Home Kiến thức cơ bảnGiốngCây cảnh Các loại cây phát tài – Ý nghĩa, công dụng và cách chăm sóc

Các loại cây phát tài – Ý nghĩa, công dụng và cách chăm sóc

by Học Làm Vườn

Cây phát tài là tên gọi chung của một nhóm cây cảnh, thường có hình dáng khá giống nhau và đặc biệt là có chung ý nghĩa trong phong thủy.

Các loại hoa đào – ý nghĩa, cách trồng và chăm sóc ngày Tết

Dưới đây, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu những loại cây phát tài phổ biến hiện nay cũng như ý nghĩa và cách chăm sóc chúng sao cho hiệu quả nhé.

Các loại phát tài phổ biến hiện nay

Như đã thông tin, có nhiều loại cây phát tài khác nhau, nhưng đa số những loại này đều có khả năng thích nghi và sinh trưởng khá giống nhau. Cùng điểm qua một vài loại cây phát tài được yêu thích nhé.

Cây phát tài phát lộc

Cây phát tài phát lộc hay cây phát lộc có tên khoa học là Dracaena Sanderiana, thuộc họ Măng tây (Asparagaceae).

Cây phát tài phát lộcCây phát tài phát lộc

Là loài thân cỏ, cây phát tài phát lộc khá mềm mại, dễ dàng uốn nắn tạo dạng theo ý thích. Thân cây được chia làm nhiều đốt, tại các đót mọc ra nhiều chồi lá màu xanh đẹp mắt.

Với hình dáng nhỏ gọn, xanh tốt, cây được ưa chuộng để trồng trong chậu, đặt trong phòng khách hay bàn làm việc, bàn học… tạo vẻ đẹp cho không gian sống.

Không chỉ có tác dụng trang trí, cây phát tài phát lộc còn được biết đến với khả năng thanh lọc không khí, làm sạch bụi bẩn, giúp bảo vệ sức khỏe.

Đối với phong thủy, cây phát tài phát lộc phù hợp với đầy đủ các yếu tố Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ, mang lại nguồn năng lượng phong thủy phong phú.

Chỉ riêng số lượng cây được trồng trong chậu cũng mang ý nghĩa khác nhau, ví dụ như:

2 cây: mang lại sự ổn định, bền vững trong tình yêu và hôn nhân.3 cây: giúp cải thiện tinh thần, cho bạn và gia đình luôn cảm thấy hạnh phúc.5 cây: mang tới sức khoẻ dồi dào, tượng trưng cho sự trường thọ.8 cây: thích hợp cho những người đang tập trung kinh doanh, giúp công việc thuận lợi, tiền bạc dư giả.9 cây: tượng trưng cho sự may mắn, vượng khí, mang về tài lộc dồi dào.

Cây phát tài núi

Cây phát tài núi có tên khoa học là Dracaena draco, thuộc họ Bồng Bồng (Dracaenaceae).

Cây phát tài núiCây phát tài núi

Phát tài núi là loài thân gỗ có kích thước trung bình, hình dáng khá giống cây cọ. Lá cây tập trung nhiều ở ngọn, có màu xanh thẫm, thuôn dài nhọn ở đầu, thân cây chắc khỏe, chia làm nhiều nhánh.

Hoa phát tài núi có màu vàng nhạt, khá nhỏ và nở thành chùm. Quả có hình cầu nhỏ, màu cam bắt mắt.

Có dáng vẻ vừa phải, phát tài núi thích hợp làm cây cảnh nội thất, giúp gia chủ thu hút tài lộc, may mắn. Ngoài ra, cây còn có khả năng loại bỏ bụi bẩn, thanh lọc không khí.

Trong phong thủy, phát tài núi phù hợp với nhiều mệnh, trong đó người mệnh thủy là phù hợp nhất để trồng loại cây này.

Cây phát tài búp sen

Cây phát tài búp sen có tên khoa học là Dracaena deremensis, thuộc chi Huyết giác (Dracaena), họ Tóc tiên (Ruscaceae).

