Dưa hấu là loại trái cây được rất được ưa thích và đây cũng là loại quả đặc trưng trong mâm ngũ quả chưng tết của nhiều gia đình, với mong muốn năm mới luôn nhận được may mắn, bình an. Thay vì phải mua dưa hấu bên ngoài và lo sợ về độ an toàn thì tại sao chúng ta không tự trồng cho gia đình những trái dưa hấu vừa đẹp vừa ý nghĩa. Để các bạn có thể trồng được những trái dưa hấu to tròn, ngon và đẹp, thu hoạch đúng dịp Tết, hôm nay Đặng Gia Trang sẽ chia sẻ “Cách trồng dưa hấu đỏ đón Tết chuẩn hữu cơ”, các bạn cùng theo dõi nhé.
1/ Mùa vụ trồng
Dưa hấu là loại cây có thể trồng quanh năm. Chúng ta có thể chia làm 3 vụ trồng là vụ dưa sớm, dưa Tết và dưa lạc hậu. Trong đó, vụ Tết là vụ trồng chính, muốn thu hoạch dưa đúng Tết thì chúng ta nên tiến hành ươm giống khoảng rằm tháng 10 âm lịch.
2/ Chuẩn bị vật tư
– Chọn giống: Có thể chọn một số giống có vỏ xanh đậm, vỏ xanh nhạt, sọc hoa văn, vàng. Hay loại thịt có màu đỏ tươi, màu vàng, màu đỏ đậm,… Tùy theo sở thích của mình mà lựa chọn giống cho phù hợp.
– Ươm giống: Ngâm hạt trong nước ấm 2 sôi: 3 lạnh khoảng 8 tiếng. Sau đó vớt hạt ra ủ trong khăn ẩm khoảng 8 tiếng để hạt nứt nanh.
– Chậu trồng: Kích thước đủ lớn để rễ cây phát triển lan rộng cho cây khỏe mạnh nhất. Khuyến khích chọn chậu có thể tích khoảng 20 lít, có thể dùng thùng sơn nhựa có đục lỗ.
– Đất trồng: Đất phải tơi xốp, giàu dinh dưỡng hữu cơ. Không sử dụng đất sét, đất ở khu vực bị ô nhiễm. Tốt nhất nên lấy đất sạch trộn theo tỉ lệ: 3 đất sạch : 2 mụn dừa : 2 trấu hun : 3 phân trùn quế. Ngoài ra bạn có thể sử dụng đất sạch hữu cơ HLV chuyên dùng cho cây ăn quả. Với thành phần được phối trộn đầy đủ, dinh dưỡng đa dạng, hệ vi sinh vật dồi dào giúp dưa hấu phát triển khỏe mạnh đến khi thu hoạch. Chỉ cần bổ sung thêm dinh dưỡng cho vào giai đoạn đậu trái.
3/ Cách trồng dưa hấu đón Tết3.1 Gieo trồng dưa hấu Tết
Có thể gieo trực tiếp vào chậu hoặc ươm cây vào khay, mỗi cách trồng sẽ có những ưu nhược điểm riêng:
– Gieo trực tiếp: Cây dễ thích nghi với môi trường, đỡ tốn công nhưng tốn giống và tỉ lệ cây sống thấp hơn.
– Ươm cây con: Tiết kiệm giống, chọn được cây tốt nhất để trồng, cho trái chất lượng, nhưng tốn công sức và cần thời gian để cây thích nghi. Sau ươm 7 – 10 ngày có thể đưa ra chậu trồng.
3.2 Chọn vị trí trồng
Chúng ta thường nghe mùa nắng tốt dưa mùa mưa tốt lúa, do đó nên trồng dưa hấu ở nơi có nhiều ánh sáng như sân thượng, ban công.
4/ Cách chăm sóc dưa hấu
– Tưới nước
+ Giai đoạn mới trồng đến 20 ngày sau trồng rễ cây còn nhỏ, tưới nước cho cây con thật nhẹ nhàng. Có thể tưới bằng vòi hoa sen hoặc tốt nhất là hệ thống tưới nhỏ giọt 2 lần/ngày.
+ Giai đoạn từ 25 ngày sau trồng đến khi ra trái nhỏ thì tưới nước đều đặn cho dưa hấu ngày 2 lần vào sáng sớm và chiều mát. Tưới xa gốc để nhử rễ lan rộng ra, không nên tưới lên lá cây. Liều lượng tưới vừa phải, tránh để quá khô hạn hoặc tồn đọng gây nứt trái và tạo điều kiện cho nấm bệnh xuất hiện trên lá cây.
