Ngày nay, trồng hồng an toàn từ các sản phẩm hữu cơ tự làm đang trở thành xu hướng được nhiều người yêu hoa chọn lựa. Với việc xuất phát từ nguồn gốc hữu cơ an toàn, đây sẽ là nguồn dinh dưỡng gần gũi mà cực kỳ hữu dụng cho cây. Các sản phẩm có thể kể đến như: phân đậu tương, GE gừng, dịch chuối, đạm cá,… Trong đó, tiêu biểu và ưa chuộng nhất có thể kể đến ủ dịch chuối. Vậy dịch chuối là gì? Dịch chuối tác động đến hoa hồng ra sao? Cách làm dịch chuối tưới hoa hồng thế nào? Hãy cùng Đặng Gia Trang đi tìm câu trả lời trong bài viết này nhé!
1/ Tác động của dịch chuối đến hoa hồng?
– Trong chuối có rất nhiều chất dinh dưỡng như vitamin nhóm B, C, khoáng chất như: Kali, Natri, các trung vi lượng và các hoocmon kích thích sinh trưởng rất cần thiết cho hoa hồng.
– Nhiều người đã dùng chuối bón trực tiếp vào gốc cây, nhưng cách làm này không hiệu quả vì chuối phân hủy khá lâu, cây hấp thu kém. Do đó phương pháp chế biến chuối thành dịch chuối để bón cho hoa hồng là cách tối ưu nhất.
– Dịch chuối sẽ giúp hoa hồng kích thích ra rễ, lá to, tăng sinh trưởng ngọn, giúp hình thành nhiều nụ hoa, hoa cho màu sắc rực rỡ và lâu tàn hơn.
– Ngoài ra, phun dịch chuối cũng giúp đưa vi khuẩn vào đất, ngăn chặn sâu bệnh và ngăn ngừa nấm cho hoa hồng.
2/ Những cách làm dịch chuối tưới hoa hồng phổ biến
Những phương pháp làm dịch chuối phổ biến hiện nay: đun sôi, ủ bằng chế phẩm sinh học EM, ủ lên men tự nhiên GE,…
– Phương pháp đun sôi: có ưu điểm là dễ thực hiện, thời gian nhanh nhưng có nhược điểm là làm mất dinh dưỡng trong chuối, hạn sử dụng ngắn, phải bảo quản trong tủ lạnh.
– Phương pháp lên men bằng chế phẩm EM: có ưu điểm là phân giải nhanh, giữ được dinh dưỡng trong chuối nhưng nhược điểm là phải bỏ thêm chi phí mua EM, đôi khi mua phải EM kém chất lượng.
– Phương pháp lên men tự nhiên GE: có ưu điểm là đảm bảo giữ được nhiều dinh dưỡng trong chuối, tăng cường nhiều vi sinh vật có ích, bảo quản đơn giản và hạn sử dụng dài hơn.
=> Cả 3 phương pháp đều có ưu nhược điểm riêng, trong đó phương pháp lên men tự nhiên GE là tối ưu hơn cả với cách làm đơn giản, tiết kiệm chi phí, không tốn công đun sôi mà còn đảm bảo được dinh dưỡng trong dịch chuối.
3/ Hướng dẫn cách làm dịch chuối GE
Phương pháp lên men tự nhiên GE (Garbage enzyme) sử dụng rác hữu cơ được Tiến sĩ Rosukon người Thái Lan nghiên cứu trong suốt 30 năm và đã đúc kết được công thức chuẩn. Thành phần không thể thiếu trong lên men GE là đường (mật rỉ đường, nước mía, đường đen, đường hoa mai,…), trong đó dùng mật rỉ đường là tốt nhất vì trong mật rỉ có hàm lượng đường khử cao, có khoáng chất (Na, Ca, Mg…), tinh bột, axit hữu cơ,.. là một nguồn đường giàu dinh dưỡng.