Cây phát tài búp senCây phát tài búp sen

Với kích thước nhỏ, mọc thành bụi cao từ 5 – 10cm, phát tài núi thích hợp để làm cây cảnh để bàn. Lá cây mọc trực tiếp từ thân, thuôn dài và có màu xanh đậm, các bẹ lá mọc sen kẽ như những búp sen sắp nở.

Với khả năng sống tốt trong môi trường thủy sinh, việc trang trí, trưng bày phát tài búp sen cũng trở nên đa dạng hơn.

Về ý nghĩa, phát tài búp sen mang lại cho gia chủ nhiều may mắn, tài lộc.

Cây phù hợp với hầu hết mọi tuổi, trong đó những người thuộc mệnh kim và mộc là phù hợp nhất.

Cây kim tiền

Cây kim tiền hay kim phát tài có tên khoa học là Zamioculcas zamiifolia thuộc chi Zamioculcas, họ Ráy.

Cây kim tiềnCây kim tiền

Là cây mọc theo bụi, kích thước nhỏ, mỗi bụi cây gồm nhiều thân mọc vươn lên thẳng đứng, cây không phân nhánh mà thay vào đó lá sẽ mọc trực tiếp trên thân.

Lá cây có màu xanh thẫm, hình bầu dục, bề mặt hơi bóng, mọc đối xứng nhau rất đẹp mắt.

Không chỉ vậy, cây còn có bộ rễ chùm trắng đẹp, rất thích hợp để trồng trong chậu thủy sinh.

Trong phong thủy, cây kim tiền được biết đến là loài cây phù hợp với những người thuộc mệnh mộc hay hỏa, giúp gia chủ gặp nhiều may mắn, tài lộc trong cuộc sống, công việc.

Cây thiết mộc lan

Cây thiết mộc lan có tên khoa học là Dracaena fragrans, thuộc họ Dracaenaceae.

Cây thiết mộc lanCây thiết mộc lan

Đây là loài thân gỗ có kích thước trung bình, trong tự nhiên có thể cao lên tới 4 – 5m. Với khả năng sống trong điều kiện thiếu sáng, cây thiết mộc lan phù hợp để trồng cảnh nội thất.

Tương tự như cây phát tài núi, thiết mộc lan cũng có phần thân thẳng, lá thuôn dài nhọn ở đầu và tập trung nhiều ở phần ngọn.

Thiết mộc lan được biết đến là loài cây có thể phù hợp với hầu hết các mệnh, do đó ai cũng có thể trồng cây này để trang trí trong nhà nhằm thu hút may mắn.

Ý nghĩa của cây phát tài trong phong thủy

Giống như cái tên của mình, cây phát tài có ý nghĩa mang lại cho gia chủ nhiều may mắn, tài lộc.

Người ta cho rằng trồng cây phát tài trong khuôn viên nhà, đặt trong phòng làm việc hay trang trí nội thất có thể giúp bạn và người thân trong gia đình gặp nhiều thuận lợi trong công việc và cuộc sống.

Cây phát tài có ý nghĩa mang lại cho gia chủ nhiều may mắn, tài lộcCây phát tài có ý nghĩa mang lại cho gia chủ nhiều may mắn, tài lộc

Cây phát tài hợp mệnh gì, tuổi gì?

Vì là một nhóm cây cảnh với nhiều loại khác nhau, nên cây phát tài phù hợp với hầu hết tất cả mọi tuổi và mệnh.

Trong đó, những người thuộc tuổi Mão được cho là có các đặc điểm phù hợp nhất với nhóm cây phát tài, do đó nếu bạn thuộc tuổi Mão thì đừng bỏ qua việc sở hữu một cây phát tài trong không gian sống nhé.

Cách trồng và chăm sóc cây phát tài

Được biết đến là loài cây có khả năng thích nghi tốt, sống khỏe trong nhiều điều kiện kể cả môi trường thủy sinh, việc trồng và chăm sóc cây phát tài không quá phức tạp.

Tuy vậy, để cây có dáng đẹp, bạn cũng không nên quá lơ là việc chăm sóc.

Nhân giống

Nếu không muốn mua chậu cây có sẵn từ đại lý, bạn có thể tham khảo cách nhân giống bằng phương pháp giâm cành.

