Cây chà là hiện nay là một cây cảnh công trình được ưa chuộng và trồng nhiều ở nước ta. Không chỉ làm cảnh, cây còn có nhiều công dụng hữu ích khác.
Cây thịnh vượng – đặc điểm và ý nghĩa phong thuỷ
Để trồng và chăm sóc cây chà là hiệu quả, bạn cần nắm rõ một vài đặc điểm cơ bản.
Nếu chưa biết thì bạn có thể tham khảo qua những thông tin đưới đây.
Tổng quan về cây chà là
Cây chà là có tên khoa học là Phoenix dactylifera, là một loài thực vật trồng lấy quả thuộc chi Chà là (Phoenix), họ Cau (Arecaceae), chung họ với các loài như cau cảnh, dừa cảnh hay cọ Nhật.
Cây chà là có thân mọc thẳng đứng vươn cao, một gốc thường chỉ có 1 thân, nhưng đôi khi có thể có 2 – 3 thân. Chiều cao cây dao động từ 15 – 20m, những cây trồng cảnh thưởng nhỏ hơn, chỉ từ 3 – 10m. Dọc thân là các vết sẹo do lá rụng để lại.
Cây chà là
Lá cây chà là khá lớn, màu xanh thẫm, có dạng lá kép lông chim với chiều dài từ 3 – 5m, các lá phụ dài khoảng 30cm, mảnh và nhọn. Lá mọc tập trung ở ngọn cây, xoè ra xung quanh, cuống màu vàng nhạt, dài và có gai.
Quả của cây chà là tập trung thành chùm lớn, màu xanh sẫm, khi chín chuyển vàng, có hạt thuôn dài bên trong.
Cây chà là sinh trưởng khá chậm, ưa sáng, ưa ẩm nhưng vẫn có thể sống tốt trong điều kiện khô hạn và bóng bán phần. Cây chịu úng kém, có thể nhân giống bằng cách gieo hạt hoặc giâm cành.
Công dụng cây chà là
Tại Việt Nam, công dụng chủ yếu của cây chà là vẫn là làm cây cảnh. Nhờ dáng cao, tán rộng nên cây chà là được trồng nhiều ở các công trình, toà nhà, công viên, đường phố…
Những nhà hay biệt thự có sân vườn rộng cũng thường trồng cây chà là như cây sân vườn để trang trí tiểu cảnh, trồng ở lối đi, trước cổng để tạo thêm nét đẹp tự nhiên.
Các nhà hàng, khách sạn cũng thường chọn cây chà là để tô điểm không gian cho khách.
Chà là cũng được biết đến là một loài cây có khả năng thanh lọc bụi bẩn, mang lại không khí trong lành rất hiệu quả.
Quả của cây chà là mang lại nhiều công dụng, có hiệu quả kinh tế cao.
Cây chà là vừa trồng cảnh vừa mang lại kinh tế
Cụ thể, quả chà là nhiều chất xơ và vitamin, chất khoáng cần thiết cho cơ thể. Ăn quả chà là hợp lý có thể giúp hỗ trợ hệ tiêu hoá, giảm đường huyết, tốt cho tim mạch, làm chắc hệ xương, chống oxy hoá, hỗ trợ làm đẹp, đặc biệt là rất tốt cho phụ nữ mang thai.
Cách trồng và chăm sóc cây chà là
Chà là dù sinh trưởng chậm nhưng cây chà là có tính thích nghi cao, lại ít sâu bệnh, nhờ đó mà quá trình nhân giống và trồng cây khá đơn giản.
Nhân giống
Như đã thông tin ở trên, cây chà là có thể nhân giống bằng phương pháp giâm cành hoặc gieo hạt. Phương pháp giâm cành cây phát triển nhanh hơn, tuy nhiên bạn không thể trồng nhiều nên các nhà vườn thường chọn cách gieo hạt.
Ủ hạt:
Đầu tiên chọn hạt từ các quả chà là chín tự nhiên, sau khi có được hạt khô, bạn ngâm hạt trong nước khoảng 3 tiếng (nước ấm hay lạnh gì cũng được).
Sau khi ngâm xong, bạn dùng bàn chải đánh sạch các rãnh của hạt. Rửa sạch xong thì ủ hạt trong khăn giấy ẩm, đặt trong hộp nhựa và đặt ở nơi thoáng mát, tránh ánh nắng mặt trời. Ban đêm, bạn để nơi có ánh sáng đèn.
