Cây Hương thảo với nhiều công dụng đặc biệt, thường được mọi người trồng trong vườn, hoặc trong các chậu nhỏ đặt trong nhà, vừa làm cảnh, vừa làm thuốc.
Cây Dương xỉ – cách trồng và chăm sóc làm cảnh trong nhà
Gần đây, phong trào trồng cây Hương thảo để làm cảnh trong nhà dần trở nên phổ biến.
Vậy loài cây này có gì đặc biệt?
Hãy cùng tìm hiểu những đặc điểm của cây Hương thảo, cũng như cách trồng và chăm sóc sao cho hiệu quả nhé.
Đặc điểm cây Hương thảo
Hương thảo là loài cây khá quen thuộc, do đó các đặc điểm cũng không quá khó để nhận ra, dưới đây là một vài thông tin chính.
Tên: Hương thảoTên gọi khác: Mê điệt hươngHọ: Hoa môi (Lamiaceae)Tên khoa học: Rosmarinus officinalisCây Hương thảo
Cây Hương thảo là loài cây có kích thước từ 20cm – 1m, nếu sinh trưởng tốt ngoài tự nhiên có thể lớn hơn. Cây thích hợp với điều kiện khô ráo, nắng nhẹ vừa phải, nhiệt độ trung bình, được trồng nhiều ở các tỉnh miền Trung và miền Nam.
Là loài cây phân nhánh, mọc thành bụi, nhiều lá, thân và lá đều màu xanh. Lá Hương thảo dạng hẹp, không có cuống, mép gập xuống dưới, nhẵn ở mặt trên và phủ lông ở mặt dưới.
Cây thường nở hoa vào mùa xuân và hè, hoa Hương thảo khá đẹp và đa dạng về màu sắc như xanh, tím, hồng, trắng, dài cỡ 1cm, xếp theo các vòng lá, không những vậy hoa còn tỏa ra mùi thơm rất dễ chịu, có thể giúp giải tỏa căng thẳng.
Nhìn chung, các loài trong họ hoa môi như oải hương, hoa ngọc nữ, hoa xác pháo có hình dáng bên ngoài tương đối khác nhau.
Cây sinh trưởng mạnh mẽ, có thể trồng bằng cách gieo hạt hoặc giâm cành.
Không chỉ vậy, Hương thảo còn là loại cây mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho cuộc sống.
Tác dụng của cây Hương thảo
Với lợi thế nhỏ, thân, lá và hoa đều đẹp, ít rụng lá, nhiều người thường trồng Hương thảo trong chậu và đặt làm cảnh trong nhà. Cây nhỏ thì đặt ở bàn làm việc, bàn tiếp khách, cửa sổ, ban công, cây lớn thì trồng trong chậu lớn, đặt ở sân vườn, hành lang, tiền sảnh, sân thượng…
Cây Hương thảo có thể đặt làm cảnh ở nhiều vị trí
Cây Hương thảo còn tỏa ra mùi thơm đặc trưng rất dễ chịu, khuếch tán rộng. Theo nhiều nghiên cứu, mùi Hương thảo có thể giúp giải tỏa căng thẳng, giúp tinh thần thoải mái, chống buồn ngủ, rất tốt cho nhân viên văn phòng.
Mùi hương này còn giúp kích thích trí não, cải thiện tư duy, tăng cường trí nhớ, nên đặt một cây nhỏ trên bàn học trẻ em.
Các mẹ bầu hay đang chăm con nhỏ cũng nên đặt một chậu Hương thảo trong không gian sống của mình, tinh thần sẽ cải thiện đáng kể.
Mùi hương của cây rất tốt cho tinh thần, trí óc
Hương thảo có vị đắng nhẹ, thườn được tận dụng trong ẩm thực, dùng làm gia vị tạo mùi, khử tanh, ăn kèm với các món nướng… Không chỉ ngon, loài cây này còn rất bổ dưỡng khi cung cấp cho cơ thể một lượng lớn vitamin B6, canxi và sắt…
Mùi hương của cây Hương thảo còn được biết đến là có khả năng xua đuổi côn trùng, ruồi muỗi rất hiệu quả, bạn đừng quên tận dụng nhé.
Theo Đông Y, cây Hương thảo được ghi chép là một cây thuốc, có vị chát, mùi thơm, nóng, thường được sử dụng để điều trị các chứng đau dạ dày, rối loạn tiêu hóa.
Ngoài ra, bằng nhiều cách chế biến, Hương thảo còn được sử dụng để giảm huyết áp, tăng tiết mật, giảm đau nhức đầu, lợi tiểu, tăng tuần hoàn máu, rửa vết thương và chữa viêm giác mạc.
