Cây nha đam là một loại cây trồng phổ biến được nhiều vườn phố lựa chọn làm kiểng cũng như sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau như chế biến món ăn, thức uống, làm đẹp… Vậy, bạn đã biết cách trồng, chăm sóc cây nha đam sao cho hiệu quả chưa? Hãy cùng Đặng Gia Trang tìm hiểu trong bài viết sau đây nhé!
1/ Nguồn gốc và lịch sử phát triển của cây
Cây nha đam còn được gọi là lô hội, có tên tiếng anh là Aloe vera, một loại cây trồng có nguồn gốc từ Bắc Phi. Theo truyền thuyết Ai Cập, cây nha đam được nữ hoàng cleopatra sử dụng như một loại mỹ phẩm giúp cho làn da mịn màng, tươi sáng. Những dòng chữ tượng hình còn lưu lại trên các bức tường trong những ngôi đền cổ Ai Cập là minh chứng cho sự xuất hiện của cây lô hội từ 3000 năm về trước. Ngày nay tại Việt Nam, cây nha đam được trồng phổ biến làm cây trồng kinh tế có năng suất cao tại các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận và phủ sóng khắp các vùng miền trên dải đất hình chữ S.
2/ Đặc điểm hình thái của cây
Nha đam là cây có thân hóa gỗ, ngắn và nhỏ. Lá mọc vòng từ gốc, dạng bẹ, màu sắc lá thay đổi theo thời gian từ xanh non đến xanh đậm. Lá cây nha đam rất mọng nước, chứa dịch nhầy bên trong, chiều dài lá thay đổi từ 20-60cm, hai bên mép lá có răng cưa, mặt trên lá hơi lõm, tùy vào từng giống mà trên lá có hoặc không có đốm trắng. Hoa của cây nha đam mọc từ nách lá dài đến 1m, khi nở hoa mọc rủ xuống.
3/ Công dụng cây nha đam
Theo đông y, nha đam có vị ngọt, tính hàn, có tác dụng rất tốt để giải nhiệt, chữa bệnh dạ dày,…nhiều người sử dụng nha đam để chữa bỏng, mẩn ngứa, chữa côn trùng cắn,… rất hiệu quả. Nha đam còn được sử dụng trong chế biến các món ăn như nấu chè, làm nước uống… Ngoài ra, nha đam là một nguyên liệu không thể thiếu trong bộ sưu tập làm đẹp của nhiều chị em phụ nữ, giúp làm sáng da, mịn da, cải thiện làn da bị hư tổn…
4/ Chuẩn bị gì trước khi trồng nha đam
4.1 Lựa chọn giống cây
Nha đam hiện nay có các loại giống phổ biến như nha đam Việt Nam, nha đam Thái và nha đam Mỹ:
- Nha đam Thái là giống được trồng phổ biến làm cây trồng kinh tế vì có bẹ to, thân ngắn, chịu hạn tốt và thời gian thu hoạch sớm.
- Nha đam Mỹ có kích thước bẹ to nhưng ốm hơn loại nha đam Thái, có nhiều gai, ưa đất ẩm và trồng nhiều ở khu vực nam Bộ, thời gian thu hoạch muộn hơn so với nha đam Thái.
- Nha đam Việt Nam có kích thước cây nhỏ, trên bẹn lá có nhiều đốm trắng ở cả mặt trên và mặt dưới.
4.2 Đất trồng
Nhìn chung cây nha đam yêu thích đất có độ tơi xốp, thoát nước tốt. Do đó, khi chọn đất trồng cây nên bổ sung một số thành phần giúp tăng độ thông thoáng như đá perlite, viên sỏi nhẹ… Bạn có thể phối trộn giá thể theo công thức sau: 2 mụn xơ dừa + 1 phân phân trùn quế + 0.5 đất sạch + 1 trấu hun, cần chọn giá thể tốt, đã qua xử lý.
4.3 Chậu trồng
Cây nha đam sống lâu năm, chỉ một lần trồng cho thu hoạch rất dài. Vì vậy việc chọn chậu trồng thích hợp là rất cần thiết, góp phần tạo không gian cho rễ phát triển cũng như ra cây con. Nên chọn loại chậu có đường kính từ 25-35cm và chiều cao chậu từ 30-40cm trở lên. Nếu có thời gian và điều kiện bạn có thể chọn chậu phù hợp với kích thước của cây theo từng giai đoạn.
5/ Cách trồng nha đam cho lá to tại nhà
Quy trình trồng nha đam bằng bẹ/lá:
Bước 1: Cho giá thể vào ngập ⅔ chậu, đặt lá nha đam nằm ngang trên mặt giá thể, vun đất lên che một nửa lá và ấn nhẹ giá thể xung quanh lá.
Bước 2: Đặt chậu nơi có nhiều ánh nắng nhưng tuyệt đối không cho nước mưa đọng vào. Tưới nước giữ ẩm đều đặn giúp lá phát triển cây con nhanh chóng.
