Cây thịnh vượng mang dáng vẻ nhỏ nhắn, được ưa chuộng để trồng làm cây cảnh, tô điểm không gian sống.
Cây sơn tùng – trồng và chăm sóc sao cho đúng cách
Không chỉ vậy, cây thịnh vượng còn được biết đến là loài cây mang nhiều ý nghĩa phong thuỷ tích cực.
Để hiểu rõ hơn, chúng ta cùng tham khảo qua những thông tin về cây thịnh vượng dưới đây nhé.
Đặc điểm cây thịnh vượng
Cây thịnh vượng có tên khoa học là Aglaonema legacy, là một loài thực vật thân thảo thuộc họ Ráy (Araceae), vẻ ngoài khá giống các cây cùng họ như cây vạn lộc, ngọc ngân hay cây phú quý. Cây có nguồn gốc từ khu vực Đông Nam Á, cụ thể là Thái Lan, sau đó du nhập vào nhiều nước khác trong đó có Việt Nam.
Cây thịnh vượng
Đặc điểm bên ngoài, cây có thân khá mềm và thấp, màu trắng hoặc hồng nhạt, mọc thành bụi, chiều cao chỉ từ 20 – 40cm, trong tự nhiên có thể cao hơn.
Phía dưới là bộ rễ chùm màu trắng, khá dày. Tuy vậy rễ cây dễ bị đứt gãy nên trong quá trình chăm sóc bạn cần phải cẩn thận.
Lá cây có bản rất to, hình bầu dục với đầu và cuống nhọn, cuống lá cũng có màu giống thân, trong khi đó phần lá có màu pha trộn giữa xanh và hồng, đôi khi thêm chút trắng trông rất độc đáo và bắt mắt. Đây cũng chính là điểm làm nên vẻ đẹp của cây thịnh vượng.
Hoa thịnh vượng nhỏ nhắn, dạng búp và có màu vàng nhạt dịu dàng.
Về đặc tính sinh trưởng, cây có tốc độ sinh trưởng nhanh, ưa bóng hoặc ánh sáng bán phần, có thể sống tốt trong môi trường thuỷ sinh. Dù vậy cây chịu nắng gắt và khô hạn kém, bạn cần chú ý đảm bảo độ ẩm cho cây.
Nhân giống và trồng cây bằng phương pháp tách bụi.
Ý nghĩa cây thịnh vượng
Nghe tới tên chắc bạn cũng đã hiểu phần nào, cây thịnh vượng gắn liền với biểu tượng của sự may mắn, tài lộc, thịnh vượng.
Người ta trồng cây thịnh vượng trong nhà với mong muốn xua đuổi vận xui, mang lại nhiều may mắn, thuận lợi trong cả công việc và cuộc sống.
Cũng bởi vậy mà nhiều người chọn những chậu thịnh vượng nhỏ xinh để làm quà tặng trong những dịp đặc biệt như khai trương, tân gia, lễ tết, thay cho những lời chúc ý nghĩa.
Trong phong thuỷ, cây thịnh vượng phù hợp với mọi tuổi, nhưng phát huy hiệu quả cao nhất đối với những người thuộc tuổi Thân, mệnh Hoả.
Cây thịnh vượng có ý nghĩa mang lại tài lộc, may mắn
Công dụng của cây thịnh vượng
Như đã thông tin, cây thịnh vượng được ưa chuộng để trồng trang trí trong nhà, tô điểm không gian sống.
Cây chủ yếu được trồng trong chậu nhỏ làm cây để bàn, trang trí trên bàn học, bàn làm việc, bàn tiếp khách, bệ cửa sổ, kệ tivi.
Nhiều nhà hàng, khách sạn cũng trồng cây thịnh vượng để tô điểm không gian cho khách.
Cây tịnh vượng trồng cảnh trong chậu nhỏ
Nhờ bộ rễ trắng muốt và khả năng sống trong điều kiện ngập nước, nhiều người thường trồng cây thịnh vượng thuỷ sinh, trong chậu thuỷ tinh để khoe bộ rễ tuyệt đẹp.
Cây thịnh vượng thuỷ sinh
Cây thịnh vượng đặt biệt phù hợp với dân văn phòng nhờ khả năng thanh lọc không khí, loại bỏ các tia có hại từ máy tính hay các thiết bị văn phòng.
