Home Kỹ thuật trang trại Hoa đồng tiền – Cách trồng và chăm sóc bội thu vụ Tết

Hoa đồng tiền – Cách trồng và chăm sóc bội thu vụ Tết

by Học Làm Vườn

Hoa đồng tiền là loài hoa đẹp sở hữu dáng vẻ yêu kiều với ý nghĩa mang đến sự may mắn và tiền tài cho gia chủ. Chính vì lẽ đó, nghề trồng hoa đồng tiền ngày càng phát triển và trở thành xu thế được nhiều nông dân lựa chọn canh tác. Mặc dù trồng hoa đồng tiền cho hiệu quả kinh tế cao nhưng cũng cần có kỹ thuật tốt mới đạt năng suất đòi hỏi người canh tác phải thật am hiểu. Vì vậy, hôm nay hãy cùng Đặng Gia Trang tìm hiểu Kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa đồng tiền bội thu vụ Tết, bạn nhé!

1/ Tìm hiểu về hoa đồng tiền

1.1 Nguồn gốc

Hoa đồng tiền thuộc họ Cúc, có nguồn gốc từ Châu Á, Nam Phi và Tasmania. Được một bác sĩ người Nga Gerber đặt tên vào năm 1737. Một số tài liệu khác ghi nhận rằng loài hoa này còn được tìm thấy ở các châu lục khác như Châu Á và Nam Mỹ , điều này khẳng định độ phủ sóng rộng rãi và mức độ quen thuộc đối với người yêu hoa trên toàn thế giới.

Các giống hoa này tại Việt Nam được mang về từ Hà Lan hoặc Trung Quốc nhằm phát triển đa dạng hơn. Hiện tại ở thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng- nơi có số lượng hơn 30 loài hoa Đồng Tiền đang được sinh trưởng và phát triển tốt, là nguồn cung cấp chính yếu của thị trường hiện nay.

1.2 Đặc điểm thú vị của hoa đồng tiền

– Hiện nay có khoảng hơn 40 giống hoa đồng tiền với tất cả các màu sắc, chỉ trừ màu Xanh lam.

– Hoa đồng tiền là loài hoa phổ biến thứ 5 trên thế giới sau: hoa hồng, hoa cẩm chướng, hoa cúc, hoa tulip

– Hoa đồng tiền có thời gian chưng rất lâu, có thể cắm trong bình tới 14 ngày

– Hoa đồng tiền được dùng nhiều trong nghiên cứu, chuyên để nghiên cứu sự hình thành của hoa.

Cay Hoa Dong Tien (9)

1.3 Phân loại hoa đồng tiền

Theo màu sắc

Cây đồng tiền có nhiều loại khác nhau nhưng về cơ bản chúng ta có thể chia loài cây này theo màu sắc như, hoa đồng tiền vàng, đỏ, tím, cam… và rất rất nhiều màu sắc khác.

Theo đặc điểm

Hoa đồng tiền đơn: Đây là tên gọi của những cây hoa đồng tiền có hoa chỉ có một lớp cánh. Trông bông hoa sẽ mỏng manh hơn so với các loại hoa đồng tiền khác
Hoa đồng tiền kép: tùy theo dạng hoa mà chúng ta có thể nhận biết chúng rất dễ dàng, mỗi bông hoa có nhiều lớp cách các bông hoa xếp từ trong ra ngoài.
Hoa đồng tiền lùn: Đúng như tên gọi của nó, chúng ta sẽ dựa vào đặc điểm của hoa và cuống hoa để nhận biết loài hoa này. Những cây có chiều cao hoa dưới 25 cm được gọi là đồng tiền lùn.
Hoa đồng tiền cao: Những cây có hoa cao trên 25 cm được gọi là hoa đồng tiền cao. Dễ dàng lựa chọn phải không!

Theo giống hoa

– Giống thanh tú giai nhân: Bắt nguồn từ Hà Lan, là loại hoa kép, thường có màu cánh sen. Lá có màu xanh đậm. Cách hoa có 4 lớp, 3 lớp cành to ở ngoài và 1 lớp cánh nhỏ hơn, uốn cong. Cuống hoa dài 40 – 45cm.

– Giống thảo nguyên nhiệt đới: cũng có nguồn gốc từ Hà Lan, hoa thường có màu đỏ tươi, đặc biệt nhị có màu đen. Lá cây ngắn, sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh, cây mập mạp.