Bước 3: Chuyển cây con sang chậu trồng mới và tiến hành chăm sóc. Lưu ý hạn chế thấp nhất tổn hại đến bộ rễ, càng lấy được nhiều rễ càng tốt nhằm rút ngắn thời gian hồi xanh của cây.
Cách trồng nha đam bằng cây con:
Phương pháp trồng bằng cây con dễ thực hiện hơn trồng bằng bẹ, các bước thực hiện như sau:
Bước 1: Tách cây con từ cây mẹ khi cây đạt chiều cao 10-15cm, thao tác nhẹ nhàng, tránh làm đứt quá nhiều rễ, cây sẽ lâu hồi phục.
Bước 2: Đổ đất vào ⅔ chậu rồi đặt cây con ngay ngắn, lấp đất ngang cổ rễ và ấn chặt đất để cố định thân cây. Khi lấp đất không được lấp quá lên phần bẹ lá sẽ gây úng, thối cây trong quá trình tưới nước.
Bước 3: Đặt chậu nơi có nhiều ánh nắng và tiến hành chăm sóc.
Lưu ý: Có thể rải một lớp sỏi nhẹ dưới đáy chậu trước khi đổ giá thể trồng cây, điều này làm tăng khả năng thoát nước, giảm tình trạng ngập úng rất hiệu quả.
Nha đam mang lại nhiều lợi ích cho người trồng
6/ Cách chăm sóc cây nha đam
6.1 Tưới nước
Giai đoạn đầu cần thường xuyên tưới nước giữ ẩm nhằm kích thích cây phục hồi bộ rễ, duy trì tưới nước đều đặn 1 lần/ngày. Sau đó, khi cây đã lớn chỉ nên tưới 2 ngày/lần tùy vào điều kiện thời tiết.
Mẹo tưới nước cho cây nha đam: Vì đặc tính chịu hạn và không ưa ẩm ướt nên khi tưới cần lưu ý chỉ nên tưới nước khi giá thể khô, tưới đẫm chậu và cho nước thoát tự do ra ngoài, tránh tình trạng ứ đọng trên các bẹ lá, dễ gây thối.
Những ngày mưa nhiều cần di chuyển chậu cây nha đam sang vị trí có mái che hoặc làm giàn che chắn cho cây.
6.2 Bón phân
Nha đam cần rất ít phân bón, nhưng để cây phát triển khỏe mạnh và bẹ lá to thì chỉ đất trồng thôi chưa đủ. Sau khi trồng cây được khoảng 10 ngày, tiến hành bổ sung phân hữu cơ như phân trùn quế, phân bò, phân gà… định kỳ 10-20 ngày bón một lần tăng dinh dưỡng cho cây. Ngoài ra, có thể bón thêm các loại phân khác như NPK nếu thấy cây sinh trưởng èo uột. Khi bón phân nên bón cách xa gốc để tránh làm xót rễ, tưới nước sau khi bón giúp hòa tan phân từ từ cho cây.
6.3 Phòng trừ sâu bệnh
Cây nha đam phát triển xanh tốt rất ít khi bị sâu bệnh tấn công. Vào mùa mưa hay trong quá trình tưới nước cần chú ý không để tình trạng ứ đọng xảy ra trên cây tránh sự tấn công của các nấm, vi khuẩn có hại, làm lá bị vàng và thối nhũn. Nếu gặp tình trạng như vậy cần cắt bỏ ngay những lá bị hư hỏng càng sớm càng tốt để tránh lây lan sang cả vườn.
7/ Thu hoạch
Thông thường nha đam sẽ cho thu hoạch sau khoảng 1 năm trồng, nếu trồng ngoài đất cây sẽ cho thu hoạch sớm hơn, khoảng 6-8 tháng đã có thể cho thu hoạch. Khi thu hoạch chỉ cắt những lá/bẹ to để sử dụng, tiếp tục cho cây phát triển và cho thu hoạch lâu dài.
8/ Nhân giống
Trồng một thời gian dài cây nha đam mẹ sẽ cho ra nhiều cây con xung quanh gốc, lúc này có thể nhổ cây con ra chậu trồng mới để nhân giống khi cây đạt chiều cao 15-20cm. Hoặc có thể nhân giống bằng cách trồng từ lá/bẹ, sau một thời gian cây con sẽ mọc lên.
Trồng cây nha đam rất đơn giản, không tốn nhiều công chăm sóc mà lại mang nhiều giá trị hữu ích. Nhanh tay tậu ngay một chậu nha đam xinh xinh nơi góc vườn vừa trồng để ăn, vừa đặt để ngắm rất tiện lợi. Nếu có bất cứ thắc mắc gì đừng ngại liên hệ Hotline 0902.652.099 nhé!
HLV.vn
Xem thêm
Cách trồng hoa Tulip trong chậu chơi Tết cực đơn giản
Kỹ thuật trồng hoa vạn thọ chậu đón Tết an khang
Cách trồng cà rốt trong chậu tại nhà đơn giản
Cách trồng cây đu đủ trong chậu ngon ngọt, trĩu quả