Home Kiến thức cơ bảnGieo trồng Cách trồng rau sam trong thùng xốp dễ nhất

Cách trồng rau sam trong thùng xốp dễ nhất

by Học Làm Vườn

Rau sam là loại rau rất quen thuộc, không chỉ có chức năng làm rau ăn mà chúng còn có công dụng y học rất tốt cho sức khỏe. Chính vì thế, nhiều người muốn tự trồng rau sam tại nhà để thuận tiện hơn. Thế nhưng, vẫn còn không ít người biết về công dụng thần thánh cũng như chưa biết cách trồng rau sam để chúng luôn xanh tốt, không sâu bệnh. Hãy tham khảo ngay bài viết dưới đây của Đặng Gia Trang nhé!

1/ Đặc điểm và công dụng của rau sam

– Nguồn gốc:

Rau sam có danh pháp khoa học là Portulaca oleracea và thuộc họ Sam. Đây là loài có thân mọng nước, nguồn gốc từ Ấn Độ và vùng Trung Đông. Tuy đã xuất hiện ở nhiều quốc gia, song một số nơi chỉ coi rau sam là loài cỏ dại mọc hoang không có nhiều giá trị.

– Đặc điểm:

Loài rau này có đặc điểm bò lan trên mặt đất và có vòng đời khá ngắn, chỉ sống 1 năm. Thân cây màu hơi hồng hoặc đỏ, trơn láng và có chiều dài khoảng 40cm. Tại đầu ngọn hay các đốt thân, lá mọc đối thành cụm. Rau sam nở hoa vào cuối xuân và kéo dài đến giữa thu. Hoa sam màu vàng, có 5 cánh và mọc đơn tại tâm của các cụm lá. Cây rau sam nở rất nhiều hoa nhưng mỗi bông chỉ nở trong vài giờ vào những ngày nắng rồi sẽ tàn ngay. Quả sam kích thước nhỏ, hình dạng giống quả đậu và chứa nhiều hạt.

– Công dụng:

Rau sam có rất nhiều công dụng, trong đó phải kể đến các lĩnh vực ẩm thực và y học.

Về ẩm thực, rau sam thường được các bà nội trợ sử dụng để nấu những món ăn hàng ngày như rau luộc, nấu trong món súp, thịt hầm hoặc kết hợp với các loại rau xanh khác để làm salad,… Loài rau này chứa rất nhiều thành chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe như omega – 3, vitamin B, C, sắt, canxi,… nên rất được ưa chuộng.

Trong y học, rau sam được điều chế trong rất nhiều bài thuốc, góp phần phòng chữa khá nhiều bệnh. Nhờ có vị chua và tính hàn nên rau sam có tác dụng thanh nhiệt, giải độc cơ thể. Các bộ phận từ thân, lá đến rễ khi phơi khô đều giúp điều trị tiêu chảy, giun sán, ho lâu ngày, kiết lỵ, sốt,… Tuy nhiên, trước khi sử dụng bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc những người có chuyên môn để hiệu quả hơn nhé.

2/ Chuẩn bị dụng cụ trồng và đất trồng

Nhiều gia đình muốn trồng rau sam tại nhà nhưng hạn chế không gian đất vườn thì có thể trồng trong thùng xốp hoặc các khay chậu nhựa, bao xi măng. Những dụng cụ trồng cần phải được đảm bảo có lỗ thoát nước ở đáy để rau sam không bị ngập úng.

Rau sam không khó tính về yêu cầu đất trồng, nhưng để cây có điều kiện sống tốt nhất thì bạn nên trồng cây trên đất có khả năng giữ ẩm tốt và giàu dinh dưỡng. Do đó, hãy trộn 80% đất thịt + 10% trấu hun + 10% phân hữu cơ để tăng dưỡng chất và độ tơi xốp cho đất. Sau đó, bạn bón thêm vôi bột cho đất rồi phơi ải khoảng 7 – 10 ngày để tiêu diệt các mầm bệnh hại.

Cách trồng rau sam trong thùng xốp dễ nhất

Cách trồng rau sam trong thùng xốp

3/ Giống rau sam

Tùy theo sở thích mà bạn có thể lựa chọn những giống rau sam khác nhau để trồng tại nhà. Hiện nay, tại Việt Nam có 3 loại rau sam, đó là rau sam vàng, rau sam xanh và rau sam vàng lá to.

Để trồng rau sam, người ta thường gieo hạt hoặc hom giống. Nếu bạn hom giống thì nên cắt những đoạn gốc hoặc đoạn thân bánh tẻ, có ít nhất 3 – 4 mắt lá với chiều dài khoảng 10 – 20cm. Lưu ý phải chọn những đoạn thân to khỏe, không bị sâu bệnh và không quá non để tránh bị thối gốc khi giâm. Còn nếu gieo hạt, bạn nên mua hạt giống ở các cửa hàng nông nghiệp uy tín để đảm bảo chất lượng gieo trồng.