Các chiết xuất từ Hương thảo được các nhà sản xuất sử dụng trong các sản phẩm làm đẹp như kem dưỡng da, nước hoa, xà bông, sữa tắm và các sản phẩm thảo dược khác…
Bạn cũng có thể tử chưng cất tinh dầu Hương thảo tại nhà để dùng thoa bên ngoài da nhằm trị đau nhức xương khớp, bong gân, pha nước tắm, trị chứng đau thần kinh, chữa bệnh liên quan tuyến tiền liệt…
Các sản phẩm từ Hương thảo đều rất tốt cho sức khỏe
Cuối bài viết này, mình sẽ giới thiệu tới bạn vài cách làm tinh dầu Hương thảo cực kỳ đơn giản.
Một lưu ý nhỏ là trẻ em dễ dị ứng với tinh dầu hương thảo nên bạn không sử dụng cho em nhỏ dưới 4 tuổi nhé.
Cách trồng và chăm sóc cây Hương thảo
Hương thảo có sức sống khá mạnh mẽ, nên cách trồng và chăm sóc không có gì quá cầu kỳ đặc biệt. Dưới đây là một vài kinh nghiệm bạn có thể tham khảo qua.
Cách trồng cây Hương thảo
Hương thảo bạn có thể trồng bằng cách gieo hạt hoặc giâm cành, trong đó giâm cành có nhiều ưu điểm hơn hẳn vì cây nhanh lớn, dễ ra hoa.
Chuẩn bị môi trường:
Bạn cần chuẩn bị đất trồng tơi xốp, không cần quá giàu dinh dưỡng nhưng nên bón một ít phân hữu cơ, trộn ít xơ dừa để giúp cây nhanh ra rễ. Đất phải thoát nước tốt, môi trường xung quanh phải mát mẻ, nhiều ánh sáng nhưng không được tiếp xúc nhiều với nắng gắt.
Gieo hạt:
Sau khi chọn được hạt giống tốt, bạn chỉ việc vùi hạt xuống đất, tưới nước đều đặn để duy trì độ ẩm cho đất, đảm bảo đất không bị khô quá lâu. Sau một thời gian hạt sẽ nảy mầm và sinh trưởng như bình thường, lúc này bạn có thể chuyển cây ra khu vực mong muốn để tiếp tục chăm sóc.
Giâm cành:
Từ bụi Hương thảo lớn, bạn chọn ra cành to khỏe, không có dấu hiệu sâu bệnh, sau đó cắt cành với chiều dài khoảng 5 – 10cm.
Tiếp đó, giâm cành cây vừa cắt vào phần đất trồng đã chuẩn bị từ trước, vùi lại, nén hơi chặt.
Đặt cây mới giâm ở nơi nhiều ánh sáng, ít nắng gắt, tưới nước đầy đủ để duy trì độ ẩm cho cây, khoảng vài tuần là cây sẽ bén rễ. Lúc này bạn có thể chuyển cây ra chậu mới và chăm sóc như cây bình thường.
Trồng cây Hương thảo
Cách chăm sóc cây Hương thảo
Dù là loài cây dễ trồng, dễ chăm sóc thì bạn vẫn cần một vài lưu ý để cây Hương thảo sinh trưởng tốt, ra hoa đẹp.
Tưới nước: cây không cần quá nhiều nước, bạn chỉ cần tưới nước mỗi ngày một lần vào sáng sớm, tưới chỉ cần đủ ẩm đất. Nếu thời tiết quá khô hanh thì có thể tưới thêm một ít vào buổi chiều, nhưng tuyệt đối không được để cây ngập úng.
Nhiệt độ: Hương thảo ưa mát mẻ nhưng không ưa lạnh, nhiệt độ cho cây phát triển tốt nhất là từ 20 – 32 độ C. Nếu trồng trong văn phòng có điều hòa, nhớ không được để nhiệt độ xuống quá thấp.
Dinh dưỡng: là loài cây không kén đất, bạn có thể trồng cây trên nhiều loại đất khác nhau. Phân bón cũng không cần nhiều, vài tháng bạn có thể bón một ít phân hữu cơ là cây có thể sống tốt. Khi bón phân, bạn nhớ rải đều và mỏng, chớ bón dính cục gần gốc cây nhé.
Đảm bảo cây được bón phân, tưới nước đầy đủ
Ánh sáng: bạn nên để cây ở những nơi thoáng mát, có ánh sáng, nhưng tránh ánh nắng trực tiếp từ mặt trời. Khoảng 1 tuần bạn phơi nắng sớm 1 lần để tăng khả năng quang hợp cho cây là được.