Khoảng 5 ngày đến 1 tuần thì hạt sẽ nảy nầm, lúc này bạn có thể mang hạt gieo vào chậu ươm.
Hạu ủ nảy mầm có thể đem gieo
Gieo hạt:
Chậu ươm bạn có thể chọn chậu nhựa loại nhỏ, tiện hơn thì chọn các loại ly nhựa dùng 1 lần, đục lỗ dưới đáy để thoát nước. Đất ươm bạn nên trộn thêm xơ dừa, mụn và phân chuồng hoặc phân hữu cơ để tăng độ tơi xốp và dinh dưỡng.
Chuẩn bị xong, bạn gieo hạt đã nảy mầm vào chậu ươm đã có đất bên trong, sau đó lấp thêm một lớp đất khoảng 1cm lên trên.
Dựng lưới che tránh nắng gắt, tưới nước đều đặn để giữ độ ẩm cho đất, chú ý không tưới quá nhiều. Chỉ sau khoảng 2 tuần là cây non sẽ vươn lên khỏi mặt đất.
Tiếp tục tưới nước, chăm sóc cho tới khi cây đạt chiều cao khoảng 20cm thì có thể tách chậu ươm và trồng ra đất hoặc chậu lớn hơn.
Chăm sóc cây con cho tới khi đủ kích thước đem trồng
Trồng cây
Khi cây đạt chiều cao nhất định, bạn có thể tách bầu và trồng ra đất, tốt nhất nên trồng vào mùa mưa, cây dễ sống mà việc tưới nước cũng giảm đáng kể.
Đào hố có kích thước 30 x 30 x 30cm, có thể to hơn nếu cây con lớn. Nếu trồng nhiều thì mỗi hố cách nhau ít nhất 4m. Đào hố xong, bạn bón vào đáy hố một ít phân vi sinh để tăng dinh dưỡng cho đất.
Nhẹ nhàng tách cây khỏi bầu và đặt xuống hố, lấp đất lên, nén đất nhưng khôgn quá chặt sau đó tưới đẫm nước ở lần đầu tiên. Sau đó định kỳ tưới nước, bón phân là cây sẽ sinh trưởng tốt.
Cách chăm sóc cây chà là
Cây chà là có khả năng thích nghi tốt, lại phù hợp với khí hậu nhiệt đới nên quá trình chăm sóc không quá phức tạp.
Tưới nước
Là loài cây có khả năng chịu hạn tốt, nên nếu thời tiết không quá nắng gắt, khô hạn thì bạn định kỳ 1 tháng mới phải tưới cho cây một lần, tất nhiên khi cây còn nhỏ thì tần suất tưới phải nhiều hơn.
Trong mùa hạn thì bạn nên tăng tần suất tưới lên, cứ thấy đất khô, cây có dấu hiệu thiếu nước là tưới ngay.
Vào mùa khô, bạn cũng cần ủ rơm rạ vào gốc để ngăn sự bay hơi của nước trong đất.
Ánh sáng
Là loài ưa sáng và cần ánh sáng để phát triển, bạn nên trồng cây chà là ở những nơi thoáng mát, có nhiều ánh sáng. Khi cây đã đủ lớn thì bạn không cần phải lo về chuyện nắng gắt vì cây có thể chống chịu tốt.
Đảm bảo không gian để cây phát tán
Dinh dưỡng
Trong giai đoạn cây còn nhỏ, mỗi tháng bạn bón cho cây 0.01kg phân NPK, bón xa gốc, bón xong thì tưới nước để phân tan và ngấm vào đất.
Khi cây đã lớn thì chỉ bón định kỳ vào mùa mưa và khi cây trong giai đoạn ra hoa, tạo quả để tăng năng suất.
Cắt tỉa và phong trừ sâu bệnh
Trong quá trình trồng cây chà là, việc giữ cho khu vực đất trồng sạch sẽ là rất quan trọng. Bởi vậy bạn cần thường xuyên dọn cỏ, cắt bỏ lá hư thối, như vậy dinh dưỡng sẽ được dồn cho cây nhiều hơn, sâu bệnh cũng không có không gian phát triển.
Nếu được chăm sóc tốt, chỉ sau khoảng 4 năm là cây chà là sẽ ra quả, vừa tăng vẻ đẹp vừa có thể cải thiện kinh tế.
Trên đây là những thông tin cơ bản về cây chà là, qua đó bạn sẽ có cái nhìn cụ thể hơn về những việc cần làm khi trồng và chăm sóc cây.
Chúc bạn thành công.