Rau cần tây có mùi vị thơm ngon và chứa hàm lượng dinh dưỡng cao. Ngoài dùng để chế biến món ăn, còn có thể ép lấy nước uống rất tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, mua sẵn rau cần và bảo quản lâu ngày sẽ làm mất đi sự tươi ngon. Vậy, tại sao không thử trồng cần tây tại nhà? Cùng Đặng Gia Trang tìm hiểu qua bài viết này nhé!
1/ Rau cần tây có đặc điểm gì?
1.1 Công dụng
– Phòng ngừa ung thư: Rau cần tây có chứa các chất Acid Phenolic, Flavonoids, Furanocoumarins có tác dụng trong việc ngăn chặn sự phát triển và lây lan của các tế bào ung thư.
– Kháng viêm: Cần tây có tính kháng viêm cao nhờ chứa hợp chất hữu cơ polyacetylene mang lại tác dụng ức chế viêm cấp tính trong hầu hết các bệnh về xương như: bệnh gút, viêm xương khớp,…
– Phòng ngừa rối loạn tiêu hóa: Trong cần tây có chứa nhiều chất xơ giúp ngăn ngừa táo bón và chữa chứng rối loạn tiêu hoá rất hiệu quả.
– Lợi tiểu: Chất natri, kali trong rau có vai trò điều tiết chất lỏng và hỗ trợ sản xuất nước tiểu.
– Một số công dụng khác: điều trị rối loạn giấc ngủ hoặc mất ngủ, điều hòa huyết áp, hỗ trợ giảm cân và làm đẹp da.
1.2 Thời vụ trồng
Thời vụ trồng cần tây có thể quanh năm. Tuy nhiên, rau cần tây sinh trưởng tốt nhất vào mùa lạnh với nhiệt độ khoảng 16-20oC. Nên thời điểm lý tưởng nhất để gieo trồng giữa hai miền sẽ khác nhau.
– Đối với miền Bắc: trồng vào cuối hè và thu hoạch vào cuối thu, đầu đông.
– Đối với miền Nam: nên trồng vào thời gian đầu xuân.
2/ Cách trồng rau cần tây hiệu quả nhất
2.1 Chọn địa điểm trồng rau cần tây
Khi trồng cần tây tại nhà, bạn có thể chọn địa điểm trồng tại ban công hoặc mảnh vườn nhỏ. Nên nhớ loại rau này chỉ phát triển tốt tại khu vực ẩm ướt, có nhiệt độ cao và thoáng mát. Ưu tiên những vị trí có ánh nắng mặt trời trực tiếp nhưng không quá gay gắt.
2.2 Chuẩn bị đất trồng rau cần tây
Độ pH của đất thích hợp để trồng cần tây là từ 5,8-6,8. Loại cây này khó sống nếu trồng ở đất nhiễm mặn, đất phèn và hay ngập úng.
Bạn có thể sử dụng đất SFARM đã được phối trộn sẵn với tỷ lệ thích hợp. Hay tự tiến hành trộn đất theo tỷ lệ 5 đất : 3 phân hữu cơ (phân trùn quế,…) : 2 mụn dừa (hoặc trấu hun).
Lưu ý: khoảng 10 ngày trước khi trồng nên bón lót vôi bột lên lớp đất trồng đã chuẩn bị sẵn.
2.3 Chậu trồng rau cần tây
Muốn trồng cần tây tại nhà hãy chuẩn bị xô, chậu, khay, thùng xốp hoặc có thể tận dụng bao nilon, túi xi măng đã qua sử dụng.
Lưu ý: chậu cần có lỗ thoát nước để tránh bị úng nước.
2.4 Hạt giống cần tây
Hạt giống có thể tìm mua được ở trong siêu thị hoặc các cửa hàng bán đồ nông sản uy tín.
2.5 Lưu ý thời gian hạt rau cần nảy mầm
Thời gian để hạt cần tây nảy mầm khoảng từ 12-14 ngày sau khi bắt đầu gieo hạt.
2.6 Kỹ thuật gieo trồng rau cần tây
Bước 1: Ngâm hạt giống cần tây vào nước ấm khoảng 40-45oC (2 sôi : 3 lạnh) trong vòng 15-20 giờ. Vớt hạt ra rửa lại bằng nước sạch và ủ vào khăn ẩm ở nhiệt độ 25-30oC trong vòng 1 ngày. Khi hạt giống có dấu hiệu nứt nanh, nảy mầm thì để khô ráo nước rồi đem gieo.
