Lan Hồ Điệp được mệnh danh là nữ hoàng của loài hoa lan vì sự đa dạng về chủng loại, kích thước và màu sắc. Hiện nay trên thị trường hoa lan thì cái tên Hồ Điệp được người yêu lan săn đón nhất. Cùng Đặng Gia Trang phân biệt các loại lan Hồ Điệp cực hot hiện nay nhé!
1/ Tổng quan về hoa lan hồ điệp
Lan Hồ Điệp có tên khoa học là Phalaenopsis sp, là loại lan có hoa lớn, đẹp, bền. Lan Hồ Điệp có xuất xứ là loại phong lan từ các nước Đông Nam Á, trên dãy núi Himalaya và các vùng núi thuộc Philippines. Sau này được phát triển và lai tạo tại các phòng nuôi cấy mô nên ngày càng có nhiều màu sắc và kích thước khác nhau.
Giống lan Hồ Điệp có khoảng 70 loài trong đó 44 chủng loại, Việt Nam có tầm 7- 8 giống nguyên chủng. Vào năm 1750 G.E. Rumphius đã tìm ra cây Hồ Điệp nhưng lầm tưởng là một loại Angraecum và sau này Carl Blume mới tìm ra cây Phalaenopsis amabilis vào năm 1825. Giống lan Hồ Điệp được thiết lập bởi nhà thực vật học người Hà Lan Ludwig Blume năm 1825. Và được Hugh Cuming giới thiệu vào châu Âu năm 1837.
Lan Hồ điệp là một loại lan thân đơn, ngắn, lá to và cứng, rễ dài. Những cây nguyên giống thường nở hoa vào mùa đông xuân, các cây lai giống hoa nở quanh năm. Nếu nuôi đúng cách lan hồ điệp có thể sống rất lâu. Có cây sống được trên 18 năm sau đó ra hoa ở ngọn rồi mới chết.
2/ Các loại hoa lan Hồ Điệp tại Việt Nam
Giống lan Hồ Điệp có rất nhiều chủng loại từ những loại đang thịnh hành trên thị trường đến những loại lan rừng cực hiếm.
2.1 Phân loại dựa vào màu sắc
2.1.1 Giống hoa lan Hồ Điệp màu đỏ
Có một số giống lan Hồ Điệp màu đỏ có nguồn gốc từ Phal. schilleriana tự phát triển ra, hầu như các giống có hoa nhiều, màu đẹp đều có sự tham gia của nguồn gen Dtps. Nhiều nước ở châu Á thích hoa màu đỏ đậm tuy nhiên ở các nước khác thì màu đỏ đậm hay tím sẫm không được ưa chuộng.
2.1.2 Giống hoa lan Hồ Điệp màu tím đỏ
Giống hoa lan Hồ Điệp màu tím đỏ có huyết thống của Dtps. Li Wan Quan của Đài Loan đã tạo ra giống Dtps. Hinacity Glow (Dtps. Coral Gleam x Phal. Herbert hager) có hoa to, đầy đặn, nhiều nụ, đường kính bông hoa 9 – 10cm. Giống lan này kháng bệnh, chịu lạnh tốt và là giống thường được ưa chuộng.
2.1.3 Giống hoa lan Hồ Điệp màu trắng
Loài gốc của giống hoa lan Hồ Điệp hoa trắng gồm có 3 loài: Phal. amabilis, Phal. aphrodite, Phal. amabitis var. formosana. Loài Phal. amabilis có các thể lưỡng bội và lục bội thể.
Người Nhật đặc biệt thích lan hoa trắng. Hiện nay đại đa số các giống hoa Lan Hồ Điệp màu trắng đều có xuất xứ hay được lai tạo tại Nhật Bản. Các giống hoa lan trắng ưu tú gồm có: Phal. Chiftain, Phal. Teseph Hanpon, Phal. San Marino, Phal. Barbara Kirch v.v…
Giống Phal. Mount Kaala, đường kính hoa này có thể đạt 14cm, hoa rất đầy đặn, sắp xếp có trật tự dùng để lai tạo nên các giống lan khác và đều cho kết quả tốt, là nguyên liệu để lai tạo nên giống đốm Phal. Paifay’s Queen nổi tiếng.
