Cây dầu rái có giá trị kinh tế cao, lại mang tới nhiều công dụng hữu ích trong cuộc sống, được nhiều người quan tâm tìm hiểu.
Cây ánh dương – đặc điểm và ý nghĩa phong thuỷ
Trong bài viết này, chúng ta sẽ tập trung tìm hiểu đặc điểm, đặc tính, cách trồng và chăm sóc cây dầu rái sao cho mang lại hiệu quả cao nhất.
Cùng bắt đầu nhé.
Tổng quan về cây dầu rái
Cây dầu rái có tên khoa học là Dipterocarpus alatus, là một loài thực vật có hoa thuộc chi Dầu (Dipterocarpus), họ Dầu (Dipterocarpaceae).
Cây phân bố tập trung ở các nước khu vực Đông Nam Á. Tại Việt Nam, cây còn được gọi với những cái tên như dầu con rái, dầu nước… cây này có họ hàng với cây sala, cây sao đen, mọc phổ biến ở các tỉnh Đông Nam Bộ.
Cây dầu rái cổ thụ
Về đặc điểm, cây dầu rái là loài thân gỗ có kích thước lớn, ở điều kiện thích hợp trong tự nhiên, cây có thể cao hơn 50m, trong điều kiện trồng trọt hay làm cảnh thì kích thước cây nhỏ hơn.
Vỏ cây có màu nâu xám và chuyển màu xám vàng khi già hơn, vỏ cũng mỏng dần theo thời gian, có từng mảng dễ bong tróc.
Cây chia làm nhiều cành nhánh với tán dày, tạo hình nón. Lá cây có hình thuôn dài, nhọn dần về phía ngọn, chiều dài từ 20 – 30cm, rộng 8 – 15cm. Lá có màu xanh thẫm, mặt dưới nhiều lông, mép hơi uốn lượn, bề mặt lá có các đường gân đối xứng, dày đặc và nổi rõ.
Hoa dầu rái có kích thước tương đối, cả cụm dài khoảng 12cm, cuống ngắn. Ống đài có 5 cánh, trong đó có 2 cánh đài to hơn các cánh đài khác. Nhị hoa đều dính thành 2 hàng. Dầu rái thường nở hoa vào khoảng tháng 11 hàng năm.
Hoa tàn thì cây bắt đầu cho quả, quả dầu rái cũng khá lớn, đường kính có thể hơn 20cm. Quả chín vào tháng 4, sau khi chín thì rụng xuống cánh quay theo chiều gió để phát tán.
Về đặc tính sống, dầu rái là cây ưa sáng, ưa ẩm, sinh trưởng chậm, khá phù hợp với điều kiện nhiệt đới tại Việt Nam. Cây phù hợp với nhiều loại đất, chịu được khô hạn và ngập úng trong thời gian ngắn. Cây có thể nhân giống bằng hạt hoặc giâm cành.
Công dụng của cây dầu rái
Như đã thông tin, cây dầu rái có giá trị kinh tế cao, mang lại nhiều công dụng tuyệt vời trong cuộc sống. Dưới đây là những công dụng chính.
Nhờ chiều cao tốt và tán dày rộng, cây dầu rái hiện nay được ưa chuộng để trồng cảnh, tạo cảnh quan công trình và lấy bóng mát. Cây có thể trồng ở dọc vỉa hè, khu đô thị, khu nghỉ dưỡng, trường học, bệnh viện…
Cây dầu rái được trồng làm cảnh
Không chỉ mang lại bóng mát, cây dầu rái còn góp phần không nhỏ vào việc thanh lọc không khí, loại bỏ bụi bẩn, mang lại không gian sống trong lành hơn.
Với những cây dầu rái có kích thước lớn, gỗ cây là nguồn tài nguyên tuyệt vời. Cây có gỗ màu đỏ nhạt, thớ thô, độ bền không quá cao nhưng vẫn đủ để sử dụng trong xây dựng hay chế tạo đồ nội thất.
Nhựa cây dầu rái được sử dụng nhiều trong quá trình làm hoá mỹ phẩm, ví dụ như dầu bóng, vecni, sơn, công nghệ in và cả làm đuốc thắp sáng.
Nhờ bộ rễ đâm sâu, chống xói mòn tốt, nhiều tỉnh vùng núi hay ven biển cũng trồng cây dầu rái như một phương án chống xạt lở, bảo vệ rừng, ngăn cản thiên tai gió bão hiệu quả.
