Phong lá đỏ là cây cảnh khá nổi tiếng, thường được nhớ đến với những khung cảnh thơ mộng trong các bộ phim.
Trồng cây thằn lằn (vẩy ốc) leo tường phủ xanh không gian sống
Hiện nay, cây phong lá đỏ cũng được trồng khá nhiều ở Việt Nam. Nếu bạn cũng muốn trồng 1 cây phong lá đỏ trong khuôn viên nhà thì đừng bỏ qua những thông tin về loài cây này dưới đây.
Đặc điểm của cây phong lá đỏ
Phong lá đỏ có tên khoa học là Acer rubrum, là loài cây thuộc họ Bồ hòn (Sapindaceae), chi Phong (Acer), được trồng rất phổ biến ở khu vực Bắc Mỹ. Ở châu Á, cây được trồng nhiều ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, ở Việt Nam cũng có tuy không nhiều.
Cây Phong lá đỏ
Là loài cây thân gỗ, cây phong lá đỏ có tốc độ sinh trưởng trung bình, chiều cao dao động từ 2 – 15m, phân nhiều cành nhánh. Thân cây khi nhỏ màu xám trắng, khá mịn, khi cây lớn hơn thì thân trở nên sẫm màu và sần sùi hơn.
Điểm nổi bật của phong lá đỏ nằm ở lá, tùy màu sắc và hình dáng mà chia làm nhiều nhóm khác nhau:
Nhóm Linearilobum: lá có 5 thùy trong đó có 1 thùy dài, mảnh.Nhóm Palmatum : lá từ 5-7 thùy.Nhóm Dissectum : lá có 5-9 thùy, màu đậm, lá có hình răng cưa.
Tùy loại mà mỗi lá có số lượng thùy khác nhau, viền lá dạng răng cưa, các khe giữa thùy góc cạnh. Khi mới ra thì lá cây có màu xanh tươi, sau đó sẽ chuyển dần sáng màu cam rồi màu đỏ rực trước khi rụng xuống vào mùa đông.
Lá cây có màu đỏ rực đẹp mắt
Hoa phong lá đỏ cũng có màu đỏ hoặc đỏ cam đẹp mắt, thường mọc thành chùm, tỏa ra các tán hoặc rũ xuống khá đẹp mắt.
Quả phong còn được gọi là Phím phong, thường chín vào mùa hè, bên trong cũng có hạt màu đỏ, bạn có thể dùng hạt này để nhân giống.
Về đặc tính sống, phong lá đỏ phù hợp hơn với khí hậu ôn đới nhưng vẫn sống tốt với khi hậu nhiệt đới ở Việt Nam, cây chịu được khô hạn, nhu cầu nước không cao, không chịu được ngập úng, có thể chịu được cả lạnh và nóng. Nhìn chung quá trình chăm sóc không mấy phức tạp.
Công dụng của cây phong lá đỏ
Với dáng cao, cành lá nhiều và um tùm, cây phong lá đỏ được nhiều nơi lựa chọn để làm cây cảnh công trình, giúp che bóng mát. Đặc biệt màu đỏ của lá sẽ giúp không gian xung quanh trở nên đẹp đẽ, rực rỡ đầy màu sắc.
Các địa điểm trồng phong lá đỏ rất đa dạng, từ đường phố, vỉa hè, công viên, bệnh viện, khu đô thị cho đến cổng chào, sân vườn, quán ăn, nhà hàng, khách sạn.
Nhiều khu du lịch, nghỉ dưỡng cũng thường trồng cây phong lá đỏ ở lối đi hay các địa điểm đặc biệt để khách tham quan, chụp ảnh.
Nhiều người còn giới hạn kích thước của cây, trồng trong chậu để trang trí trong nhà. Với lợi thế có bộ rễ đẹp, thân cành nhiều nên thường được tạo dáng bonsai, vừa tăng cả tính thẩm mỹ lẫn giá trị kinh tế.
Phong lá đỏ luôn là địa điểm thu hút khách du lịch
Với những cây phong lá đỏ cỡ lớn, gỗ cây còn được tận dụng để làm đồ nội thất, đồ thủ công mỹ nghệ, rất đẹp và bền.
Ý nghĩa phong thủy phong lá đỏ
Không chỉ đẹp, cây phong lá đỏ còn mang nhiều ý nghĩa phong thủy tích cực. Cụ thể, trồng cây phong lá đỏ trong nhà có thể giúp gia chủ mang về nhiều may mắn, tài lộc, cuộc sống thuận lợi. Những nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng trồng phong lá đỏ có thể thu hút nhiều khách hàng hơn.