2.1.4 Giống hoa lan Hồ Điệp màu phấn hồng
Giống hoa lan Hồ Điệp màu phấn hồng Dtps. Happy Valentine (do Phal. Oiochime x Dtps. Odoriko) là một trong những giống bố mẹ dùng để lai tạo ra lan dòng lan hồ điệp màu hồng và được nhân ở Nhật Bản.
Sau khi nhập nội vào Đài Loan (1980) đã tạo nên phong trào trồng hoa lan mang sắc hồng. Hoa màu phấn hồng, cánh hoa lớn, cánh môi hồng đậm, hoa nở ra đầy đặn và hoàn chỉnh.
Có một số giống tâm hoa có màu trắng, toàn bông hoa có dạng hình tam giác, cánh hoa tạo cảm giác xếp lớp. Sau khi nhập nội vào Đài Loan (1980) đã tạo nên phong trào trồng hoa lan.
Giống Dtps. Modern beauty (do Phal. Abenchat x Dtps. Happy Valentine) thường cánh hoa sẽ đầy đặn, dày, không có tâm trắng, đường kính hoa 10 – 11 cm.
2.1.5 Giống lan Hồ Điệp vàng
Các giống Lan Hồ Điệp vàng đều có nguồn gốc lai tạo từ Phal. mannii. Vì giống Phal. mannii là giống hoa nhỏ, nên để có được các giống màu vàng có hoa to hơn, người ta thường lai với giống hoa trắng (loài gốc hay giống lai). Trình độ lai tạo giống hoa vàng ở Đài Loan đứng hàng đầu, việc tạo được triển khai nhiều thông qua nhập nội, thuần hoá giống và không ngừng lai tạo.
Cụ thể là giống Phal. Golden Louis F1, thời kỳ đầu màu và hình dạng của giống này chưa như mong muốn. Cho đến khi vườn lan Fields của Mỹ đã lai tạo ra giống hoa màu vàng mang tên Kim Địa Vương đầu tiên. Giống này có lá to, màu xanh đậm, toàn bộ bông hoa có màu vàng rực rỡ với đường kính 11 cm.
2.1.6 Giống lan Hồ Điệp sọc
Giống Lan Hồ Điệp sọc có các loại như: Sọc nền trắng, sọc nền vàng, sọc nền đỏ… Giống bố mẹ nổi tiếng của hoa sọc nền trắng có: Phal. Eli Frced, Phal. Freeds Danseuse, Phal. Freed’s Shenk, Phal. Chiali Stripe, Phal. Cindy Danseuse, Phal. Chiali Freed, Phal. Chiali Danseuse, Phal. Leopard Rose “Princess”…, các cây lai đều có những biểu hiện khá tốt, đại diện cho dòng hoa lan sọc của Đài Loan.
2.1.7 Giống lan Hồ Điệp đốm
Giống lan Hồ Điệp đốm có huyết thống với loài Phal. lueddemanniana. Năm 1975, Qien Rui Fang đã dùng giống lan trắng Phal. Mount Kaala lai với Phal. lueddemanniana tạo nên giống Phal. Paifang’s Queen trở thành giống hoa đốm nổi tiếng. Giống lan này có cánh hoa mềm, màu trắng có nhiều đốm đỏ to nhỏ khác nhau, cánh môi màu đỏ thắm và đường kính hoa khoảng 8 – 10 cm.
Giống Phal. Paifang’s Queen “Boother” có đường kính bông hoa 8cm, cánh hoa trắng có nhiều đốm đỏ, diềm cánh màu trắng, cánh hoa rất dày dùng phổ biến để lai tạo ra các giống lan đốm đỏ có chất lượng cao hơn. Cho đến nay đã lai tạo được trên 66 giống từ nguồn gốc trên.
