Tuyết tùng hay tùng tuyết với dáng vẻ um tùm, lại mang nhiều ý nghĩa, được mọi người ưa chuộng làm cây cảnh và nhiều công dụng khác.
Cây tổ quạ – đặc điểm, ý nghĩa và cách chăm sóc làm cảnh
Để phát huy công dụng của cây hiệu quả, bạn cần hiểu rõ một chút về đặc điểm và đặc tính sống của cây.
Cùng tìm hiểu qua những thông tin về cây tuyết tùng dưới đây nhé.
Đặc điểm cây tuyết tùng
Tuyết tùng hay tùng tuyết, tuyết tùng Himalaya, có tên khoa học là Cedrus deodara, đây là một loài thực vật hạt trần thuộc chi Thông tuyết (Cedrus), họ Thông (Pinaceae). Mọi người thường lầm tưởng cây có họ hàng với cây tùng thơm, thủy tùng nhưng thực tế không phải.
Cây có nguồn gốc từ những đỉnh núi cao hơn 1000m của dãy Himalaya, nhờ vẻ đẹp sang trọng mà được ưa chuộng và trồng tại nhiều nơi.
Cây tuyết tùng
Trong tự nhiên, tuyết tùng là loài thân gỗ cao lớn, chiều cao có thể lên tới 50m, vỏ cây sần sùi, bên trong là nhựa cây có mùi hơi hăng.
Cây chia làm nhiều cành nhánh, lá cây dạng kim mọc dày, xếp chồng lên nhau tạo vẻ um tùm. Bề mặt lá có một lớp sáp trắng, nhằm giúp giữ độ ẩm cho lá. Tuỳ vào lớp sáp này mà lá cây sẽ có màu xanh đậm nhạt khác nhau.
Khi trồng làm cảnh, mọi người thường giới hạn chiều cao của cây cho phù hợp, cây trong chậu thì dưới 50cm, cây công trình thì từ 3 – 5m. Nhiều nghệ nhân còn cắt tỉa, uốn nắn để tạo dáng bonsai vô cùng độc đáo.
Trong tự nhiên cây cũng ra quả, quả có dạng hình thùng với chiều dài khoảng 5 – 10cm, sau khi chín chuyển qua màu nâu và cũng có mùi hăng.
Về đặc tính sống, tuyết tùng có tốc độ sinh trưởng trung bình, là loài ưa mát, chịu úng kém, phù hợp với nhiều môi trường sống trừ đất kiềm.
Ý nghĩa cây tuyết Tùng
Trong phong thuỷ, cây tuyết tùng được cho là có khả năng xua tan tà khí, mang lại tài vận cho gia chủ.
Với khả năng sinh trưởng mạnh mẽ kể cả trong điều kiện khắc nghiệt, cây tuyết tùng đại diện cho ý chí mạnh mẽ, vững vàng, bền bỉ và trường tồn với thời gian.
Cây mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp
Dáng đứng thẳng, vươn cao, cây đại diện cho tinh thần của người quân tử, ngay thẳng, chính trực, không khuất phục trước khó khăn.
Ở một vài địa phương, cây tuyết tùng được xem là nơi trú ngụ của thần linh, là cầu nối với tổ tiên, thường được trồng ở chùa chiền hay các khu lăng mộ.
Cây tuyết tùng phù hợp với tất cả các tuổi hay mệnh, đặc biệt là với những người có tuổi Thân, mệnh Kim thì cây sẽ phát huy hết yếu tố phong thuỷ mà nó mang lại.
Công dụng của cây Tuyết Tùng
Như đã thông tin ở trên, công dụng thường thấy của cây tuyết tùng chính là trồng cảnh. Bạn có thể trồng những cây lớn từ 3 – 10m để làm cây cảnh công trình, khu vực công cộng như dọc đường, công viên, khu nghỉ dưỡng, trường học, bệnh viện hay sân vườn biệt thự…
Nếu muốn trang trí trong nhà, bạn cũng có thể trồng những cây nhỏ chỉ từ 20 – 50cm trong chậu để bàn, đặt ở bàn học, bàn làm việc, phòng khách, giếng trời, ban công…
Nhiều nghệ nhân còn tạo dáng bonsai cho cây tuyết tùng, vừa tăng tính thẩm mỹ vừa tăng giá trị.