Cây có ý nghĩa mang lại may mắn cho người trồng
Theo phong thủy, cây phong lá đỏ phù hợp với tất cả các mệnh, nhưng phù hợp nhất là mệnh Hỏa. Những người thuộc mệnh này khi trồng cây sẽ phát huy tối đa may mắn mà cây mang lại.
Cách trồng cây phong lá đỏ
Có nhiều cách để nhân giống phong lá đỏ, ví dụ như gieo hạt, giâm cành, cắt mầm… trong đó tốt nhất bạn nên chọn phương pháp giâm cành, bởi cây con sẽ khỏe mạnh, sinh trưởng nhanh hơn. Nếu không có cây mẹ để giâm cành thì tốt nhất bạn tìm các đại lý bán cây phong lá đỏ để mua cho nhanh.
Bước 1. Để trồng phong lá đỏ, trước hết phải chuẩn bị đất. Phong lá đỏ không kén đất, nhưng nếu được hãy chuẩn bị đất phù xa, trộn thêm xơ dừa, mùn, xỉ than và phân chuồng. Như vậy sẽ đảm bảo được dinh dưỡng, độ tơi xốp và khả năng thoát nước của cây. Chậu ươm hoặc bầu ươm cũng cần có lỗ thoát nước đầy đủ, tránh ngập úng.
Bước 2. Sau đó, từ cây mẹ, bạn chọn ra một cành bánh tẻ to khỏe, không có dấu hiệu sâu bệnh. Cắt một đoạn khoảng 20cm, tỉa bớt lá sau đó ngâm cành vào dung dịch kích rễ.
Bước 3. Tiếp đó cắm cành vào chậu hoặc bầu ươm đã chuẩn bị từ trước, tưới đẫm nước ở lần đầu tiên, đặt cây ở nơi thoáng mát, có ánh sáng, che chắn mỗi khi nắng gắt, tưới nước đều đặn khi thấy đất khô.
Bước 4. Khoảng 2 tuần là cành sẽ bén rễ và sinh trưởng thành cây mới. Bạn tiếp tục chăm sóc thêm khoảng 1 – 2 tháng cho tới khi cây cứng cáp là có thể tách ra để trồng ở vị trí mong muốn.
Trồng cây bằng phương pháp giâm cành
Cách chăm sóc cây phong lá đỏ
Tuy không quá phù hợp với khí hậu Việt Nam, nhưng nhờ sức sống và khả năng thích nghi tốt, quá trình chăm sóc cây phong lá đỏ cũng không có gì quá khó khăn.
Tưới nước: phong lá đỏ không cần nhiều nước, khi cây còn nhỏ, bạn cố gắng tưới mỗi tuần 2 – 3 lần, mỗi lần tưới chú ý không để đất quá ngập úng. Khi cây đã lớn thì mọi việc đơn giản hơn nhiều, 7 – 10 ngày mới cần tưới 1 lần.
Ánh sáng: với những cây công trình trồng ngoài trời, ưa sáng là yếu tố quyết định. Khi cây mới trồng, bạn cần có biện pháp che chắn mỗi khi nắng gắt hoặc gió lớn. Còn khi cây đã lớn thì không cần quan tâm tới vấn đề này nữa, cây có thể sống tốt ngoài trời.
Nhiệt độ: cây sống tốt ở mức nhiệt độ từ 16 – 25 độ C, tuy nhiên nhờ biên độ nhiệt cao nên dù nhiệt độ có thấp hay cao hơn một chút cũng không sao.
Dinh dưỡng: khi cây còn nhỏ dưới 3 năm tuổi, bạn nên định kỳ bón phân cho cây, có thể là phân NPK mỗi 3 tháng 1 lần. Khi cây đã lớn thì nhu cầu phân bón không cao, nửa năm bạn bón một ít phân nhả chậm là được. Đặc biệt, nếu trồng bonsai thì bạn nên hạn chế bón phân, bởi cây phát triển quá nhanh có thể làm bể dáng cây.
Nhu cầu dinh dưỡng của cây phong lá đỏ không cao
Phòng trừ sâu bệnh: cây phong lá đó thi thoảng có thể gặp phải tình trạng rệp sáp hoặc ốc sên hại lá, đôi khi là nấm và bạc lá. Nếu gặp phải, bạn chỉ cần ra những nơi bán thuốc bảo vệ thực vật, nhờ họ tư vấn và mua về phun cho cây là được, càng sớm càng tốt.
Trên đây là những thông tin cơ bản về cách trồng, cách chăm sóc cây phong lá đỏ sao cho hiệu quả, giúp cây tỏa sáng nhất.
Hy vọng bạn đã có đủ kinh nghiệm để tự mình chăm bón một cây trang trí trong ngôi nhà của mình.
Chúc bạn thành công.