Home Kỹ thuật trang trại 5 nguyên tắc cơ bản của nông nghiệp hữu cơ

5 nguyên tắc cơ bản của nông nghiệp hữu cơ

by Học Làm Vườn

Nông nghiệp hữu cơ đang trở thành xu hướng và nhận được rất nhiều sự quan tâm từ người sản xuất. Đối với hình thức canh tác này, kỹ thuật và những yếu tố liên quan được kiểm soát chặt chẽ bởi 5 nguyên tắc lớn. Hôm nay, hãy cùng HLV tìm hiểu rõ hơn về 5 nguyên tắc cơ bản cần có trong canh tác hữu cơ nhé!

Nguyên tắc 1. Bảo toàn sinh thái trang trại/vùng sản xuất

  • Bảo toàn sinh thái trang trại/ vùng sản xuất bằng cách như:
  • Tăng cường sự đa dạng sinh học trong toàn bộ hệ thống trang trại;
  • Tăng hoạt tính sinh học của đất;
  • Duy trì độ màu mỡ lâu dài của đất;
  • Tái chế chất thải thực vật và động vật để trả lại chất dinh dưỡng cho đất, giảm thiểu việc sử dụng các nguồn tài nguyên không thể tái tạo;
  • Dựa vào các nguồn tài nguyên tái tạo trong các hệ thống nông nghiệp được tổ chức ở địa phương;
  • Thúc đẩy việc sử dụng bền vững đất, nước và không khí cũng như giảm thiểu tất cả các dạng ô nhiễm có thể phát sinh từ các hoạt động nông nghiệp.

nguyen-tat-nong-nghiep-huu-co

Các dạng ô nhiễm có thể phát sinh từ hoạt động nông nghiệp gồm: Những thiệt hại nghiêm trọng tới môi trường và sinh thái của vùng sản xuất, làm tăng độ mặn, làm nghèo dinh dưỡng đất, đất bị vón chặt, xói mòn, giảm tính đa dạng sinh thái trong đồng ruộng, suy kiệt mực nước ngầm,…bắt nguồn từ việc sử dụng hóa chất trong sản xuất nông nghiệp.

Chính vì vậy, bảo toàn sinh thái vùng sản xuất đồng nghĩa với việc không sử dụng hóa chất trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là thuốc trừ sâu và phân bón hóa học.

Bên cạnh đó, cải thiện đa dạng sinh học có trong vùng sản xuất, phong phú hệ sinh thái nông nghiệp tức là bảo tồn môi trường xung quanh và các loài thực vật địa phương đang có trong vùng.

Nguyên tắc 2. Làm phong phú hệ sinh thái nông nghiệp hơn

Nông nghiệp hữu cơ yêu cầu nông dân ý thức hơn về nỗ lực cải thiện mối cân bằng sinh thái và dinh dưỡng đất. Các nguyên tắc này tạo ra sự khác biệt rõ rệt giữa nông nghiệp hữu cơ với nông nghiệp tự do hóa chất hoặc “nông nghiệp an toàn” trước đây.

Cải thiện đất bằng các vật liệu hữu cơ và làm tăng tính đa dạng sinh học. Đất đai là yếu tố then chốt trong canh tác nông nghiệp hữu cơ. Việc làm cho đất màu mỡ hơn cho phép cây cối thu được dinh dưỡng một cách đầy đủ và cân đối, cây trồng khỏe mạnh để chống đỡ lại sâu bệnh hại, loại bỏ nhu cầu sử dụng thuốc trừ sâu. Ngoài ra, sản phẩm thu được có hương vị ngon, bảo quản tốt, tăng năng suất cây trồng.

Có nhiều cách để làm tăng đa dạng sinh học như xen canh, luân canh cây trồng, trồng cây to hoặc cung cấp những diện tích tự nhiên trong phạm vi hoặc xung quanh trang trại/vùng sản xuất.

Nguyên tắc 3. Làm việc với chu trình tự nhiên

Những tiến trình tự nhiên trọng yếu đối với nông nghiệp hữu cơ bao gồm

  • Chu trình dinh dưỡng (đặc biệt là chu trình đạm và các bon)
  • Chu trình thủy phân
  • Điều kiện khí hậu, ánh sáng
  • Mối quan hệ sinh thái và tính cân bằng (trong đồng ruộng và chuỗi thức ăn)

Các nguyên tắc của nông nghiệp hữu cơ được xây dựng dựa trên một nền canh tác bền vững phù hợp với quy luật tự nhiên. Ví dụ như điều kiện khí hậu, chu trình dinh dưỡng và sự năng động của các quần thể côn trùng. Nông nghiệp hữu cơ không lấy mục đích sản xuất cố đấu tranh lại với thiên nhiên, mà cố gắng học từ thiên nhiên và điều chỉnh hệ thống canh tác phù hợp với các phương pháp của tự nhiên.

Nguyên tắc 4. Ngăn ngừa sự ô nhiễm từ bên ngoài

Trong nông nghiệp hữu cơ cấm sử dụng hóa chất tổng hợp trong sản xuất, tuy nhiên ruộng sản xuất hữu cơ vẫn bị nhiễm bẩn từ sự ô nhiễm bởi môi trường xung quanh nơi canh tác. Nguồn ô nhiễm có thể có cả trong nguồn nước cũng như không khí hoặc ở ngay chính trong đất.

Vì thế, nông dân hữu cơ cố gắng tới mức tối đa ngăn ngừa sự nhiễm bẩn từ bên ngoài vào khu vực sản xuất của họ. Bên cạnh việc ngăn ngừa sự nhiễm bẩn từ bên ngoài, canh tác hữu cơ cũng quy định rằng nông dân phải hạn chế hoặc ngăn chặn sự nhiễm bẩn có thể xảy ra từ ngay quá trình sản xuất hữu cơ của trang trại.

Ví dụ như phải xây dựng một hệ thống chứa đựng xử lý rác thải nhà bếp và nước cống trước khi chúng được thải ra ngoài trại sản xuất. Bên cạnh đó, những vật liệu có thể bị nhiễm bẩn cũng bị cấm sử dụng làm vật đựng sản phẩm hữu cơ.

nguyen-tac-nong-nghiep-huu-co-2

Nguyên tắc 5. Tự cấp vật liệu sản xuất

Đối với các vật liệu đầu vào trong nông nghiệp hữu cơ như: phân bón hữu cơ, hạt giống, thuốc trừ sâu sinh học,… người canh tác nên tự làm ra tới mức tối đa. Tuy nhiên, trong trường hợp nông dân không có khả năng tự sản xuất đầu vào, nông dân có thể mua hoặc thu những vật liệu ở ngoài vùng sản xuất của mình, nhưng những vật liệu này nên sẵn có trong khu vực của địa phương.

Nhìn chung, để phát triển nông nghiệp một cách bền vững và hoàn toàn theo hướng hữu cơ, người canh tác nên bắt đầu thay đổi thói quen canh tác và áp dụng theo những nguyên tắc nêu trên. Đây sẽ là những bước đi cơ bản, tạo tiền đề dễ dàng hơn trong việc phát triển bền vững và đạt được chứng nhận hữu cơ.

HLV.vn

*Xem thêm:

  • Hiểu về phân bón hữu cơ
  • Hiểu đúng và đủ về nông nghiệp hữu cơ
  • Xu hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam
  • Kỹ thuật canh tác nông nghiệp hữu cơ
  • Ưu và nhược điểm của nông nghiệp hữu cơ

You may also like