Thành phần ủ dịch chuối
Bước 1: Chuẩn bị
– Mật rỉ đường HLV: có giá thành vừa phải, đảm bảo an toàn và đặc biệt cung cấp lượng lớn dinh dưỡng nuôi vi sinh vật, giúp rút ngắn thời gian ủ.
– Chuối: chọn những quả chuối đã chín, cần phải rửa sạch quả, tránh bám bụi bẩn để đảm bảo không làm hỏng mẻ ủ. Cần cắt chuối càng nhỏ càng tốt hoặc xay nhuyễn để đẩy nhanh quá trình lên men.
– Nước: tốt nhất là lấy nước mưa, nếu dùng nước máy (cần để nước bay hơi Clo trước khi sử dụng).
– Một chai nhựa hoặc bình nhựa có nắp đậy kín.
– Chọn vị trí đặt chai/bình: nơi khô ráo và thông thoáng, tránh ánh nắng trực tiếp.
Bước 2: Phương pháp
– Cho các thành phần (mật rỉ đường, chuối, nước) đã chuẩn bị vào chai theo tỉ lệ 1:3:10 khuấy đều và đóng chặt nắp. Các vi sinh vật có trong môi trường sẽ lên men dung dịch và phân giải thành enzyme.
– Trong tháng đầu tiên, phải mở nắp thường xuyên và khuấy đều để giải phóng khí tích tụ trong bình. Đây cũng là lý do tại sao cần sử dụng bình nhựa/chai nhựa mà không nên dùng thủy tinh – vì bình thủy tinh sẽ vỡ khi bị áp lực lớn.
– Trong hai tháng tiếp theo thỉnh thoảng khuấy đều dung dịch.
– Sau ba tháng vi sinh vật sử dụng mật rỉ đường và phân giải hết chuối để tạo thành enzyme. Tiến hành lọc lấy chất lỏng cho vào chai nhựa để bảo quản và dùng dần, còn lại bã có thể dùng để bón gốc cho cây.
* Nhận biết một mẻ ủ dịch chuối bón hoa hồng thành công:
- Trong quá trình ủ, bạn sẽ thấy một màng váng trắng trên dịch chuối, đó chính nấm men và vi khuẩn có ích.
- Khi mở nắp chai ra sẽ có hương thơm, mùi chua ngọt của chuối lên men, mùi giống như rượu chuối.
- Màu sắc lý tưởng của dịch chuối đạt thường là màu nâu sẫm (nếu màu của dịch chuyển sang màu đen và có mùi hôi thối thì hãy thêm 1 lượng mật rỉ đường như ban đầu để lên men lại).
4/ Cách sử dụng dịch chuối tưới bón cho hoa hồng
– Pha loãng dịch chuối đã ủ theo tỉ lệ khuyến cáo 1:10.
– Phun đều dung dịch lên hai mặt lá, có thể dùng tưới cho thân và gốc hồng. Phun định kỳ 1-2 tuần/lần.
– Có thể dùng bón thúc ở giai đoạn ra mầm và bung nụ.
– Thời điểm tưới dịch chuối tốt nhất: vào sáng sớm (trước 9h) và chiều mát (sau 4h).
Ngoài lợi ích tuyệt vời đối với hoa hồng, dịch chuối cũng có hiệu quả rất cao cho các cây trồng khác. Hy vọng những chia sẻ của HLV sẽ giúp quý bạn đọc có thể chọn được cách làm dịch chuối tưới bón hoa hồng nhà mình. Chúc các bạn thành công!
HLV.vn
*Xem thêm:
- Mật rỉ đường là gì? Những ứng dụng của mật rỉ đường
- Bí quyết giâm cành hoa hồng cho tỷ lệ sống hơn 80%
- Top 6 giống hồng dễ chăm nhất cho người mới trồng
- Viên đất nung – giá thể trộn đất trồng hoa hồng lý tưởng