1/ Nguồn gốc của hoa hồng quế
Thật sựkhông có thông tin chính xác về nguồn gốc của giống hoa hồng quế, chỉ biết hoa hồng quế gắn bó rất lâu đời, là loài hồng cổ tại Việt Nam. Hoa hồng quế được trồng thành bụi to trông rất bắt mắt, tuy nhiên ngày nay, các giống hồng ngoại ngày càng nhiều, do đó các giống hồng cổ nói chung và hồng quế nói riêng ngày càng biến mất.
2/ Phân loại hoa hồng quế
2.1 Hoa hồng quế cánh đơn
Thân mọc bụi cao khoảng 30 – 60cm, mọc rậm rạp. Cành nhánh tương đối mảnh mai, lá xanh mướt.
Hoa hồng quế đơn nhỏ, chỉ cỡ đồng xu. Hoa có 5 – 8 cánh, khi mới nở có màu hồng cánh sen và chuyển dần sang màu đỏ trong những ngày sắp tàn, ít mùi hương.
2.2 Hoa hồng quế cánh kép
Đây là dạng hoa hồng thân bụi tầm trung, mọc rậm rạp, có thể cao đến 2m. Cây cho hoa rất sai, nở rộ vào mùa đông và mùa xuân.
Hoa hồng quế kép có màu hồng cánh sen tươi tắn, có 8 – 12 cánh, đường kính hoa dao động 4 – 7cm. Mỗi khi nở 3 – 7 hoa gần nhau tạo thành chùm rất đẹp.
3/ Đặc điểm của hoa hồng quế
Cây hoa hồng quế có thân thảo, do sống lâu năm nên hóa gỗ, mọc thành bụi, chiều cao khoảng 0,5 – 1,5m, độ rộng tán 1 – 1,5m. Cây hồng quế có khả năng phân nhánh mạnh, cành nhánh nhỏ, mảnh, màu xanh đậm và có gai nhỏ.
Lá hồng quế màu xanh đậm, hình bầu dục, hơi nhọn ở đầu và mép lá có răng cưa.
Hoa hồng quế có màu hồng hoặc hồng phấn, cánh hoa thưa, nhỏ và mỏng hơn các loại hồng khác, cánh hoa xếp tròn đều quanh nhụy vàng óng ả. Hoa mọc từ nách lá và rất sai hoa, nở đẹp nhất vào mùa xuân, nhưng hoa chóng tàn. Đường kính hoa hồng quế dao động 3 – 7cm, đôi khi kết thành chùm 3 – 7 hoa, đôi khi mọc riêng lẻ.
Hoa hồng quế mang hương thơm cổ điển và lãng mạn. Sau khi hoa tàn, kết thành những quả bé nhỏ xinh xắn. Điều đặc biệt ở hoa hồng quế, càng cắt tỉa càng cho hoa đẹp và nhiều.
4/ Điều kiện sinh trưởng của hoa hồng quế
Cây hoa hồng quế là loài cây ưa sáng nhưng không chịu được lượng ánh nắng quá gay gắt. Cây chịu được biên độ nhiệt lớn, chịu lạnh và chịu nóng tốt.
Cây hoa hồng quế thích hợp trồng ở những nơi cao ráo, thông thoáng, ưa độ ẩm trung bình, không chịu được ngập úng, do đó cần tìm nơi thích hợp để cây sinh trưởng tốt.
Ngoài ra, hồng quế thích hợp trồng đất tơi xốp, pH trung tính 5,5 – 6,0.
5/ Lợi ích và ứng dụng của cây hoa hồng quế
Cây hoa hồng quế sai hoa, sắc hồng rực rỡ tượng trưng cho sự liên kết trong tình yêu, ngọt ngào và nồng cháy. Thường trồng chậu để trang trí nơi ban công, hoặc dọc lối đi thêm đẹp mắt. Bên cạnh đó, phát triển ở độ cao vừa phải và có gai nên có thể trồng làm hàng rào quanh nhà.
Vào những dịp lễ, Tết, trong dân gian người ta còn cắt hoa hồng quế để vào bát nhỏ cúng lễ.
Đặc biệt hoa hồng quế có mùi hương cổ điển và lãng mạn nên được trồng để chiết xuất tinh dầu, làm mỹ phẩm và hương liệu.
6/ Chuẩn bị trồng hoa hồng quế
6.1 Vị trí trồng
Với đặc tính ưa sáng và không chịu được nắng gắt, bạn nên lựa chọn vị trí thích hợp như hiên nhà, ban công, nơi không có nắng gắt.