– Giống Kim hoa sơn: Có nguồn gốc từ Trung Quốc. Cánh hoa có màu vàng đỏ, đặc biệt có nhị màu đen. Lá màu xanh đạm, cây sinh trưởng và phát triển trung bình.

– Giống Yên Hưng: Có nguồn gốc từ Trung Quốc. Hoa có màu đỏ, nhị bên trongcos màu xanh. Sinh trưởng và phát triển tốt cho năng xuất 50 – 55 hoa/khóm/năm.

Ngoài những giống phổ biến trên còn rất nhiều loại giống khác nhau, có kích thước hoa, màu sắc cũng đa dạng.

2/ Yêu cầu ngoại cảnh của hoa đồng tiền

2.1. Nhiệt độ

– Nhiệt độ là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định sự sinh trưởng, phát triển, nở hoa và chất lượng hoa đồng tiền. Đa số các giống đồng tiền được trồng hiện nay đều ưa khí hậu mát mẻ, nhiệt độ để cây phát triển tốt dao động từ 15 – 25oC. Nhiệt độ lý tưởng để ra hoa là 22oC, lá nõn mở là 22 – 25oC. Tuy nhiên cây có thể chịu được nhiệt độ từ 13 – 32oC, một số giống chịu nhiệt độ cao hơn 30 – 40oC.

– Nếu nhiệt độ dưới 15oC và cao hơn 27oC kéo dài cây sẽ sinh trưởng chậm, thời gian ra hoa kéo dài dẫn đến năng suất bị giảm, đồng thời hoa nhỏ, bị biến dạng, màu sắc nhợt nhạt, nhất là ở nhiệt độ quá thấp hoặc quá cao (nhiệt độ <12oC và >35oC).

2.2. Ánh sáng

– Hoa đồng tiền là loài cây ưa sáng, ánh sáng đầy đủ cây sẽ sinh trưởng và phát triển tốt, hoa đẹp, độ bền hoa cao, nhưng cường độ ánh sáng quá mạnh sẽ làm giảm cường độ quang hợp. Bởi vậy vào mùa nắng nóng thường dùng lưới đen để điều khiển cường độ ánh sáng và bức xạ mặt trời. Ánh sáng trong nhà dưới 70% sẽ ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, phát triển và ra hoa của cây. Vì vậy, cần phải thiết kế nhà lưới trồng hoa đồng tiền ở nơi nhận được nhiều ánh sáng nhất.

2.3. Ẩm độ

Đồng tiền là cây trồng cạn không chịu được úng nhưng đồng thời có sinh khối lớn, bộ lá to, tiêu hao nhiều nước, do vậy cũng kém chịu hạn. Độ ẩm đất từ 60 – 70%, độ ẩm không khí từ 55 – 65% thuận lợi cho đồng tiền sinh trưởng, độ ẩm tốt sẽ góp phần làm cuống hoa kéo dài.

– Vào mùa đông thiếu ánh sáng, ẩm độ cao, cây thường bị nhiễm bệnh, nên cần giữ mức độ ẩm dưới 70% ban ngày và dưới 85% vào ban đêm. Độ ẩm tối đa bên trong nhà lưới cần duy trì khoảng 70 – 75%, trong nhà lưới không khí phải được lưu thông vào ban đêm và thông gió ban ngày.

– Tuỳ vào từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây, cần có nhu cầu về ẩm độ khác nhau. Đối với cây con khi mới trồng thì đòi hỏi ẩm độ khoảng 90 – 95%. Khi cây lớn dần nhu cầu về ẩm độ thấp hơn, khoảng 80% (4 – 6 tuần). Vào giai đoạn ra hoa ẩm độ khoảng 70%. Đặc biệt vào thời gian thu hoạch cần ẩm độ vừa phải để tránh nước đọng trên các vết cắt, gây thối hoa và sâu bệnh phát sinh phát triển.

– Trồng đồng tiền nhất thiết phải có mái che trong vụ hè vì mưa to sẽ gây hỏng cây và độ ẩm cao dễ phát sinh các loại bệnh.

3/ Ý nghĩa của hoa đồng tiền

Ý nghĩa của hoa đồng tiền trong tình yêu

Hoa đồng tiền Loài hoa này tượng trưng cho hạnh phúc, nó mang ý nghĩa về vẻ đẹp và sự diệu kì. Nó mang đến cho chúng ta sự tươi sáng và vui vẻ, không những thế nó còn thể hiện sự ngây thơ, tình yêu và lòng ca ngợi.