Ngoài ra còn có giống ưu tú Phal. Sogo Pony là giống bố mẹ có giá trị. Năm 1964, giống bố mẹ nổi tiếng khác do vườn Pields của Mỹ tạo ra có tên Phal. Golden Sand’s (Phal. Fenton Davis Avant x Phal. Ieuddemanniana).
2.2 Phân loại dựa vào kích thước hoa
2.2.1 Giống lan hồ điệp hoa lớn
Đây là loại lan Hồ Điệp cho hoa to, lá dài, to bản và đường kính hoa > 10cm.
2.2.2 Giống lan hồ điệp hoa trung bình
Nếu không thích những bông hoa Hồ Điệp quá to hay loại Hồ Điệp mini bạn vẫn có thể lựa chọn giống lan Hồ Điệp cỡ vừa đường kính hoa khoảng 7,5 – 10cm.
2.2.3 Giống lan hồ điệp hoa nhỏ
Các giống lan Hồ Điệp hoa nhỏ có hoa xinh xắn với đường kính < 7,5 cm.
2.3 Các giống lan Hồ Điệp khác
2.3.1 Lan Hồ Điệp rừng
Hoa Lan hồ điệp rừng hay còn gọi là tiểu hồ điệp mọc tự nhiên ở rừng. Về hình dáng kích thước thân, cành, lá của cây đều nhỏ hơn và màu sắc của hoa không đa dạng bằng loại hồ điệp công nghiệp.
Giống Lan Hồ Điệp rừng trong tự nhiên ngày càng quý bởi loài hoa này trong tự nhiên vốn đã ít, nay càng hiếm hơn bởi tác động của yếu tố con người can thiệp vào môi trường sống của chúng. Giống Lan Hồ Điệp rừng ngày nay đã được thuần hóa và trở nên phổ biến như loài hoa thương phẩm hàng đầu.
2.3.2 Lan Hồ Điệp mini
Giống Lan Hồ Điệp Mini là loại lan rừng có kích thước nhỏ phổ biến nhất tại Việt Nam hiện nay. Đặc điểm là có nhiều cành hoa nhỏ với chiều dài tối đa 30 – 40cm, đường kính hoa lớn nhất là 7,5cm, thế cây và sự phân bố hoa trên cành hết sức chặt chẽ. Loại hoa này ban đầu không được chú ý nhiều, nhưng 20 năm trở lại đây thì phát triển tương đối nhanh.
2.3.3 Lan Hồ Điệp công nghiệp
Khác với dòng lan hồ điệp rừng, lan hồ điệp công nghiệp là loại lan công nghiệp rất khó trồng và chăm sóc. Bản thân cây được sinh ra trong phòng cấy mô, được đảm bảo rất nghiêm ngặt về môi trường, nhiệt độ và độ ẩm.
Đặc điểm là cây đơn thân, lá to, hoa to, có nhiều màu sắc ( tính đến nay đã có khoảng hơn 30 màu sắc khác nhau như: trắng v3, tím, vàng hoàng hậu, vàng công chúa, vàng kim cương, má hồng, trắng chấm tím, vàng táo……
Điểm đặc biệt của lan công nghiệp chính là lúc hoa nở rộ đúng vào dịp tết nguyên đán nên được rất nhiều người lựa chọn làm món quà độc đáo để trang trí hoặc biếu, tặng cho những người thân yêu.
Các loại lan hồ điệp hiện nay
3/ Những điều bạn nên biết khi chăm sóc lan Hồ Điệp
3.1 Ánh sáng, nhiệt độ và độ ẩm cho lan Hồ Điệp
Điều kiện ánh sáng hợp lý nhất cho lan hồ điệp phát triển là ánh sáng mặt trời lúc sáng sớm hoặc chiều muộn. Nhiệt độ lý tưởng nhất cho lan Hồ Điệp vào ban ngày từ 18 – 25 độ và ban đêm từ 13 – 18 độ, yêu cầu độ ẩm từ 50 – 80%.
