Cùng với hoa đào, hoa mai vàng cũng là một trong những cây cảnh quen thuộc tại Việt Nam, được xem là không thể thiếu vào mỗi dịp Tết đến xuân về.
Các loại cây phát tài – Ý nghĩa, công dụng và cách chăm sóc
Để có được một cây mai vàng đẹp để trưng trong nhà dịp năm mới, bạn đừng bỏ qua những thông tin quan trọng dưới đây nhé.
Tổng quan về cây hoa mai vàng
Mai vàng hay Hoàng mai, có tên khoa học là Ochna integerrima, thuộc chi Mai (Ochna), họ Mai (Ochnaceae). Tại Việt Nam, cây mai mọc tập trung ở dãy Trường Sơn, Tây nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long, và các tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng, Khánh Hòa.
Cây hoa mai vàng
Theo ghi nhận, trên thế giới có khoảng hơn 24 loại mai, tại Việt Nam có 19 loại, trong đó phổ biến nhất vẫn là hoa mai vàng, ngoài ra còn có thể kể tới mai tứ quý, nhất chi mai, mai chiếu thủy…
Về đặc điểm, cây mai là loài thân gỗ sống lâu năm, chiều cao trung bình, trong môi trường thích hợp và lâu năm thì cây có thể cao tới 30m.
Cây có gốc to, bên dưới là bộ rễ xù xì, cắm sâu vào đất tới vài mét, giữ cho cây bám chắc và hút dinh dưỡng. Phía trên là thân cây cứng cáp, chia làm nhiều cành nhánh. Cành cây khá giòn nhưng vẫn có thể uốn nắn ngay từ khi còn non, tán thưa.
Lá cây là lá đơn, mọc so le với màu xanh thẫm, mặt dưới hơi ánh vàng. Lá có dạng hình trứng thuôn dài 5 – 7cm, nhọn ở đầu, bề mặt lá hơi bóng, các đường gân nổi rõ.
Vào cuối đông, cây mai vàng sẽ bắt đầu rụng lá và sau đó ra nụ, nở hoa vào đầu xuân.
Hoa mai là loại lưỡng tính, thường mọc thành chùm từ nách lá hay cành. Ban đầu hoa mọc ra hoa cái, sau đó hoa cái sẽ nở và các chùm nụ phía trong mới bắt đầu xuất hiện.
Từ những nụ này sẽ nở ra những bông hoa màu vàng rực rỡ. Hoa mai thường có 5 – 10 cánh tùy kích thước, các cánh hoa mỏng manh, mềm mại.
Hoa mai vàng
Thời gian nở hoa của cây cũng có thể thay đổi tùy theo thời tiết và sức khỏe của cây. Sau khi hoa tàn thì bầu noãn sẽ phình to và kết hạt, ra quả, tuy nhiên không phải hoa vào cũng có thể đậu quả.
Ý nghĩa hoa mai ngày Tết
Là một cây cảnh Tết không thể thiếu trong nhà mỗi khi xuân về, không bất ngờ hoa mai mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp.
Đầu tiên, cây mai có bộ rễ sâu, sinh trưởng tốt ngay cả trong những điều kiện khắc nghiệt, bền bỉ phát triển theo năm tháng. Do đó, cây mai tượng trưng cho ý chí kiên cường, sẵn sàng đương đầu và vượt qua khó khăn, tràn đầy sức sống khi năm mới đến.
Ông cha ta ngày xưa thường ví người có tấm lòng trung kiên, cốt cách vững vàng với hình bóng cây mai vàng vững chãi.
Ngoài ra, màu vàng còn tượng trưng cho tiền tài, giàu sang phú quý, bởi vậy người ta thường trang trí mai vàng trong nhà dịp năm mới để cầu mong nhiều may mắn, tài lộc cho tất cả thành viên trong gia đình.
Cây mai vàng có ý nghĩa mang lại tài lộc, phú quý
Cách nhân giống và trồng cây mai vàng
Nhân giống
Có nhiều phương pháp để nhân giống mai vàng, trong đó gieo hạt và chiết cành 2 phương pháp phổ biến nhất, mỗi phương pháp lại có ưu và nhược điểm riêng.
Phương pháp gieo hạt:
Đây là phương pháp khá đơn giản, có thể nhân giống số lượng nhiều, tuy nhiên, tỉ lệ sống sót thấp, cây phát triển không đều và mất nhiều thời gian để cây trưởng thành, ra hoa.
Cách thực hiện thì bạn chỉ cần tạo luống, bổ sung dinh dưỡng cho đất rồi vùi hạt xuống, tưới nước và che chắn cẩn thận là được.
Phương pháp chiết cành:
Với ưu điểm là cây con được thừa hưởng đặc tính tốt từ cây mẹ, sinh trưởng nhanh, phương pháp này được áp dụng khá nhiều.
Đầu tiên, bạn chọn cành không quá lớn nhưng phải khỏe mạnh, không sâu bệnh, sau đó cắt khoanh vỏ dài khoảng 3cm.