Ý nghĩa của hoa đồng tiền trong đời sống

Hoa đồng tiền còn là biểu tượng của sự vui tươi làm căn nhà bạn trở nên rực rỡ nhiều sắc màu lúc nào cũng căng tròn nhựa sống vui vẻ tỏa sắc như mang đến cho cuộc sống của chúng ta một màu tươi mới hơn hạnh phúc hơn.

Ý nghĩa của những màu sắc hoa đồng tiền

Ngoài ra hoa đồng tiền còn là biểu tượng cho sự sung túc giàu sang và thành đạt. Nhưng hoa đồng tiền mang muôn sắc muôn màu. Vì thế mỗi màu của hoa đồng tiền sẽ mang một ý nghĩa khác nhau.

  • Hoa đồng tiền trắng: thể hiện sự trong trắng tinh khiết
  • Hoa đồng tiền vàng: thể hiện niềm hạnh phúc
  • Hoa đồng tiền hồng: thể hiện sự ca ngợi khích lệ
  • Hoa đồng tiền đỏ: thể hiện tình yêu thắm đợm…

4/ Thời vụ trồng hoa đồng tiền

Thời vụ trồng hoa đồng tiền thích hợp là vụ Xuân (tháng 2 – tháng 4) và vụ Thu (tháng 9 – tháng 10) khi đó sẽ cho thu hoạch vừa đúng vào dịp tết Nguyên Đán. Ngoài ra cũng có thể trồng vào các tháng khác, trừ thời kỳ nhiệt độ cao trong mùa hè từ tháng 6 đến tháng 8 không nên trồng.

Mỗi vụ hoa đồng tiền có thời gian nở kéo dài từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau hoặc lâu hơn tùy vào kỹ thuật chăm sóc, cắt tỉa và chế độ phân bón.

5/ Khu vực trồng, nhiệt độ và độ ẩm

Ở nước ta, hoa đồng tiền được trồng chủ yếu ở Lâm Đồng và một số tỉnh có khí hậu mát mẻ ở khu vực Tây Nguyên, Miền Bắc.

Hoa đồng tiền sinh trưởng tốt ở biên độ nhiệt từ 15 – 24 độ C. Nếu ngoài mức nhiệt độ này, cây sẽ chậm phát triển, sinh trưởng kém, cho hoa nhạt, form xấu.

Về độ ẩm, đồng tiền phát triển khỏe mạnh ở khoảng 60 – 70%.

Trồng hoa đồng tiền TếtNông dân trồng hoa đồng tiền Tết

6/ Kỹ thuật trồng và nhân giống hoa đồng tiền

6.1 Kỹ thuật nhân giống trồng trang trại

Chọn giống

Hoa đồng tiền có thể nhân giống bằng cách tách gốc, trồng bằng hạt và nuôi cấy mô. Với quy mô trồng lớn để kinh doanh thì nên chọn cây nuôi cấy mô bởi cây đồng dạng và giống thuần. Có khả năng phát triển mạnh, sống khoẻ, sạch bệnh.

Nếu gieo hạt, chọn mua hạt giống ở cửa hàng uy tín và ươm giống trước khi trồng ra vườn. Cách gieo đơn giản như các loại cây khác, sau khoảng 40 ngày, khi cây con được 4 lá thật thì tiến hành đưa ra vườn.

Đối với trồng hoa đồng tiền cắt cành, chọn cây con có chiều cao từ 11 – 15 cm, đường kính cổ rễ từ 2 – 3 mm và có 4 – 5 lá thật. Tiêu chuẩn: cây con khỏe, lá xanh bóng, bộ rễ phát triển tốt, nhiều rễ xơ, màu trắng, không có vết bệnh, vết côn trùng cắn và hại cơ giới trên lá.

Cay Hoa Dong Tien

Đất trồng

Hoa đồng tiền có bộ rễ phát triển tốt, luống trồng cần có tầng đất sâu tối thiểu 25cm, đất tơi xốp, màu mỡ, giàu chất hữu cơ.

Hoa đồng tiền ưa trồng ở đất thịt pha sét, độ mùn cao, không ứ đọng nước, độ thông thoáng cao. Độ pH thích hợp cho cây từ 5,5 – 6,2. Nếu pH ngoài khoảng pH thích hợp sẽ làm giảm khả năng hấp thụ vi lượng cho cây khiến cây phát triển kém.