Trị sâu bệnh: Hương thảo ít khi bị bệnh nhưng dễ bị úng, do đó nếu mưa nhiều, bạn nên có biện pháp che chắn hay thoát nước cho cây. Thường xuyên kiểm tra, cắt tỉa, nếu phát hiện sâu rầy chỉ cần loại bỏ hoặc mua thuốc về phun là được.
Cách làm tinh dầu Hương thảo
Như đã nói ở trên, tinh dầu Hương thảo có thể hỗ trợ rất nhiều cho sức khỏe, đặc biệt là bạn có thể tự tay làm tại nhà. Dưới đây là hướng dẫn làm tinh dầu Hương thảo, bạn có thể tham khảo qua.
Làm tinh dầu từ hương thảo tươi
Chuẩn bị nguyên liệu:
3 – 4 nhánh Hương thảo, mỗi nhánh tầm 15cm là được.500ml dầu oliuChai thủy tinh và các dụng cụ làm bếp
Cách thực hiện:
Bước 1. Hương thảo sau khi cắt nhánh 15cm, bạn rửa qua nước cho thật sạch rồi ngắt lá ra để riêng.
Rửa sạch lá Hương thảo
Bước 2. Cho lá Hương thảo và dầu oliu vào nồi, bật bếp và đun với lửa nhỏ trong khoảng 10 – 15 phút rồi tắt bếp. Trong khi đun nhớ khuấy đều tay để tinh chất trong lá được ra hết nhé.
Đun nóng cùng với dầu
Bước 3. Bạn lọc hỗn hợp vừa đun qua rây để loại bỏ phần lá, chỉ giữ lại phần tinh dầu vừa đun được. Chờ nguội thì cho vào chai thủy tinh, đậy nắp kín để bảo quản và dùng dần.
Bảo quản cẩn thận
Tinh dầu này khá dễ hỏng nên bạn cần tránh ánh nắng mặt trời, tốt nhất là để trong ngăn mát tủ lạnh. Khá đơn giản đúng không nào.
Làm tinh dầu từ hương thảo khô
Bạn còn có thể làm tinh dầu từ Hương thảo khô, cách làm sẽ yêu cầu nhiều công đoạn hơn một chút.
Bước 1. Cắt các nhánh Hương thảo tươi dài khoảng 15cm sau đó rửa sạch qua nước để loại bỏ bụi bẩn.
Bước 2. Chuẩn bị lò nướng, làm nóng lò ở nhiệt độ thấp trong khoảng 10 phút. Sau đó trải Hương thảo lên một tấm nướng thành một lớp mỏng, cho vào lò và sấy từ 3 – 4 tiếng là bạn đã có Hương thảo khô rồi.
Sấy Hương thảo trong lò để làm khô
Lưu ý là bạn cần xếp Hương thảo thật mỏng để nhanh khô, sau khi sấy xong thì cần chờ nguội trước khi thực hiện các bước tiếp theo.
Hương thảo sau khi sấy khô
Bước 3. Múc 2 muỗng Hương thảo khô cho vào chai thủy tinh, sau đó tiếp tục cho 500ml dầu oliu vào. Dùng muỗng để nén hoặc lắc nhẹ để Hương thảo khô chìm hoàn toàn vào trong dầu.
Hòa chung với dầu
Bước 4. Mang chai đựng ra phơi dưới ánh nắng mặt trời trong khoảng 2 tuần. Các tinh chất trong Hương thảo khô sẽ hòa vào với dầu khi tiếp xúc với nhiệt độ.
Bước 5. Sau khi phơi xong, bạn dùng một miếng vải mỏng hoặc tấm lọc để lọc lại dầu cho tinh khiết, đựng vào một chai mới, đậy nắp và bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh để dùng dần.
Lọc lại qua vải mỏng
Dù thực hiện với cách nào thì tinh dầu Hương thảo cũng chỉ duy trì tác dụng tốt trong thời gian ngắn, tốt nhất là trong 1 tuần. Do đó bạn nên chế biến từng ít một và sử dụng triệt để, tránh lãng phí.
Trên đây là những thông tin về cây Hương thảo mà bạn cần biết. Hy vọng từ đó bạn đã có thêm kinh nghiệm để trồng và chăm sóc cây Hương thảo sao cho hiệu quả.
Đừng bỏ qua loài cây vừa đẹp, vừa tốt cho sức khỏe này nhé.