Tuyết tùng được trồng làm cảnh trong chậu nhỏ
Không chỉ làm đẹp, nhờ dáng vẻ um tùm mà cây tuyết tùng có khả năng loại bỏ bụi bẩn, làm không gian sống trở nên sạch sẽ, trong lành hơn.
Ngoài ra, tinh dầu chiết xuất từ cây tuyết tùng còn mang lại rất nhiều lợi ích trong cuộc sống, ví dụ như giải toả căng thẳng, làm thuốc bôi trị các bệnh viêm da, vảy nến, nấm da, điều trị các chứng viêm như viêm đường tiết niệu, viêm bàng quang.
Nhiều người còn sử dụng tinh dầu tuyết tùng như một cách để trị ho đau nhức xương khớp, viêm phế quản. Rất nhiều công dụng tuyệt vời đúng không nào.
Cách trồng và chăm sóc cây tuyết tùng
Nhờ khả năng sinh trưởng ngay cả trong điều kiện khắc nghiệt, bạn không tốn quá nhiều công sức trong việc trồng và chăm sóc cây tuyết tùng. Dưới đây là một vài lưu ý chính.
Đất trồng
Bạn có thể trồng tuyết tùng trên nhiều loại đất khác nhau trừ đất kiềm. Để cây con sinh trưởng tốt, bạn nên trộn thêm ít xơ dừa, phân chuồng để tăng độ tơi xốp và tránh ngập úng.
Ngoài ra, trong bầu ươm hoặc chậu trồng cũng cần đảm bảo có lỗ thoát nước bên dưới nhé.
Nhân giống
Bạn có thể nhân giống cây bằng cách gieo hạt hoặc giâm cành, nhưng bởi vì gieo hạt cần nhiều thời gian, hạt cũng khó nảy mầm nên người ta thường chọn cách giâm cành.
Từ cây mẹ, bạn chọn ra cành bánh tẻ mập mạp, không có dấu hiệu sâu bệnh, sau đó cắt một đoạn khoảng 10 – 15cm. Nhúng cành này vào dung dịch kích rễ sau đó cắm vào bầu ươm hoặc chậu nhỏ đã chuẩn bị từ trước.
Tưới đẫm nước ở lần đầu tiên, sau đó tưới đều đặn để duy trì độ ẩm cho đất, không tưới quá nhiều 1 lần tránh ngập úng. Chỉ sau khoảng 10 ngày là cành sẽ bén rễ mới. Tiếp tục chăm sóc tới khi cây đạt khoảng 30cm thì có thể mang trồng ở nơi mong muốn.
Tưới nước
Nhu cầu nước của cây tuyết tùng không cao nên bạn không cần phải tưới quá nhiều. Tần suất tốt nhất là 2 lần mỗi tuần, khi tưới nhớ chỉ cần vừa ẩm đất, không làm cây bị úng rễ.
Nếu trồng làm cây công trình, khi cây đã lớn, đạt kích thước hơn 5m thì có thể không cần tưới, hoặc tưới mỗi khi trời quá hạn.
Cây tuyết tùng có thể sinh trưởng tốt mà không cần tưới nhiều nước
Ánh sáng
Là cây vừa ưa sáng vừa ưa khí hậu mát mẻ, bạn nên trồng cây ở những nơi thông thoáng, nhiều ánh sáng. Khi cây còn nhỏ thì cần có biện pháp che chắn mỗi khi nắng quá gắt, như vậy là đủ.
Dinh dưỡng
Vì có thể sinh trưởng tốt trong điều kiện khô cằn, nên việc bón phân cho cây tuyết tùng rất đơn giản. Khi cây còn nhỏ, bạn có thể định kỳ 3 – 4 tháng bón cho cây một ít phân NPK. Khi cây đã lớn thì có thể không cần bón phân nữa, thi thoảng dọn cỏ dưới gốc là được.
Phòng trừ sâu bệnh
Tuyết tùng ít khi bị sâu bệnh, thi thoảng có thể gặp trường hợp rệp sáp, bạn chỉ cần chú ý quan sát và loại bỏ sớm là được, rất đơn giản.
Trên đây là những thông tin về cây tuyết tùng mà bạn có thể sẽ cần trong quá trình trông và chăm sóc cây. Chúc bạn thành công.