Từ bụi cây mẹ, bạn chọn ra một cành đã mọc dài, dùng dao sắc cắt cành ở ngay sát gốc, tỉa hết lá phía dưới.

Tiếp đó ngâm cành trong nước có pha dung dung dịch kích rễ rồi cắm vào chậu hay phần đất đã chuẩn bị từ trước, nếu trồng thủy sinh thì cắm cành vào chậu nước rồi cố định lại.

Chỉ sau vài ngày là cành sẽ bén rễ và sinh trưởng thành cây mới.

Nhân giống cây phát tàiNhân giống cây phát tài

Đất trồng

Đất để trồng cây phát tài không cần quá màu mỡ nhưng phải đảm bảo các tiêu chí như độ tơi xốp, khả năng thoát nước. Bạn có thể pha đất vườn với phân hữu cơ, mùn trấu để làm đất trồng. Nếu trồng cây trong chậu thì cần đảm bảo lỗ thoát nước, tránh ngập úng.

Trồng cây phát tài thủy sinh

Nếu trồng cây phát tài thủy sinh thì yêu cầu môi trường sống đơn giản hơn vì bạn không phải chuẩn bị đất. Thay vào đó chỉ cần chuẩn bị một chậu thủy tinh có kích thước phù hợp.

Nước trong bình chỉ cần là nước sạch, sau đó bạn hòa thêm ít dung dịch dinh dưỡng. Nước trong chậu cần đủ cao để ngập bộ rễ, phía dưới nên có sỏi để tăng tính thẩm mỹ và cố định rễ cây, tránh nghiêng đổ.

Ưu điểm là bạn không cần tưới nước, chỉ cần thay nước mỗi 1 hoặc 2 tuần một lần là cây sẽ sinh trưởng tốt.

Ánh sáng

Là loài có thể sinh trưởng tốt ngay cả trong điều kiện thiếu sáng, bạn có thể đặt cây phát tài ở nhiều vị trí trong nhà.

Tuy vậy, để màu sắc lá đẹp, tươi sáng và cây sinh trưởng tốt hơn thì bạn nên đặt cây ở gần cửa sổ, giếng trời, ban công, sân vườn để cây có thể tiếp xúc với ánh sáng nhiều hơn.

Tưới nước

Nhìn chung, việc tưới nước cho cây phát tài phụ thuộc rất nhiều vào môi trường sống và thời tiết, trời khô nắng thì tưới hàng ngày, trời ẩm ướt mát mẻ thì 2 – 3 ngày một lần.

Nhìn chung, bạn nên chú ý đến đất trồng, khi nào thấy đất khô thì tưới thêm, còn không thì chỉ cần lau lá cho sạch là được.

Khi tưới cũng chú ý không tưới quá đẫm, có thể khiến cây bị ngập úng nếu đất không thoát nước kịp.

Cây thủy sinh có cách chăm sóc đơn giản hơnCây thủy sinh có cách chăm sóc đơn giản hơn

Bón phân

Phát tài là loài có thể sinh trưởng trong môi trường khắc nghiệt, nhưng để cây sinh trưởng tốt thì bạn cũng không nên bỏ qua quá trình bón phân.

Về phân bón thì khá đa dạng, bạn có thể chọn phân hữu cơ, hoặc phân NPK, dung dịch dinh dưỡng nếu trồng thủy sinh. Cũng không nên bón quá dày, khoảng 3 – 4 tháng bón một lần là vừa đủ.

Cắt tỉa, phòng trừ sâu bệnh

Ngoài tưới tắm, bón phân, một công đoạn quan trọng không kém đó là cắt tỉa. Bạn nên thường xuyên quan sát, qua đó phát hiện cành lá hư thối, sâu bệnh để có biện pháp loại bỏ kịp thời, tránh tình trạng bệnh lan rộng. Cùng với đó là quá trình tạo dáng để cây có vẻ ngoài bắt mắt hơn.

Trên đây là tổng hợp thông tin về các loại cây phát tài cũng như cách trồng, chăm sóc chúng sao cho hiệu quả. Hy vọng bạn đã có cái nhìn chi tiết hơn về loài cây cảnh mang về tài lộc này.

You may also like