Cách trồng cây thịnh vượng
Mọi người thường chọn phương pháp nhân giống là tách bụi, bởi cây con có khả nắng sống sót cao và sinh trưởng nhanh hơn. Cách thực hiện cũng khá đơn giản.
Đâu tiên bạn cần chuẩn bị đất ươm, bạn trộn đất với mùn, xơ dừa, cát, phân hữu cơ để tăng dinh dưỡng và độ tơi xốp. Chậu hoặc bầu ươm phải có lỗ bên dưới tránh úng rễ.
Tiếp đó bạn chọn từ cây thịnh vượng mẹ ra một bụi con, cao khoảng 10cm, có 1 – 2 cặp lá. Nhẹ nhàng tách ra khỏi bụi mẹ sao cho ít ảnh hưởng đến bộ rễ nhất.
Mang bụi con tách được trồng vào bầu ươm, lấp đất lại, tưới nước để duy trì độ ẩm, sau khoảng 3 tuần là cây con sẽ phát rễ và sinh trưởng tốt, bạn tiếp tục chăm sóc tới khi cây đạt chiều cao tầm 20cm thì có thể chuyển ra chậu cảnh để trồng.
Cách trồng cây vào chậu đất: chọn chậu trồng không quá to, chỉ cần lớn hơn đường kính cây một chút, sau đó đổ đất vào 1/3 chậu, đặt cây vào, dựng đứng thẳng rồi lấp đất lại, nén nhẹ và tưới nước cho cây là xong.Cách trồng cây thuỷ sinh: tách cây ra khỏi bầu ươm sau đó nhẹ nhàng rửa sạch bộ rễ. Chọn chậu thuỷ tinh kích thước phù hợp, sau đó đặt cây vào, tạo dáng cho rễ, có thể dùng sỏi nhỏ để cố định rễ và dáng cây. Tiếp đó bạn đổ nước vào ngập phần rễ, nhỏ vài giọt dung dịch thuỷ sinh là xong.Nhân giống bằng phương pháp tách bụi
Cách chăm sóc cây thịnh vượng
Nhờ khả năng sinh sống tốt trong nhiều điều kiện môi trường mà quá trình chăm sóc cây thịnh vượng khá đơn giản, dưới đây là một vài lưu ý chính.
Ánh sáng
Dù không chịu được nắng gắt nhưng bạn vẫn cần đảm bảo ánh sáng cho cây thịnh vượng, như vậy màu của lá mới đẹp và bắt mắt hơn.
Tốt nhất là bạn đặt cây ở những nơi có ánh sáng bán phần như gần cửa sổ, giếng trời. Nếu trong nhà không có ánh sáng tự nhiên thì mỗi tuần bạn mang cây ra phơi nắng sớm khoảng 2 tiếng rồi đem vào.
Thi thoảng nên mang cây ra phơi nắng sớm
Nước và dinh dưỡng khi trồng thuỷ sinh
Khi trồng cây thịnh vượng trong nước, bạn không cần phải tưới nước thêm cho cây mà chỉ cần dùng khăn mềm thường xuyên lau sạch lá.
Về phần dinh dưỡng, mỗi tuần bạn tiến hành thay nước cho cây một lần, đồng thời bổ sung dung dịch thuỷ canh cho cây luôn.
Trước khi thay nước, bạn cần lấy cây ra khỏi chậu trước, dùng nước mưa hoặc nước máy đã khử clo đều được. Trong quá trình này bạn cũng có thể tranh thủ cắt tỉa bộ rễ, loại bỏ rễ hư thối cho cây.
Nước và dinh dưỡng khi trồng trong đất
Mỗi tuần chỉ cần tưới nước cho cây thịnh vượng khoảng 2 lần, mỗi lần chỉ cần đủ ẩm đất, không tưới trực tiếp trên lá.
Phân bón thì khoảng 3 tháng bạn hoà phân NPK vào nước và tưới cho cây. Mỗi năm nên thay đất cho cây một lần để làm mới môi trường sống.
Thường xuyên lau lá, cắt tỉa lá hư thối để cây sinh trưởng tốt và có tính thẩm mỹ hơn, đồng thời cũng ngăn ngừa sâu bệnh gây hại.
Một chậu thịnh vượng nhỏ xinh trang trí bàn học hay bàn làm việc sẽ là lựa chọn tuyệt vời dành cho bạn, khi đó, đừng bỏ qua những thông tin hữu ích trên đây trong quá trình trồng và chăm sóc cây nhé.
Chúc bạn thành công.