Nếu bạn đang tìm một cây cảnh có dáng vẻ thanh tao nhẹ nhàng thì cây trúc mây là lựa chọn không thể bỏ qua, không chỉ vậy, cây còn có khả năng phủ xanh tuyệt vời.
Cây trầu bà thanh xuân – ý nghĩa phong thủy và cách chăm sóc hiệu quả
Trong bài viết này, hãy cùng tìm hiểu đôi nét về đặc điểm, đặc tính sống của cây trúc mây, từ đó bạn có thể tự tay trồng và chăm sóc loài cây này để làm đẹp cho ngôi nhà của mình.
Đặc điểm cây trúc mây (cây mật cật)
Cây trúc mây có tên khoa học là Rhapis excelsa, họ Dừa (Arecaceae), đây là họ khá phổ biến với nhiều cây cảnh quen thuộc như cau tiểu trâm, cọ Nhật hay cọ cảnh…
Là loài cây thân thảo (thân đốt), mọc thành bụi, có nguồn gốc từ Trung Quốc và Nhật Bản, được yêu thích và du nhập vào nhiều nước, trong đó có Việt Nam.
Tại Việt Nam, cây con được gọi với cái tên cây mật cật.
Cây trúc mây
Kích cỡ cây trúc mây khá đa dạng, cao từ 60cm đến hơn 2m tùy vào môi trường sống, bụi cây om ùm với nhiều cành nhánh, rễ dày.
Thân cây mọc thẳng, có nhiều đốt và nhẵn bóng. Lá cây thuôn dài, nhọn ở đầu, dạng lá kép chân vịt, mỗi nhánh thường có từ 5 – 10 lá. Cuống lá dài, phía dưới sẽ thành bẹ ôm sát vào thân hoặc cành. Khi lá khô và rụng, phần bẹ này sẽ khô theo nhưng vẫn bám vào cây.
Hoa trúc mây mọc thành cụm, có màu vàng đẹp mắt, tuy nhiên cây hiếm khi ra hoa.
Về đặc tính sống, trúc mây phù hợp với nhiều loại đất, ưa ẩm nhưng chịu úng kém. Cây thích ánh sáng bán phần, có thể sống thiếu sáng nhưng tốt nhất là nên cung cấp đủ ánh sáng cho cây.
Công dụng của cây trúc mây
Với dáng vẻ thanh tao, sang trọng, cây trúc mây là lựa chọn hàng đầu để làm cây cảnh trong nhà. Thường cây được trồng trong chậu, đặt ở các vị trí như phòng khách, quầy lễ tân, hành lang, tiền sảnh. Một vài chậu to có thể đặt ở quảng trường, phòng họp, phòng hội nghị.
Ngoài ra, bạn còn có thể trồng trúc mây như cây sân vườn để trang trí tiểu cảnh, trồng làm cổng chào hay làm hàng rào, lối đi…
Trúc mây là cây cảnh khá đẹp mắt
Với khả năng phủ xanh tốt, trúc mây còn mang lại khả năng loại bỏ bụi bẩn, thanh lọc không khí, loại bỏ một vài chất có hại cho hệ hô hấp.
Ngoài ra, cây trúc mây còn đi kèm với nhiều ý nghĩa tốt đẹp, nên thường được dùng làm quà tặng.
Ý nghĩa cây trúc mây
Với dáng mọc thẳng tắp, bụi cây rậm rạp, cây trúc mây đai diện cho những người có tính cách ngay thẳng. Ngoài ra còn thể hiện cho tinh thần đoàn kết, gắn bó của người trong nhà hay tập thể công ty.
Ngoài ra, cây còn có ý nghĩa mang đến sự may mắn. Trồng cây trúc mây trong nhà có thể giúp gia chủ mang về tài lộc, gặp nhiều thuận lợi trong cuộc sống, công việc.
Tặng một chậu trúc mây cho đối tác làm ăn là lựa chọn hoàn hảo thay cho lời hứa hợp tác bền vững, lâu dài.