Tiến hành trồng

– Cày xới đất: Đất được cày bừa kỹ, làm sạch cỏ dại và tàn dư cây vụ trước, bón vôi (2000kg/ha), bót lót (xem thêm ở phần kỹ thuật bón phân) rồi cày sâu. Sau 15 – 20 ngày tiến hành trộn thêm nấm đối kháng Trichoderma để diệt nấm bệnh rồi tiến hành trồng.

– Lên luống: Lên luống cao khoảng 20cm đối với vùng thoát nước tốt, và lên cao hơn 30 – 40 cm đối với vùng thoát nước kém.

– Chiều rộng luống: 70 cm nếu trồng hàng đôi, 1m nếu trồng hàng ba.

– Tiến hành trồng: Trước khi trồng 2 – 3 ngày tưới ẩm cho đất; thời gian trồng vào buổi sáng và chiều tối, khoảng cách trồng 30 – 35×35 cm tương ứng mật độ 50.000 – 60.000 cây/ha.

– Nguyên tắc trồng: Hoa đồng tiền phải trồng cạn. Vì bộ rễ của hoa đồng tiền có đặc điểm là khi già sẽ bị teo lại, kéo thân cây xuống, làm cây chậm phát triển và nụ không mọc được, có thể gây thối rễ, thối nụ. Do đó, khi trồng phải để cổ rễ lộ 1 – 1,5 cm trên mặt đất, nén chặt gốc bằng tay. Sau khi đã trồng xong thì bạn nên tưới đẫm nước và định vị cho cây hoa đồng tiền thẳng đứng.

– Phủ luống: Để giữ ẩm cho cây trong giai đoạn mới trồng và đất trồng không bị nén, láng mặt sau khi tưới nên rải một lớp trấu mỏng hoặc loại cỏ lâu mục trên mặt luống. Có thể rải trước hoặc sau khi trồng. Ngoài ra, có thể dùng nilon phủ quanh luống để hạn chế sự phát triển của cỏ dại và thuận tiện trong việc chăm sóc.

Cay Hoa Dong Tien (7)

6.2 Cách trồng hoa đồng tiền trong chậu

Hoa đồng tiền cũng khá dễ trồng trong chậu, ban công hoặc có thể trồng hoa đồng tiền bằng hạt giống hoa trong chậu nhựa, hộp gỗ, chậu sứ….

Bước 1: Làm đất trồng

Giá thể trồng đồng tiền cần tơi xốp, có độ thoát nước cao, giàu hữu cơ nên trộn theo công thức sau:

5 đất sạch : 3 phân trùn quế : 1 trấu hun : 1 mụn dừa

Có thể trộn chung với chế phẩm Trichoderma để diệt nấm bệnh trong đất.

Bước 2: Chọn giống

Hoa đồng tiền có thể trồng bằng hạt giống, cây con (cây cấy mô) hoặc tách thân. Tùy vào điều kiện mà bạn có thể lựa chọn hình thức trồng phù hợp.

  • Đối với gieo hạt: Ngâm ủ và gieo vào khay trồng như các loại cây khác. Sau khi gieo thì tưới phun sương 2 lần vào buổi sáng và tối. Khi hạt nảy mầm và cây cao 10 đến 15cm (khoảng 40 – 45 ngày sau gieo) thì tách cây ra ra chậu.
  • Đối với trồng cây con: Chọn cây có chiều cao từ 11-15 cm, đường kính cổ rễ từ 2-3 mm và có 4-5 lá thật, lá xanh bóng. Đặc biệt bộ rễ phát triển tốt, không có vết bệnh, vết côn trùng cắn và hại cơ giới trên lá.

Bước 3: Tiến hành trồng

Trồng trong chậu có đường kính tối thiểu 20cm, 1 cây/chậu. Nếu trồng chậu lớn hoặc sân vườn thì khoảng cách: 30x35cm.

Thời gian trồng: buổi sáng và chiều tối.

Nguyên tắc trồng: Phải trồng cạn, cổ rễ cao hơn 1cm hoặc bằng so với bề mặt của giá thể. Nếu trồng sâu cây sẽ chậm phát triển và nụ không mọc được, có thể gây thối rễ, thối nụ.

Khi trồng xong phải tưới đẫm nước và định vị cho cây hoa đồng tiền thẳng đứng.

