Giải bài toán đầu tư cho nông nghiệp là một trong những mấu chốt để có thể đưa việc tái cơ cấu nông nghiệp đến đích. Nhưng huy động đầu tư từ đâu và cách nào cho hiệu quả, bền vững?
Nhà nước đầu tư phải vì sự bền vững của nông nghiệp
Theo TS Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Phát triển Nông nghiệp, Nông thôn (Bộ NN-PTNT), khi tái cơ cấu nông nghiệp “cần một chính sách mới đủ sức tạo ra động lực mới, đó phải là đột phá về quản lý và đầu tư cho nông nghiệp. Riêng về đầu tư, vốn ngân sách không đủ khả năng để đáp ứng, cần phải huy động từ tư nhân. Vì thế, cần chính sách để thu hút được đầu tư tư nhân vào nông nghiệp”.
Cùng quan điểm này, nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn cho rằng, Nhà nước cần làm tốt trách nhiệm của mình về đầu tư kết cấu hạ tầng. Còn đầu tư kinh doanh trong nông nghiệp cần dựa vào vốn của người dân.
Còn ông Trương Quốc Cần, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Nông thôn bền vững, chỉ ra rằng: Trong Đề án tái cơ cấu nông nghiệp có nêu rất rõ ưu tiên các giải pháp công nghệ cao, giống mới, năng suất, chất lượng cao. Nhưng nêu ra như vậy vẫn giống như đã làm từ 20 năm trước. Chưa có điểm nào nói về đầu tư cho khoa học công nghệ liên quan đến cải thiện hệ thống canh tác sao cho hợp lý hơn, bền vững hơn.
Vì thế, theo ông Cần, thời gian tới phải ưu tiên đầu tư vào lĩnh vực đó. Bởi vì muốn phát triển nông nghiệp, khoa học công nghệ vẫn là đầu vào quan trọng, nhưng cái cần hơn là phải có đầu tư thích đáng cho việc nghiên cứu tìm ra những giải pháp canh tác bền vững, sản xuất nông nghiệp xanh, thân thiện môi trường.
Ông Cần lưu ý một nguyên tắc rằng, vai trò của Nhà nước sẽ phải đầu tư công tập trung cho các lĩnh vực ít phát sinh lợi nhuận nhất, hướng đến số đông người dân nhất. Tức là đầu tư vào lĩnh vực không sinh lợi trước mắt nhưng đảm bảo tính bền vững cho phát triển nông nghiệp. Cụ thể là đầu tư vào phát triển thể chế của nông dân, phát triển khoa học phục vụ sự phát triển bền vững nhiều hơn, củng cố hệ thống khuyến nông… theo hướng phát triển toàn diện để giúp nông dân ứng dụng các mô hình một cách tốt nhất.
Dù các lĩnh vực công nghệ cao, thị trường lớn cần đầu tư để phát sinh lợi nhuận. Nhưng khi đó, vai trò của Nhà nước đầu tư vào đây không phải về tiền bạc mà phải là đầu tư vào việc tạo hành lang chính sách để các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong hoặc ngoài nước thuận lợi khi đầu tư vào đó. Còn lại, về tiền cần để khối tư nhân tham gia đầu tư vào, họ sẽ hạch toán việc đầu tư công nghệ nào cho phù hợp nhất để sinh lợi nhuận.
Nói cách khác, thực hiện tái cơ cấu lần này, phải “định hướng lại trong đầu tư công trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp hiện nay”.
Đầu tư phải hiệu quả, không làm lấy được
Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn đề xuất rằng, nông dân cần vốn để sản xuất. Hiện tại, chủ yếu nông dân vay vốn từ ngân hàng. Nhưng vay ngân hàng không dễ, lãi suất cũng cao. Nhiều nông dân còn phải vay lãi cao ngoài hệ thống ngân hàng. Do đó, muốn hỗ trợ nông dân trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp có hiệu quả, cần xây dựng tổ chức tín dụng của nông dân.
Tổ chức tín dụng này, theo nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn, là do các nông dân góp vốn lập nên rồi cho vay lại chính nông dân, lãi thu được lại chia cho nông dân (tất nhiên, mức vay và lãi… thiết thực, sát với điều kiện của nông dân). Từ đó, sẽ chấm dứt nạn cho vay nặng lãi trong nông thôn.
Bên cạnh đó, nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn còn cho rằng, cần có tổ chức hợp tác xã để làm một chỗ dựa cho nông dân không phải tự bơi nữa. Thông qua tổ chức hợp tác xã này, các nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư tài trợ bằng hình thức cho nông dân vay vốn để sản xuất. Thậm chí, có doanh nghiệp ứng trước tiền cho nông dân để họ làm ra sản phẩm rồi doanh nghiệp mua lại thông qua vai hợp tác xã.
Đồng quan điểm về hướng đi này, ông Trương Quốc Cần bổ sung thêm rằng, hệ thống khuyến nông của Nhà nước sẽ là cầu nối rất quan trọng trong việc hiện thực hóa các định hướng, chủ trương của Nhà nước và truyền tải các thông tin, kiến thức khoa học công nghệ đến nông dân. Cho nên, song song với việc đầu tư cho nghiên cứu khoa học để có giải pháp canh tác bền vững, cần đầu tư cho đào tạo, củng cố hệ thống khuyến nông họ có “nhạy cảm” về khoa học công nghệ và truyền tải được đến với bà con. Vì hiện tại, hệ thống khuyến nông mới chỉ tập trung vào giống mới, công nghệ mới mà ít quan tâm đến các giải pháp về thân thiện môi trường hay xã hội.
Chính vì thế, trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp này, Nhà nước cần đầu tư thích đáng. Đó là đầu tư vào lĩnh vực nào cũng phải tùy thuộc từng tỉnh, thậm chí từng huyện, từng xã. Trước mắt, phải trên cơ sở thực trạng hiện tại và đích đến năm 2020 là gì để đầu tư. Đầu tư cần có tính toán chi tiết chứ không phải dựa trên định hướng chung.
Hiện sẽ phải đối mặt với “một thách thức lớn là làm sao để có một chỉ đạo vừa đồng bộ lại mang tính cụ thể cho từng địa phương để các tỉnh có hướng đi phù hợp nhất cho tỉnh mình, chứ không phải theo sự chỉ đạo, theo thành tích chung của toàn quốc để chạy theo”.
Hơn nữa, rào cản lớn cho đầu tư ngoài nhà nước vào nông nghiệp là thời gian hoàn vốn lâu, rủi cao, đặc biệt là rủi ro về chính sách thay đổi. Nguyên nhân là Nhà nước thiếu cơ chế, chính sách để giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư. Đặc biệt, “nếu thấy tư nhân chưa mặn mà đầu tư vào nông nghiệp mà Nhà nước quay ra lấy tiền ngân sách để lao vào đầu tư thì đó lại là một sai lầm gấp đôi”- ông Cần nhấn mạnh.
Tức là, thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp thì chính sách, hành lang pháp lý của Nhà nước phải được cải thiện để giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư. Đơn cử, cần có chính sách cụ thể về bảo hiểm, chính sách về đất đai, đầu tư… cho các DN đầu tư vào nông nghiệp. Nhà nước phải có chính sách và định hướng vĩ mô, còn phân quyền cho các địa phương tự chủ. Khi đó, Nhà nước sẽ giám sát thực hiện. Nếu kết quả không như tiêu chí Trung ương đặt ra, nhưng phù hợp và hiệu quả với địa phương thì nên khuyến khích làm và có cơ chế để thúc đẩy phù hợp.
Xuân Thân/VOV online (HLV.vn tổng hợp)