Cây tổ quạ hay ráng ổ phụng là loài cây mang nhiều ý nghĩa, được nhiều người yêu thích và trồng trong nhà với nhiều mục đích khác nhau.
Cây thanh tâm – cách chăm sóc làm cây cảnh để bàn
Hôm nay, chúng ta sẽ tìm hiểu chi tiết đặc điểm, đặc tính sống của cây tổ quạ, qua đó giúp bạn trồng và chăm sóc loài cây này hiệu quả hơn.
Cùng bắt đầu nào.
Đặc điểm của cây tổ quạ
Cây tổ quạ có tên khoa học là Asplenium nidus, là một cây thuộc họ Dương xỉ (Aspleniaceae), cây có nguồn gốc rất đa dạng, chủ yếu sinh sống ở các khu vực nhiệt đới.
Tại Việt Nam, cây được gọi với nhiều cái tên khác như cây tổ chim hay ráng ổ phụng…
Cây tổ quạ
Về dáng vẻ bên ngoài, cây tổ quạ có thân ngắn, chiều cao khá khiêm tốn chỉ từ 30 – 50cm. Thay vào đó cây phát triển các lá dài, bên dưới là các rễ chùm dày đặc, có thể bám và ăn sâu vào nhiều lớp vỏ cây hay mùn đất.
Lá cây có màu xanh thẫm, mọc sát gốc, cuống ngắn và dày, phủ nhiều vẩy dài ở gốc. Kích thước lá có thể dài tới 30 – 40cm, hình thuôn dài, nhọn dần về phía ngọn, mép lá nguyên, ở giữa là đường gân nổi rõ.
Lá xếp toả tròn ra xung quanh như một tổ quạ, bởi vậy mới có cái tên này.
Lá cây to và xoe tròn
Ở giữa mặt dưới lá là ổ bào tử dạng vạch, màu nâu vàng và khá mỏng, xếp chéo góc với thân chính.
Về đặc tính sống, cây có sức sống mãnh liệt, có thể mọc ở khắp các khu vực như vỏ thân cây lớn, dưới đám lá mục, đất mùn. Cây là loài ưa bóng, ưa ẩm và khí hậu mát mẻ, khá khó nhân giống trong điều kiện nuôi trồng.
Công dụng và ý nghĩa của cây tổ quạ
Nhờ tốc độ sinh trưởng nhanh, dáng vẻ xanh mướt, cây ráng ổ phụng được ưa chuộng để trồng làm cây cảnh. Bạn có thể trang trí cây nhiều nơi bàn học, bàn làm việc, phòng khách, hành lang, thềm nhà.
Cũng có thể trồng trong chậu treo, trang trí ban công, cửa sổ, hoặc trồng trực tiếp ra đất để trang trí sân vườn, tiểu cảnh. Nhiều nhà hàng, khách sạn, đặc biệt là công viên cũng thường trồng cây tổ quạ để tô điểm thêm không gian.
Nhiều người còn sử dụng chậu cây tổ quạ để kết hợp trồng phong lan, mang lại vẻ đẹp vô cùng độc đáo.
Trồng cây tổ quạ trong chậu làm cảnh
Ngoài công dụng làm cảnh, cây tổ quạ còn được biết đến với khả năng loại bỏ bụi bẩn, thanh lọc không khí vô cùng hiệu quả.
Người nhật còn sử dụng những chiếc lá non của cây như một loại thực phẩm nhiều dinh dưỡng.
Không chỉ mang lại nhiều công dụng, trong phong thuỷ, cây ổ phụng còn được biết đến là loài cây mang lại may mắn, tài lộc và bình yên cho gia chủ.
Rất nhiều công dụng và ý nghĩa đúng không nào!
Cách trồng và chăm sóc cây tổ quạ
Có sức sống tốt, lại phù hợp với điều kiện nhiệt đới nước ta, quá trình trình chăm sóc cây tổ quạ không có gì quá khó khăn. Dù vậy bạn cũng cần lưu ý một số yếu tố sau.
Nhân giống: trong tự nhiên, cây sinh sản bằng bào tử, còn trong nuôi trồng chúng ta thường nhân giống bằng cách tách bụi, tách nhánh. Nhưng nếu không có kinh nghiệm thì cũng khó thành công, nên tốt nhất bạn hãy mua ở các đại lý cây cảnh.
Đất trồng: cây thường sinh sống ký sinh trên các thân cây khác hoặc các môi trường mùn. Bởi vậy bạn có thể gắn cây tổ quạ lên các thân cây mục. Hoặc trồng trong đất thì trộn nhiều xơ dừa, than mùi, đảm bảo độ tơi xốp, thoáng khí và khả năng thoát nước.
Tưới nước: là loài ưa ẩm, bạn phải duy trì lượng nước tưới cho cây thường xuyên. Tốt nhất là mỗi ngày nên tưới một lần, nên tưới kiểu phun sương để lượng nước thấm đều trên lá.
Tưới nước duy trì độ ẩm thường xuyên
Ánh sáng: cây tổ quạ là loài ưa bóng, do đó bạn nên trồng cây ở những nơi mát mẻ, độ ẩm cao và ít ánh sáng. Để kích thích cây quang hợp, mỗi tuần bạn mang cây ra phơi nắng sớm khoảng 1 – 2 tiếng là đủ.
Dinh dưỡng: trong thành phần đất trồng nếu nhiều mùn thì cơ bản đã có nhiều dinh dưỡng, nên bạn chỉ cần bón phân cho cây khoảng 4 tháng 1 lần. Khi bón nhớ rải xa gốc, tốt nhất là hoà phân với nước rồi tưới cho cây.
Trên đây là những thông tin cơ bản về cây tổ quạ mà bạn có thể quan tâm, hy vọng qua đó bạn có thể trồng một vài cây trong nhà để tô điểm không gian.
Chúc bạn thành công.