Lan hoàng dương hay cây chuỗi vàng là loài cây cảnh sân vườn được nhiều người yêu thích, sử dụng để trang trí không gian sống.
Lan trúc phật bà – đặc điểm, cách trồng và chăm sóc
Không chỉ vậy, lan hoàng dương còn được biết đến là loài hoa mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp.
Hãy cùng tìm hiểu cách trồng và chăm sóc lan hoàng dương để mang lại hiệu quả cao nhất nhé.
Tổng quan về cây lan hoàng dương
Lan hoàng dương còn gọi là cây chuỗi vàng, có tên khoa học là Petraeovitex bambusetorum, đây là một loài thực vật có hoa thuộc chi Petraeovitex, họ Hoa môi (Lamiaceae).
Tuy gọi là lan nhưng cây không hề có họ hàng với các loài phong lan mà chung họ với cây hương thảo, hoa oải hương hay hoa ngọc nữ…
Lan hoàng dương
Về đặc điểm, lan hoàng dương là loài thân leo buông rũ, chiều dài thân phụ thuộc nhiều vào giàn leo, giao động từ 50cm – 2m. Thân cây có màu xanh thẫm, mềm mại và bám chặt vào giàn đỡ. Thân chia làm nhiều cành nhánh, lá cây có màu xanh thẫm, hình bầu dục nhọn ở đầu, dài từ 5 – 7cm, lá mọc dày ở gốc cành và thưa dần ở ngọn.
Hoa lan hoàng dương nở theo chùm buông thõng, mọc ra từ nách lá, mỗi chùm có thể dài tới hơn 1m với nhiều bông hoa tỏa sắc vàng rực rỡ.
Hoa lan hoàng dương nở thành chùm buông thõng
Về đặc tính, lan hoàng dương là loài sinh trưởng nhanh, sống lâu năm, ưa sáng, ưa ẩm, chịu úng kém, có thể nhân giống bằng cách giâm cành.
Ý nghĩa và công dụng của lan hoàng dương
Mang trong mình sức sống mãnh liệt, sinh trưởng nhanh, màu sắc tươi sáng, lan hoàng dương đại diện cho tuổi trẻ nhiều khao khát, tràn đầy năng lượng và mơ ước về một tương lai tươi sáng.
Mỗi khi nở hoa, cây khoe sắc vàng rực rỡ, có ý nghĩa mang đến cho chủ nhà nhiều may mắn, tài lộc, gặp nhiều thuận lợi trong cuộc sống và công việc.
Về công dụng, hoa lan hoàng dương thường được trồng làm cây công trình hay trang trí sân vườn. Bạn có thể trồng hoa ở những nơi công cộng như công viên, trường học, khu di lịch nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà hàng…
Tại nhà, người ta thường trồng lan hoàng dương ở ban công, sân vườn, trang trí hàng rào, cổng chào, vừa tô điểm không gian, lại có thể thanh lọc bụi bẩn, giúp không khí trong lành hơn.
Hoa thường được trồng cảnh ở nơi công cộng hay sân vườn
Cách trồng cây lan hoàng dương
Dù có thể nhận giống bằng cách gieo hạt nhưng người ta thường sử dụng phương pháp giâm cành để nhân giống lan hoàng dương bởi ưu điểm là tỉ lệ sống cao, cây con sinh trưởng mạnh, nhanh ra hoa.
Chuẩn bị đất trồng
Để cành giâm nhanh bén rễ và sinh trưởng tốt, đất trồng cần đảm bảo các yếu tố như dinh dưỡng, độ tơi xốp và khả năng thoát nước. Bạn có thể trộn đất vườn với phân chuồng hoại mục, thêm xơ dừa, mùn trấu là được.
Về chậu hay bầu ươm thì không cần quá to nhưng phải có lỗ thoát nước đầy đủ, tránh ngập úng bởi khả năng chịu úng của lan hoàng dương khá kém.
