Cải mào gà mang đặc tính chống chịu sâu bệnh tốt, sinh trưởng và phát triển mạnh hơn các loại cải khác. Bên cạnh đó cải mào gà có hương vị đặc trưng và cách chế biến đa dạng, vì thế đang được lựa chọn trồng tự cung tự cấp tại nhà. Bạn muốn trồng, nhưng vẫn còn băn khoăn về cách trồng và chăm sóc loại cải này. Hãy cùng Đặng Gia Trang tìm hiểu qua bài viết bên dưới.
1/ Đặc điểm của cải mào gà
1.1 Đặc điểm hình thái
Cải mào gà tương đối dễ nhận dạng, với bộ lá to khỏe, bẹ kiểu lòng máng màu xanh vàng, lá có màu xanh tươi tốt. Đặc biệt, mép lá xoăn lại như mào gà, có lẽ đây là nguồn gốc của tên gọi.
Cải mào gà ăn ngon, có vị hơi cay, dùng để nấu canh, ăn sống hoặc làm cải muối. Khi thu hoạch bạn có thể cắt những bẹ lớn trước hoặc nhổ cả cây ăn dần.
Loại cải này có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, sinh trưởng khỏe, không phân nhánh và chậm ra bông so với các loại cải khác.
1.2 Điều kiện sinh trưởng
Cũng như các loại cải khác, cải mào gà là loại rau ưa nắng, cần nhiều ánh sáng cho quá trình quang hợp, đặc biệt trong giai đoạn phát triển.
Ngoài ra, cải mào gà cũng ưa ẩm, do đó cần phải đảm bảo giá thể vừa thoát nước tốt vừa có khả năng giữ ẩm.
2/ Thời gian trồng cải mào gà
Thời điểm thích hợp nhất để trồng cải mào gà là từ tháng 7 đến tháng 10, tận dụng nước mưa để đỡ tốn công lao động và đủ ẩm cây sinh trưởng tốt hơn.
3/ Chuẩn bị trồng cải mào gà
3.1 Dụng cụ trồng
Các bạn có thể trồng bằng thùng xốp hoặc chậu nhựa, xô nhựa. Miễn sao có lỗ thoát nước tốt là được, chiều cao khoảng 20 – 30cm là tốt nhất cho sự phát triển của rễ.
3.2 Đất trồng
Đất trồng cải mào gà cần đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng, tơi xốp và thoát nước tốt. Công thức hoàn hảo phối trộn đất trồng là 50% đất sạch, 30% trấu hun và 20% phân hữu cơ, có thể là phân bò ủ hoai hoặc phân trùn quế.
Bạn có thể nghĩ đến phương pháp nhanh chóng và hiệu quả hơn đó là mua các loại đất phối trộn sẵn tại các cửa hàng vật tư nông nghiệp hoặc các trang mạng online. Nổi bật trên thị trường hiện nay là các sản phẩm đất trộn dành riêng cho rau ăn lá của SFARM tại HLV.vn, ngoài ra SFARM còn bán các thành phần riêng biệt để phối trộn đã được xử lý sạch mầm bệnh.
3.3 Giống trồng
Hạt giống cải mào gà cao sản được mua tại các cửa hàng giống uy tín và có nguồn gốc rõ ràng, hạt giống chắc, không móp méo, tỷ lệ nảy mầm >90%.
Đặc điểm hình thái cải mào gà
4/ Kỹ thuật trồng cải mào gà
4.1 Cách trồng từ hạt
Gieo, ươm hạt: Lượng hạt giống cần thiết gieo cho 1 m2 là 2 – 2,5g. Hạt giống ngâm với nước ấm khoảng 50% (Pha 2 nóng 3 lạnh) trong 2 – 3 giờ, vớt ra để ráo nước rồi mang đi gieo. Gieo vào khay ươm với khoảng cách hàng cách hàng 20cm, hạt cách hạt là 12cm. Dùng lớp đất mỏng lấp hạt lại, giúp giữ ẩm và hạn chế các tác động của thời tiết, đặt khay ươm có nắng nhẹ và thoáng mát. Sau gieo 1 tuần, hạt bắt đầu nảy mầm, tiếp tục chăm sóc trong vườn ươm khoảng 15 – 20 ngày nữa thì mang cây đi trồng, lúc này cây con có 4 – 5 lá thật.
