Cây hoa dành dành là cây cảnh được nhiều người yêu thích, bởi ngoài vẻ đẹp dịu dàng, loài cây này còn mang tới nhiều công dụng bất ngờ.
Cây chà là – đặc điểm, công dụng và cách chăm sóc
Để quá trình trồng và chăm sóc cây dành dành được hiệu quả, việc nắm rõ đặc điểm và đặc tính sống của cây là rất quan trọng.
Những thông tin dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về loài cây này.
Đặc điểm của cây hoa dành dành
Dành dành có tên khoa học là Gardenia jasminoides, là một loài thực vật có hoa thuộc chi Dành Dành (Gardenia), họ Cà Phê (Rubiaceae), chung họ với hoa tuyết mai, hoa trang.
Cây có nguồn gốc từ các khu vực có khí hậu nhiệt đới hay cận nhiệt đới. Tại Việt Nam, cây có nhiều tên gọi khác nữa như chi tử, thuỷ hoàng chi, mác làng cương…
Cây hoa dành dành
Cây dành dành là loài thân gỗ nhỏ, mọc thành bụi, thân có màu nâu, chia làm nhiều cành nhánh, với chiều cao chỉ từ 1 – 2m, nhiều người trồng cảnh còn giới hạn chiều cao của cây xuống dưới 1m.
Lá cây có màu xanh thẫm, mọc khắp cành, kiểu mọc đối hoặc 3 chiếc lá mọc vòng xung quanh. Lá có hình bầu dục thuôn dài, nhọn về 2 đầu, cuống ngắn, bề mặt nhẵn với các đường gân nổi rõ, mép nguyên.
Hoa dành dành khá lớn, đường kính khoảng 10cm, mọc riêng ở phía đầu cành. Hoa dành dành có 2 loại là hoa đơn và hoa kép.
Hoa dành dành đơn thường chỉ có một lớp gồm 5 – 6 cánh hoa xoe tròn, trong khi hoa kép thì gồm nhiều lớp cánh hoa xếp chồng lên nhau.
Hoa dành dành có màu trắng tinh khôi, phía trong là nhuỵ hoa màu vàng. Mỗi khi nở, hoa dành dành toả ra mùi hương rất đặc trưng, mang lại cảm giác dễ chịu. Cây thường nở hoa vào khoảng thời gian từ tháng 3 – 5.
Hoa dành dành kép có nhiều lớp cánh hoa
Sau khi hoa tàn, cây dành dành cho ra quả màu vàng, hình trứng, cạnh lồi, bên trong chứa nhiều hạt.
Về đặc tính sinh trưởng, hoa dành dành có tốc độ sinh trưởng nhanh, thích nghi với nhiều điều kiện môi trường, đặc biệt ưa sáng, ưa ẩm, có thể chịu khô hạn nhưng chịu úng kém.
Có thể nhân giống cây bằng hạt hoặc giâm cành.
Ý nghĩa của hoa dành dành
Hoa dành dành khi nở toả ra một màu trắng tinh khôi, tượng trưng cho thứ tình yêu trong sáng, thuần khiết. Loài hoa này đại diện cho sự e ấp, ngượng ngùng của người con gái thủa mới yêu.
Cũng vì vậy, hoa dành dành là một trong những loài hoa thường xuyên xuất hiện nhất trong các lễ cưới hỏi.
Không chỉ tượng trưng cho tình yêu, hoa dành dành còn là biểu tượng của sự thanh cao, liêm khiết, thường được trồng trong những nơi tôn nghiêm như chùa chiền, đình miếu…
Cây dành dành tượng trưng cho tình yêu thuần khiết
Công dụng của hoa dành dành
Nhờ dáng vẻ sum xuê, mỗi khi nở hoa lại phủ màu trắng tinh khôi, toả hương thơm ngát, cây dành dành được ưa chuộng để trồng làm cây cảnh.
Bạn có thể trồng hoa dành dành để trang trí sân vườn, làm đẹp tiểu cảnh, trồng thành bụi tô điểm không gian. Hoặc bạn có thể trồng cây trong chậu, đặt ở phòng khách, tiền sảnh, phòng họp, hội trường làm cây nội thất…
Một chậu hoa dành dành toả sắc rực rỡ
Cây hoa dành dành cũng rất được yêu thích ở những nơi công cộng như quán cà phê, công viên hay các khu nghỉ dưỡng.
Không chỉ có tác dụng làm đẹp, cây hoa dành dành còn mang tới khả năng loại bỏ bụi bẩn, thanh lọc không khí cực tốt, giúp bạn có không gian sống trong lành hơn.
Hạt dành dành sau khi phơi khô có thể ứng dụng trong ẩm thực, dùng để làm bánh, đồ xôi. Hoa dành dành thì được sử dụng trong ngành mỹ phẩm.
Cây hoa dành dành còn được biết đến là một loài thuốc quý. Trong nhiều ghi chép Đông Y, cây dành dành có thể sử dụng để cầm máu, hạ sốt, trị giun sán, đau đầu, rồi loại tiêu hóa… tuy nhiên, để sử dụng thì bạn cần sự tư vấn của chuyên gia, bác sĩ.