Lan hồ điệp rất cần nhiều ánh sáng để phát triển tốt nhất. Khi trưng bày, nên để chậu lan ở những nơi có nhiều ánh sáng như: gần cửa sổ, phòng khách có đèn chiếu sáng nhân tạo. Đặc biệt lưu ý, không được để chậu lan hồ điệp dưới ánh nắng trực tiếp vì sẽ khiến cây bị vàng lá, cháy thân và hoa nhanh tàn.
3.2 Nước tưới và phân bón cho lan Hồ Điệp
Đây là yếu tố cực kỳ quan trọng để lan hồ điệp phát triển một cách tốt nhất. Cây sẽ có nhu cầu nước khác nhau tùy vào từng mùa, do vậy mà lượng nước cũng cần phải xem xét cho phù hợp. Luôn phải để giá thể trồng lan hồ điệp ẩm nhưng không quá ẩm vì dễ phát sinh các bệnh nấm mốc. Nước tưới cũng không nên quá lạnh vì dễ làm rụng nụ hoa.
Trong thời gian chăm sóc lan Hồ Điệp phân bón nên được sử dụng thường xuyên hơn vào mùa hè, khi cây đang trong giai đoạn tăng trưởng. Sử dụng những loại phân bón có công thức NPK 14-14-14, 20-20-20,… hoặc sử dụng phân trùn quế viên nén HLV dành cho lan và cây kiểng để bón cho cây. Cây đang ra hoa thì sử dụng phân có hàm lượng photpho cao hơn (NPK 10-30-20) để cho hoa to, màu đẹp và lâu tàn. Trong suốt mùa đông cần giảm lượng phân bón, chỉ bón 1 lần/tháng. Chú ý là luôn tưới nước cho cây đầy đủ trước khi bón phân và tránh bón lên cây lá làm cho chậu lan bị cháy lá.
3.3 Tạo sự thông thoáng cho lan Hồ Điệp
So với các loài lan khác, sự thông gió ở lan hồ điệp là việc làm tối cần thiết. Đây là một yếu tố rất quan trọng trong việc phòng ngừa các bệnh thối rữa và nhiều loại nấm thường gặp ở loài lan này. Sự thông gió càng lớn cây càng ít bệnh vì nó giúp cây mau khô sau khi tưới. Tuy nhiên, sự thông gió quá mạnh cũng sẽ dễ làm cho cây mất nước. Do đó, cần chú ý điều chỉnh độ thoáng gió vừa phải, giữ cho lá của lan hồ điệp luôn khô ráo là ổn, việc này phụ thuộc vào vị trí đặt chậu lan hồ điệp và không gian quanh chậu.
3.4 Trừ sâu bệnh cho hoa lan Hồ Điệp
Trong thời gian trồng và chăm sóc lan Hồ Điệp, cần chú ý những sâu bệnh sau đây gây hại trên cây:
3.4.1 Sâu hại
Dán cánh và bọ trĩ
– Biểu hiện: Cắn phá rễ, và chỉ xuất hiện trong các giá thể cấu tạo bằng xơ dừa, vỏ cây mục, dớn vụn hoặc do sử dụng quá nhiều các loại phân hữu cơ dưới dạng xác như bánh dầu, phân bò vv…
– Biện pháp: Có thể trừ chúng dễ dàng bằng các thuốc sát trùng. Tốt hơn hết là ngừa chúng theo chu kỳ 2 tháng /lần, bằng các loại thuốc nói trên.
Ốc sên
– Biểu hiện: Ăn hết rễ non mà còn tiết ra chất nhờn làm thối các chồi mới mọc, thường xuất hiện ở những nơi ẩm ướt.
– Biện pháp: Loại trừ các loài này bằng các mồi có trộn metandehit hay cải xà lách đặt trong rổ để ở các góc vườn các loài ốc sẽ ăn xà lách ban đêm, ta dùng đèn bắt chúng.
Rệp son (Scale insects)
– Biểu hiện: Bám vào lá, giả hành và ngay cả trên căn hành để hút nhựa. Nguy hiểm hơn là các loài này sẽ bám vào những mắt ngủ hút nhựa làm cho các mắt ngủ bị chết đi.
