Lan vanda mang vẻ đẹp đa dạng, lại dễ trồng và dễ chăm sóc, hiện được nhiều người yêu thích và trồng làm cảnh.
Nếu bạn đang tìm hiểu cách nhân giống, trồng và chăm sóc hoa lan vanda để hoa nở đẹp quanh năm thì đừng bỏ qua những thông tin dưới đây.
Tổng quan về hoa lan vanda
Lan vanda không phải là một loài, mà là một chi thực vật có tên khoa học là Vanda, thuộc họ Lan (Orchidaceae), cùng họ với các loại phong lan khác như hoàng thảo tam bảo sắc hay lan vũ nữ. Được trồng phổ biến ở các nước Đông Nam Á như Lào, Trung Quốc, Himalaya…
Sự đồ sộ của chi Vanda được thể hiện ở con số 45 loài trong tự nhiên và hơn 1000 loài lai tạo.
Lan vanda
Về đặc điểm, lan vanda là loài sống bám vào các thân cây cổ thụ, có thân đơn mọc thẳng. Dọc thân là các bẹ lá mọc đối xứng và xòe ra 2 bên như cánh quạt, các lá dày, dài khoảng 25cm, đầu nhọn, thân và lá đều có màu xanh thẫm.
Hoa vanda nở thành chùm với những bông hoa lớn, đài hoa to bằng với cánh hoa, có khi lớn hơn. Các cánh hoa mỏng, mỗi bông hoa có 3 cặp cánh xếp đối xứng nhau, mỗi khi nở có thể duy trì tới 8 tuần mới tàn.
Hoa lan vanda to và nhiều màu sắc
Các loại lan vanda phổ biến hiện nay
Lan vanda về cơ bản được chia làm 3 loại là loại lá dẹp (strap-shaped leaves), loại lá tròn (cylindrical or terete leaves), và loại lá nửa tròn nửa dẹp (semi-terete leaves).
Hiện nay, tại Việt Nam phổ biến nhất là 5 loại lan vanda, bao gồm vanda lilacina, vanda liouvillei, vanda denisonaliana, vanda concolor và vanda pumila, chủ yếu được trồng ở những nơi có khí hậu mát mẻ, trong đó loài vanda denisonaliana được ưa chuộng hơn cả bởi vẻ đẹp đa dạng và lâu tàn.
Ý nghĩa hoa hoa lan vanda
Mang trong mình vẻ đẹp đa dạng, nhiều màu sắc và cuốn hút, hoa lan vanda tượng trưng cho vẻ đẹp sang trọng, quý phái nhưng vẫn mang nét tự nhiên.
Trong tình cảm, lan vanda mang đại diện cho tình yêu, sắc đẹp, sự thanh khiết, thấu hiểu…
Đặc biệt, vanda xanh lại là biểu tượng cho tuổi trẻ, sức sống, hoài bão mãnh liệt.
Công dụng của hoa hoa lan vanda
Mang vẻ đẹp nổi bật và đa dạng, hoa lan vanda được nhiều người ưa chuộng và trồng làm cây cảnh sân vườn, chủ yếu trang trí ở hiên nhà, dưới tán cây lớn hay treo dưới giàn leo sân vườn.
Bạn cũng có thể treo một vài chậu lan vanda ở cửa sổ, giếng trời hay ban công như một cây nội thất.
Lan vanda được trồng như một loại cây cảnh sân vườn
Cách nhân giống và trồng lan vanda
Các bước nhân giống và trồng lan vanda không phải dễ, tuy nhiên nếu chú ý một chút và làm đầy đủ theo các bước thì ai cũng có thể làm được. Dưới đây là quy trình cơ bản cho bạn.
Chuẩn bị giá thể
Là một cây phụ sinh bám trên thân cây khác, lan vanda có thể sinh trưởng tốt mà không cần giá thể, chỉ cần đảm bảo nước và dinh dưỡng cho cây.
Tuy vậy, để tạo môi trường sống phù hợp nhất thì bạn nên chuẩn bị giá thể cho cây. Nên chọn các nguyên liệu đơn giản như than củi, vỏ dừa, xơ dừa, đảm bảo sự thông thoáng cần thiết.
Chậu trồng
Vì lan vanda cần sự thông thoáng nên bạn hãy ưu tiên chậu gỗ hoặc giỏ để trồng lan. Dọc thân và đáy chậu phải có lỗ thoát nước, phía trên có móc để treo chậu cũng như cố định mầm cây khi mới trồng.
Nhân giống
Tùy vào nhu cầu về màu sắc và chủng loại mà bạn có thể chọn cây mẹ trong tự nhiên hay đã trải qua lai tạo.
Sau khi chọn được cây mẹ to khỏe, ta bắt đầu quá trình nhân giống.
Ưu điểm của lan vanda là có thể ra rễ mới từ các mắt trên thân cây. Do đó khi cây đã phát triển đủ cao, bạn cắt ngắn đi chỉ chừa lại phần ngọn khoảng 3 mắt rễ để cây tiếp tục phát triển.