Trộn một hỗn hợp đất bao gồm đất, xơ dừa, mùn và phân chuồng hoại mục, sau đó bó vào xung quanh vết cắt. Tưới nước đều đặn, sau một thời gian thì từ chỗ bó sẽ bắt đầu ra rễ, lúc này bạn có thể cắt rời nhánh để trồng ra thành cây riêng.
Chiết cành hoa mai
Trồng cây mai vàng
Đầu tiên chúng ta cần đảm bảo chất lượng của đất trồng, không cần quá nhiều dinh dưỡng, nhưng phải đảm bảo được độ tơi xốp, khả năng thoát nước, độ ẩm. Bạn có thể chọn đất vườn sau đó trộn thêm với mùn cưa, xơ dừa, tro trấu, phân chuồng hoại mục.
Nếu trồng số lượng lớn thì mật độ giữa các cây phải đủ rộng để phát triển mà không ảnh hưởng đến nhau, ít nhất là 1m.
Sau khi chuẩn bị xong, bạn đào hố, bón lót. Tiếp đó bạn cho đất trồng vào đầy 2/3 kích thước hố rồi đặt cây mai con vào, lấp đất lại sao cho cao hơn bề mặt vườn một chút. Để giữ ẩm cho đất, bạn có thể phủ xung quanh gốc một ít rơm khô.
Khoảng cách giữa các cây phải đủ để cây phát triển
Nếu trồng cây mai vàng trong chậu, bạn nên chọn chậu có chiều sâu, có lỗ thoát nước. Sau khi chuẩn bị thì bạn lót dưới đáy một lớp sỏi để thoát nước rồi bón lót và đổ đất vào đầy 1/2 chậu.
Đặt cây mai vào, đầu rễ của cây phải cách đáy 20cm, sau đó lấp đất lại tới khi đầy chậu, kê phía dưới để chậu không tiếp xúc trực tiếp với đất.
Sau khi trồng mai vàng xong bạn đặt cây ở nơi thông thoáng, có ánh nắng, che chắn cẩn thận mỗi khi nắng gắt hay mưa to gió lớn, tiếp tục chăm sóc cho tới khi cây trưởng thành.
Chăm sóc cây hoa mai vàng
Mai vàng là loài cây có thể chịu được thời tiết khắc nghiệt, bởi vậy nếu không chăm sóc quá nhiều thì cây vẫn có thể sống tốt. Tuy nhiên, nếu trồng mai để chơi Tết thì bạn cần phải đảm bảo một vài yếu tố để cây có dáng đẹp, nở hoa đúng dịp năm mới.
Tưới nước:
Là loài có thể chịu nước nắng hạn kéo dài, bạn không cần tưới nước cho mai vàng quá thường xuyên, trừ những lúc cần căn chỉnh thời gian ra hoa. Thông thường, bạn chỉ cần tưới mỗi ngày 1 lần vào sáng sớm hoặc chiều tối, nếu thời tiết mát mẻ có thể 2 – 3 ngày mới tưới 1 lần cũng được.
Mỗi lần tưới chú ý chỉ tưới vừa đủ làm ẩm đất, tưới nhiều quá có thể gây ngập, úng rễ, khiến hoa chết.
Ánh sáng:
Là loài ưa sáng, bạn nên đảm bảo cây mai vàng tiếp xúc đủ với ánh sáng, nhất là giai đoạn phát triển. Vị trí trồng cây cần thoáng mát.
Nếu trồng ở vườn thì cần có lưới che mỗi khi nắng gắt, còn nếu đặt chậu cây trong nhà thì nên đặt gần cửa sổ, giếng trời nhé.
Đảm bảo đủ ánh sáng cho hoa
Dinh dưỡng:
Trong quá trình chăm sóc cây mai, bạn nên bổ sung dinh dưỡng định kỳ 1 – 2 tháng 1 lần. Về loại phân, bạn hạn chế bón kali, thay vào đó hay kết hợp đạm, lân và phân NPK để lần lượt bón cho cây.
Tập trung bón nhiều vào mùa mưa để cây mai hấp thu tốt hơn, bón xa gốc. Ngoài ra, bạn còn có thể bổ sung các loại phân tự nhiên như phân chuồng, phân gia súc, gà vịt…
Cắt tỉa, tạo dáng:
Cứ 2 tháng 1 lần, bạn nên cắt tỉa vào tạo dáng cho cây mai, đầu tiên là loại bỏ các cành bị sâu hại, cành yếu, những cành mọc chồng chéo bên trong tán, vừa để cây thông thoáng, vừa tạo tính thẩm mỹ.
Ngoài việc giúp cho cây mai phát triển tốt hơn thì tạo dáng cho mai cũng mang ý nghĩa phong thủy nữa, nên yêu cầu bạn phải có một chút tay nghề và khiếu thẩm mỹ.
Tạo dáng cho cây hoa mai
Tuốt lá mai:
Để hoa mai nở vào đúng dịp năm mới thì việc chủ động tuốt lá là điều bạn cần nắm rõ. Thời điểm tuốt lá mai có thể giao động từ ngày 10 – 23 tháng 12 âm lịch.