– Biện pháp: Phòng trừ bằng cách tiêu diệt bằng tay, dùng các thuốc mạnh như Regent, Lannate, polytrin,… theo nồng độ khuyến cáo.
Nhện đỏ (red spider mites)
– Biểu hiện: Xuất hiện nhiều vào mùa khô, ít hơn vào mùa mưa. Sống ẩn nấp dưới lá già thành từng đám, nơi nhện ẩn nấp lá biến thành những chấm trắng nhỏ sau đó nối với nhau biến thành màu đen và héo tàn.
– Biện pháp: Phải dùng thuốc thường xuyên và liên tục để diệt cả con già và con đẻ trứng, các thuốc thường dùng để phòng trừ nhện đỏ là: Comite, Nissorun … dùng theo liều lượng khuyến cáo trên bao bì và thời gian xịt tốt nhất vào lúc 8-9 giờ sáng khi có nắng thì hiệu quả tiêu diệt cao.
Rầy bông (Mealy bugs)
– Biểu hiện: Trong phân của rệp bột này để nhử kiến đến và tha trứng đi khắp nơi và là nguồn thức ăn của nấm bồ hóng (Sacty molds). Nấm này không làm hại đến cây, trên lá những nơi có nấm mọc thì không nhận được ánh sáng để quang hợp. Khi rệp bột hút nhựa cây lan, chúng thường tiết ra một số chất độc làm cho cây lan ngừng phát triển, xung quanh chỗ nấm mọc có màu vàng và lá sẽ khô héo.
– Biện pháp: Rệp bột được trị bằng các loại thuốc sâu, rệp nhưng phải pha cùng với chất dính để phun mới có hiệu quả.
3.4.2 Bệnh hại
Bệnh thối đen (Black root) hại hoa lan Cattleya
Tác nhân gây bệnh: Do nấm Phytophthora palmivora, Phytophthora cactorum, Shroet. Theo tài liệu của Hội hoa lan Hoa Kỳ còn có thêm tác hại của nấm Pythium ultimum, Trow. cùng có một lúc hoặc riêng lẻ.
Nguyên nhân: Thường gặp vào mùa mưa ở những vườn có độ ẩm cao hoặc tưới nước quá nhiều. Việc bón phân chưa hòa tan hết khi tưới sẽ làm nấm bệnh dễ gây hại cho cây. Trong mùa mưa hoặc mùa lạnh tưới phân hàm lượng đạm cao.
Triệu chứng: Bệnh này thường xuất hiện ở gốc và rễ sau đó lan dần lên thân cây. Ban đầu phát sinh ở chồi non làm chồi non thối và có màu nâu. Khi cầm vào thì rời khỏi thân dễ dàng, mềm nhũn và đầy nước. Chúng sẽ khô dần và chết ngay trên chậu, cây bị bệnh sẽ lan nhanh cho cây khác.
Biện pháp phòng trị: Ở cây con thường dễ bị bệnh hơn, nên tách cây bị bệnh ra riêng và sử dụng thuốc ngừa cho những cây còn lại bằng cách phun hay nhúng cả cây vào dung dịch thuốc nấm. Ở cây lớn thì cắt bỏ phần bị thối, nếu thối đọt thì rút bỏ đọt và phun thuốc nấm vào. Các thuốc diệt nấm có thể sử dụng là: Kasumin, TopsinM, CuzateM8, Score, super Tilt… theo nồng độ khuyến cáo trên bao bì.
Bệnh khô lá (Leaf blight)
Tác nhân gây bệnh: Do nấm thuộc giống Phylostica. Thường phát triển do bào tử và phát tán trong không khí nhờ gió.
Triệu chứng: Bệnh này thường gặp nhiều như bệnh đốm vòng. Hai bệnh này thường phát sinh cùng một lúc nên bệnh này càng trầm trọng hơn. Lúc đầu bệnh làm cho lá bị khô và biến thành màu nâu nhạt. Thường khởi đầu bằng một chấm đen ở trên lá. Có thể từ đầu lá khô dần vào hay từ gốc lá lan nhanh lên rồi khô hết cả lá.
