Cây Nguyệt quế được nhiều người lựa chọn để trồng cảnh trong nhà. Không chỉ có vẻ ngoài đẹp và mùi hương dễ chịu, loài cây này còn là biểu tượng cho chiến thắng, vinh quang.
Cây Lộc vừng – cách trồng và chăm sóc mang về tài lộc
Là cây thân gỗ cỡ trung bình, dần dần cây Nguyệt quế được uốn nắn và biến thành cây cảnh, bonsai.
Để có thể trồng và chăm sóc cây Nguyệt quế đúng cách, bạn nên tìm hiểu một vài thông tin hữu ích dưới đây.
Đặc điểm cây Nguyệt quế
Dưới đây là một vài đặc điểm chính về cây Nguyệt quế, bạn có thể tham khảo để dễ dàng phân biệt với các loại cây cùng họ khác.
Tên: Nguyệt quếTên gọi khác: Nguyệt quới, Nguyệt quất, Cửu lý hươngHọ: Cam (Rutaceae)Tên khoa học: Murraya paniculataCây Nguyệt quế
Có thể bạn chưa biết, cây Nguyệt quế có tên chính xác là cây Nguyệt quới, tên khoa học là Murraya paniculata, có nguồn gốc từ các nước châu Á.
Trong khi đó cây Nguyệt quế thực thì có nguồn gốc từ Hy Lạp, tên khoa học là Laurus nobilis, hoa có màu vàng – lục nhạt.
Cây Nguyệt quế Hy Lạp
Sở dĩ có sự nhầm lẫn này vì cách phát âm khá giống nhau, dần dần người ta không phân biệt nữa mà gọi luôn cây Nguyệt quới là Nguyệt quế.
Lưu ý: để quen thuộc thì kể từ bây giờ, bài viết này cũng gọi cây Nguyệt quới là Nguyệt quế.
Nguyệt quế là loài cây thân gỗ cỡ trung bình, có chiều cao từ 2 – 6m nếu sinh trưởng ngoài tự nhiên. Khi được trồng trong chậu làm cảnh thì cây có kích thước nhỏ hơn, chỉ tầm 1m trở lại.
Cây thích nghi rất tốt với khí hậu nhiệt đới, thường mọc nhiều ở các khu rừng, ven sông suối ở Việt Nam.
Nguyệt quế có lá và thân màu xanh, khi lớn hơn thì thân chuyển dần thành màu nâu xám, khá giống thân cây bưởi. Lá cây dạng lá kép, có hình bầu dục hoặc hơi nhọn, mặt lá láng bóng và mọc so le nhau.
Cây Nguyệt quế không có mùa ra hoa cố định nhưng thường là vào đầu mùa xuân, hoa của cây có màu trắng rất đẹp mắt, mùi khá thơm.
Hoa thường có 5 cánh màu trắng và 5 đài màu xanh, mọc ở nách lá hay đầu cành và uốn cong về sau. Hoa không quá lớn, có đường kính khoảng 1.5 – 2cm.
Hoa Nguyệt quế có màu trắng đẹp mắt
Quả Nguyệt quế có màu xanh, hình bầu dục, đầu nhọn, khi chín thì quả chuyển sang màu đỏ đậm, trong quả có từ 1 – 2 hạt.
Vẻ ngoài của cây nguyệt quế khá tương đồng với các cây cùng họ như cây quất hay cây cần thăng…
Cây Nguyệt quế có mấy loại?
Hiện nay, cây Nguyệt quế phổ biến có các loại như Nguyệt quế lá lớn, lá nhỏ và lá nhỏ thân xoắn. Mỗi loại nhìn chung chỉ có vài đặc điểm riêng khá nhỏ.
Nguyệt quế lá lớn
Như tên gọi, Nguyệt quế loại này có lá khá lớn, thường được trồng trong các chậu cỡ lớn, đặt làm cảnh ở các khu vực như sân vườn, sân thượng, tiền sảnh.
Cây Nguyệt quế lá lớn chịu hạn tốt, thích đất phù sa nhưng lại chịu úng kém, khi trồng cần đảm bảo đất có khả năng thoát nước tốt.
Nguyệt quế lá nhỏ
Nguyệt quế lá nhỏ hợp để làm cây cảnh hơn vì có kích thước và lá nhỏ, dễ tạo hình bonsai hay trồng trong chậu, các vị trí đặt cây cũng đa dạng hơn.
Không chỉ vậy, hoa của Nguyệt quế lá nhỏ cũng được cho là có mùi hương dễ chịu và quyến rũ hơn so với các loại khác.
Nguyệt quế lá nhỏ thân xoăn
Loại cây này được nhiều người yêu thích hơn cả trong các loại Nguyệt quế. Sở dĩ như vậy bởi cây có kích thước nhỏ, thân lại xoắn, rễ cầu kì đẹp mắt, rất thích hợp để tạo dáng bonsai.
Có thể nói, Nguyệt quế lá nhỏ thân xoăn có giá trị nhất trong các loại Nguyệt quế trên thị trường hiện nay.
Công dụng và ý nghĩa của cây Nguyệt quế trong phong thủy
Tác dụng của cây Nguyệt quế
Tác dụng chủ yếu nhất của cây Nguyệt quế chính là làm cảnh. Với ưu điểm là thân cây độc đáo, dễ uốn nắn, hoa đẹp và thơm, Nguyệt quế được trồng làm cảnh ở nhiều địa điểm trong nhà.