+ 10 ngày trước khi thu hoạch thì nên giảm lượng nước tưới, đến 5 ngày trước thu thì ngừng hẳn nước để tránh làm giảm độ ngọt của trái.
– Tỉa nhánh
Mỗi cây nên tỉa chừa lại 1 thân chính và 2 nhánh phụ. Tỉa nhánh sớm khi nhánh vừa lú ra 5 – 7 cm. Tỉa nhánh để tập trung dinh dưỡng nuôi trái.
– Thụ phấn
Khoảng 35 – 40 ngày sau khi gieo, thì tiến hành thụ phấn cho cây. Thời gian thụ lúc 7 – 9 giờ sáng. Cách thực hiện: ngắt hoa đực bất kỳ chấm phần phấn vàng bên trong lên nhụy hoa cái.
– Tuyển trái
Muốn dưa to đẹp để chưng Tết thì chỉ nên giữ mỗi dây 1 trái. Tiến hành tuyển từ 40 – 45 ngày sau gieo. Khi trái bằng trái chanh thì chọn trái thứ 3 trên dây (vị trí lá 14 – 20 lá). Lót rơm kê trái để hạn chế thối trái.
– Bón phân
+ Tưới phân đạm cá 10 ngày tưới 1 lần.
+ Bón phân trùn quế sau 15 ngày trồng, mỗi lần cách nhau từ 10 – 20 ngày.
+ Tưới thêm dịch chuối để bổ sung Kali cho cây, trong trường hợp không có thì ngâm ít phân gà viên tưới cho dưa mỗi tuần 1 lần.
+ Ngưng các loại phân bón từ 10 – 15 ngày trước khi thu hoạch.
– Phòng trị sâu bệnh
Trồng dưa hấu tại nhà ít bị sâu bệnh vì diện tích nhỏ, ít nguồn lây. Tuy nhiên chúng ta vẫn nên đề phòng một số loại côn trùng như bọ cánh cứng, rầy mềm.
– Phun dung dịch ớt tỏi gừng và bồ hòn mỗi tuần 1 lần để phòng ngừa sâu bệnh.
– Về ngừa héo xanh, pha vi sinh trichoderma tưới 2 lần (1 lần lúc cây 6 – 7 lá thật, 1 lần lúc trái bắt đầu tạo lưới, có thể tưới thêm 1 – 2 lần tùy điều kiện).
– Phòng nấm cho cây bằng cách phun tưới tinh vôi 98 (100g tinh vôi/10 lít nước) phun cho cây tuần 1 lần.
– Phòng bọ trĩ & nhện đỏ, rệp bằng dung dịch thuốc lào.
+ Công thức: 200gr thuốc lào ngâm 5lít nước sôi, ngâm 3-5 ngày rồi lọc bỏ bã, nước đóng chai dùng dần.
+ Cách dùng: 100ml dung dịch thuốc lào + 5 giọt dầu ăn hoặc nước rửa bát pha với 1 lít nước phun ướt đều 2 mặt lá & mặt đất trồng, phun vào buổi sáng sớm hoặc chiều mát.
+ Phun phòng 7-10 ngày/lần.
+ Phun trị bệnh: phun 2 ngày liên tục sau 3-5 ngày phun lặp lại.
5/ Thu hoạch
Khoảng 80 – 90 ngày thì chúng ta có thể thu hoạch dưa hấu. Để nhận biết dưa hấu đã chín, dùng ngón tay gõ vào bề mặt trái. Nếu nghe tiếng “bộp bộp” thì có nghĩa là dưa hấu đã chín.
Trồng dưa hấu thật đơn giản phải không nào? Hy vọng qua bài chia sẻ này các bạn có thể áp dụng và trồng thành công vườn dưa hấu cho gia đình mình. Thời điểm này là lý tưởng nhất để bạn bắt tay trồng dưa hấu rồi đó, nhanh tay trồng ngay bạn nhé. Chúc các bạn thành công!
Mọi chi tiết thắc mắc hãy liên hệ ngay với Đặng Gia Trang qua Hotline 0902 652 099 bạn nhé!
HLV.vn
*Xem thêm
- Bí quyết chăm sóc lay ơn bung nở dịp Tết cực đơn giản
- Kinh nghiệm trồng dưa lưới ngon ngọt ngay tại nhà
- Kỹ thuật bón phân cho sầu riêng nghịch vụ