4/ Tiến hành gieo trồng

4.1 Gieo hạt

Hạt giống khi mua về bạn đem ngâm trong nước ấm để hạt nứt nanh. Sau khoảng 6 – 8 giờ ngâm thì vớt hạt ra để ráo nước là có thể đem gieo.

Tiếp đó, bạn dùng que nhọn chọc xuống đất những lỗ nhỏ, sâu 1cm. Mỗi lỗ như vậy gieo khoảng 2 – 3 hạt giống rồi lấp kín đất lại. Sau đó, bạn tưới ẩm cho đất rồi đặt cây ở nơi râm mát, có ánh sáng nhưng tránh mưa gió và ánh nắng mặt trời trực tiếp.

4.2 Trồng hom giống

Trước khi trồng, hom giống phải được cắt tỉa lá, chỉ để lại lá ở phần ngọn bằng 1/3 so với chiều dài hom. Tiến hành giâm cành với khoảng cách vừa phải để chúng có không gian sinh trưởng, khoảng 5 – 10cm/cây là được. Giâm xong thì tưới nước tạo độ ẩm cho đất. Khoảng 10 – 15 ngày sau, hom giống sẽ bắt đầu mọc rễ và xuất hiện lá mới.

5/ Chăm sóc

5.1 Tưới nước

Rau sam khi hấp thụ đủ nước sẽ sinh trưởng mạnh mẽ, cây luôn tươi tốt, thân mập mạp và lá to, xanh mướt. Bạn cần tưới nước thường xuyên 2 lần/ngày vào buổi sáng và chiều muộn. Vào mùa mưa thì giảm lượng nước tưới phù hợp tránh đất bị đọng nước quá lâu gây ngập úng làm cây thối rễ, thối gốc.

5.2 Nhổ cỏ

Làm sạch cỏ dại thường xuyên giúp rau sam không bị chúng hút hết chất dinh dưỡng trong đất khiến cây kém phát triển. Ngoài ra, nhổ cỏ dại giúp gốc cây thông thoáng còn có tác dụng phòng ngừa sâu bệnh gây hại.

5.3 Phòng trừ sâu bệnh

Rau sam có sức sống mãnh liệt, khả năng chống chịu tốt nên vấn đề sâu bệnh thường không quá nghiêm trọng. Nếu phát hiện có rệp hay côn trùng cắn phá thì bạn nên tiêu diệt chúng càng sớm càng tốt, trường hợp bất khả kháng thì phải dùng đến chế phẩm sinh học. Bên cạnh đó, rau sam còn có thể bị thối gốc nhưng nguyên nhân chủ yếu do độ ẩm quá cao tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm gây hại. Lúc này bạn cần điều chỉnh chế độ nước tưới và thường xuyên kiểm tra cây cũng như làm sạch cỏ dại xung quanh.

5.4 Thu hoạch

Là loài rau có khả năng phát triển nhanh chóng, bạn chỉ cần đảm bảo trồng đúng cách và chăm sóc cẩn thận thì rau sam sẽ sớm được thu hoạch. Thời điểm thu hoạch rau sam thích hợp nhất là khi thân cây phát triển dài khoảng 20 – 30cm. Lúc này, bạn dùng dao sắc để cắt những đoạn thân non vừa ăn. Lưu ý tránh thu hái rau sam quá sớm thì chúng sẽ không đủ dưỡng chất, còn khi quá già thì rau sẽ bị giảm độ ngon và chất dinh dưỡng.

Sau khi thu hoạch, bạn nên bón thêm phân hữu cơ như phần trùn quế, phân chuồng hoai mục để rau sam có thể tiếp tục phát triển lứa mới. Vì rau sam có vòng đời ngắn khoảng 1 năm nên khi thấy có dấu hiệu già cỗi, bạn nên tiến hành trồng mới thay thế để đảm bảo chất lượng rau.

Trên đây là toàn bộ chia sẻ những thông tin chi tiết về công dụng cũng như cách trồng và chăm sóc rau sam. Đúng là rau sam không những có nhiều giá trị dinh dưỡng mà còn rất dễ trồng đúng không? Đặng Gia Trang hy vọng bạn có thể trồng thành công rau sam để gia đình có được nguồn rau xanh, sạch và ngon quanh năm nhé. Nếu có điều gì thắc mắc, bạn vui lòng liên hệ Hotline 0902.652.09!

HLV.vn

*Xem thêm

  • Những ý tưởng trồng rau sạch trong chai nhựa xinh xắn, tiết kiệm
  • Cách sử dụng vỏ trứng gà trồng rau hiệu quả
  • 5 tác dụng tuyệt vời của vỏ trứng gà trong trồng rau
  • Cách trồng rau muống bằng cành cực đơn giản

You may also like