Home Kiến thức cơ bảnGieo trồng Cách trồng và chăm sóc kiều vàng nở rộ hoa

Cách trồng và chăm sóc kiều vàng nở rộ hoa

by Học Làm Vườn

Sở hữu một chậu lan kiều vàng là một điều không thể thiếu với những người yêu lan. Những bông hoa thuần khiết cùng mùi hương nhẹ dịu sẽ làm say đắm bất cứ ai ngay từ ánh nhìn đầu tiên. Điều gì đã làm cho loài lan này thu hút đến vậy? Cách trồng và chăm sóc như thế nào để lan kiều vàng nở hoa đẹp nhất? Hãy cùng Đặng Gia Trang giải đáp những thắc mắc trên trong bài viết hôm nay nhé!

1/ Nguồn gốc, phân bố của kiều vàng

Mang vẻ đẹp hoang dã của núi rừng tinh khôi, lan kiều vàng để lại ấn tượng đặc biệt cho những ai đến với các vùng cao nguyên đại ngàn. Loài lan này được tìm thấy ở các khu rừng sâu và phân bố khắp cả nước, nhưng chủ yếu ở các tỉnh khu vực Tây Bắc như Sơn La, Lai Châu, Điện Biên,… ở phía Đông Bắc và miền nam cũng có nhưng ít hơn tại Vinh, Quảng Trị, Lâm Đồng, Đồng Nai,…

2/ Đặc điểm của kiều vàng

Lan kiều vàng (Dendrobium thyrsiflorum) là loại lan họ Kiều (thủy tiên). Giả hành dạng bụi cao 30-60cm, dọc thân tròn có nhiều rãnh nhỏ và chia đốt. Trên ngọn thân có từ 3-5 lá mọc so le, thân và lá đều có màu xanh đậm. Lá mỏng dài từ 10-12cm, rộng 6-8cm và hơi nhọn ở phía đỉnh. Rễ dạng chùm màu trắng và ám bện chặt vào nhau. Những bông hoa trắng nhỏ khi nở sẽ vây kính phát hoa và nổi bật với đốm vàng cam ở giữa họng hoa. Mùi hương dịu nhẹ lan tỏa khắp vườn lại càng nâng cao giá trị của loại lan này.

3/ Điều kiện sinh trưởng của kiều vàng

La kiều vàng ưa nắng và sinh trưởng tốt trong môi trường thoáng mát với ánh sáng 50-70% và nhiệt độ trung bình 20-30oC. Khả năng thích nghi môi trường tốt, chỉ cần độ ẩm được duy trì 60-80% thì dù không tưới nước nhiều trong một tuần mà vẫn xanh tốt.

4/ Kiều vàng ra hoa tháng mấy?

Ngắm nhìn những bông hoa kiều vàng thanh tuần như làm dịu đi tất cả cái nóng nực của ngày hè, mùa hoa nở vào cuối tháng 4 và kéo dài đến giữa tháng 6. Chùm hoa dài khoảng 20-30cm và mỗi bông hoa có đường kính 10cm. Nhìn từ xa nhánh hoa như chiếc đèn lồng trắng được điểm đốm vàng đang trốn dưới lá xanh. Tuy nhiên hoa mau nở chóng tàn, chỉ kéo dài được 5-7 ngày khoe hương sắc.

5/ Chuẩn bị trồng kiều vàng

5.1 Giá thể trồng

Lan kiều vàng chịu hạn tốt nên không quá kén giá thể trồng, tuy nhiên cần đảm bảo khả năng thoát nước và độ thoáng khí tốt. Trên thị trường có nhiều loại giá thể phù hợp như: Lũa, than củi, dớn sợi/bảng hoặc xơ dừa, vỏ thông, viên đất nung SFARM,… Sau nhiều lần phối trộn giá thể thì đây là công thức tối ưu nhất của mình: Vỏ thông/viên đất nung 40%+dớn cọng 50%+3% phân dê khô (đã được xử lý nấm trichoderma)+7% dớn chile.

5.2 Chậu trồng

Cũng như những loại kiều khác, bạn có thể trồng vào chậu hoặc ghép gốc. Tuy nhiên, nếu ghép gỗ thì khả năng giữ ẩm kém và khó di chuyển đi xa, nên sử dụng chậu trồng vẫn được người có kinh nghiệm lựa chọn. Khi chuẩn bị, bạn nên chọn chậu có kích thước lớn phù hợp, để lan kiều vàng còn phát triển hơn sau này. Trước khi trồng nên tiến hành ngâm chậu và dụng cụ trồng vào Physan (1 muỗng/4l nước) trong 10 phút để sát khuẩn.

5.3 Cây giống và xử lý

Vấn đề chọn giống cũng rất quan trọng trong để cây phát triển tốt và không nhiễm bệnh ngày từ đâu. Nên chọn những gốc lan kiều vàng có thân cứng cáp, nhiều mắt ngủ ở gốc hay bị nhiễm nấm bệnh. Nếu gốc lan bóc từ rừng về, bạn cần cắt bỏ rễ cũ (chừa 1-2cm rễ tốt), loại bỏ phần bị hỏng và tiến hành ngâm gốc vào thuốc kích thích ra rễ B1 (1ml/l nước) hoặc Atonik (10ml/16l nước) từ 1-2 tiếng rồi với ra cho ráo, để giúp cây nhanh ra rễ.

trồng và chăm sóc kiều vàng nở rộ hoaTrồng và chăm sóc kiều vàng nở rộ hoa

6/ Cách trồng kiều vàng

Sau khi chọn được chậu trồng thích hợp cho gốc kiều vàng, thì sử dụng viên đất nung/than củi để lót lớp dưới đáy chậu và cho dớn cọng cùng vỏ thông/than cỡ nhỏ lên lớp trên, lớp trên cùng là dớn chile trộn vụng vỏ thông để giữ ẩm. Sau đó, đặt gốc lên mặt giá thể và cố định các nhánh phía trên vào dây treo bằng dây rút, để gốc không bị ngã hay lung lay.