Cách trồng và chăm sóc cây dành dành
Nhờ khả năng sinh trưởng tốt, lại phù hợp với khí hậu nhiệt đới ở Việt Nam, quá trình trồng và chăm sóc cây dành dành không có gì quá phức tạp.
Đất trồng
Cây dành dành có thể sống tốt trên nhiều loại đất khác nhau, nhưng để hạt nhanh nảy mầm hay cây con sinh trưởng nhanh thì bạn nên pha đất nhiều dinh dưỡng một chút.
Có thể trộn đất với phân chuồng, ít xơ dừa, mùn trấu để tăng độ tơi xốp.
Ngoài ra, bầu ươm hay chậu trồng cũng cần có lỗ thoát nước bên dưới để tránh tình trạng ngập úng.
Nhân giống
Cây dành dành có thể nhân giống cả bằng hạt lẫn giâm cành, mỗi phương pháp đều có ưu và nhược điểm riêng.
Gieo hạt:
Sau khi chuẩn bị hạt to đều, chắc khoẻ, bạn ngâm hạt trong nước ấm trong khoảng 8 tiếng, sau đó có thể mang gieo trực tiếp lên phần đất đã chuẩn bị từ trước.
Tưới nước dạng phun sương hàng ngày để duy trì độ ẩm, chỉ sau khoảng 10 ngày là hạt sẽ nảy mầm. Bạn tiếp tục chăm sóc cho tới khi cây con đạt chiều cao hơn 20cm thì có thể tách ra trồng trên đất hoặc vào chậu.
Giâm cành:
Từ cây dành dành mẹ to và khoẻ, bạn chọn ra cành bánh tẻ mập mạp, sau đó cắt một đoạn tầm 15cm, có 2 – 3 lá. Cắt xong thì nhúng cành vào dung dịch kích rễ, rồi cắm cành xuống phần đất đã chuẩn bị từ trước, sâu khoảng 3cm.
Tưới nước phun sương cho cây hàng ngày để duy trì độ ẩm, che chắn tránh nắng gắt, chỉ khoảng 1 tuần là cành sẽ bén rễ, bạn tiếp tục chăm sóc cho đến khi cây đạt kích thước để chuyển ra trồng vào chậu hoặc ra đất.
Nhân giống dành dành bằng cách giâm cành
Tưới nước
Là loài cây ưa ẩm, thường mọc gần các bờ sông, bờ suối, bạn cần duy trì độ ẩm cho đất đầy đủ. Khi cây còn nhỏ thì tưới mỗi ngày 1 lần, khi cây lớn hơn thì giãn cách ra mỗi tuần 2 – 3 lần.
Điều quan trọng là mỗi lần tưới, bạn chỉ cần tưới ít, đủ ẩm, tưới nhiều có thể khiến cây bị úng rễ. Tần suất tưới cũng có thể linh động tăng giảm tuỳ thuộc vào thời tiết.
Ánh sáng
Hoa dành dành là loài ưa sáng, tiếp xúc nhiều với ánh sáng mới giúp cây sinh trưởng, nở hoa nhiều, to và đẹp được.
Bởi vậy bạn cần trồng cây ở những nơi thoáng mát, rộng rãi, có nhiều ánh sáng. Tất nhiên, cây cũng có thể sinh trưởng trong môi trường thiếu sáng, chỉ là không tốt bằng ở ngoài. Nếu trồng trong chậu đặt trong nhà thì mỗi tuần bạn nên đưa cây ra phơi nắng một vài tiếng.
Khi cây còn nhỏ, sức chống chịu còn yếu thì bạn nên trang bị thêm lưới che, mỗi khi nắng quá gắt thì che lên để hạn chế cây bị cháy.
Đặt cây ở nơi nhiều ánh sáng
Dinh dưỡng
Để cây hoa dành dành sinh trưởng tốt, bạn nên định kỳ bón phân cho cây 2 tháng 1 lần. Tốt nhất là hoà phân NPK vào nước rồi tưới cho cây.
Vào thời điểm cây sắp ra hoa thì có thể bón thúc thêm một đợt nữa để hoa nở nhiều và đẹp hơn.
Nếu trồng cây trong chậu, cứ 2 năm một lần bạn định kỳ thay đất trong chậu để làm mới môi trường sống.
Phòng trừ sâu bệnh
Một vài bệnh mà cây dành dành thường gặp phải có thể kể đến nhưu là thối rễ, đốm lá, bệnh than, lửa hun… bởi vậy trong quá trình chăm sóc hãy thường xuyên cắt tỉa, quan sát, nếu phát hiện bệnh thì cần mua thuốc về diệt trừ ngay, tránh để tình trạng trở nặng.
Trên đây là những thông tin về cây hoa dành dành, hy vọng qua đó bạn đã có nhiều kinh nghiệm hơn trong quá trình trồng và chăm sóc cây. Chúc bạn thành công.