Vào thời gian này, bạn cần quan sát nụ hoa và thời tiết hiện tại, nếu nụ to, thời tiết ấm áp thì nhiều khả năng mai sẽ nở sớm, bạn nên tuốt lá muộn một chút.
Ngược lại, nếu thời tiết lạnh, mưa to hay búp chưa nhú thì bạn nên tuốt lá sớm, tưới cây bằng nước ấm để kích thích hoa bung nụ.
Khi tuốt lá cũng cần lưu ý, phải ngưng tưới nước trước 1 – 3 ngày, thấy lá bắt đầu nổi gân thì mới tuốt. Tuốt xong thì bón bổ sung cho cây phân trùn quế để kích thích nụ hoa phát triển.
Phòng trừ sâu bệnh:
Trong quá trình chăm sóc cây mai vàng, việc phòng trừ sâu bệnh là điều bạn không thể bỏ qua. Thông thường, cây mai hay gặp phải tình trạng sâu đục thân, sâu ăn lá, nhện đỏ… bạn có thể loại bỏ trực tiếp mà không cần dùng thuốc.
Mai vàng còn có thể bị rệp mềm ở ngọn nhưng hiếm gặp hơn, bạn cũng chỉ cần lau chùi sạch sẽ là được.
Cách chăm sóc cây mai sau Tết
Sau khi trưng Tết xong, bạn hoàn toàn có thể tiếp tục chăm sóc cây mai vàng để tiếp tục trang trí vào năm sau.
Sau khi chơi Tết xong, bạn mang chậu mai ra ngoài cho thông thoáng, nhưng không để trực tiếp dưới ánh nắng. Tầm vài ngày trong bóng râm để mai thích nghi sau đó mới đưa ra ánh sáng toàn phần.
Tiếp đó bạn cắt hết phần hoa lá còn sót lại để tập trung dinh dưỡng vào thân. Tiếp đó bạn cắt cả cành để tạo lại dáng, cắt nhiều hay ít, tạo ra sao thì phải cần chút kinh nghiệm và khiếu thẩm mỹ.
Thời điểm tỉa cành hợp lý là trước ngày 15 âm lịch, nếu chậm chất thì cũng chỉ nên vào ngày 20.
Ngoài việc cắt tỉa, bạn cũng cần làm sạch thân và gốc mai, dùng vòi phun mạnh xịt hết rong rêu, nấm mốc để phòng tránh sâu bệnh, giúp cây tái tạo nhanh hơn.
Cách chăm sóc cây mai bị suy
Nếu cây mai của bạn có tình trạng bị suy, rất có thể nguyên nhân chính là do bộ rễ bị tổn thương. Có thể là do đất xấu, bị ngập úng hay sâu nấm phá hoại. Dù nguyên nhân là gì thì bạn cũng cần nhanh chóng giải quyết để tránh cây bị chết.
Bước 1. Cắt tỉa cành:
Khi mai bị suy, việc đầu tiên cần làm là giảm thiểu lượng dinh dưỡng mà cây cần bằng cách cắt tỉa hết các cành lá không cần thiết, chỉ giữ lại những cành chính và cành tạo dáng.
Trong quá trình cắt cần sử dụng cưa, kéo thật sắc, cắt nhanh gọn, tránh để cây bị dập nát. Cắt xong thì dùng nước vôi quét lên vết cắt để phòng sâu bệnh.
Bước 2. Cắt rễ:
Sau khi cắt tỉa hết cành, ta bứng gốc mai lên và cắt hết toàn bộ phần rễ bị hư thối. Bạn đừng nhát tay, cứ cắt tới khi nào hết rễ thối, giữ lại khoảng 1/3 rễ chính là được. Cắt xong thì dùng nước rửa sạch bùn đất trên bộ rễ.
Bước 3. Thay đất:
Nguyên nhân rễ hư là do đất cho nên phải thay toàn bộ bằng đất mới. Bạn sử dụng hỗn hợp xơ dừa, tro trấu, đất, phân trùn quế trộn theo tỷ lệ 1:1:1:1 để tiến hành trồng lại.
Trong thời gian này bộ rễ còn yếu, ít có khả năng hấp thu nên bạn không nên bón phân bổ sung cho cây. Cứ để cây hút chất dinh dưỡng tự nhiên trong đất là đủ.
Cắt rễ và thay đất cho cây mai bị suy
Bước 4. Kích thích rễ:
Sau khi trồng lại, bạn có thể dùng thuốc đặc hiệu tưới gốc 3in1 + CNX-CN tưới đẫm gốc để kích thích rễ phục hồi và phát triển.
Nếu làm đúng quy trình trên, cây mai vàng bị suy sẽ phục hồi rất nhanh, có thể chưa tới 20 ngày.
Trên đây là toàn bộ thông tin về cây hoa mai vàng mà bạn có thể sẽ cần trong quá trình chăm sóc loài cây cảnh đặc biệt này.
Hãy tự tay chăm sóc một chậu mai thật đẹp để trang trí dịp Tết nhé.