Home Kỹ thuật trang trại Cách trồng sâm bố chính chất lượng năng suất

Cách trồng sâm bố chính chất lượng năng suất

by Học Làm Vườn

Với những công dụng tuyệt vời và thị trường tiêu thụ ngày càng mở rộng, sâm bố chính dần được trồng ở diện tích lớn hơn, thậm chí là hình thành nên các trang trại chuyên canh tác sâm bố chính. Qua bài viết dưới đây, Đặng Gia Trang đã tổng hợp cách trồng sâm bố chính hiệu quả nhất, các bạn cùng tìm hiểu nhé.

1/ Tìm hiểu về sâm bố chính

1.1 Đặc điểm thực vật

Sâm bố chính còn được gọi là sâm thổ hào, sâm báo, có tên khoa học là Abenmoschus moschatus spp. tuberosus, thuộc họ Bông. Sâm bố chính được tìm thấy ở các vùng núi thấp.

Sâm bố chính thuộc dạng thân thảo, sống lâu năm, cao trung bình 30 – 50cm. Rễ củ có hình trụ, màu trắng ngà. Thân có thể sinh trưởng thẳng đứng hoặc bò lan, thường không có lông.

Lá mọc sole, màu xanh đậm, hình dáng tương tự như mũi tên, gốc lá rộng và nhọn dần về đầu lá.

Hoa sâm bố chính khá rực rỡ, màu đỏ hoặc màu vàng, mọc đơn lẻ từ kẽ lá.

Quả có hình trứng nhưng nhọn về phía đầu, đặc biệt có khía dọc, khi chín sẽ nứt thành 5 mảnh nhỏ theo khía. Hạt có màu nâu đen.

Sâm bố chính thường mọc vào mùa xuân, sinh trưởng kéo dài đến mùa đông thì tàn lụi. Mùa hoa nở rộ nhất vào tháng 6 đến tháng 8.

1.2 Công dụng

Bộ phận sử dụng làm thuốc: Rễ, hoa hoặc hạt. Có thể sử dụng riêng lẻ hoặc phối hợp cùng các loại dược liệu khác.

Sâm bố chính chứa phần lớn là tinh bột, khoảng 40% chất nhầy, đường Saccarozơ và Asparagine. Có tác dụng bổ phế, nhuận tỳ, dưỡng tâm, hỗ trợ tiêu hóa tốt và tăng cường đề kháng.

Nếu dùng phối hợp với các vị thuốc khác, sâm bố chính có tác dụng chữa ho, sốt, nóng trong người, bổ sung thể lực, chữa hạ đường huyết và bảo vệ dạ dày.

2/ Cách trồng sâm bố chính

2.1 Thời vụ trồng sâm bố chính

Mùa xuân là thời kỳ sinh trưởng mạnh nhất của sâm bố chính, do đó trồng sâm bố chính vào đầu mùa xuân là hợp lý nhất, vào khoảng giữa tháng 2 dương lịch.

2.2 Chọn hạt giống sâm bố chính

Hạt giống sâm bố chính nên được lấy từ cây mẹ khỏe mạnh, hạt giống to mẩy, loại bỏ hạt lép có màu nâu hoặc màu đen. Tốt nhất là hạt giống được thu hái từ tháng 11 – 12 năm trước liền kề với thời điểm muốn trồng, sẽ giúp tỉ lệ nảy mầm cao hơn.

Lượng hạt giống gieo trên 1 ha khoảng 8 – 10kg.

2.3 Chọn đất trồng và làm đất

Sâm bố chính thích hợp trồng ở vùng đất có tầng canh tác dày, đất giàu mùn, tơi xốp và thoáng nước tốt, không ngập úng, có nhiều ánh nắng như vùng đồng bằng hoặc trung du là tốt nhất.

Thời điểm thích hợp làm đất là cuối tháng 12, trồng vào giữa tháng 2.

Đất là đất trồng luân canh 2 – 3 năm, không trồng liên tiếp vì cạn dinh dưỡng và dễ bị sâu bệnh hại cùng ký chủ tấn công.

Đất trồng được cày bừa kỹ, làm sạch cỏ, rải vôi đều khắp mặt 600kg/ha. Sau đó bón lót bằng phân chuồng trước khi gieo.

Thiết kế luống theo đường đồng mức, đảm bảo thoát nước tốt vào mùa mưa. Chiều cao luống khoảng 25 – 30cm, rộng 80 – 100cm, rảnh khoảng 30cm.

2.4 Xử lý giống và xuống giống

Đem hạt giống ra phơi 1 – 2 giờ, sau đó ngâm trong nước ấm khoảng 50 độ (2 sôi 3 lạnh) trong 1 – 2 giờ. Vớt lên để ráo nước và đem đi ủ nóng khoảng 2 – 3 ngày. Mỗi ngày lấy ra rửa sạch lại với nước, để ráo và tiếp tục ủ.