Trồng và chăm sóc cây dầu rái
Dưới đây là một vài kỹ thuật cơ bản mà bạn sẽ cần nếu muốn trồng và chăm sóc cây dầu rái hiệu quả, sinh trưởng tốt.
Đất trồng
Nhờ khả năng thích ứng tốt nên bạn có thể chọn loại đất nào cũng được. Để cây con phát triển tốt thì bạn nên trộn thêm ít phân chuồng, mùn, xơ dừa để tăng dinh dưỡng và độ tơi xốp.
Bầu ươm nên có vỏ bằng nhựa, phía dưới và xung quanh có đục lỗ để thoát nước tốt hơn, tránh ngập úng.
Nhân giống
Nếu nhân giống với số lượng nhiều bạn nên nhân giống bằng hạt. Đầu tiên, chọn quả chín từ cây cao tuổi, sau đó ngâm trong nước khoảng 6 tiếng.
Cắt cánh, ủ trong rơm, tiếp đó gieo hạt trên luống đất, tưới nước đều đặn cho tới khi hạt nứt nanh thì mang gieo vào bầu ươm.
Sau khi gieo vào bầu ươm, cần che chắn cẩn thận, độ phủ bóng phải đạt 50%. Tiếp tục tưới nước để duy trì độ ẩm, khoảng 3 – 4 tháng, khi cây đạt chiều cao hơn 30cm là có thể tách bầu đem trồng ra đất.
Cây đủ kích thước có thể tách bầu đem trồng
Trồng cây
Trước khi trồng cây, bạn cần đào hỗ trước khoảng 7 ngày, bón một lớp phân lót NPK, khoảng 200gr là đủ. Hố trồng phải lớn hơn bầu cây, hợp lý nhất là 40x40x40cm.
Sau khi chuẩn bị xong hố trồng, bạn nhẹ nhàng tách vỏ bầu rồi đặt cây vào giữa hố, giữ cây thẳng đứng rồi lấp đất lại, nén chặt gốc.
Lấp đất cao hơn cổ rễ, dựng cọc tránh gãy đổ, che chắn tránh nắng gắt thời gian đầu, tưới đẫm nước và tiếp tục chăm sóc như bình thường.
Tưới nước
Là loài ưa ẩm, bạn nên duy trì lượng nước tưới cho cây dầu rái đều đặn. Khi cây còn nhỏ, nên tưới ít nhất 2 – 3 lần mỗi tuần, khi cây đã lớn hơn thì mỗi tuần chỉ cần tưới 1 lần là đủ.
Còn khi cây đã đạt tới mức trưởng thành thì có thể sống trong điều kiện tự nhiên mà không cần tưới thêm nước.
Ánh sáng
Khi trồng cây phải đảm bảo khoảng cách, để cây dầu rái có đủ không gian thoáng mát, tiếp xúc với ánh sáng, như vậy cây mới sinh trưởng tốt và khoẻ mạnh.
Khi cây còn nhỏ, sức chống chịu còn yếu thì có thể che chắn mỗi khi nắng quá gắt.
Hàng cây dầu rái được trồng mới dọc đường
Phân bón
Trong quá trình chăm sóc cây dầu rái không thể bỏ qua công đoạn bón phân, mỗi năm bạn nên bón cho cây ít nhất 3 – 4 vụ phân, tuỳ thời điểm mà chọn các loại phân khác nhau như NPK, phân Lân, Kali…
Khi cây đã lớn hơn thì tần xuất bón phân có thể giảm lại, chỉ cần bón vào mùa mưa và trước vụ ra quả.
Làm cỏ, cắt tỉa và phòng trừ sâu bệnh
Trong 3 năm đầu, bạn cần định kỳ làm sạch cỏ quanh gốc và vun gốc cho cây. Khi mới trồng thì có thể 2 tháng 1 lần, sau đó giãn dần ra cho tới khi mỗi năm làm 2 lần.
Sau khi cây đạt 8 tuổi thì có thể tỉa thưa lần đầu.
Trong quá trình chăm sóc cũng cần chú ý quan sát, nếu có dấu hiệu sâu bệnh, rầy rệp hay sâu đục thân phá hoại thì cần mua thuốc về phun để loại bỏ ngay.
Trên đây là những thông tin cơ bản về cây dầu rái, tất nhiên không quá chi tiết nhưng sẽ đủ để bạn có thể tự mình trồng và chăm sóc một vài cây phục vụ nhu cầu riêng.
Chúc bạn thành công.