7/ Kỹ thuật chăm sóc hoa đồng tiền

7.1 Tưới nước

– Trong thời kỳ cây con, nên tưới phun mưa nhẹ 2 – 3 lần/ngày cho cây để duy trì ẩm độ đất 70 – 80% và làm mát cây giúp cây hồi phục và bén rễ nhanh. Tưới vào sáng sớm (<9h) và chiều mát (từ 16h – 18h).

– Giai đoạn sau, khi cây đã bén rễ, cứng cáp không nên tưới quá nhiều nước vì độ ẩm đất cao trong thời gian dài sẽ làm cho cây bị úng và chết rũ.

– Tưới nước cho đồng tiền theo nguyên tắc “tưới cạn, tưới kỹ”. Khi tưới vào thời kỳ ra hoa lưu ý không làm ướt phần giữa của cụm lá để tránh làm thối nụ hoa.

– Có thể sử dụng nhiều phương pháp tưới khác nhau: tưới phun mưa, tưới rãnh, tưới nhỏ giọt. Trong đó, phương pháp tưới nhỏ giọt là tối ưu nhất.

7.2/ Chuẩn bị nhà che

Đồng tiền không chịu được mưa nhiều, sương muối và cường độ ánh sáng mạnh, do vậy trồng đồng tiền cần làm nhà che tránh mưa và hạn chế ánh sáng trực xạ. khi mà cây còn nhỏ thì nên che một lớp lưới đen để giảm bớt ánh sáng trực xạ, khi cây trưởng thành nên dở bớt lưới đen để cây có đầy đủ ánh sáng, phát hoa sau này được cứng cáp. Có thể dùng nhà lưới hiện đại, nhà lưới đơn giản bằng tre hoặc nhà che tạm tùy theo điều kiện canh tác.

7.2 Kỹ thuật bón phân hoa đồng tiền (quy mô 1ha)

– Bón lót: Phân trùn quế: 15tấn, Lân: 1000kg rải đều cày bừa để toàn bộ lượng phân trộn đều trong đất.

– Bón thúc:

+ Lần 1: (15 ngày sau trồng): 50kg DAP + 100kg urê

+ Lần 2: (30 ngày sau trồng): 100kg Urê.

+ Lần 3: (50 ngày sau trồng): 100kg Urê + 50kg Kali

+ Lần 4: (70 ngày sau trồng): 50kg Urê + 50kg Kali

– Bón định kỳ: (giai đoạn kinh doanh)

+ Cây hoa đồng tiền cho thu hoạch hoa kéo dài 2 – 3 năm, nên định kỳ phải bổ sung thêm phân bón để cây cho năng suất ổn định.

+ Bón phân trùn quế 3 tháng 1 lần với lượng 8 – 10 tấn để tăng lượng hữu cơ và vi sinh vật.

+ Bón định kỳ 1 tháng/lần: 50kg NPK + 50kg Kali.

+ Ngoài ra cần bổ sung phân vi lượng, phân bón lá để bổ sung dinh dưỡng cho cây.

7.3 Tỉa lá

Cây trồng khoảng 3 – 4 tháng trở lên mới cần tỉa bớt cành lá. Mỗi lần tỉa cách nhau từ 20 – 30 ngày tùy thuộc vào giống, mùa vụ. Khi tỉa lá, ngoài tỉa bỏ những lá bị sâu bệnh, lá già thì cần tỉa cả lá mọc không đúng trật tự làm ảnh hưởng đến quá trình quang hợp của các lá khác.

Trong giai đoạn cây con phát triển sớm, cần loại bỏ những nụ hoa đã hình thành sớm. Thời kỳ ra hoa, cũng nên loại bỏ những nụ hoa quá mức. Đúng kỹ thuật, ba nụ hoa không thể phát triển cùng một lúc, nên bỏ đi 1-2 trong số chúng để đảm bảo chất lượng của hoa. Một cây có 15 – 20 lá khỏe mạnh nở rộ hàng năm và có thể tạo ra 5 – 6 bông hoa mỗi tháng.

