chậu: chuẩn bị chậu có kích thước phù hợp, sau đó xếp các loại giá thể vào, lần lượt là than củi, tiếp đó là xơ dừa rồi trên cùng là mùn trấu. Đặt cây con lên trên cùng, dùng dây cố định vị trí, phủ thêm ít xơ dừa lên trên rễ để giữ ẩm, tưới nước và treo chậu ở nơi thoáng mát là xong.
Trồng lan ra chậu giá thể mới
Cách chăm sóc lan cẩm báo
Quá trình chăm sóc lan cẩm báo cũng không có gì quá phức tạp, chỉ cần đáp ứng một vài tiêu chí về nước tưới, ánh sáng là cây có thể sinh trưởng tốt.
Nước tưới
Lan cẩm báo là loài ưa ẩm và chịu úng kém, do đó bạn cần đảm bảo tưới nước thường xuyên và không để giá thể trong tình trạng khô hạn kéo dài. Tần suất tưới phụ thuộc khá nhiều vào thời tiết, bạn nên tưới bằng phương pháp phun sương.
Lượng nước tưới cũng là một vấn đề cần quan tâm, không tưới quá nhiều nước 1 lần, nếu giá thể không thoát nước tốt có thể gây thối rễ.
Ánh sáng
Bạn nên duy trì ánh sáng ở mức 60%, các vị trí phù hợp nhất là dưới ban công, dưới bóng cây lớn. Nếu đặt cây ở nơi quá thoáng thì nên dựng thêm lưới che ở trên để che chắn mỗi khi nắng quá gắt.
Vào thời điểm cây sắp ra hoa thì có thể tăng ánh sáng lên một chút để hoa nở to đẹp và màu sắc tươi sáng hơn.
Dinh dưỡng
Định kỳ khoảng 1 tháng 1 lần, bạn bổ sung dinh dưỡng cho hoa bằng cách bón phân. Loại phân có thể bón cho hoa lan cẩm báo khá đa dạng, bạn có thể sử dụng các loại phân kích thích sinh trưởng tan chậm hoặc dạng bón lá cho cây từ khi mới trồng đến lúc ra rễ. Khi cây đã lớn thì có thể tưới phân hóa học NPK 3-10-10, 2 ngày/lần với liều lượng 1 muỗng cà phê pha 4l nước hay phân chuồng hoại mục.
Đảm bảo nước tưới, ánh sáng và dinh dưỡng cho cây
Phòng trừ sâu bệnh
Trong quá trình chăm sóc, thường xuyên quan sát để cắt tỉa, loại bỏ các lá và rễ hư thối. Lan cẩm báo thường gặp phải tình trạng rệp vàng, thối đọt, thán thư, đốm lá…
Nếu tình trạng nhẹ bạn có thể loại bỏ sâu rệp bằng tay, các bệnh khác thì dùng dao sắc cắt bỏ phần bị bệnh rồi bôi vôi để khử khuẩn.
Tình trạng nặng hơn thì bạn có thể phun các loại thuốc ngừa như Benomyl nồng độ 1/400 hoặc Nano bạc. Chi tiết hơn thì bạn có thể tham khảo các đại lý bán thuốc bảo vệ thực vật.
Trên đây là những thông tin cơ bản về cây lan cẩm báo, tuy không quá chi tiết nhưng hy vọng đã đủ để bạn có thể tự mình trồng và chăm sóc một vài chậu để tô điểm không gian sống.
Chúc bạn thành công.