Cây lớn thì trồng ở trước cửa, sân vườn, công viên, hành lang. Cây nhỏ thì trồng trong chậu nhỏ để bàn, đặt ở cửa sổ, bàn làm việc, bàn tiếp khách, treo ban công…
Nguyệt quế được trồng làm cảnh
Mùi hương của hoa Nguyệt quế cũng giúp giải tỏa căng thẳng, cải thiện tinh thần rất tốt.
Lá Nguyệt quế non còn được dùng như một loại gia vị trong các món ăn.
Trong Đông Y, Nguyệt quế được ghi chép là một loại cây thuốc, có thể sử dụng để làm thuốc giảm đau, trị viêm nhiễm hay chống oxy hóa…
Ý nghĩa của cây Nguyệt quế
Theo quan niệm dân gian, cây Nguyệt quế tượng trưng cho vượng khí, có thể xua đuổi tà ma, xui xẻo. Khi trồng trong nhà có thể mang về tài lộc, may mắn.
Ngoài ra, Nguyệt quế là biểu tượng cho sự chiến thắng, vinh quang. Bởi vậy trồng cây Nguyệt quế có ý nghĩa mang tới sự thành đạt, gặt hái thành công trong cuộc sống, công việc.
Nhà có người đang trong kỳ thi cử nên đặt một cây Nguyệt quế trên bàn học, giúp thi cử đỗ đạt, thuận lợi.
Cây mang ý nghĩa chiến thắng, thành công
Một cây cảnh vừa đẹp, vừa mang nhiều ý nghĩa tuyệt vời đúng không nào.
Cách trồng và chăm sóc cây Nguyệt quế
Cách trồng cây Nguyệt quế
Có nhiều cách để nhân giống cây Nguyệt quế, nhưng quan trọng nhất vẫn là chọn đất trồng và cách chăm sóc sau đó.
Chọn đất trồng
Cây Nguyệt quế sinh trưởng tốt nhât trong môi trường đất thịt pha, đất phải đảm bảo tơi xốp và có khả năng thoát nước tốt, độ pH tốt nhất là dao động ở mức 5 – 7. Bạn có thể trộn thêm ít xơ dừa và phân hữu cơ để tăng dinh dưỡng cho đất.
Trồng cây
Dưới đây là một vài phương pháp nhân giống chính mà những người chơi cây cảnh thường dùng để trồng cây Nguyệt quế:
Chiết cành: chỉ cần chọn những cành bánh tẻ khỏe mạnh, không có dấu hiệu sâu bệnh. Ưu điểm là sau khi chiết cây phát triển tốt, nhanh ra hoa.Giâm cành: cũng chọn những cành bánh tẻ khỏe mạnh, sau đó kết hợp với thuốc kích thích mọc rễ. Sau khi cành ra rế thì trồng ra đất đã chuẩn bị sẵn. Cây phát triển từ giâm cành cũng sinh trưởng tốt không khác gì chiết cành.Ghép mắt: chọn gốc ghép thẳng, khỏe mạnh, không có dấu hiệu sâu bệnh, sau đó tách mắt và ghép cây mới vào là được. Cách này rất được ưa chuộng vì cây không những sinh trưởng tốt mà còn dễ uốn nắn.Gieo hạt: không được ưa chuộng lắm vì cây sinh trưởng chậm, tỉ lệ nảy mầm cũng không cao.Có nhiều cách để nhân giống Nguyệt quế
Cách chăm sóc cây Nguyệt quế
Sau khi trồng, quá trình chăm sóc quyết định rất nhiều tới quá trình phát triển của cây. Dưới đây là một vài lưu ý để cây phát triển tốt và nhanh ra hoa.
Tưới nước: dù chịu hạn tốt, bạn vẫn cần tưới nước để cây phát triển đúng ý muốn. Tốt nhất là mỗi ngày 1 – 2 lần vào sáng sớm và chiều tối. Nếu thời tiết nắng gắt bạn có thể tưới nhiều hơn và ngược lại tưới ít đi khi trời mưa. Chú ý không tưới nước quá nhiều, tránh cây bị ngập úng.
Ánh sáng: Nguyệt quế là loài cây ưa sáng nhưng nên tránh ánh nắng gắt, bạn nên đặt cây ở những nơi thoáng mát nhưng không chịu ánh nắng trực tiếp từ mặt trời.
Dinh dưỡng: bạn nên bón phân NPK và kali để bổ sung dinh dưỡng cho cây khoảng 2 tháng một lần. Khoảng 1 năm bạn nên thay đất một lần để làm mới môi trường và thêm dinh dưỡng cho đất. Khi thay thì bạn chỉ thay thế 1/3 lớp đất cũ bằng đất mới thôi nhé.
Tưới nước, bón phân đầy đủ để cây phát triển tốt
Nhiệt độ: như đã nói ở trên, cây sống tốt ở khí hậu nhiệt đới, lý tưởng nhất là dao động từ 23 – 29 độ C. Tất nhiên cao hơn hoặc thấp hơn một chút thì cây vẫn có thể sinh trưởng và ra hoa bình thường.
Cắt tỉa và phòng trừ sâu bệnh: hàng tháng bạn nên cắt tỉa và tạo dáng cho cây đồng thời kiểm tra cây có bị sâu bệnh hay không. Nếu có thì ngay lập tức loại bỏ để tránh tình trạng bệnh diễn biến nặng.
Trên đây là những thông tin cơ bản về cây Nguyệt quế mà bạn cần nắm rõ trước khi trồng, từ đó tạo điều kiện tốt nhất để cây sinh sống, phát triển, đâm hoa kết trái.
Chúc bạn thành công.