Home Kỹ thuật trang trại Cách chăm sóc bưởi Diễn sau thu hoạch

Cách chăm sóc bưởi Diễn sau thu hoạch

by Học Làm Vườn

Sau thu hoạch, nếu gặp điều kiện thời tiết không thuận lợi hoặc chăm sóc không đúng quy trình kỹ thuật, cây bưởi Diễn thường không ra quả vụ sau làm thất thu cho nhà vườn. Nếu bón phân không cân đối, bón quá dư đạm, để đất chua sẽ làm cho cây sinh nhiều cành lá rậm rạp, hoa ra không sai, tỷ lệ đậu quả thấp, tạo điều kiện cho bệnh và các loài sâu hại tấn công, quả chín không chắc, vỏ và cơm (thịt quả) nhão, nhiều nước, ăn nhạt, không thơm ngon. Sau đây là kỹ thuật chăm sóc bưởi diễn sau thu hoạch của Đặng Gia Trang

1/ Vệ sinh tán cây

Thực hiện mỗi năm 5 lần vào thời điểm ngay sau khi thu hoạch quả và sau các đợt bưởi ra lộc ổn định. Sau khi thu hoạch quả, dùng kéo cắt bỏ triệt để những cành bị sâu bệnh, cành không có lá, cành trong tán cây, cành vượt và những cành cuống quả mới thu hoạch.

Sau các đợt lộc ổn định cũng phải cắt bỏ triệt để những cành bị sâu bệnh, cành nhỏ, cành không có lá, cành trong tán cây, cành vượt. Khi cắt phải cắt sát không để lại đoạn cành (tốt nhất nên bôi vôi vào vết cắt) để hạn chế một số sâu bệnh.

Khi quá trình cắt tỉa hoàn tất, bạn nên dùng vôi nước đặc để quét vào thân cây từ phần gốc tới độ cao 80 – 100 cm.

2/ Vệ sinh dưới gốc:

Việc dọn sạch cỏ sẽ loại bỏ được tối đa sâu bệnh và côn trùng phá hại bưởi, hơn nữa, loại bỏ cỏ tại những vùng rễ bưởi phát triển sẽ giúp đảm bảo dinh dưỡng cho cây, đặc biệt là chuẩn bị cho quá trình bón phân cho bưởi diễn. Chú ý, không nên lạm dụng thuốc diệt cỏ vì loại thuốc này sẽ ảnh hưởng tới bộ rễ cây.

3/ Cách bón phân

Cây bưởi Diễn ưa đất trung tính hơi kiềm, có độ pH cao thường là 6 – 7. Để cây cho quả sai, quả chất lượng cao, dễ bảo quản và bán được giá, bà con cần áp dụng một loạt các biện pháp kỹ thuật tổng hợp, trong đó bón phân cân đối đáp ứng nhu cầu các chất đa (NPK), trung lượng (Ca, Mg, Si) và các vi lượng, đặc biệt sử dụng lân nung chảy và phân bón đa yếu tố NPK đáp ứng đầy đủ nhu cầu dinh dưỡng của cây.

– Sử dụng các loại phân NPK 5.10.3 dạng viên (N=5%; P2O5=10%; K2O=3%; S=2%; MgO=9%; CaO=15%; SiO2=14%; phân ĐYT NPK 16.6.16 (N=16%; P2O5=6%; K2O=16%; S=2%; MgO=5%; CaO=8%; SiO2=7%) ngoài ra có các chất vi lượng như B, Mn, Zn, Cu, Co…

– Lượng bón: Lượng bón nhiều hay ít phụ thuộc vào đất, tuổi cây, thời điểm bón, cũng như tiềm năng năng suất giống, tập quán thâm canh của địa phương…

– Cách bón: Bón tháng 11- 12 (cơ bản): 100% phân hữu cơ ủ hoai (phân trùn quế) + 100% phân NPK 5.10.3 + 100% vôi (1-2 kg/gốc). Đào rãnh xung quanh tán, trộn đều và bón theo rãnh đào rồi dùng đất lấp kín phân.

+ Bón thúc lần 1 (đón hoa): Tháng 1 – 2 bón 40% lượng NPK 5.10.3 hoặc 16.6.16.

+ Bón thúc lần 2 (thúc quả): Tháng 4 – 5 bón 30% lượng NPK.

+ Bón thúc lần 3 (thúc quả): Tháng 7 – 8 bón 30% lượng NPK. + Bón thúc lần 4: Tháng 9 – 10 mỗi gốc bón 1kg NPK 16.6.16 hoặc 2kg NPK 5.10.3 (chống nứt quả). Rắc phân, xới đất nhẹ quanh tán lấp phân. Tưới giữ ẩm thường xuyên hoặc tranh thủ sau mưa bón phân.

– Tủ gốc, thoát nước, giữ ẩm: Sử dụng các loại tàn dư thực vật, cây phân xanh, rơm rạ mục tủ gốc, thường xuyên tưới và thoát nước kịp thời giữ đủ ẩm cho cây.

