Cây sơn tùng toả sắc xanh đẹp mắt, lại dễ uốn nắn, phù hợp để trồng cảnh cả trong nhà và ngoài trời, những nơi công cộng.
Cây phát tài búp sen – cách trồng và chăm sóc
Cách trồng và chăm sóc cây sơn tùng lại không hề khó, nếu bạn đang muốn tự trồng một vài cây thì có thể tham khảo những thông tin dưới đây.
Tổng quan về cây sơn tùng
Cây sơn tùng có tên khoa học là Chamaecyparis lawsoniana “Ellwoodii”, là một loài thực vật lá kim trong chi Chamaecyparis, họ Bách (Cupressaceae).
Cây có nguồn gốc từ vùng núi cao thuộc khu vực châu Á. Tại Việt Nam, cây còn có các tên gọi ít phổ biến hơn như cây tùng búp, tùng núi, cây có họ hàng với tùng thơm, thủy tùng hay trắc bách diệp…
Cây sơn tùng
Sơn tùng là loài cây lá kim, thân gỗ nhỏ, vỏ màu xanh, thân cây mọc vươn thẳng chia làm nhiều cành nhánh, phía dưới phình to tạo thành hình kim tự tháp. Chiều cao của cây dao động từ 30 – 80cm, trong tự nhiên sẽ cao hơn, có thể lên tới vài mét.
Lá cây mọc rất dày, phủ khắp các nhánh, lá có màu xanh thẫm, phía ngọn hơi ngả bạc. Lá mọc hướng thẳng lên trên, tạo thành từng lớp rất đẹp mắt.
Về đặc tính, cây sơn tùng có tốc độ sinh trưởng chậm, sống tốt trên nhiều loại đất, cây ưa sáng, ưa ẩm, chịu bóng và chịu úng kém. Người ta thường nhân giống cây bằng phương pháp giâm cành.
Công dụng cây sơn tùng
Với dáng vẻ vươn thẳng đẹp mắt, lại có sắc xanh dày, cây sơn tùng được ưa chuộng để trồng cây ngoại thất, cây công trình.
Các vị trí trồng cây thường thấy là những nơi công cộng như công viên, khu đô thị, các con đường, sân vườn. Với những cây kích thước nhỏ, bạn có thể trồng trong chậu sứ như cây để bàn, trang trí cửa sổ, ban công, bàn học hay bàn làm việc.
Nhiều nhà hàng, khách sạn cũng chọn những chậu sơn tùng nhỏ xinh để trang trí bàn lễ tân hay không gian thư giãn cho khách.
Thân cây sơn tùng khá dẻo dai, nên nhiều nghệ nhân bonsai cũng uốn nắn tạo dạng cho loại cây này, tăng cả tính thẩm mỹ và giá trị kinh tế.
Hình dáng cây sơn tùng khá giống với cây thông Noel, nên mỗi dịp giáng sinh cũng được nhiều gia đình chọn làm cây trang trí, vừa gọn gàng lại tiết kiệm.
Cây sơn tùng trang trí Noel
Trồng cây sơn tùng trong nhà hay không gian sống cũng góp phần không nhỏ vào quá trình loại bỏ bụi bẩn, thanh lọc không khí.
Ý nghĩa cây sơn tùng trong phong thủy
Trong phong thuỷ, cây sơn tùng đại diện cho sự trường thọ, trường tồn với thời gian, nên thường được sự dụng làm quà tặng cho người lớn tuổi, thay cho lời chúc sống lâu trăm tuổi.
Ngoài ra, với sức sống mãnh liệt và dáng vẻ vươn thẳng đứng hùng dũng, cây sơn tùng còn đại diện cho tính tình của người quân tử, chính trực.
Cách trồng cây sơn tùng
Để nhân giống và trồng cây sơn tùng, chúng ta chọn cách giâm cành, bởi phương pháp này có tỉ lệ thành công cao, cây con phát triển tốt hơn.
Đầu tiên, cần chuẩn bị đất trong bầu ươm trước. Bạn trộn đất tại chỗ với mùn dừa và trấu, thêm phân hữu cơ, dọc bầu phải có lỗ thoát nước để tăng độ thông thoáng.
Từ cây mẹ, cắt một cành bánh tẻ dài khoảng 10cm, nhúng cành vào dung dịch kích rễ rồi cắm vào bầu đất, tưới nước đều đặn để duy trì độ ẩm, che chắn bằn lưới tránh nắng gắt.
Khoảng 2 tuần thì cành sẽ bén rễ và sinh trưởng như cây mớ, bạn tiếp tục chăm sóc, sau khoảng 1.5 tháng thì có thể tháo màn che. Khi cây đạt chiều cao từ 30cm trở lên thì có thể tách bầu ra trồng ra đất hoặc vào chậu.
Đủ kích thước có thể trồng ra đất
Đào hố trước 1 tuần, hố trồng phải to hơn bầu ươm. Sau đó xé bầu, nhẹ nhàng không làm vỡ đất rồi đặt cây xuống, lấp đất lại, nén kỹ, dựng cọc chống gãy đổ và tưới nước đều đặn cho cây.
Chăm sóc cây sơn tùng
Sơn tùng có tốc độ sinh trưởng chậm nên việc cắt tỉa khá đơn giản. Dưới đây là một vài yếu tố mà bạn cần quan tâm trong quá trình chăm sóc cây.
Nước tưới: nhu cầu nước của cây sơn tùng không cao, do đó bạn không cần phải tưới hàng ngày, tốt nhất là mỗi tuần 2 – 3 lần. Mỗi lần tưới phun đều lên cây, không tưới quá nhiều có thể khiến cây bị úng rễ.Ánh sáng: là loài ưa sáng và cần ánh sáng để phát triển, bạn cần đặt cây ở những nơi nhiều ánh sáng. Nếu trồng trong chậu đặt trong nhà thì mỗi tuần cần mang chậu ra phơi nắng tầm 2 tiếng để cây quang hợp, lá xanh đẹp hơn.Dinh dưỡng: thời gian khi mới trồng, bạn nên bón lót thêm cho cây ít phân lân. Sau đó cứ định kỳ 4 tháng bạn hoà phân NPK với nước rồi tưới cho cây, vậy là đủ.Sâu bệnh: cây ít khi bị sâu bệnh, nhưng thi thoảng sẽ gặp phải tình trạng khô lá, thối rễ do nấm. Bạn cần thường xuyên quan sát để phát hiện bệnh sớm, sau đó mua thuốc về trị.Quá trình chăm sóc cây sơn tùng khá đơn giản
Trên đây là những thông tin cơ bản về cây sơn tùng, tuy không quá chi tiết nhưng vẫn đủ để bạn có thể tự mình trồng và chăm sóc một vài cây trang trí quanh không gian sống.
Chúc bạn thành công!