Nếu ghép gốc thì đơn giản hơn nhiều, bạn chỉ cần dùng ghim bấm hoặc dây rút để ghép gốc lan vào bảng dớn hoặc gốc gỗ (gỗ lũa). Tiếp theo đắp một lớp mỏng dớn sợi lên xung quanh gốc để tránh bị khô.

Bởi vì rễ mới cần sự thông thoáng nên tuyệt đối không được lắp gốc. Sau khi trồng xong thì treo giò lan lên cao và để nơi thoáng mát dưới mái che. Sử dụng dung dịch B1 hoặc Atonik được pha loãng hơn và tưới phun sương 1-2 lần, cách 5-7 ngày/lần để rễ nhanh bám giá thể. Nên hạn chế dùng vật liệu kim loại và phải loại bỏ ngay khi rễ đã bám chặt giá thể, vì nếu bị rỉ sét sẽ làm cây bị ngộ độc và rễ bị hạn chế sinh trưởng.

7/ Cách chăm sóc kiều vàng ra hoa

Sự thay đổi điều kiện thời tiết sẽ ảnh hướng đến sự ra hoa (nhanh hay chậm) của lan kiều vàng. Vậy nên cần chăm chút tưới nước, bón phân và phải phòng trừ sâu hại để lan nhanh ra hoa.

7.1 Tưới nước

Lan kiều vàng không ưa quá ẩm nên không được để sủng gốc động nước và nên có màng lưới che tránh mưa nắng thất thường. Tưới xung quanh gốc lan lúc sáng sớm (7-8 giờ) và chiều mát (4-5 giờ) 2 lần/ngày, và tùy vào thời tiết để điều tiết tưới nước hợp lý.

Vào 1 tháng trước mùa hoa bạn nên giảm lượng nước và đưa cây ra phơi nắng, nếu không cây chỉ sẽ ra chồi mới chứ không ra hoa. Ngược lại, sau khi hoa tàn lại cần tưới nhiều được và để cây nơi râm mát để cây hồi phục sức khỏe cho mùa hoa năm sau.

7.2 Bón phân

Trước mùa hoa 1 tháng và sau khi hoa đã tàn, có thể dùng phân NPK 10-30-10 định kỳ 1 tuần/lần, để giò lan hấp thụ và dự trữ năng lượng chuẩn bị ra hoa, bổ sung dinh dưỡng và hỗ trợ phát sinh phát triển chồi non mới lên.

Giai đoạn bắt đầu mùa hoa, để kích thích ra hoa nhanh, giúp hoa nét màu và lâu tàn, thì nên sử dụng phân tan chậm NPK 15-15-15+TE hoặc 20-20-20+TE.

Ngoài ra, bạn còn có thể kết hợp phân hữu cơ để bổ sung dinh dưỡng tự nhiên cho lan như: Phân trùn quế hoặc viên nén phân trùn quế SFARM, phân dơi, phân dê,… với các ưu điểm là: Chất dinh dưỡng từ phân hữu cơ sẽ từ từ phân giải, giúp cây dễ hấp thụ và hấp thụ được lâu hơn, cây phát triển đồng đều hơn.

7.3 Sâu bệnh

Để hạn chế sâu bệnh trên lan kiều vàng thì ngay từ chọn giống phải lựa chọn cẩn thận và thường xuyên kiểm tra để kịp thời phát hiện, chữa trị kịp thời. Định kỳ sát khuẩn cứ cách 7-10 ngày/lần sử dụng chế phẩm Hùng Nguyễn – Nano Bạc (1ml/l).

Các loại sâu hại: Bọ trĩ, rệp sáp, rầy, nhện đỏ,… thì có thể dùng dầu neem hoặc chắc chế phẩm sinh học BIO B (30gr/100l nước) phun thật đều lên 2 mặt lá, đỉnh và nụ hoa.

Các loại bệnh hại: Nhiễm nấm hoặc khuẩn (Bệnh chết nhanh, đốm lá, thối nâu,…). Nên kết hợp 1 loại trừ nấm + 1 loại diệt khuẩn để mang lại hiệu quả tốt nhất. Trộn chung starner 10g và antracol 25g vào 10 lít nước và phun 2-3 lần và cách 4 ngày/lần (bệnh nhẹ) hoặc phun 3 lần và cứ 3 ngày/lần (bệnh nặng).

Trong thời gian cây bệnh, thì không nên tưới nước vào chỗ bệnh và phải ngừng phân, phải chờ đến khi cây hết bệnh rồi mới bổ sung phân bón cho cây hồi phục.

Trong bài viết hôm nay, Đặng Gia Trang đã cung cấp thông tin về cách trồng và chăm sóc lan kiều vàng, hy vọng những chi tiết tham khảo trên sẽ hữu ích với bạn! Và hãy phản hồi kết quả khi áp dụng các phương pháp này, để làm lan kiều vàng nhanh ra hoa như thế nào nhé! Mọi chi tiết xin liên hệ Hotline 0902.652.099!

HLV.vn

*Xem thêm

  • Học ngay cách trồng lan móng rùa chuẩn chuyên gia
  • Cực bất ngờ với 7 tác dụng của phân trùn quế cho hoa lan
  • Cực bất ngờ với 7 tác dụng của phân trùn quế cho hoa lan
  • Bí quyết phòng bệnh lan mùa mưa nhất định phải biết!

You may also like