Khi thấy hạt giống nứt vỏ bắt đầu nảy mầm tiến hành gieo lên ruộng. Gieo hạt với khoảng cách 20x15cm, mật độ 330.000 cây/ha. Có thể chọc lỗ hoặc rạch luống để gieo, đặt hạt giống và lấp đất, phủ rơm lên bề mặt để giữ ẩm. Tưới nước mỗi ngày, khoảng 10 ngày sau hạt nảy mầm đều, dỡ rơm và chăm sóc bình thường.

cách trồng sâm bố chínhTrồng sâm bố chính

3/ Cách chăm sóc sâm bố chính

3.1 Tưới nước

Bổ sung nước mỗi ngày để đất đủ ẩm, không được để đất quá khô hoặc quá ứ nước sẽ làm cây bị chết. Vào mùa mưa tưới ít hơn, chỉ cần đảm bảo đất còn ẩm.

3.2 Làm cỏ

Cỏ sẽ cạnh tranh dinh dưỡng với cây trồng chính, do đó cần thiết làm cỏ thường xuyên trong canh tác sâm bố chính. Cẩn thận không làm ảnh hưởng đến bộ rễ sâm bố chính, rễ ổn định cây sinh trưởng tốt hơn.

3.3 Phân bón và kỹ thuật bón phân

Sau mỗi lần làm cỏ nên kết hợp bón thúc phân. Bón thúc bằng phân hữu cơ hoặc phân hóa học. Bón thúc được chia làm 4 lần theo từng thời kỳ sinh trưởng:

Khi cây đã ra lá thật, bón phân đạm cho cây, pha loãng với nồng độ 2 – 3%, sau đó rửa sạch lại với nước.

Khi cây đã ổn định tiến hành bón thúc lần 2, sử dụng phân NPK 5:8:5, rắc trực tiếp quanh gốc, tưới nước để phân hòa tan, bón với liều lượng khuyến khích trên bao bì.

Khi cây bắt đầu giao tán và hình thành củ, bón kết hợp ure và NPK 5:8:5.

Trước khi thu hoạch khoảng 30 ngày bón lần cuối cùng, bón đồng thời phân đạm và NPK 5:8:5.

3.4 Phòng trừ sâu bệnh

Sâm bố chính mang rất nhiều dinh dưỡng nên thu hút nhiều loại côn trùng gây hại như rệp sáp, sâu ăn lá, sâu gai. Sâm bố chính ít khi bị bệnh.

Cách phòng trừ bệnh hại:

Thường xuyên cắt tỉa cành sâu hại, các cành gần gốc làm cây thông thoáng, làm cỏ, vệ sinh đồng ruộng, loại bỏ môi trường sống của các loại côn trùng.

Sử dụng các loại thuốc đặc trị để tiêu diệt, phun liên tiếp 2 lần, mỗi lần cách nhau 7 – 10 ngày để tiêu diệt thế hệ tiếp theo.

3.5 Cách thu hoạch, sơ chế và bảo quản sâm bố chính

Thu hoạch: Nếu bạn không có ý định thu hoa, hạt, tiến hành cắt bỏ hết nụ để tập trung dinh dưỡng nuôi củ. Thời điểm thu hoạch rơi vào tháng 11 – 12, khi cây bắt đầu vàng lụi, nhổ cây, loại bỏ hết thân lá và thu củ. Sâm bố chính có năng suất cao, khoảng 1,5 – 2 tấn/ha.

Sơ chế và bảo quản: Củ được rửa sạch, cắt bớt rễ phụ, cạo bỏ lớp vỏ cứng bên ngoài. Bạn có thể giữ nguyên củ hoặc cắt thành lát nhỏ dày khoảng 3 – 5cm, sấy hoặc đem phơi khô, độ ẩm dược liệu khoảng 12%, sau đó đem đi cất trữ.

Vậy là Đặng Gia Trang đã cung cấp đầy đủ thông tin về cách trồng sâm bố chính rồi. Chúng tôi hy vọng những thông tin này thật sự hữu ích và giúp bạn canh tác sâm bố chính thành công. Nếu gặp bất cứ khó khăn nào, vui lòng liên hệ Hotline 0902.652.099 để được giúp đỡ bạn nhé!

HLV.vn

*Xem thêm

  • Kỹ thuật trồng cây cải thảo đạt chuẩn, tăng năng suất
  • Kỹ Thuật Trồng Măng Tây Chuẩn Chuyên Gia
  • Kỹ thuật trồng rau bò khai chuẩn chuyên gia
  • Kỹ thuật trồng và chăm sóc xoài đạt năng suất cao

You may also like