Không những vậy, cây còn mang nhiều ý nghĩa tích cực
Trong phong thủy, cây trúc mây có thể phù hợp với tất cả các tuổi, trong đó phù hợp nhất là người mệnh Thủy hay mệnh Mộc.
Cách trồng cây trúc mây
Với ưu điểm là dễ sống, tốc độ sinh trưởng nhanh, bạn có thể tự tay trồng cây trúc mây tại nhà bằng phương pháp tách bụi.
Chuẩn bị đất trồng
Như đã thông tin ở trên, trúc mây phù hợp với nhiều loại đất nên bạn chọn đất nào cũng được. Nhưng để cây con sinh trưởng tốt, bạn nên chọn đất thịt pha cát, sau đó trộn thêm ít phân chuồng và xơ dừa.
Như vậy đất sẽ vừa đảm bảo dinh dưỡng, lại có độ tơi xốp và khả năng thoát nước.
Nếu trồng cây trong chậu thì chậu trồng cũng cần có lỗ thoát nước ở dưới đáy nhé.
Trồng cây
Từ cây mẹ, bạn chọn ra một bụi nhỏ, có 2 – 3 nhánh cây, rễ đã đủ dài. Sau đó dùng dao sắc nhẹ nhành tách cây con này ra, bao gồm cả phần rễ sao cho không ảnh hưởng tới cây mẹ.
Rải vào đáy chậu một ít sỏi, sau đó đổ đất khoảng một nửa chậu. Đặt cây con vào, giữ cây thẳng đứng và lấp đất lại, nén nhẹ đất rồi tưới đẫm nước.
Trồng cây bằng phương pháp tách bụi
Sau đó tưới nước đều đặn để duy trì độ ẩm cho cây, chú ý không tưới nhiều tránh gây ngập úng. Sau khoảng vài tuần là cây sẽ sinh chồi và phát triển như một cây mới.
Cách chăm sóc cây trúc mây
Dù có khả năng thích nghi và phát triển khá tốt, nhưng bạn cũng nên chú ý một chút trong quá trình chăm sóc cây trúc mây, đặc biệt là khi cây còn nhỏ.
Tưới nước: là loài cây ưa ẩm, bạn nên duy trì độ ẩm cho cây trúc mây thường xuyên. Nếu đặt cây trong nhà, tốt nhất là tưới 2 lần mỗi tuần. Nếu cây ngoài trời thì 3 lần mỗi tuần, nếu thời tiết nắng gắt có thể tưới nhiều hơn. Chú ý lưu lượng nước mỗi lần tưới, chỉ cần đủ ẩm đất là được.
Ánh sáng: bạn cần cung cấp đủ ánh sáng cho cây trúc mây để cây có màu xanh đẹp mắt. Nếu trong nhà, hay đặt cây ở nơi có ánh sáng bán phần, ví dụ như gần cửa sổ, giếng trời. Nếu ngoài trời thì không cần quan tâm nhiều, chỉ cần có biện pháp che chắn khi cây còn nhỏ là được.
Đặt cây ở nơi nhiều ánh sáng
Dinh dưỡng: nhu cầu dinh dưỡng của cây trúc mây ở mức trung bình. Tốt nhất là cứ 3 tháng bạn bón cho cây một ít phân NPK, vậy là đủ để cây có thể sinh trưởng tốt. Nếu trồng cây trong chậu, cứ mỗi năm bạn thay đất một lần.
Phòng trừ sâu bệnh: trúc mây ít khi bị sâu bệnh, nhưng thi thoảng có gặp phải sâu cuốn lá hoặc phấn trắng, bạn chỉ cần mua thuốc về phun là được. Nếu trồng cây trong nhà thì nhớ mang cây ra ngoài trời trước khi phun thuốc nhé. Ngoài ra, trong quá trình chăm sóc bạn nên thường xuyên cắt tỉa để tạo dáng cho cây nhé.
Vậy là chúng ta đã tìm hiểu xong những thông tin về cây trúc mây rồi, không có gì quá phức tạp đúng không nào.
Còn chờ gì nữa mà không trồng ngay một vài bụi trúc mây trong nhà để mang lại nhiều may mắn, thuận lợi.
Chúc bạn thành công.