Phần gốc bạn để nơi thoáng mát, vẫn tưới nước đều đặn tới khi gốc ra nhánh mới thì mang đi trồng.
Cách trồng lan vanda
Đầu tiên, bạn cắt giá thể thành từng khúc khoảng 2 – 3cm, sau đó ngâm vào dung dịch sát khuẩn bao gồm: thuốc sát trùng (Physan 20), thuốc kích rễ (vitamin B1), phân bón (20 – 20 – 20). Liều lượng pha cụ thể ½ muỗng cafe Physan 20 : 1 muỗng vitamin B1 : 1 muỗng phân bón 20 – 20 – 20 hòa vào 4 lít nước sạch, ngâm trong vòng 3 – 5 ngày để loại bỏ tạp chất và cấp thêm dinh dưỡng cho giá thể.
Đặt giá thể đã qua xử lý vào chậu trước, cách miệng chậu tầm 2 – 3cm sau đó đặt cây giống lên trên, dùng dây cố định thân thẳng. Tưới đẫm nước ở lần đầu tiên, sau đó cứ thấy giá thể khô thì tưới thêm để duy trì độ ẩm, sau 1 tuần là cây sẽ bén rễ và tiếp tục sinh trưởng.
Trồng lan vanda
Cách chăm sóc lan vanda
Lan vanda có khả năng sinh trưởng nhanh, thích nghi tốt nên quá trình chăm sóc không có gì quá phức tạp. Dưới đây là một chút kinh nghiệm để bạn có những chậu lan vanda nở hoa to và đẹp.
Tưới nước
Lan vanda là loài ưa ẩm nhưng không chịu được ngập úng, do đó lượng nước tưới cần phải phù hợp. Vào những ngày mát mẻ, bạn có thể tưới 2 ngày một lần, nếu thời tiết nắng nóng thì tăng tần suất lên 1 ngày 1 lần, thậm chí 2 lần/ngày, vào mùa đông thì thời tiết lạnh thì không cần tưới.
Thời điểm tưới tốt nhất là vào sáng sớm hoặc chiều muộn, tránh tưới khi nắng gắt. Không tưới quá nhiều mỗi lần bởi nếu chậu không thoát nước tốt có thể gây ngập úng.
Ánh sáng
Là một loài sống phụ sinh dưới tán của cây cổ thụ, lan vanda có nhu cầu ánh sáng nhẹ, độ phủ sáng khoảng 60% là phù hợp nhất. Bạn nên treo lan ở dưới ban công, dưới tán cây lớn trong sân vườn hoặc tạo giàn che để treo hoa.
Vào thời điểm cây sắp ra hoa thì sẽ cần nhiều ánh sáng hơn, bạn nên mang hoa ra những nơi có nhiều ánh sáng và thoáng đãng hơn một chút.
Dinh dưỡng
Không có mùa nghỉ như lan Cattleya, lan vanda có thể sinh trưởng quanh năm. Bởi vậy mà bạn cần thường xuyên cung cấp thêm dinh dưỡng cho cây bằng cách bón phân.
Có thể sử dụng phân bón 20 – 20 – 20 với liều lượng ½ muỗng phân bón hòa trong 4 lít nước sạch, phun xịt lên cây, tưới đều đặn mỗi tuần 1 lần.
Thay chậu
Khoảng 2 năm một lần, khi cây phát triển quá lớn và không còn phù hợp với kích thước của chậu thì chúng ta cần tiến hành thay chậu.
Trước khi thay chậu cần nhúng phần rễ vào nước khoảng 30 phút cho chúng mềm ra, sau đó cắt bỏ các rễ hư thối, đặt vào chậu mới, cố định lại.
Chú ý nên xử lý giá thể trước khi trồng. Sau khi thay chậu khoảng 3 tháng tiến hành kích thích rễ bằng dung dịch N3M hoặc ANA với nồng độ 1/1.000.000, rễ sẽ phát triển rất nhanh.
Cắt tỉa và thay chậu khi cây quá lớn
Phòng trừ sâu bệnh
Lan vanda thường gặp một số bệnh liên quan tới sâu rệp và thối đọt, bạn nên phòng bệnh bằng cách phun thuốc ngăn ngừa nấm bệnh như Topsil, Zineb với nồng độ 1/400, định kỳ 15 – 20 ngày phun phòng một lần.
Nếu cây không may bị sâu rệp tấn công thì bạn có thể loại bỏ bằng tay. Nếu bị thối đọt, bạn cần cắt bỏ phần đọt bị thối, sau đó bôi vôi hoặc vaseline lên vết cắt.
Trên đây là những thông tin về lan vanda, một loài hoa không chỉ đẹp mà còn ý nghĩa và nhiều công dụng. Hãy trang trí sân vườn nhà bằng một vài chậu hoa tuyệt đẹp này nhé.