7.4 Phương pháp nhân giống hoa đồng tiền

Phương pháp tách cây

+ Đầu tiên đào cả bụi hoa và rũ sạch hết đất và không được làm đứt quá nhiều rễ cây.
+ Dùng tay hoặc dụng cụ sắc nhỏ và nhọn tách nhẹ nhàng từ bụi hoa thành các thân khác nhau, sao cho không bị đứt rễ. Mỗi thân được tách ra phải có ít nhất từ 2 – 3 rễ trở lên.
+ Sau đó tiến hành trồng.
Cay Hoa Dong Tien (2)

Phương pháp invitro

Phương pháp nhân giống này có thể khắc phục nhược điểm của 2 phương nhân giống trên cho hệ số nhân giống cho. Số lượng cây lớn, cây sạch bênh, chất lượng hoa tốt và đồng đều.

8/ Phòng trừ sâu bệnh hại

8.1 Sâu hại

Bọ trĩ

– Là nhóm sâu hại nhiều nhất trên hoa đồng tiền, chúng thường tấn công vào các cành non, ngọn cây và hút hết dinh dưỡng. Các cành ngọn sau khi bị bọ trĩ đều sẽ biến dạng, bạc lá, cây khô không lớn nữa.

– Cách phòng trừ: Có thể sử dụng Dantotsu 50 WDG gói 5g cho bình phun 16 lít. Chú ý luân phiên thay đổi loại thuốc để giảm tính kháng.

Nhện đỏ

– Thường xuất hiện khi gặp thời tiết khô nóng. Chúng chích hút làm lá cây đồng tiền xấu xí, biến dạng, lá vàng dần và rụng đi.

Cách phòng trừ: Duy trì độ ẩm cho vườn khi trời khô hanh, nóng bức để giảm tỉ lệ sinh sôi của nhện. Sử dụng Danitol 10EC với liều lượng 30ml/ bình 16 lít.

Sâu vẽ bùa

– Sâu non nằm dưới biểu bì lá, lấy thức ăn tạo thành đường ngoằn ngoèo màu trắng, phá hoại tế bào và diệp lục.

Phòng trừ: Dùng bẫy màu vàng dẫn dụ con trưởng thành. Sử dụng dụng GE gừng tỏi ớt để phun phòng trừ.

Cay Hoa Dong Tien (8)

8.2 Bệnh hại

Đốm lá

– Đây là bệnh do virus gây ra, làm lá cây có các vết bệnh đốm hình tròn nhỏ hoặc bất định, màu nâu nhạt, nâu đen. Vết bệnh lan ra sẽ làm khô héo lá, cây cũng suy yếu dần.

– Cách phòng trừ: Xử lý sạch đất trước khi trồng cây, tránh làm tồn nước quá nhiều khiến nấm phát triển.

Chăm sóc tốt cho cây, bổ sung phân hữu cơ vi sinh để nâng cao sức đề kháng. Vệ sinh vườn thường xuyên, nếu trồng luống cắt cành thì nên tránh trồng 2 vụ đồng tiền trên cùng một mảnh đất. Khi hoa bị bệnh không nên tưới nước vào lúc chiều tối.

Bệnh thối gốc Fusarium

– Bệnh do nấm fusarium gây ra, chúng lan truyền theo nguồn nước, lan nhanh khi nhiệt độ và ẩm độ cao, chúng xâm nhập vào cây qua vết thương. Bệnh sẽ làm lá cong cuộn lại, héo vàng sau đó biến thành màu đỏ tím, lá khô và chết. Gốc cổ rễ bị thối có màu nâu, vỏ long ra, khi nhổ cây lên rễ trong đất rời ra.

– Cách phòng trừ: Phải thường xuyên kiểm tra và ngắt bỏ lá già, lá bị bệnh, khi phát hiện bệnh thì nhổ ngay cây bệnh đem tiêu hủy, vệ sinh thường xuyên cho cây tránh lan rộng không thể cứu chữa. Dùng Benlate C, Ridomil MZ 72 WP để phòng bệnh cho cây.

Bệnh thối xám

– Hại trên lá non cây bị thối nát và khô. Bệnh nặng cây thối mềm và chết. Đặc điểm phát sinh phát triển:

– Phòng trừ: Tăng cường thông gió, hạ nhiệt trong nhà vườn, kịp thời nhổ bỏ cây bệnh, xử lý tiêu độc đất hoặc thay đất nơi có cây bị nhiễm bệnh. Có thể sử dụng một trong các loại chế phẩm sinh học tự chế như GE gừng tỏi ớt.

Virus hoa lá

Triệu chứng

– Bệnh virus hoa lá là bệnh phổ biến nhất đối với cây hoa đồng tiền trồng trong nhà kính. Bệnh gây tác hại tương đối nghiêm trọng và cũng là bệnh khó phòng trừ nhất, làm ảnh hưởng lớn đến năng suất và chất lượng hoa.