Nhân giống
Từ cây mẹ to khỏe, bạn chọn một cành không quá già, không quá non, mập mạp, không sâu bệnh rồi cắt một đoạn tầm 20cm.
Để lại 1 – 2 lá trên ngọn, còn lại tuốt hết lá trên cành giâm để tránh thoát nước. Sau đó ngâm cành giâm trong dung dịch kích rễ.
Ngâm xong thì cắm cành vào bầu ươm đã chuẩn bị từ trước, tưới đẫm nước ở lần đầu tiên, đặt bầu ở nơi thoáng mát, có lưới che tránh nắng gắt, cắm cọc để cây bám vào, sau đó cứ thấy đất khô thì tưới thêm để giữ ẩm.
Sau khoảng 1 tuần là cành sẽ bén rễ, tiếp tục chăm sóc cho tới khi cây có 3 – 4 cặp lá thì có thể tách bầu và trồng ở nơi mong muốn.
Nhân giống lan hoàng dương bằng cách giâm cành
Tiến hành trồng
Sau khi chọn được nơi trồng thích hợp, bạn đào hố có kích thước phù hợp với cây con, bón lót rồi đặt cây con xuống, lấp đất lại và nén chặt.
Phủ quanh gốc một ít rơm để giữ ẩm rồi tưới đẫm nước. Cắm cọc để thân cây leo bám vào, khi cây lớn hơn thì tạo giàn leo.
Nếu vị trí trồng cây quá thoáng thì bạn nên thiết kế thêm giàn lưới, khi nào nắng gắt thì che chắn để tránh cây bị cháy nắng.
Cách chăm sóc lan hoàng dương
Sau khi trồng lan hoàng dương, bạn cũng cần phải chú ý trong quá trình chăm sóc để hoa nở nhiều, màu sắc rực rỡ và ít bị sâu bệnh. Dưới đây là một vài lưu ý.
Ánh sáng
Là một loài ưa sáng, bạn nên trồng lan hoàng dương ở những nơi rộng rãi, thoáng mát như sân vườn, hàng rào, như vậy cây sẽ sinh trưởng nhanh và màu sắc của hoa sẽ tươi sáng hơn.
Tất nhiên khi còn nhỏ thì cây có khả năng chịu nắng kém, bạn nên che chắn mỗi khi nắng gắt, còn khi cây đã lớn thì không cần.
Đảm bảo đủ ánh sáng cho lan hoàng dương
Nước tưới
Lượng nước tưới cho lan hoàng dương không cố định mà phụ thuộc nhiều vào thời tiết, nhưng tần suất tốt nhất là 2 – 3 lần mỗi tuần, tăng lên khi nắng hạn và giảm lại khi mưa.
Mỗi lần tưới chỉ cần đủ ẩm đất và mát lá cây, không tưới quá nhiều có thể gây đọng nước, úng rễ nếu đất thoát nước kém.
Dinh dưỡng
Cứ mỗi 2 tháng 1 lần, bạn hòa phân NPK với nước rồi tưới cho cây, như vậy sẽ giúp lan hoàng dương hấp thu dinh dưỡng tốt hơn. Ngoài ra bạn còn có thể sử dụng phân trùn quế, phân gà để bón thêm cho cây.
Chỉ cần như vậy là đủ dinh dưỡng để hoa có thể phát triển và ra hoa đẹp.
Phòng trừ sâu bệnh
Lan hoàng dương ít khi bị sâu bệnh, nhưng thi thoảng vẫn gặp phải tình trạng nấm rầy, sâu bệnh và thối rễ.
Để phòng ngừa, bạn nên rải vôi ở gốc, thường xuyên cắt tỉa cành lá hư thối, loại bỏ sâu rầy. Nếu tình trạng bệnh nặng thì cần tham khảo tư vấn từ đại lý để mua thuốc về phun.
Như vậy là chúng ta đã tìm hiểu xong những thông tin về lan hoàng dương, hy vọng qua đó bạn có đủ kinh nghiệm để chăm sóc giàn lan hoàng dương cho riêng mình.