– Tưới phân nước bổ sung: Nếu đất xấu, có thể ngâm thêm nước phân chuồng, ốc hến, xác súc vật với lân super (5 kg trong 100 lít nước) trong 6 – 8 tháng đến khi hoai không còn mùi thối, pha loãng nước để tưới bổ sung vào các giai đoàn chính ở trên.

4/ Sử dụng phân bón qua lá

Dùng phân bón qua lá (theo chỉ dẫn trên bao bì) có thể kết hợp phun thuốc sâu hoặc thuốc phòng trừ bệnh.

Lần phun này có tác dụng cung cấp bổ sung một số nguyên tố đa vi lượng làm giảm rụng quả non, kích thích quả mau lớn.

5/ Chế độ tưới nước

– Từ tháng 3 – 5 (quả nhỏ): cần tưới ẩm nhằm hạn chế rụng quả (độ ẩm đạt 70 – 80 %).

– Trong thời kỳ này nếu mưa nhiều cần phải tiêu thoát nước kịp thời, không để ngập úng.

chăm sóc bưởi diễn sau thu hoạch

Chăm sóc cây bưởi Diễn sau thu hoạch tăng năng suất vụ sau

6/ Phòng trừ sâu bệnh

Trong vụ xuân mưa nhỏ, mưa phùn rải rác, ẩm độ không khí cao, ít ánh sáng nên các loại sâu bệnh hại thường phát triển mạnh và làm cho quả non bị hỏng. Các loại sâu bệnh thường gặp gồm:

– Sâu vẽ bùa: Sử dụng thuốc Polytrin 440 EC, pha 25 ml/10 lít nước hoặc Selecron 500 EC pha 25 ml/10 lít nước, phun phòng 1 – 2 lần trong mỗi đợt cây có lộc non, quả non và hiệu quả nhất lúc lộc non dài từ 1 – 2 cm, quả non có đường kính 2 – 3 cm, phun ướt hết mặt lá non, quả non.

– Rệp sáp: Rệp sáp gây hại bằng cách chích hút lá, cành, quả, cuống quả. Dùng Sherpa 25EC hoặc Trebon 10 EC pha với nồng độ 0,1 – 0,2%.

– Bệnh muội đen thân, cành, lá, quả: Thời gian xuất hiện từ tháng 2 – 10. Phun Boocdo 1% hoặc Sun-phát đồng 1% kết hợp với cắt tỉa cho thưa tán lá, cành.

– Bệnh loét, sẹo: Bệnh tấn công từ lúc quả còn nhỏ đến khi quả lớn, bệnh nặng làm rụng quả. Năm nào, mưa nhiều thời tiết nóng ẩm, bệnh phát triển mạnh thành dịch. Phòng trừ: sinh học: nano bạc đồng & nano đồng oxyclorua, hóa học có thể dùng Boocdo 1% (15 gram sunphat đồng + 20 gram vôi tôi/20 lít nước) hoặc Kocide 53.8 DF.

– Bệnh mốc sương: Để phòng bệnh mốc sương gây hại, dùng các loại thuốc đặc hiệu như: Ridomin gold 72WP; Aliette 80WG, phun lúc quả có kích thước bằng đầu ngón tay.

– Bệnh chảy gôm: Thời gian gây hại từ tháng 4, 5, 9, 10. Phun Aliette 0,3% lên thân, cành tuần 1 lần cho tới khi khỏi.

– Ngoài ra có thể dùng Basudin 10G để trị kiến, mối, bọ cánh cứng: Trộn tỷ lệ 1 thuốc + 10 cát rắc xung quanh gốc cây.

– Sâu đục thân, cành: Quét vôi vào gốc cây và thân cây, dùng xilanh bơm thuốc trực tiếp vào lỗ sâu đục bằng thuốc Sherpa 25EC

– Nhện đỏ: Khi quả có kích thước 2 – 3cm cần bắt buộc phun phòng trừ nhện đỏ gây hại. Chúng không những làm rụng quả mà còn gây nên hiện tượng nám quả ảnh hưởng đến màu sắc, hình dạng và độ lớn quả sau này.

Chú ý:

– Sử dụng thuốc theo hướng dẫn trên bao bì.

– Thường xuyên kiểm tra vườn cây, phát hiện sâu bệnh phòng trừ kịp thời.

– Sử dụng các loại thuốc BVTV sinh học, thuốc hoá học ít độc, không dùng thuốc cấm sử dụng.

PGS.TS MAI QUANG VINH

HLV.vn Tổng hợp

*Xem thêm

  • Cách chiết cành mít đầy đủ nhất cho người mới
  • Cách bón phân trùn quế hiệu quả cho cây sầu riêng
  • Hiệu quả bón phân trùn quế cho chuối Nam Mỹ

You may also like