Bước 2: Vạch lên đất các hàng đều nhau với độ sâu 0.5-1cm rồi tiến hành gieo hạt thẳng xuống đất theo hàng đã vạch. Mỗi hạt gieo xuống cách nhau 5cm.
Bước 3: Phủ một lớp đất mỏng, tro trấu, phân chuồng hoặc rơm rạ khoảng 2cm lên trên rồi tưới nước bằng vòi phun nhẹ tạo độ ẩm.
Bước 4: Sau 2-3 ngày, cây con bắt đầu nhú lên cần che phủ, tạo bóng râm để tránh ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp vào để cây con hồi sức.
Bước 5: Trong thời gian 2 tuần sau khi gieo hạt, cần che đậy kỹ tạo độ râm mát nhằm thúc đẩy việc nảy mầm. Nhớ tưới đủ nước 2 lần/ngày vào sáng và tối.
Bước 6: Khi hạt nảy mầm và cây phát triển cao được 2 – 3cm thì vun gốc để giữ cho rễ cây con bám đất tốt hơn.
Rau cần tây bổ dưỡng
3/ Kỹ thuật chăm sóc sau khi áp dụng cách trồng rau cần tây
3.1 Tưới nước
Rau cần tây ưa ẩm nên cần tưới nước thường xuyên. Cây thiếu nước khiến quá trình tăng trưởng chậm, thân cây yếu và còi cọc.
Vào mùa khô tưới nước đều đặn 2 lần vào sáng sớm và chiều mát. Không nên tưới vào giữa trưa nắng. Mùa mưa thì chỉ cần tưới 1 lần trong ngày và che phủ kỹ để hạn chế nước mưa chảy vào nhiều làm dập nát và hư thối rau.
3.2 Bón phân
Sau khi trồng 1 tuần, tiến hành bón phân đợt 1 bằng phân hữu cơ (phân trùn quế, phân chuồng được ủ mục,…) với liều lượng 20-30gr/m2. Khoảng 15-20 ngày sau, tiếp tục bón đợt phân lần 2 tương tự như lần 1. Bón phân lần 3, lần 4 có thời gian và liều lượng giống như lần 2.
Mỗi đợt bón phân cần chăm sóc kỹ càng bằng cách kết hợp nhổ cỏ và vun xới cho cây.
3.3 Phòng trị sâu bệnh ở rau cần tây
Nếu xuất hiện sâu bệnh nhưng chưa nhiều, có thể tiêu diệt bằng phương pháp thủ công là bắt trực tiếp. Phòng ngừa bằng cách phun dung dịch tỏi, ớt, gừng hay tinh dầu neem… 2-3 tuần/lần với liều lượng 5-7ml/1 lít nước sạch.
Ngoài ra, tùy thuộc vào yếu tố thời tiết, độ ẩm cũng như quá trình chăm sóc, cây cũng dễ nhiễm bệnh thối đen, thối hồng và bạc lá. Để khắc phục cần tăng cường chất dinh dưỡng cho đất bằng những loại phân hữu cơ sinh học.
3.4 Thu hoạch rau cần tây
Rau cần tây thu hoạch được sau khi gieo trồng từ 100-140 ngày.
Khi cần tây đạt chiều cao khoảng 30-45cm, hãy cắt ngang cách gốc cây 3cm. Sau đó tiếp tục bón phân, sau 2 tuần cây sẽ nhú mầm non.
Nếu thu hoặc bằng cách nhổ cả cây để trồng rau mới cho vụ sau, cần làm sạch đất thật kỹ, rải vôi nông nghiệp lên và phơi ải 2-3 ngày. Sau đó bổ sung hỗn hợp phân hữu cơ vào đất trồng.
Với hướng dẫn chi tiết về trồng cần tây tại nhà của Đặng Gia Trang, bạn hoàn toàn tự tay tạo mình một vườn rau sạch, an toàn và chất lượng. Nếu có thêm bất cứ thắc mắc gì vui lòng liên hệ Hotline 0902.652.099 để được giải đáp và tư vấn chi tiết nhất nhé!
HLV.vn
*Xem thêm
- Bí quyết trồng rau càng cua tại nhà thu hoạch quanh năm
- Hướng dẫn trồng rau cải cúc tại nhà
- Cách trồng rau dền đỏ trong chậu đơn giản nhất
- Rau ăn lá là gì? Các loại rau ăn lá dễ trồng tại nhà