6.2 Đất trồng
Cây hoa hồng quế rất dễ trồng, thích nghi với nhiều loại đất khác nhau. Tuy nhiên để cây cho hoa đẹp và sai hoa, đất trồng phải giàu dinh dưỡng, tơi xốp và thoáng khí. Phối trộn hỗn hợp đất sạch, phân trùn quế, trấu hun theo tỷ lệ 5:3:2.
Nếu nhà bạn ở đô thị và khó khăn trong việc tìm kiếm các nguyên liệu, ghé SFARM.VN có đầy đủ những thứ bạn cần, vừa nhanh chóng lại đảm bảo chất lượng.
6.3 Chọn cây giống
Chọn cây giống là kỹ thuật quan trọng, giúp giảm công chăm sóc đáng kể. Bạn có thể tự nhân giống tại nhà hoặc mua tại các cửa hàng giống uy tín. Đảm bảo cây giống xanh tốt và hoàn toàn khỏe mạnh.
7/ Kỹ thuật trồng hoa hồng quế
Sử dụng chậu nhựa hoặc chậu sứ để trồng hoa hồng quế.
Cho giá thể vào ½ chậu, dùng dao rạch nhẹ đưa cây giống ra khỏi bầu ươm, cẩn thận tránh làm tổn thương đến rễ.
Đặt cây vào chậu và đổ thêm giá thể vào cách miệng chậu khoảng 2 – 3cm. Sau đó tưới nước, đặt chậu nơi râm mát khoảng 7 ngày và chuyển sang nơi nắng hơn. Lưu ý sau khi trồng không được xoay rễ, hoặc rung lắc cây, sẽ làm đứt rễ, cây sinh trưởng kém.
8/ Cách chăm sóc hoa hồng quế sau khi trồng
8.1 Ánh sáng
Hoa hồng quế cổ ưa sáng, đảm bảo thời gian chiếu sáng 5 – 6 giờ/ngày.
8.2 Tưới nước
Tưới nước thường xuyên để đất ẩm, tưới sáng sớm hoặc chiều mát, không tưới tối muộn gây đọng nước trên lá dễ bị nấm bệnh. Đặc biệt bạn có thể sử dụng vòi phun áp suất mạnh xịt từ dưới lá lên để ngăn ngừa nhện đỏ gây hại, tưới vừa đủ không quá đẫm vì sẽ gây thối rễ.
8.3 Cắt tỉa và tạo dáng
Sau mỗi đợt hoa, cần cắt tỉa bớt cành tăm, cành khô, lá vàng. Điều này giúp cây thông thoáng, tập trung dinh dưỡng và ngăn ngừa sâu bệnh tấn công. Có thể tạo tán theo hình dáng mong muốn, cây sẽ nảy nhiều chồi mới và ra hoa nhiều hơn.
8.4 Bón phân
Bón phân NPK 15:15:15 hàng tháng, hòa 1 muỗng vào 4 lít nước rồi tưới ở gốc. Hoặc sử dụng các loại phân hữu cơ ủ hoai như phân bò, phân gà,… Tham khảo phân trùn quế của SFARM giúp cây hấp thụ tốt hơn, tăng cường vi sinh vật có ích cho đất, bón 10 – 15g cho mỗi gốc hồng quế.
8.5 Phòng trừ sâu bệnh
Cây hoa hồng sinh trưởng và thích nghi tốt hơn các loại hồng khác, nhưng vẫn thường mắc các bệnh ở hồng. Chính vì thế bạn không nên chủ quan, nên thăm vườn thường xuyên và thực hiện các biện pháp phòng ngừa như phun thuốc ngừa bệnh định kỳ, rửa lá,…
9/ Phương pháp nhân giống hoa hồng quế
Cây hoa hồng quế có thể được nhân giống bằng biện pháp giâm cành hoặc chiết cành.
Thật thích khi có bụi hoa hồng quế rực rỡ trước nhà đúng không? Hãy trồng ngay, bắt đầu chăm bón và đợi ngày hồng cho hoa thôi nào, chúc bạn thành công. Nếu có kinh nghiệm trồng và chăm sóc cây hồng quế hay hơn, vui lòng liên hệ Hotline 0902.652.099 bạn nhé!
*Xem thêm
- Kinh nghiệm cắt tỉa hoa hồng đúng lúc và đúng cách
- 5 bước để có chậu hoa hồng khỏe mạnh
- Hoa hồng rễ trần – phân loại và cách chăm sóc
- Phòng trị rệp vảy – khắc tinh gây chậm lớn trên hoa hồng