– Virus CMV gây nên đốm sọc hoặc đốm màu xanh vàng trên lá, bệnh nặng lá gồ ghề, nhăn nheo, cây thấp lùn, hoa tự co ngắn lại, nứt nẻ biến dạng.

– Virus TMV gây nên giữa lá bị biến màu, cong lên, mặt sau lá và gân lá chuyển màu xanh nhạt. Bệnh nặng ở lá non thịt lá bị thoái hóa, thành lá có hình cong queo như sợi, cây lùn đi, mọc chụm lại, hoa không dài ra được.

Phòng trừ:

– Tăng cường phòng trừ bằng cách: Chăm bón làm cho cây khỏe, tránh xâm nhiễm chéo, vệ sinh dụng cụ như cuốc, xẻng, dao, kéo trong sản xuất.

– Phòng trừ côn trùng, đặc biệt là côn trùng chích hút như rệp để ngăn chặn lây lan. Nhổ bỏ và tiêu hủy cây bị bệnh.

– Dùng cây giống nuôi cấy mô sạch bệnh.

– Dùng lưới ngăn côn trùng cũng là biện pháp có hiệu quả.

Cay Hoa Dong Tien (10)

9/ Thu hoạch và đóng gói hoa đồng tiền

Thời kỳ thích hợp để thu hoạch hoa đồng tiền là khi cuống hoa thẳng, các cánh hoa bên ngoài dẹt, các hoa hình ống ở ngoài tâm giữa của hoa có 2 – 3 vòng mở ra và các nhị hoa xuất hiện hạt phấn. Thu hoạch thường thực hiện vào sáng sớm và chiều tối, lúc cây mọc thẳng, cành hoa mọc thẳng, hàm lượng nước nhiều, tươi lâu.

Không dùng dao để thu hoạch, có thể dùng tay bẻ phần gốc của thân, trước khi phân loại và đóng gói nên cắt bỏ đoạn dưới 1 – 2 cm. Sau đó ngâm nước cho thấm đủ nước và dung dịch bảo quản Flocare-NH. Đóng vào thùng carton có lỗ thông hơi, cho vào xe lạnh 4 – 6 độ C hoặc vận chuyển vào ban đêm khi đi xa.

10/ Cách cắm hoa đồng tiền

Chuẩn bị

1. Hoa đồng tiền

2. Chùm hoa bi bi trắng, hoặc lá măng

3. Rất quan trọng: Bình hoa: Nếu chọn hoa màu cam, hồng đỏ hoặc vàng tươi, bạn nên dùng lọ cắm màu trắng hoặc trong suốt. Ngược lại, những bông hoa màu trắng thường đi cùng với các loại pha lê màu.

Cách thứ nhất

Cắt hai cành hoa bằng với chiều dài của bình. Xếp 2 bông hoa cạnh nhau, hoa màu vàng cam hơi vươn lên như che chở cho bông hoa màu trắng. Cắm chùm hoa bibi trắng hoặc lá măng ra sau.

Cay Hoa Dong Tien (5)

Cách thứ 2

Đặt miếng xốp cắm hoa ngay giữa bát , cắt hoa chứa cuống 1 đoạn 20cm; cuống còn lại dài hơn, không có hoa, khoảng 30 cm. chọn chùm bi bi có các chấm hoa quây tròn, cắt cành đi. Cắm cành hoa thẳng đứng, mặt hoa hướng về phía trước, cuống còn lại bẻ cho thẳng, cắm cạnh bên, chêm bi bi dưới miệng bát, sửa đều.

Hy vọng với những kỹ thuật mà Đặng Gia Trang nêu ra, các bạn sẽ nắm được các bước trồng và chăm sóc hoa đồng tiền bội thu cho vụ Tết sắp tới. Để được hỗ trợ thêm về kỹ thuật trồng hoa đồng tiền cũng như thông tin chi tiết về sản phẩm, hãy liên hệ ngay với chúng tôi qua Hotline 0902 652 099 bạn nhé!

HLV.vn

*Xem thêm

  • Kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa đồng tiền bội thu vụ Tết
  • Kinh nghiệm chăm lan hồ điệp ra hoa đúng Tết
  • Bí quyết chăm sóc quất (tắc) tươi lâu suốt Tết

You may also like