Biện pháp phòng trị: Phun thuốc Score hay Super Tilt, phun 5 ngày/lần cho đến khi cây hoa lan cattleya hết bệnh.
Bệnh thối rễ (Wilt)
Đây là một trong những loại bệnh khá phổ biến trên lan hồ điệp.
Triệu chứng: Trên cây nhỏ, lá úa vàng từ dưới lên, rễ khô dần và sau đó gây chết cây. Trên cây lớn đã phát triển tốt, rễ bị khô mục, cây tuy không chết nhưng sẽ chậm phát triển, càng ngày càng yếu.
Tác nhân gây bệnh: Nấm Sclerotium rolfsii chính là loài gây nên bệnh này, thường xuất hiện khi điều kiện nhiệt độ và độ ẩm cao. Nấm này có khả năng lây lan rất nhanh, nếu không kịp thời chữa trị thì sẽ làm chết cả vườn.
Biện pháp phòng trừ: Có thể dùng các loại thuốc đặc trị như Anvil, Sumi eight …phun vào phần gốc rễ định kỳ 2 lần/tuần khi bắt đầu chớm bệnh.
Bệnh thối mềm (Soft rot)
Triệu chứng: Những ngày đầu mắc bệnh, trên ngọn lá hồ điệp sẽ xuất hiện vết bầm, sau đó lan nhanh và chuyển sang màu nâu như bị nấu chín, sờ tay sẽ có cảm giác dính, sau đó sẽ bị thối hết cả chồi.
Tác nhân gây bệnh: Erwinia Carotovora là loại vi khuẩn gây nên bệnh này. Khuẩn thường xuất hiện tại các nơi có độ ẩm cao, lây lan nhanh và mạnh hơn vào mùa mưa. Khi cây có sẵn các vết thương do sâu bọ cắn thì sẽ càng dễ bị mắc bệnh hơn. Sau khoảng 2 – 3 ngày nhiễm là cây có nguy cơ bị chết.
Biện pháp phòng trừ: Tiến hành cắt phần ngọn lá bị thối, sau đó ngâm cả cây vào dung dịch Kasumin (5 gram pha với 1 lít nước) trong vòng 10 phút, hoặc cũng có thể ngâm với Agrimycin hay dung dịch thuốc tím (1 gram pha với 10 lít nước). Sau khi phun thuốc thì nên ngưng tưới nước từ 2 – 3 ngày. Nếu cây bị bệnh nặng thì nên lấy cây ra khỏi chậu để ngâm, sau đó thay hẳn chậu mới.
Bệnh thối nâu (Brown rot)
Triệu chứng: Cây xuất hiện những chấm màu xanh đậm trên phiến lá và lan rộng rất nhanh, sau đó chuyển sang màu nâu hoặc đen, mềm nhũn, mọng nước.
Tác nhân gây bệnh: Do vi khuẩn Phytomonas gây ra và tác động của sự tổn thương cơ học trong mùa mưa.
Biện pháp phòng trừ: Cần hạn chế các tổn thương cơ học bằng cách che chắn khi mưa tới, không để vườn quá ẩm. Dùng kháng sinh trong nông nghiệp như Agrimycin phun cho cả vườn và ngưng tưới nước 2-3 ngày, hoặc bạn cũng có thể phun dung dịch đã pha bao gồm 1 gram Strep – tomycin + 2 viên Tetracylin 500 hoà tan vào 1,5 lít nước.
Trên đây là tổng hợp các giống lan Hồ Điệp được ưa chuộng nhất hiện nay và cách chăm sóc cơ bản. Mọi chi tiết thắc mắc liên hệ Hotline 0902.652.099 nhé!
HLV.vn
*Xem thêm:
- Tất tần tật về các loại lan phi điệp hiện nay
- Cách nhận biết và trồng lan hoàng lạp cực đơn giản
- Công dụng, cách trồng và chăm sóc lan thạch hộc
- Những điều cần biết về lan trầm trắng không thể bỏ qua