Từ lâu, hoa hồng đã trở thành loại cây trồng đam mê của nhiều người bởi nét kiều diễm và vô cùng tinh tế của nó. Nhìn chung, đây là loại hoa khá nhạy cảm với điều kiện trồng, vì vậy để bắt đầu trồng hồng bạn cũng cần nắm được những yếu tố cơ bản nhất cho sự phát triển của cây. Đó có thể là chế độ nắng, nước tưới, độ ẩm hay khoảng cách cây. Vậy hôm nay, hãy cùng SFARM điểm qua một số yếu tố quyết định đến sự thành công của việc trồng hồng nhé!
1/ Ánh nắng
Để hoa hồng có thể cho hoa đẹp và nhiều, 6 giờ nắng mỗi ngày là điều không thể thiếu. Trong đó, nắng sáng sẽ có hiệu quả hơn nắng chiều vì giúp lá khô nhanh và hạn chế được một số loại bệnh phát sinh. Đồng thời, nắng buổi sáng cũng ít sức nóng hơn buổi chiều nên không gây cháy lá và hoa, nhất là ở vùng khí hậu nóng.
Một khi thiếu nắng, hoa hồng sẽ phát triển khẳng khiu, thân gầy yếu, lá mọc thưa và không sai hoa như mong đợi. Vì vậy, khi nhận thấy cây có dấu hiệu thiếu nắng, cần di dời chậu cây đến nơi có nhiều nắng sáng, tỉa những cành ngăn sáng xung quanh cây hoặc sơn trắng tường và hàng ràng để chúng phản ngược ánh nắng vào cây.
Đặc biệt, vẫn có một số ít các loại hoa hồng có khả năng chịu bóng râm nhiều hơn. Cụ thể, chỉ cần khoảng 4 giờ nắng mỗi ngày là các loại hồng này đã có thể tươi tốt và cho hoa sai như mong đợi. Đó là các giống hồng như Xạ hương lai, hoa hồng tiểu muội và một số ít giống hồng leo.
2/ Nước
Hoa hồng là một loại hoa ưa nắng cho nên nhu cầu nước tưới cũng không hề ít. Mục đích tưới đủ nước cho hoa hồng là để giữ ẩm thường xuyên cho bộ rễ giúp rễ hút nước lên nuôi cây. Mỗi giai đoạn, thời kỳ phát triển, cây hoa sẽ cần một lượng nước nhất định.
- Sáng và chiều những hôm trời mát, lượng nước nuôi cây không cần nhiều.
- Vào giờ trưa, trời nắng gắt, nhu cầu nước của hoa hồng đòi hỏi rất cao.
- Trong những ngày nắng cây hoa hồng cần được cung cấp nước mỗi ngày.
Có hai cách thức tưới nước cho hoa hồng, một là tưới vào gốc, một loại phun nước vào mặt lá. Với hoa hồng thì có thể kết hợp cả hai.
3/ Độ ẩm
Khi không khí quanh cây quá ẩm ướt thì nguy cơ cây bị bệnh sẽ nhiều hơn do bị các bào tử nấm tấn công. Do đó, nên chọn nơi trồng có không khí thoáng đãng, lưu thông tốt. Nhưng cũng đừng chọn nơi có quá nhiều gió vì gió thổi nhanh khiến cây khô hết nước và ảnh hưởng trực tiếp đến hoa.
Ở những vùng khí hậu thường xuyên ẩm ướt, hạn chế trồng cây ở những nơi tường hoặc hàng dậu bao quanh sát.
4/ Khoảng cách với những cây khác
Vì hoa hồng đòi hỏi nắng, nước và chất dinh dưỡng nên phải trồng chúng cách xa với những cây khác. Khoảng cách trồng ít nhất vào khoảng 0,9 m với gốc những cây bụi lớn. Nếu được thì đừng trồng chúng ở gốc cây lớn hay nơi rễ của chúng phải tranh giành với rễ của những cây khác.
Nếu buộc phải trồng gần cây lớn thì trồng không được gần hơn nửa khoảng cách giữa thân cây lớn và cành vươn ra xa nhất. Tốt nhất là trồng hoa hồng ngoài vòm tán lá của cây lớn. Khi trồng hoa hồng gần cây lớn thì tỉa bớt những cành thấp của cây lớn để cho không khí thông thoáng và ánh nắng lọt qua nhiều hơn.
Có thể trồng hoa hồng xen kẽ với những cây bụi nhỏ khác như cây sống lâu năm, cây sống chỉ 1 năm, cây có củ và một số cây trồng phủ đất. Tuy nhiên, khi hoa hồng được trồng giữa những cây khác thì phải được tưới và bón phân nhiều hơn.
Khi trồng hoa hồng gần những tòa nhà hay hàng rào kín thì khoảng cách ít nhất 46 cm để cây có đủ không gian phát triển và thoáng khí. Ở những vùng khí hậu nóng, đừng trồng hoa hồng trước tường hay hàng rào sơn trắng vì ánh nắng và sức nóng sẽ phản chiếu lại trên cây. Tuy nhiên, ở vùng khí hậu mát và ít nắng thì phải thực hiện ngược lại để tăng sức phát triển của cây.
5/ Khoảng cách giữa hoa hồng với nhau
Một khu vườn trồng hoa hồng được bố trí lý tưởng thì những cây hoa hồng phải cách nhau vừa đủ. Cụ thể, khoảng cách giữa chúng không ảnh hưởng gì đến sự phát triển của từng cây hay quá gần để nuôi bệnh. Khoảng cách tốt nhất cũng phải tùy thuộc vào khí hậu trong vùng, loại hoa hồng cũng như sở thích ngắm hoa của người trồng.
Khi trồng các loại hoa hồng cổ dạng cây bụi sẽ thường thay đổi theo từng kích cỡ nên khoảng cách phải điều chỉnh sao cho phù hợp. Nguyên tắc chính là trồng chúng cách khoảng sao cho chúng có thể phát triển tốt theo chiều cao, cây cách cây từ 1,2 đến 1,8 m. Ở những vùng ấm hơn thì tăng thêm khoảng cách từ 15 đến 30 cm.
Cây leo trồng để uốn theo kiểu mọc ngang trên hàng rào, dù ở vùng khí hậu như thế nào thì cũng phải trồng cách nhau từ 2,4 đến 3 m. Còn cây leo trồng để uốn theo chiều thẳng đứng, hay trên chỗ ngồi mát dưới giàn cây, trên giàn hay tường thì trồng cách nhau 0,9 m để chúng mọc phủ đều.
Nhìn chung, năm yếu tố cơ bản nêu trên sẽ là tiền đề tốt để bạn bắt đầu trồng hồng một cách thuận lợi nhất. Tiếp theo điều bạn cần làm là chọn cho mình giống hồng phù hợp với khí hậu, cây giống khỏe mạnh, giá thể trồng chất lượng và cách chăm sóc riêng của từng loại hoa hồng. Chúc các bạn thành công và chiêm ngưỡng được những bông hoa tươi thắm nhất.
HLV.vn
*Xem thêm
- Cách chăm sóc hoa hồng dày cánh, khỏe cây
- Hoa hồng rễ trần phân loại và cách trồng hiệu quả
- Có nên thay đất cho hoa hồng?
- Cách xử lý lan mới mua về giúp cây sống khỏe mạnh