Tiến hành trồng: Cây con khỏe mạnh và đạt tiêu chuẩn được mang trồng vào chậu xốp đã chuẩn bị sẵn. Cho đất trồng vào chậu xốp, cách miệng chậu khoảng 2 – 3cm là được. Trồng cây với khoảng cách hàng cách hàng 35cm, cây cách cây 25cm. Để chậu nơi thoáng mát khoảng 1 tuần, tưới nước giữ ẩm. Khi cây hồi xanh để ở nơi có nắng nhiều.
4.2 Cách trồng từ cây con
Nếu bạn còn lo lắng về kỹ thuật ươm cây con, có thể mua trực tiếp cây giống ươm sẵn tại các cửa hàng chuyên cung cấp cây giống cải mào gà về trồng. Lựa chọn những cây khỏe mạnh, bộ lá tươi tốt, có 4 – 5 lá thật, không nên chọn cây quá nhỏ hoặc quá to vì khó thích nghi khi thay đổi môi trường sống.
Sau khi mua cây giống, cách trồng và khoảng cách trồng tương tự như cách trồng từ hạt. Đặt chậu trồng chỗ mát mẻ, thông thoáng đến khi cây cứng cáp chuyển sang chỗ nắng nhiều hơn.
5/ Cách chăm sóc cải mào gà sau trồng
5.1 Làm cỏ
Cỏ sẽ cạnh tranh dinh dưỡng với cây trồng chính, làm cỏ thường xuyên là kỹ thuật quan trọng giúp cải mào gà sinh trưởng tốt và loại bỏ môi trường sống của sâu hại, đặc biệt là giai đoạn phát triển. Lưu ý nhổ cỏ tránh làm ảnh hưởng đến bộ rễ cây cải, đứt rễ làm cây chậm phát triển và dễ bị bệnh hại tấn công.
5.2 Tưới nước
Cũng như các loại rau ăn lá khác, cải mào gà cần nhiều nước để sinh trưởng và phát triển tốt. Tưới 1 – 2 lần/ngày tùy thuộc vào thời tiết, tưới vừa đủ, không để nước tù đọng quá nhiều lâu ngày sẽ dẫn đến chết cây.
5.3 Bón phân
Sau 7 – 10 ngày trồng, cây bắt đầu hồi xanh, bón thúc lần 1 bằng phân urê, pha 1 muỗng phân vào 3 – 4 lít nước và rửa sạch lá lại với nước.
Sau 15 ngày bón thúc lần 1, tiến hành bón phân lần cuối, pha phối hợp phân urê và phân kali vào nước tưới vào gốc.
5.4 Phòng trừ sâu bệnh hại
Cải mào gà có khả năng chống chịu bệnh tốt, khi trưởng thành thu hút nhiều loại côn trùng tấn công như sâu tơ, sâu xanh, bọ nhảy, rệp muội,…
Trước hết các bạn sử dụng các loại thuốc sinh học điều chế tại nhà như hỗn hợp nước tỏi + ớt để xua đuổi, đến khi gây hại với mật số nhiều thì sử dụng thuốc hóa học đặc trị để tiêu diệt.
6/ Thu hoạch cải mào gà
Từ lúc trồng đến khi thu hoạch được tốn khoảng 1 tháng, bạn có thể cắt lá to dùng trước hoặc nhổ cả cây để ăn.
Nếu bạn cắt lá ăn dần cần bổ sung thêm phân bón sau mỗi lần thu hoạch, kích thích cây ra nhiều lá hơn.
Nếu bạn nhổ cây thì có thể tận dụng giá thể đó trồng cho vụ tiếp theo, phơi đất trồng dưới nắng gắt 2 – 3 ngày cho chết vi khuẩn, sau đó bổ sung thêm phân hữu cơ là có thể trồng tiếp.
Thế là Đặng Gia Trang đã hướng dẫn xong cách trồng cải mào gà rồi. Những thông tin trên đã được chắt lọc và tổng hợp một cách chính xác nhất. Chúng tôi hy vọng sẽ giúp bạn trồng cải mào gà tại nhà thật xanh tốt nhé. Nếu gặp bất cứ khó khăn nào, đừng chần chờ, hãy liên hệ Hotline 0902.652.099 để được tư vấn bạn nhé!
HLV.vn
Xem thêm:
- Hướng dẫn kỹ thuật trồng cải bẹ dún tại nhà đơn giản
- Rau ăn lá là gì? Các loại rau ăn lá dễ trồng tại nhà
- Kỹ thuật trồng cây cải thảo đạt chuẩn, tăng năng suất